Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

Mất Cha rồi

Vậy là đã một tuần con mất Cha. Một tuần Cha đi về cõi vĩnh hằng. Bao hụt hẫng và trống vắng. Những buổi chiều trước đây về cho Cha ăn cháo lúc 5h, bây giờ 5h con trở về và khi mở cửa bước vào là nhìn ngay di ảnh Cha trên bàn thờ. Không còn Cha để con chăm sóc thìa cháo, hớp nước. Đôi mắt cha vẫn hiền từ nhìn con...

Rượu, con uống triền miên, uống đê đâu óc mông lung, đê con không còn phải nghĩ, phải nhớ...

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2008

Bỗng dưng muốn ...quên

Chiều đi làm về muộn, đã qua chương trình thời sự của Truyền Hình Hà Nội. Con gái thấy bố về liền kể: “Bố ơi vừa rồi TV đưa tin các ông ở thành phố đến thăm nhà bạn Vân Anh đấy” Mình chợt lặng người và chỉ thốt được một câu: “Thế à?” rồi im lặng.

Một nỗi buồn chen lẫn xót xa từ đâu ùa về ngập đầy trong hồn. Chỉ biết im lặng không muốn nghĩ, hay nói bất cứ điều gì. Cô bé học lớp 7A trường THCS Bế Văn Đàn nơi con gái mình đang học. Đứa học ở tầng 1, đứa học ở tầng 2 (con gái mình học lớp 8A3) Cái buổi sáng ngày thứ Bẩy (01/11) mưa lũ định mệnh ấy đã cướp đi cuộc sống của Vân Anh. Vì sao cháu lại lội mưa đến trường để rồi khi biết trường nghỉ học cháu đã ra về và …ra đi mãi mãi…

Đêm thứ Sáu (31/10) gần một nửa thành phố mất điện, tối om trong màn mưa tầm tã, con gái cứ băn khoăn không rõ ngày mai nghỉ học hay vẫn học bình thường mặc dù buổi sáng hôm thứ Sáu mưa lớn nước đã tràn vào trường và các cháu đã được về sớm. (Hôm đó con bé lội nước trong mưa về bà nội và gọi điện báo để bố biết là đã về). Động viên con và bảo nếu mai còn mưa nữa bố sẽ cho con nghỉ.

21h30 điện thoại trên gác không hoạt động bởi dùng các máy cầm tay mà mất điện thì coi như bỏ. Mưa lớn và mất điện chẳng còn làm được việc gì khi chỉ ngồi trong ánh sang của ngọn nến mà nghe tiếng sấm chớp cùng tiếng mưa trút sầm sập ngoài sân nên mình đi nằm. Điện thoại ở tầng 1 đổ chuông, cũng là máy mẹ, máy con nhưng dòng điện thoai nội địa của Nhật dù không có điện vẫn hoạt động bình thường tuy tiếng có nhỏ đi. Chạy vội xuống nghe điện, một bé gái xưng tên nói học cùng lớp với con gái mình và báo là cô giáo dặn nếu mai trời mưa thì được nghỉ học. Mình cám ơn cô bé và lên gác nằm. Mưa vẫn trút dữ dội và không có dấu hiệu ngớt, mãi rồi mình cũng chìm vào giấc ngủ

Sáng khi chuông điện thoại di động báo thức, gọi con bé dậy, thấy trời vẫn đang mưa nên bảo con bé nghỉ học. Thấy con có vẻ băn khoăn mình bảo hôm qua có bạn M.Linh gọi điện báo nghỉ rồi, con bé nghe vậy mới thôi không bồn chồn nữa.

Ngày thứ Bẩy (01/11) nghe tin cô bé Vân Anh đến trường và khi biết nghỉ học quay về nhà đã ngã xuống đường cống thoát và bị nước cuốn đi mà mình thấy run hết cả người. Khổ thân con bé, tối thứ Sáu không ai báo cho cháu sao mà sáng thứ Bẩy trong làn mưa tầm tã và nước nghập mênh mông như vậy vẫn lặn lội tới trường? Chợt thấy lạnh người khi nghĩ đến có bao nhiêu đưa trẻ đã lặn lội tới trường sang hôm ấy, và nếu mình không có nhà hay chủ quan vẫn để con gái đến trường?

Mãi đến chiều tối Chủ Nhật (02/11) mới nghe tin đã tìm thấy xác con bé khi trôi theo dòng mương thoát nước và chỉ dừng lại khi mắc vào chân cầu.

Bữa cơm tối qua nhanh, bỗng nhìn lên TV thấy đưa tin cảnh chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lội nước đi thăm và tặng quà cho những nơi còn úng ngập ở quận Hoàng Mai trên địa bàn thành phố. Thật ra khu vực này vẫn nằm trong nội thành chứ đâu phải Hà Nội mới, vây mà đã gần một tuần bây giờ vẫn còn ngập. Nhìn cảnh Chủ tịch nước xắn quần lội nước bỗng dưng trong đầu xuất hiên ý nghĩ giá vào hôm thứ Bẩy hay Chủ Nhật vừa rồi thì không rõ TV sẽ quay và phát cảnh này như thế nào nhỉ?

Mai là thứ Sáu, vậy là gần một tuần hãi hùng đã trôi qua. Bỗng dưng mình muốn quên đi tất cả, quên đi một tuần trong mưa lụt, quên đi những gì đã nhìn, đã thấy, đã nghe, đã trải qua. Mình muốn không còn phải nhớ lại những hình ảnh ấy để đỡ…phải nghĩ, phải đặt những câu hỏi: Tại sao?

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2008

Lại xem bói cho vui

Sao Sư Tử (Leo, 23.7 đến 22.8) .

Lần trước đã xem về tính cách của những người sinh ra dưới chòm sao Sư Tử (chung) nhưng mình là đàn ông chắc phải khác với phụ nữ rồi. Vậy đàn ông sinh ra dưới chòm sao ấy có gì đặc biệt? Xem thế nào nhé:

Đàn ông cung Sư Tử

Chàng sẵn lòng làm duyên cả khi chỉ có mình bạn, cũng như khi gặp nhóm bạn bè, và chàng còn làm cừ hơn thế nếu đứng trước một cuộc họp - tức là càng đông người càng thích. Bởi vì khi đó chiêm ngưỡng chàng sẽ không phải chỉ dăm ba người lèo tèo, mà là những hàng trăm.

Sư Tử không phải như Xử Nữ và Người Mang Nước - những chàng vẫn giữ được vẻ lạnh lùng cho dù cuộc tấn công của các fan nữ có điên cuồng đến mấy. Thâm tâm của Sư Tử luôn hướng tới chuyện tình duyên, vì vậy không có gì dễ bằng việc lôi kéo anh ta lên giường. Những lời dịu dàng, ngập ngừng bên ngọn nến lung linh, gia vị thêm bằng ánh mắt khâm phục, và rắc thêm một chút ngợi khen - thế là chúa sơn lâm kiêu hãnh chẳng mấy chốc sẽ biến thành con mèo nhà của bạn. Khi đó, chàng sẽ ngưỡng mộ bạn vô cùng tận, đổ lên đầu bạn cơ man là hoa và quà, lôi bạn hết đi nhà hát lại du lịch dã ngoại, gửi vào điện thoại của bạn tới tấp những tin nhắn nồng nhiệt. Sự khởi đầu đầy hứa hẹn phải không? Nhưng tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó.

Sư Tử ghen khủng khiếp. Nếu bạn là của chàng thì phải là của chàng tất cả: thân thể và tâm hồn. Chàng sẽ quyết định thay cho bạn: mặc gì, để tóc thế nào, đọc sách gì, kết bạn với ai, và thời gian biểu mỗi ngày ra sao. Chàng sẵn sàng tra vấn, tại sao bạn có thể biến đi đâu mất suốt hai tiếng đồng hồ trong khi trước lúc đi bạn đã nói là sẽ trở về sau một tiếng bốn mươi lăm phút. Sau mỗi lần bạn nói điện thoại, câu đầu tiên của chàng gần như chắc chắn sẽ là: “Ai đấy?”. Nếu trong lúc làm bữa tối, bạn nhìn qua cửa sổ quá lâu, hoặc bạn chỉ đơn giản ngồi trong phòng ăn trầm ngâm nhìn xuống sàn nhà, là nhất định chàng sẽ hỏi, những ý nghĩ gì đang xâm chiếm tâm hồn bạn để đến nỗi bạn không thèm để mắt tới chàng suốt năm phút liền. Bạn đừng có bao giờ trả lời (dù là đùa) rằng bạn đang nghĩ về một người khác nào đó. Chàng sẽ không bỏ qua cho bạn. Còn nếu cái “người khác” đó tình cờ lại là người mà chàng quen, thì anh ta có thể sẽ không được chàng chào hỏi nữa. Thế đấy, cuộc sống gia đình của bạn với Sư Tử sẽ không chỉ phủ đầy hoa hồng.

Nếu trong quan hệ của bạn với Sư Tử có được sự mềm dẻo, dịu dàng, trìu mến để trấn an được mọi bùng nổ xúc cảm, thì sẽ là tốt nhất.

Lấy chồng Sư Tử, bạn khó có khả năng tạo dựng được sự nghiệp riêng. Chàng không cho bạn làm điều đó.

Chồng - Sư Tử thường tốt tính và phúc hậu. Nếu bạn tôn trọng chàng, chàng sẽ rất hào phóng và chiều chuộng. Nếu bạn ngưỡng mộ chàng, rất nhiều khả năng là chàng sẽ không bao giờ phản bội bạn (vốn tính biếng nhác, chẳng hơi đâu săn đuổi mấy con mèo trong khi ở nhà đã có con Sư Tử cái của mình).

Tất cả các ông chồng Sư Tử đều có một ưu điểm mà thời nay là của hiếm: họ có “đôi bàn tay vàng”. Nếu công tắc đèn trong nhà bị hỏng, hay vòi nước ở bếp bị chảy, hay xe của bạn khó nổ máy, hãy nói với Sư Tử của bạn, chàng sẽ lao đi sửa chữa ngay. Và điều đáng nói là: chàng chữa được. Công tắc đèn lại bật tắt được, vòi nước hết rò rỉ, xe lại khởi động dễ dàng… Sử tử làm những việc đó không mấy khó khăn, thậm chí có phần hứng thú. Bây giờ bạn đã hiểu rằng chồng bạn là một báu vật chưa?

Đàn ông Sư Tử rất dễ bị ấn tượng trước cái đẹp. Vì vậy, dù đã có gia đình, họ vẫn không thờ ơ mỗi khi bắt gặp một khuôn mặt xinh đẹp. Nếu bạn không gây những cảnh ghen tuông, không tán chuyện với người khác để trả đũa, ngược lại bạn vẫn yêu thương dịu dàng với chàng như trước, thì chàng sẽ không bao giờ đi theo bóng hồng khác. Tính vốn hơi ích kỷ, chỉ quan tâm bản thân, Sư Tử đôi khi có thể cư xử không tế nhị lắm. Nhưng khi hiểu rằng đã làm người khác đau, nó không thờ ơ bỏ đi, mà cố gắng “liếm” cho lành vết thương mình gây ra.

Đàn ông Sư Tử có một ảo tưởng mà họ không sao khắc phục được. Họ thường lập gia đình với những phụ nữ thua kém mình về nhiều mặt, với hy vọng rằng “cô bé tội nghiệp” sẽ mang ơn suốt đời. Nhưng không ít lần thực tế cho thấy là các “cô bé” đó đã khéo léo tước đoạt quyền lực từ tay Sư Tử để trị vì trong gia đình. Chúa sơn lâm tội nghiệp rất phiền lòng về điều đó, nhưng không hiểu sao sớm muộn lại tiếp tục yêu thích những “cách hoa khiêm nhường”.

Có một điều đáng ngạc nhiên là gia đình Sư Tử thường rất ít con. Một con, hoặc thậm chí không con, có trường hợp Sư Tử bỏ gia đình con cái mà đi. Bù lại, Sư Tử là những người cha rất nồng hậu với con cái và thường được chúng yêu mến suốt đời.

Tóm lại, nếu bạn đồng ý với vai trò “thủ phó” trong gia đình và xây dựng (hoặc tỏ vẻ xây dựng) cuộc sống của mình theo sơ đồ mà Sư Tử vạch ra, bạn sẽ được yêu chiều nâng niu. Thêm nữa, điều không kém phần quan trọng, công tắc đèn, vòi nước, xe máy và mọi thứ khác trong nhà bạn sẽ luôn chỉnh trang và hoạt động ngon lành. Một thoả hiệp không đến nỗi tồi phải không?

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2008

Lỗi hẹn một mùa Thu Hà Nội

Một người bạn nhỏ từ phương Nam nơi chỉ có hai mùa mưa nắng nhắn tin hỏi tôi khi đọc entry về mùa Thu. Mùa Thu ở HN bắt đầu từ tháng mấy và kết thúc khi nào. Cô bạn nhỏ ấy vốn là người gốc Bắc nên vẫn muốn được sống trong cái tiết Thu HN, cái mùa Thu đã từng làm say lòng bao người phương Nam và luôn hiện diện trong thơ văn và âm nhạc.

Tôi trả lời mùa Thu bắt đầu từ tháng Tám và kết thúc vào tháng Mười, cô bé hỏi ngay sao hôm em ở đó chẳng cảm nhận được chút gì về mùa Thu cả. Biết trả lời sao với em bây giờ khi em chỉ có mặt ở HN có một ngày đầu tháng 9. Buổi sáng hôm trước em ngồi xe máy lạnh chạy ra Hạ Long, hôm sau quay về HN vào lúc 17h. Phố xá đông nghịt xe cộ, chỉ ngửi khói xăng xe máy thôi đã ngạt thở rồi, những dòng người cuồn cuộn trong giờ tan tầm, mươi phút ngoài đường rồi phải vào nhà hàng ăn tối ngay để em còn kịp ra sân bay cho kịp giờ.

Làm sao cảm nhận được mùa Thu HN trong cái khoảng thời gian ngắn ngủi đó. Muốn cảm nhận được mùa Thu HN phải chậm rãi lang thang trên những con phố, nếu đi bằng xe máy cũng được nhưng chậm thôi. Những con phố như Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng...rợp bóng cây và vắng vẻ, nhìn những chiếc lá xà cừ hay lá sấu rơi nhẹ trong gió và đùa cợt đuổi nhau trên mặt đường...

Muốn cảm nhận rõ ràng nhất thì phải ra Hồ Tây để nhìn mặt nước hồ mênh mông sương khói trong bóng chiều, nhìn những chiếc thuyền với từng đôi đang nhẹ nhàng trôi trên mặt hồ đang dần tím lại...

Để rồi tối muộn sẽ lang thang qua phố Nguyễn Du với hồ Hale thơ mộng đang nồng nàn hương hoa sữa và ngồi nhâm nhi ly càphê ấm áp nhìn phố xá về đêm...

Còn nhiều, rất nhiều điều nữa sẽ giúp em cảm nhận hết vẻ huyền ảo của mùa Thu HN. Đã lỗi hẹn với mùa Thu năm nay. Thu HN vẫn chờ em...

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

Lời giã biệt của mùa Thu

Thời học PTTH (lúc đó là cấp III) tôi rất thích mùa Thu, không giống như thời học THCS (cấp II) thích mùa hè vì được nghỉ hè, không phải đến trường, được đi chơi, về quê tắm sông và mò cá, chăn trâu, thả diều…Chắc khi vào PTTH là lúc đã lớn, đã biết bâng khuâng, xao xuyến trước một ánh mắt hay nụ cười của người bạn gái cùng lớp. đã biết ngượng ngùng xấu hổ khi cầm tay bạn gái trong lúc múa hát tập thể…

Những rung động đầu đời bắt đầu nảy nở và vì thế mình yêu mùa Thu. Thủa học trò lãng mạn và vì thế hay làm thơ. Những vần thơ tuy chưa hoàn chỉnh hay còn vụng về nhưng tràn đầy những cảm xúc trong sáng:

“Tôi gửi bạn tôi một nụ cười/ đẹp như muôn vạn áng mây trôi/ Đẹp như nắng cả trời Thu ấy/ Giọt thành từng giọt đốm sân chơi…”

Những năm tha phương khi nhớ về quê hương tôi hay nhớ tới mùa Thu và trong lời mở đầu của những bài thơ xa xứ tôi đã viết:

“Trong bốn mùa nơi quê hương tôi rất yêu thích mùa Thu. Mùa Thu không có những ngày mưa phùn ẩm ướt như mùa Xuân, không có cái nóng nung người, những cơn mưa rào tầm tã như mùa Hạ, không có cái rét run người hay hanh khô như mùa Đông. Mùa Thu của những ngày mát mẻ, của những chiều lá đổ và những hoàng hôn mênh mông sương khói. Mùa của những buổi chiều thơ mộng có những cặp tình nhân dìu nhau trong hoàng hôn. Mùa con người tìm đến với con người…”

Những bài thơ tuổi học trò, hay trong những năm tháng xứ người, dù trên trang báo tường hay trong tập tin in rônêo của ĐSQ VN tại TK cũng đều viết dưới một cái tên Hoài Thu. Nhớ về mùa Thu. Nhớ về những kỉ niệm êm đềm dịu nhẹ thời hoa niên hay nhớ về quê hương lam lũ mà yêu thương…

Trời Hà Nội mấy hôm nay bắt đầu chuyển mùa. Đã hết cái nóng gay gắt, nắng đã bớt chói chang, chỉ một sắc vàng dịu nhẹ. Đã có những đợt không khí lạnh tràn về. đêm ngủ đã phải đắp một tấm chăn mỏng…Mùa Thu sắp đi qua…

Chợt nhớ một ngày Thu nào đó ở trời Âu khi chuẩn bị rời thành phố Chomutov, chia tay các bạn đã gắn bó trong mấy năm để chuyển đi nơi khác làm việc tôi đã viết những vần thơ chia tay. Tôi ra đi như mùa Thu vừa hết để rồi thay thế là một mùa đông hay như những tình cảm dịu dàng của chúng tôi đã lùi xa và thay vào đó là hoang lạnh khi không có nhau…

Mai Thu đi rồi còn chút nắng vàng đây.

Xin gửi lại nơi chốn này thương mến

Mai Thu đi rồi mùa đông dài sẽ đến,

Phút lạnh lòng ai chợt nhớ về Thu?


Ngọn núi, dòng sông và sương mù,

Thu chẳng thể mang theo mình tất cả.

Chỉ có những chiều vàng lá đổ,

Và mắt buồn là Thu sẽ mang đi.


Đừng giận gì Thu, nếu chỉ vì

Chiều Thu ấy chợt thấy lòng lạnh lẽo.

Thu đã xa rồi xin hãy hiểu

Thu cũng buồn, cũng giận, cũng thương yêu.


Dù cho Thu có gom nắng bao nhiêu

Cũng không thể cháy nồng như mùa Hạ

Nhưng Thu không phũ phàng băng giá

Không buốt lòng như sắp tới: Mùa Đông.


Mai Thu đi rồi dù thương nhớ hoài mong

Cũng chẳng biết đến khi nào hội ngộ.

Thu chẳng muốn mình trở thành xa lạ,

Với những gì Thu gắn bó, yêu thương.


Mai Thu đi rồi đừng trách giận Thu nghe

Nếu có lỗi xin rộng lòng lượng thứ.

Khi từ tạ nói ngàn lời chưa đủ

Một tấm lòng Thu gửi lại nơi đây

Một thời đã qua, một bài thơ đã xưa. Nhưng hôm nay khi thấy mùa Thu đang gần qua, bóng hình ai đó đang gần gũi mà bỗng dần xa…Nhớ đến lạ lùng, nhớ đến quay quắt…

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2008

Cho những người nằm xuống

DSC06186

Tối thứ Sáu (26/9/2008) điện thoại cố định đổ chuông. Bốc máy và alô. Đầu dây bên kia hỏi tên, mình vâng và hỏi ai đó. Anh tự giới thiệu là đồng ngũ của anh trai mình và bảo: Ngày mai (27/9) E 95- F 325 ( Trung đoàn 95 – Sư đoàn 325) tổ chức gặp mặt những đồng đội đã chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Em có thể thì đến dự và biết đâu tìm được ai đó biết thông tin về anh trai em.

Mình vâng và hỏi anh địa điểm, anh nói ở khách sạn Khăn Quàng Đỏ gần sân Quần Ngựa. Buổi gặp mặt sẽ bắt đầu từ lúc 8h30. Mình hứa sẽ đến.

Buổi sáng có chút việc nên mình chưa đi ngay, hơn nữa cũng nấn ná một chút đợi qua lúc đầu của buổi lễ. Gần trưa mình đến. Khi dừng xe trước cổng khách sạn hỏi người bảo vệ, anh chỉ chỗ cho mình để xe và chỉ vào hội trường.

Qua cánh cửa kính mình thấy thẳng cửa là tấm phông lớn với những dòng chữ:

GẶP MẶT ĐỒNG ĐỘI E 95 – F 325 CHIẾN ĐẤU TẠI QUẢNG TRỊ

LẦN THỨ HAI – HÀ NỘI NGÀY 27/9/2008

Mình chợt nghĩ chắc các anh chọn những ngày này vì 36 năm trước đây những ngày cuối tháng 9/1972 này kết thúc 81 ngày đêm trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Đẩy cửa bước vào, mình hỏi một anh ngồi ở cái bàn gần nhất về Ban tổ chức, các anh hỏi có việc gì đồng thời gọi một người tới. Mình tự giới thiệu và nói có người anh trai là lính E95 đã hy sinh tại Quảng Trị mùa hè 1972, muốn tìm xem có ai biết thông tin gì về anh mình không.

Các anh kéo ghế bảo mình ngồi và quay ra hỏi nhau có ai ở C11 – D6 ở đây không (Đại đội 11 - Tiểu đoàn 6 là đơn vị của anh trai mình). Trong lúc các anh đi hỏi nhau mình ngồi im lặng quan sát. Hơn 100 người có mặt đang ngồi quanh các dãy bàn. Hầu hết tóc đã bạc, những khuôn mặt phong sương, khắc khổ. Đa số quần áo giản dị, nhiều anh còn quá tuềnh toàng. Những gương mặt còn in dấu vết của chiến tranh mặc dù nó đã lùi xa hơn 30 năm. Không có những gương mặt hả hê, những cái bụng béo phệ và dáng đi bệ vệ mà mình hay thấy ở các buổi tiệc tùng mà đôi khi mình phải tham dự. Những gương mặt như thế này mình vẫn thấy thường xuyên trong đời sống thường nhật, khi thì trên chiếc xe ba bánh tự chế đang chuyên chở hàng, hay gương mặt nhẫn nại của người xe ôm chờ khách, gương mặt của những người cha trong bộ quân phục cũ đứng nơi cổng trường chờ đón con trong kì thi đại học…Một cái gì đó rất đỗi thân quen trong cuộc đời.

Có thể một số nhỏ nào đó trong các anh cũng đã thành đạt, đã đảm nhiệm các chức vụ nào đó và thường mang trên mình bộ comlê, hay những bộ quần áo sang trọng khác. Nhưng hôm nay ở đây không có. Các anh quá đỗi giống nhau như bao người bình thường khác trong cuộc sống.

Các anh rót rượu và bảo mình uống. Trên mặt bàn chỉ có những chai Vodka Hà Nội loại mạnh trong như nước mưa. Ly rượu cay nóng rát cổ để chúc sức khoẻ các anh.

Anh cán bộ quân lực ngày xưa cầm đến cho mình một tập danh sách những người lính của E95 đã hy sinh để mình kiểm tra các thông tin về người anh trai xem có chính xác không.

Tên anh đây (dòng cuối của trang bên phải). Số thứ tự 544 trong 1196 người lính của E95 đã ngã xuống trong lịch sử tồn tại của trung đoàn. Mọi chi tiết đều đúng cả. Các anh gọi được vài người C11 cùng với anh mình nhưng khi hỏi thăm thì tất cả đều vào Thành cổ sau khi anh mình đã hy sinh nên không ai biết thông tin gì.

Mình nhìn tập danh sách và chợt lạnh người khi nhìn những con số và làm nhanh một phép tính. Chỉ có chưa đầy 3 tháng của mùa hè 1972 thôi trên chiến trường Quảng Trị riêng E95 (F325) đã có 493 người lính đã ngã xuống (Quân số một E chừng 800 người). Một con số xót xa. Thảo nào báo chí Sài Gòn và phương Tây thời đó đã gọi Thành Cổ Quảng Trị là Cối Xay Thịt Người và mùa hè 1972 là Mùa hè đỏ lửa hay Mùa hè máu…

Ly rượu vodka tràn đầy nữa để nén đi một tiếng nấc, để ngăn những giọt nước mắt không tràn qua bờ mi…

Những ly rượu trong như nước mắt, nước mắt của những người còn sống ngồi đây khóc cho những người đã ngã xuống...

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2008

Mình là gì đây?

. Sao Sư Tử (Leo, 23.7 đến 22.8) .

Đóng blog lại. Chỉ mình với mình thôi, định chẳng viết gì nữa nhưng buồn quá lại viết vậy.

Buồn lên cứ hay nghĩ vẩn vơ. Nhiều chuyện làm đầu óc mình cứ rối tung cả lên. Đúng là số khổ như con Trâu. Mà thực ra mình có khổ như con Trâu đâu nhỉ? Con Trâu khổ do phải cày bừa suốt ngày, còn mình có phải làm nhiều đâu nhỉ, mình chỉ nghĩ nhiều thôi. Chắc chỉ khổ Tâm thôi. Mà đúng như thế thật. Mình có cái khổ mà người ta cứ bảo là sướng, đó là được nhiều phụ nữ thích (may quá vợ chẳng bao giờ đọc blog của mình cả). Còn bao nhiêu nỗi khổ khác khi nghĩ quá nhiều. Vậy mình giống con gì nhỉ?

Theo tử vi phương Tây mình sinh ra dưới chòm sao Sư Tử. Vậy xem số phận mình như thế nào đây:

Leo - Sư Tử (23/7 - 23/8)

Sư Tử là chúa của muôn loài. Cho nên người cùng tên với nó cũng muốn chiếm vị trí như vậy đối với các cung Hoàng đạo khác. Trong cử động của Sư Tử là sự hoà trộn làm một giữa tính nhanh nhẹn đặc biệt và vẻ uể oải của vua chúa. Sư Tử căm ghét bóng tối và sự cô đơn, đồng thời luôn mừng rỡ tiếp nhận những lời mời tham gia các cuộc vui chơi.

Hầu hết Sư Tử bộc trực và tự trọng. Hãy thử không quan tâm đúng mức đến họ, hãy thử gây một tổn hại nào đó cho họ, thì từ một con mèo dịu dàng trước mặt bạn bỗng sẽ là con thú cao ngạo, dữ tợn với bờm dựng đứng và tiếng gầm rú ghê gớm.

Hình thức của những người sinh trong chòm sao Sư Tử, nam cũng như nữ, có gì đó giống như “đồng loại” chúa sơn lâm của mình. Họ thường có mái tóc bồng, hơi xù, râu nhiều. Mắt Sư Tử thường sẫm màu, tròn, đuôi mắt hơi cao lên (mắt Sư Tử), ánh mắt dường như uể oải. Dáng đi thẳng và kiêu hãnh, với cách di chuyển mềm mại như mèo. Ở phụ nữ vẻ kiều diễm lười nhác thường đi đôi với sự đa cảm thầm kín. Giọng nói của Sư Tử cũng chậm rãi như cử động của họ.

Sư Tử rất thích làm trung tâm chú ý của mọi người. Sư Tử (vốn coi mình là thông minh nhất) rất thích dạy bảo người khác. Vì thế nhiều người sinh cung Sư Tử chọn nghề giáo viên, chính khách, hoặc tư vấn tâm lý...

Sư Tử quả là rất biết cách tìm hiểu và giải quyết những rắc rối, éo le trong cuộc sống của người khác, nhưng cuộc sống của chính mình thì không thể nói là tự thu xếp được. Tuy nhiên, thử nói điều đó ra, bạn sẽ thấy họ giận bạn ghê gớm như thế nào. Còn nếu bạn khen ngợi, họ sẽ là những người bạn tuyệt vời. Không có cung Hoàng đạo nào mà sự nịnh khen lại có tác động mạnh như với Sư Tử.

Sư Tử vô cùng nhạy cảm với những gì mà người khác nghĩ về họ. Không có cách nào chiếm được cảm tình của Sư Tử tốt bằng lời khen.
Sư Tử rất tinh tường và năng động. Họ không bao giờ tốn phí thời gian cho những kế hoạch và dự án vô căn cứ. Sư Tử là người tổ chức, nhà lãnh đạo tuyệt vời.

Bản chất hào phóng của Sư Tử thể hiện rõ nét nhất là khi họ đãi khách đến nhà. Đồ ăn, đồ uống rất nhiều và ngon, phòng ốc được dọn dẹp và bày biện chu đáo, đông đảo đàn ông danh giá, đàn bà xa hoa - những điều đó làm cho bữa ăn tại nhà Sư Tử không khác gì đại tiệc trong hoàng cung.

Sư Tử không thể hình dung sự tồn tại của mình mà không có tình yêu. Cả cuộc đời của họ dường như chỉ xoay quanh tình yêu. Hễ gặp một người thuộc cung Sư Tử, y như rằng người đó hoặc là vừa cưới, hoặc đang chuẩn bị làm điều đó vào tháng tới, hoặc đang yêu đương cuồng nhiệt, hoặc vừa chia tay với người tình... Tuỳ thuộc vào tình trạng yêu đương của mình, họ lúc thì rạng rỡ như mặt trời, lúc thì ủ rũ đau thương, như thể ngày mai sẽ phải chết. Khi Sư Tử chia tay người yêu hoặc vợ (chồng) mình, lòng kiêu hãnh của nó bị tổn thương đến mức tưởng chừng đời đến đó là tàn. May thay, mọi chuyện rồi cũng qua khỏi. Sư Tử sớm làm lành với người yêu hoặc vợ (chồng), hoặc tìm được một tình yêu mới và lại hạnh phúc rạng ngời. Chuyện cãi nhau - làm lành như thế trong đời Sư Tử chỉ như cơm bữa thường ngày. Vì thế, rất hiếm thấy người sinh trong cung Sư Tử mà lại sống độc thân, cô quả.

Sư Tử, vốn bản tính mạnh mẽ, thường không thích bị phụ thuộc, dựa dẫm vào ai cả. Ngược lại họ rất thích có người khác phụ thuộc vào mình. Đôi lúc Sư Tử có thể cằn nhằn rằng phải làm việc đầu tắt mặt tối trong khi những người xung quanh chỉ biết há miệng chờ sung. Thực tình, vai trò như vậy rất hợp lòng Sư Tử. Cứ thử ngỏ ý giúp Sư Tử bớt việc, anh ta sẽ giận dữ từ chối. Nhưng nếu đề nghị Sư Tử ra tay cứu giúp, anh ta sẽ vui lòng làm tất cả những gì có thể. Lòng hào hiệp là tính cách đã ngấm trong máu của Sư Tử.

Với tiền bạc, Sư Tử cư xử rất thoải mái, đôi khi quá thoải mái. Vì thế, không ít lần Sư Tử đứng bên bờ vực phá sản, nhưng luôn tìm được cách cải thiện tình thế. Sư Tử ngưỡng mộ tất cả những gì gọi là đẳng cấp cao, xa xỉ và đắt tiền. Để vui thú, Sư Tử sẵn sàng tiêu
hoang cả một gia tài. Sư Tử thích làm những cử chỉ đẹp. Nếu bạn cần vay tiền, hãy tìm đến Sư Tử, hiếm khi họ từ chối.

Trước các thử thách, nguy nan, Sư Tử không bao giờ lùi bước, luôn sẵn lòng cứu giúp kẻ khác. Lòng quả cảm là bản chất của Sư Tử. Người sinh ở cung này, làm bạn thì trung thành hiếm có, làm kẻ thù thì rất đáng sợ.

Sư Tử là một cốt cách sáng tạo, tích cực, mạnh mẽ, nhân ái và rực rỡ. Kim loại hợp với Sư Tử là vàng, còn loại đá mang lại hạnh phúc cho họ là topaz.

Đọc xong chẳng thấy khổ ở đâu cả. Chợt nhớ hôm trước cầm tờ tạp chí TGPN mà mấy cô bạn hay đọc cũng thấy mấy dòng như sau:

“ Những người có ngày sinh ở cung Sư Tử hay có kĩ năng tổ chức giỏi và tổ chất của một nhà lãnh đạo. Có óc sáng tác, khả năng thực hiện các kế hoạch quan trọng, táo bạo và luôn gây được ấn tượng sâu sắc với mọi người. Đôi khi điều này có thể trở thành độc đoán và kiêu ngạo. Nên cố gắng hiểu rằng những nhu cầu và ước muốn của người khác cũng quan trọng như bạn. Sẽ bất ngờ khi nhận ra rằng lòng vị tha đáng quý biết bao nhiêu.”

Thôi rồi đôi lúc cũng thấy mình kiêu. Nhưng còn khổ thì chẳng biết mình giống Trâu hay giống Sư Tử đây?

Cứ hay tự hỏi thế này thì khổ là phải.

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2008

Con đò

Có nhiều người đã nói với mình sao lại trọn cái ava này, trông nó thật buồn, hoang vu và hiu quạnh...Không biết giải thích (hay không muốn?) vì muốn giữ riêng cho mình cái ý nghĩa của nó. Mới đây có một người bạn nhỏ cũng nói tương tự như mọi người và mình đã giải thích. Cuộc sống là vậy bộc lộ mình nhiều quá thì càng bị lộ "gót chân Asin".

Vào blog của một người bạn chợt thấy một entry về con đò. Copy lại dán vào của mình để cho ai đó đọc và hiểu thêm một chút về con đò...Mặc dù entry này chưa nói hết được những điều khác nữa về con đò, nhất là con đò của mình. Cám ơn người đã viết entry này.

(Copy từ blog Green Spring)

Có người nhắc nhớ tôi đến hình ảnh những con đò của quê hương tôi: Một con đò làm bằng gỗ thô, vô cùng mộc mạc, giản đơn, trôi nổi trên sông nước từ ngày này qua tháng nọ... Con đò ấy làm việc bất kể ngày đêm chỉ vì nó muốn thu hẹp khoảng cách của 2 bến bờ. Nó muốn mang con người đến cho con người. Nó hạnh phúc khi chứng kiến sự đoàn tụ. Nó khóc khi phải đưa tiễn người xa người. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, nó cũng hoàn thành trách nhiệm của nó - 1 cầu nối lưu động. Rồi đến khi không còn khả năng vật lộn với sông nước, nó nằm 1 nơi nào đó nơi có dòng sông nó thương yêu, ngắm nhìn dòng chảy bất tận và những con đò hậu duệ vẫn tiếp tục nối đuôi nhau kế thừa công việc cao cả của 1 con đò.

Người ta từng ví von người thày giáo như người lái đò. Ông hiểu rõ về con đò và người đi đò. Mong muốn của ông là đưa những người khách đi đò an toàn đến điểm đích. Ông đưa đi, đón về hàng mấy trăm lần ông không hề biết vì ông không bao giờ đếm những chuyến đò của ông vì ông cho đó là 1 sự thừa thãi. Ông miệt mài làm việc trên con đò và tận tụy với tất cả những người khách qua sông. Đối với ông con đò như chính là cuộc sống của ông. Con đò mang ông đến với con người và cũng mang ông xa con người cũng như quy luật bất tận của cuộc sống: Hạnh phúc luôn đan xen với khổ đau, nụ cười song hành cùng nước mắt... Ông chấp nhận tất cả một cách hết sức tự nhiên như hơi thở của mình...

Dẫu rằng có mấy khách qua đò nhớ đến con đò đã giúp đưa bước chân họ đến những nơi họ muốn? Dẫu rằng có mấy ai hiểu được những nỗi niềm của ông lái đò, có mấy ai có thể cho ông 1 đốm lửa trong những đêm giá rét...? Nhưng dù thế nào đi nữa, ông vẫn chung thủy với con đò, với dòng sông, với con người vì 1 điều đơn giản: Ông là ông lái đò

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2008

Những ai đọc lá thư này?

Tình cờ đọc được lá thư này, vẫn biết rằng nó đã là một bài viết nổi tiếng trên thế giới nhưng không hiểu đã có bao nhiêu người (nhất là những thầy cô giáo) đã đọc và suy ngẫm về nó để rồi từ đó rút ra bài học cho mình trong việc dạy dỗ một thế hệ trẻ.

Kính gửi thầy…

Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này. Rằng, không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết: Cứ mỗi kẻ vô lại ta gặp trên đường phố, thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực. Bên cạnh một chính trị gia ích kỉ sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm.

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta sẽ tìm thấy một người bạn. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết; nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với năm đôla nhặt được trên hè phố…

Xin hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kị. Xin dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác là những kẻ dễ bị đánh bại nhất…

Xin hãy dạy cho cháu biết đến thế giới kì diệu của sách…nhưng cũng để cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thủa của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bong hoa nở ngát bên đồi xanh.

Ở trường xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi. Xin hãy tạo cho cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, cho dù tất cả những người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó là không đúng…

Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hoà nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chạy theo thời thế.

Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới Chân Lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp mà thôi.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã…Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.

Xin hãy dạy cho cháu có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ được để cho ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình. Xin hãy dạy cho cháu biết ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét…và đứng thẳng người bảo vệ lẽ phải.

Xin hãy đối xử với cháu dịu dàng, nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu, bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên những thanh sắt cứng rắn. Hãy giúp cháu có can đảm biểu lộ sự thiếu kiên nhẫn và có đủ kiên nhẫn để biểu lộ sự can đảm.

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng, cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.

Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình…con trai tôi là một cậu bé tuyệt vời.

ADAM LINCON

Cựu tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kì

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

Về với lời ru

Thôi! Tìm học ở tiền nhân
Để không còn phải phân vân giữa đời.
Buồn vui, sướng khổ kiếp người
Trọn đời day dứt những lời mẹ ru.

Nẻo đường xa thẳm sương mù
Thiện lương thoáng chốc bay vù về đâu?
Lời ru để mãi ngày sau
Yêu thương cho dẫu bạc đầu thời gian.

Mẹ gầy tóc bạc gian nan
Thân cò lặn lội vận sang cuộc đời.
Mẹ ơi đâu tiếng ru hời?
Cho con đứng được giữa đời đảo điên.

Cho con giấc ngủ bình yên
Quên đi dối trá, xỏ xiên, lọc lừa.
Danh lợi người bán và mua
Con đành tìm đến... lời ru ngày nào
.

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2008

Một nén nhang viếng Anh

Mai là ngày giỗ anh (20.7 AL) rồi. 36 năm đã trôi qua, nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng bố mẹ và chúng em. Em ngồi viết những dòng này mà không biết mình nghĩ gì nữa. Không biết người ta có báo chính xác không, chỉ biết đồng đội của anh bảo năm ấy anh hy sinh sau rằm tháng Bẩy khoảng 4 – 5 hôm gì đó. Ngày 27/7 và ngày giỗ anh đồng đội vẫn đến thắp hương cho anh.

Em vẫn tin ở thế giới bên kia anh nhìn thấy tất cả. Anh vẫn đâu đó quanh đây, bên cạnh bố mẹ và chúng em. Khi giò lan của anh trổ hoa là lúc anh về báo tin mừng. Năm nay cả mấy giò lan của anh không có giò nào ra hoa cả. Bố đã yếu nhiều, chưa biết còn trụ được bao lâu. Có thể anh vẫn đang cố gắng phù hộ cho bố mẹ được ở thêm bên cạnh chúng em chứ bố mẹ trên tám, chín mươi rồi, biết lúc nào đây. Bao người cùng thời đã về với đất từ lâu.

Có thể nhiều người không tin có một thế giới khác, thế giới của linh hồn, nhưng em vẫn tin có nó, không phải đôi khi trong cuộc sống có những điều trùng lặp khó lí giải, hay những giấc mộng lạ kì gặp lại trong đời thực. Em vẫn nhớ rõ việc người bạn trẻ NTH ở trung tâm Marin cả tháng trời trục trặc không post được "Thư gửi người đã khuất" em viết cho anh lên trang web "Nhắn tìm đông đội", ngày H post lên được đúng vào ngày anh hy sinh (28/8 DL) để sau đó H viết một entry "Có hay không những chuyện tâm linh". Khoa học đôi khi cũng chưa giải thích được nhiều điều trong cuộc sống. Em tin mà không cần phải tìm hiểu xem tại sao mình tin.

Sau hôm xin phép bố mẹ đặt bát hương cho anh ở nhà mình, như sắp một nơi chốn cho anh nghỉ lại ở nhà em mỗi khi từ đơn vị trở về, buổi đêm em mơ đi làm về lên phòng tìm anh nói chuyện. Căn phòng nhỏ vắng vẻ. Không có anh. Cái giường vẫn còn vương hơi ấm như anh vừa ngủ dậy và chạy đi đâu đó. Chăn màn gấp gọn vuông vức như một khối thuốc nổ, cách gấp chăn của những người lính. Em tin anh đã về ở trong nhà em khi từ Quảng Trị về thăm lại quê hương, gia đình. Vợ em và các cháu cũng tin có bác trong nhà.

Tháng 7/2007 trước khi vào Quảng Trị thắp hương cho anh, em đã có một giấc mộng mà sau khi đi về em không biết lí giải thế nào.

Đêm đó em thấy mình vào QT tìm mộ anh, có người chỉ ở chỗ kia kìa, em đã ra đó, đang ngơ ngác tìm kiếm, chợt ngoảnh lại và thấy một doanh trại bộ đội ở gần ngay phía sau, có hai cậu lính trẻ măng đi ra và nói: “Chú ơi! Ở đây các bác, các chú ấy hy sinh nhiều lắm, tan nát hết cả. Đôi khi chúng cháu đào móng nhà, bể nước hay làm vườn cũng gặp hài cốt. Nếu còn nhiều thì đưa ra nghĩa trang, còn ít thì cũng đành để lại. Trong cái ụ đất đắp đằng kia có nhiều thứ của các chú ấy lắm”. Em nhào theo tay chỉ, lao vào bới cái ụ đất ấy. Bới đến mức các đầu ngón tay toé máu với hy vọng tìm được chút gì đó của anh nhưng chỉ thấy đây đó những chiếc dép đúc, cái bi đông bẹp rúm hay những mảnh vụn của những khẩu AK47, những mảnh vải Tô Châu, thứ vải may quân phục của các anh lem nhem máu và bùn đất…Đang bới trong tuyệt vọng bỗng có một bàn tay vỗ vào vai em. Ngoảnh lại. Trời ơi! Anh. Với gương mặt rất buồn, anh bảo em đừng cố tìm kiếm làm, gì tan nát hết rồi. Em giật mình mở mắt. Trong ánh sáng lờ mờ của căn phòng ngủ em vẫn nhìn rõ từng đồ vật, tủ, ti vi, và ánh sáng chỗ cửa ra cầu thang, anh đứng ngay đầu giường nhìn em. Không, không phải ở Quảng Trị, mà anh đứng đây, ngay trong căn phòng này…

Em đã vào Quảng Trị sau ngày ấy cùng với nỗi day dứt giấc mơ mang lại. Mấy anh em vào Bảo tàng Thành Cổ thắp hương cho các anh xong, theo lời đồng đội anh dặn nơi anh ngã xuống khoảng 1000m từ cây cầu sắt xuôi hạ lưu và cách mép sông khoảng 200m, chúng em đã ra khu vực ấy thắp hương và thả hoa xuống sông viếng. Lúc lên bờ ngồi uống nước, em quay mặt nhìn ra sông, bỗng nhiên có một cái gì đó làm em chợt quay phắt lại, và nhìn về phía sau: Một doanh trại bộ đội ngay sau lưng, bên kia đường với tấm biển nền đỏ chữ vàng và vọng gác, đúng lúc đó từ trong cổng bước ra hai người lính…Em run hết cả người, và trong giây phút ấy em biết anh nằm đâu đó ngay chỗ em ngồi, nhưng đã hoà tan trong đất…

35 lần giỗ anh, 36 năm rồi anh vẫn 18 tuổi. Xót xa, day dứt anh ơi. Không một nấm mộ, chẳng một chút gì còn lại trên cõi đời này. Anh cũng như bao người lính đã ngã xuống, dù có bao người cũng còn nấm mộ với dòng chữ LIỆT SỸ VÔ DANH nhưng mãi mãi là những điều mơ hồ. Em chợt nhớ câu thơ: “…Chết không còn tuổi đã đành/ Cái tên mẹ đặt cũng thành khói mây/ Biết hồn xanh cỏ xanh cây/ Vô danh vẫn cứ đắng cay lòng mình” ( Thơ NHQ)

Một nén nhang thắp cho anh, cầu cho linh hồn anh thanh thản…

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2008

Nhớ Anh


Bài thơ này viết đã 24 năm khi đang còn trên đất Czech, nhân ngày mất của anh. Ngày đó tôi vẫn nghĩ rằng anh cũng như những người lính khác có một nấm mộ mà đồng đội đắp cho. Nhưng sự thực…

Anh đã xa rồi bao nhiêu năm
Chẳng ai biết được chỗ anh nằm.
Ai vun nấm đất nơi anh nghỉ?
Nhắc nhở em dùm nơi anh đi.

Mười hai xuân rồi buổi tiễn anh,
Mang vội vã màu xanh áo lính
Ba lô mới đời không suy tính
Nhẹ nhàng đi theo tiếng gọi đời trai.

Anh ra đi xây đắp một ngày mai
Ngày đẹp nhất anh về trong chiến thắng.
Anh ra đi nhà thêm trống vắng
Mẹ già trông khi tàn nắng những buổi chiều

Lũ em anh dẫu thương nhớ anh nhiều
Vẫn chưa hiểu đời anh nhiều gian khổ.
Qua hết rồi thời bom rơi đạn nổ
Anh không về bố mẹ mất người con.

Còn lại đây mảnh giấy, dấu son
Cái bằng chứng nói rằng anh đã mất.
Ai hiểu nổi một điều rất thật
Anh không về lũ trẻ lại không tin.

Ở giữa ngàn cây anh lặng im
Mãi yên ngủ với kiếp đời xanh cỏ.
Anh không về như ngày nào đó
Qua nhà thăm trong binh phục bạc mầu.

Mẹ già thêm đau xót u sầu
Con trai mẹ còn đâu ngày trở lại.
Lũ em anh còn đang thơ dại
Vĩnh biệt anh mà ngơ ngác giữa đời.

Anh kính yêu ! Vậy đã mấy năm rồi
Anh nằm xuống mà chưa yên giấc ngủ?
Cuộc đời nghèo làm sao no đủ
Bố mẹ già phải gắng sức nuôi em.

Giữa đời bon chen lũ em còn thơ dại
Có vấp hoài khi vắng mất người anh?
Hãy ngủ yên anh cho cỏ xanh
Trên ngôi mộ nếu có người đắp hộ.

Ngủ đi anh! Trần ai không nợ
Bầy em anh vẫn trong sạch giữa đời.
Mẹ già anh đôi lúc nở cười
Khi hạnh phúc đến muộn màng gõ cửa.

(Czech – 1984)

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2008

Say

Cốc này thêm cốc nữa
Uống đi cho mình say
Cho mây sà xuống đất
Sao trời thấp thế này?
(Khổ thơ này có mượn ý thơ của thi sỹ Nguyễn Bùi Vợi )

Cốc này rồi cốc nữa
Hôm nay giống hôm qua
Tưởng thế nào hoá ra
Lại mấy thằng “bi tít”
(cách gọi vui chỉ đệ tử Lưu Linh)

Ồ thương thay con vịt
Bị chúng nó vặt lông
Om sấu và ninh măng
Vẫn còn cười há mỏ.

Này! Vốt ka chai nhỏ
Chén này rót chưa đầy.
Hôm nay rượu, thịt cầy,
Hấp, rồi và rựa mận.

Riềng tươi và húng, xả
Rồi rau ngổ, lá mơ
Trước một mâm cầy tơ
Ơ! TUẤT ăn thịt CHÓ

Cốc tao đây, mày đó
Trăm phần trăm dô nào.
Mình nói chuyện tầm phào,
Hay là bàn thế sự?

...........
( Ở đây có bỏ đi hai khổ thơ )
..........

Thôi kệ cha chúng nó
Trăm phần trăm đi nào.
Uống đi! Uống nhiều vào
Để quên đời quên hết.

Để mai kia có chết
Cũng thanh thản vô tư
Không như lũ vịt khờ
Bị vặt lông còn sướng.

Không như loài cầm thú
Đang ăn thịt lẫn nhau.
Ngẫm lại chỉ chúng đau
Chỉ riêng ta là… sướng.

Vùng biển kỉ niệm

Ra Đồ Sơn chẳng phải để tắm biển hay hóng gió, du lịch gì, chỉ là một việc không đi thì “kẹt”. Cái bãi biển này trong hai mươi năm nay cũng đã ra dăm bẩy lần chỉ khi có việc gì đó hoặc rỗi rãi bạn rủ thì đi chơi cho vui. Trong kí ức của mình thì biển Đồ Sơn có khá nhiều kỉ niệm. Đây là bãi biển mà lần đầu tiên trong đời mình đặt chân đến. Hơn 10 tuổi đầu được ra biển cùng với bạn, mình đã háo hức biết bao.

Cả tuổi thơ từ bé đến lúc ấy chỉ biết đến con sông Hồng đỏ nặng phù sa hay những ao hồ trước nhà hay ở quê nội. Cuộc sống của cả gia đình, cả đất nước (Miền Bắc) khi đó còn đói nghèo, người công nhân phải là lao động xuất sắc hay phải chờ vài năm mới được tiêu chuẩn ra đây nghỉ vài ngày thì một đứa trẻ như mình khi tự bỏ tiền gom góp được để ra đây cùng bạn đã là một cố gắng lớn

P1020514

Lần đầu đến với biển cái đầu óc trẻ thơ như mở ra trước mênh mông trời nước. Vẫn là bãi biển ấy, vẫn là nước biển đỏ quạch mầu phù sa do các con sông của hệ thống sông Hồng Và sông Thái Bình đổ ra, những con sóng đôi khi đem theo cả những đám lục bình, cùng với vỏ những quả dừa mà người ta ném xuống biển bị sóng đẩy ngược vào bờ. Vậy mà ngày ấy tôi đã mê mải tắm suốt ngày bất kể trưa nắng gay gắt.

Cũng nơi này đây khi thời sinh viên mấy đứa cả trai và gái rủ nhau đi ra đây chơi, mình đã nhận được sự chăm sóc ân cần của cô bạn cùng lớp khi buổi sáng ngủ dậy đã thấy một chậu nước máy mát rượi cùng khăn mặt, bàn chải đánh răng để sẵn ngay trên hiên nhà trước cửa phòng. Thời ấy người ta xây những cái nhà nghỉ hay khách sạn đâu đã có toilet riêng biệt khép kín như bây giờ. Khu nhà nghỉ của chúng tôi là những dãy nhà một tầng mái ngói, cách đó khá xa là khu nhà tắm, wc với cái bể nước xây to đùng, muốn đánh răng rửa mặt thì ra đó. Sự ý tứ chăm sóc của người bạn gái đã làm mình thích thú bao nhiêu thì sau này nghĩ lại mình cũng vô tâm chừng ấy khi không hề biết rằng ẩn chứa trong sự chăm sóc ân cần và dịu dàng ấy là một tình yêu lặng lẽ.


P1020717

Ngồi nghịch cậy những con hà bám trên các tảng đá mà chợt cười vu vơ khi nhớ về năm nào cô bạn học đi tắm bị hà cứa đứt chân, vết cứa thì nhỏ chỉ dớm máu thôi nhưng nước biển mặn làm cho thêm xót và cũng để làm nũng bạn cô ấy đã phụng phịu bỏ tắm ngồi một mình để ai bối rối.

Cũng bãi biển này đây khi mới trở về từ trời Âu, suốt mấy tiếng đồng hồ mình ngồi cùng người yêu cũ trên hiên nhà khách 21 nhìn ra biển thi thoảng mới nói với nhau một câu. Hai đứa rủ nhau ra đây chưa trọn một ngày trời chỉ để cho trọn một điều ao ước của thủa yêu nhau là cùng nhau đi biển. Vậy mà khi ai cũng đã có gia đình, có con mới thực hiện được ước ao đơn giản đó nhưng lúc đó ở bên nhau mà lòng ngập đầy những xót xa vì đã mất nhau.

Xa quê hương nhiều năm, khi trở về những người bạn gái xưa tất cả đã “yên bề gia thất”. Mình cũng chẳng ra đây để tắm biển nữa, những bãi biển Trà Cổ, Cát Bà, Sầm Sơn, Cửa Lò hay những bãi biển xanh ngắt của miền Trung đã làm cho mình không một lần nào tắm lại nơi bãi biển đầy kỉ niệm này. Nhiều lần ra chơi trong lúc những đứa bạn đang mải mê tìm vui trong vòng tay của các “tiếp viên” thì mình ra bãi biển ngồi chỉ để trầm ngâm nhìn biển hay thả bước bên những hàng dừa nhìn những con sóng từ đâu đó ngoài khơi xa lắc như những kỉ niệm thân thương của một thời bồng bột từ sâu thẳm trong kí ức thi nhau tràn về đập vào tâm trí như những con sóng vỗ vào bờ đá tung bọt trắng xoá.


P1020512

Đêm Đồ Sơn, gió thổi nhẹ và không khí mang theo vị mằn mặn của nước biển cũng như vị tanh của hải sản. Trời nhiều mây và lặng gió, vầng trăng cố gắng ngoi ra khỏi đám mây xám như để chứng minh sự hiện diện của mình cho ai đó biết rằng nơi chốn này luôn có Nguyệt, Hoa. Ngồi trên bờ đá ở Bến Thốc nhìn ra biển, bên phải trong màn đêm vẫn có thể nhận ra chữ số 21 màu đỏ trên nóc nhà khách 21 (Nhà khách TW Đảng). Màn đêm như che giấu hay đồng loã với một điều gì đó trong cả quá khứ và hiện tại. Bây giờ đêm của Đồ Sơn hầu như chỉ còn là đêm của vui thú với hàng nghìn khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng với đầy rẫy các em đủ loại (rất nhiều em tuổi teen) nhiệt tình chiều khách.

Bến Thốc, cái địa danh quá quen thuộc. Đây là nơi trong những năm của thập kỉ 60 (thế kỉ 20) khi màn đêm buông xuống những con tầu không số đã nhận vũ khí, nguỵ trang thành những con tầu đánh cá không cờ, không số hiệu từ đây đi ra hải phận quốc tế và vào miền Nam theo một con đường trên biển mà sau này được gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Điểm đến của con đường này là nhiều vùng biển phía Nam mà trong đó Vũng Rô là nơi ghi dấu nhiều huyền thoại. Trong chuyến đi Nha Trang lần trước mình đã qua Vũng Rô, tiếc rằng khi đó đã là buổi tối lên không chụp được bức ảnh nào về nơi ấy. Những năm cuối 70 đầu thập kỉ 80 cũng từ vùng biển này đêm đêm bao nhiêu con người từ các tỉnh châu thổ sông Hồng lén lút về đây lên những con thuyền đánh cá mỏng manh, bỏ lại sau lưng quê hương, gia đình, bạn bè… để ra đi tìm đến một bờ bến mới như bao nhiêu người dân Việt khác trên suốt dải đất này. Những n
gười ra đi đó được lịch sử gọi tên là thuyền nhân (boat people).


Buổi sáng trở dậy đi ăn sáng và sau đó ra bến thuyền đi ra đảo Hòn Dáu (hay Hòn Dấu vì ngay tại cầu tàu của đảo có hai tấm biển của hai cơ quan khác nhau, tấm bên phải đề Hòn Dáu, còn tấm bên trái đề Hòn Dấu. Thôi dùng đúng theo cách gọi của người dân ở đây) Nơi đó có ngọn hải đăng với cả một bề dầy lịch sử. Ngồi trên thuyền dù biển lặng nhưng con thuyền vẫn dập dềnh theo từng lớp sóng, trồi lên trụt xuống trong cái trạng thái như người say.Người chủ thuyền nói rằng hôm nay biển lặng, vậy mà chỉ gần nửa giờ thôi vẫn thấy mệt vì cảm giác tròng trành. Nhìn lại bờ trong sóng nước dập dềnh và chợt nghĩ những thuyền nhân dời bỏ quê hương ra đi khi nhìn lại dải đất quê hương qua mênh mông những con sóng họ đã nghĩ gì? Vào thời điểm ấy hầu hết họ ra đi về đêm, trong quá trình trốn chạy quê hương với nỗi sợ hãi mấy người dám quay đầu nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn. Bao nhiêu thuyền nhân trên cả đất nước này đã đến được những vùng đất mới, bao nhiêu người đã nằm lại trong lòng biển sâu làm mồi cho cá? Theo số liệu ước tính của Cao Uỷ LHQ cề người tị nạn (UNHCR) thì có khoảng gần một triệu người đã đến được các quốc gia khác và cũng khoảng vài trăm nghìn người đã nằm lại trong lòng đại dương mênh mông (số liệu người chết không thể thống kê chính xác).


P1020710

Nhiều năm sau những thuyền nhân đã ra đi ngày ấy khi đã ổn định cuộc sống trên xứ người họ đã nhớ lại những ngày tháng hãi hùng trong hành trình của mình và nhớ đến bao nhiêu đồng bào mình đã bỏ mạng trong hành trình ấy. Họ dựng lên các tượng đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam ở Đức, Mỹ. Úc, Canada… hay như những tượng đài trên chính các trại tị nạn tạm thời ở Galang (Indonexia) Bidon (Malaxia)… Có bao nhiêu người đã từng là thuyền nhân đã từng vượt qua sóng gió, bão biển, hải tặc…để rồi sau này họ lại là nhân vật chính của bộ phim Vượt Sóng (Journey from the Fall – Hành trình từ sự sụp đổ)? Họ là chứng nhân cho một trang sử đau thương của dân tộc này.


P1020711

Ngọn hải đăng này được xây dựng từ thời Pháp thuộc trên biển sau đó nó không được sử dụng nữa và người ta bỏ hoang khi xây mới một ngọn hải đăng trên đảo hòn Dáu. Khi sắt thép phế liệu có giá những người dân quanh đây đã ra đây cắt, phá, nhặt nhạnh tất cả những gì có thể bán được và kết quả chỉ còn trơ lại một cái chân tròn xoe của ngọn đèn biển.

P1020729

Đây là ngọn hải đăng Hòn Dáu. Những năm cuối thập kỉ 60 đầu 70 Mỹ ném bom miền Bắc và phong toả cảng Hải Phòng ngọn đèn biển này đã bị đánh sập hoàn toàn, nhưng để cho tầu thuyền vẫn có thể định hướng và cập cảng biết bao nhiêu người công nhân đã bám tru trong các hầm ngầm trên đảo đêm đêm vẫn bật sáng lên ngọn đèn soi đường cho các con tầu cập cảng Việt Nam. Buồn thay những năm cuối thập kỉ 70 đầu thập kỉ 80 nó không chỉ soi đường cho những con thuyền cập cảng mà còn là mốc để bao nhiêu con thuyền đêm đêm ra đi và người trên thuyền nhìn lại ngọn hải đăng này chỉ với sự xót xa vì bỏ quê hương, đất nước.

P1020734

Ra cầu tàu để trở về đất liền mà lòng ngập tràn các kỉ niệm của hơn ba mươi năm ùa về.

Trên đường thiên lí 3 Nha Trang - Đà Lạt

Con đường từ Nha Trang lên Đà Lạt đang được cải tạo. Mất khoảng 30km đầu đường cũ và nhỏ chạy quanh co qua những làng xóm
IMG_2487

Đến khi lên đến vùng núi đá con đường được mở ra rộng và phẳng nhưng quanh co, uốn khúc. Dấu vết mở đường hãy còn mới, vách đá chưa kịp rêu phong.


IMG_2492

Chẳng mấy chốc đã đến độ cao 1000m so với mặt biển. Không khí bên ngoài chỉ dịu mát chứ không se lạnh. Nếu thả bước lãng du trên những nẻo đường như thế này…


IMG_2498

Con đường mới mở như nhỏ đi để bám vào vách đá cheo leo.


IMG_2495

Trên phần đất Khánh Hoà hầu hết chỉ là núi đá. Phía trước hiện ra một vách đá phẳng, dấu tích của nước mưa chảy trên đá để lại thành vệt, nhìn xa như có nước chảy.


IMG_2500

Sắp hết phần đất Khánh Hoà, con đường vẫn uốn lượn quanh co nhưng rừng đã dầy hơn.


IMG_2501

Độ cao thấp dần và cao nguyên Lâm đồng đã trải rộng mênh mông phía trước. Những rừng thông với mầu xanh non tươi mát cứ mở ra mãi. Tôi thấy lòng mình như nhẹ đi. Bất chợt một ý nghĩ hiện đến trong đầu: Giá mình được làm cơn gió lang thang qua những vách đá hoang sơ, hay làm áng mây hờ hững trôi trên những cánh rừng, quên đi những thành phố xô bồ, ồn ào và bụi bặm


IMG_2506

Đã vào đến địa phận thành phố Đà Lạt qua vài con đường nhỏ mà hai bên toàn những khu vườn được bao bằng nylon trắng trồng hoa hoặc rau, bất chợt hồ Xuân hương đã hiện ra trước mặt,. Khoảng không gian và hồ nước trong xanh đã làm cho bao mỏi mệt của mấy trăm cây số đường biến mất, lòng thư thái trở lại và thấy thích thú thành phố này khi lần đầu đặt chân đến.


3

Về khách sạn và nghỉ ngơi rồi ăn trưa, thực đơn có rất nhiều rau và quả thật ai cũng ngon miệng vì rau ở đât thật tuyệt vời. Khách sạn nằm trên triền dốc và trông sang một cái quán được xây dựng theo một phong cách của một ngôi nhà vùng nông thôn nước Pháp, có cánh quạt của cối xay gió. Quán có tên là Moulin Rouse nằm kề bên Saigon- Đalat hotel.


IMG_2512

Nghỉ ngơi một lát và điểm đầu tiên đi thăm là thác Cam Ly. Vé vào cửa 5000VND, vừa đi xuống chụp bức ảnh chữ Camly được làm phía bên kia sườn đồi đã thấy một mùi khăn khẳn khó chịu bốc lên.


IMG_2515

Đến gần bên suối có mấy con ngựa đứng nhởn nhơ chờ du khách có nhu cầu thuê ngựa cưỡi để chụp ảnh. Mấy chàng trai trông giữ ăn mặc như những chàng cao bồi miền tây nước Mỹ nhưng lại pha chút gì đó của thổ dân da đỏ.


IMG_2521

Lại gần chụp ảnh thác, không thể chịu nổi cái thứ mùi khăn khẳn ấy nữa vì nó càng nồng nặc. Trông nước trong ảnh trăng trắng thế thôi chứ thực tế nó vàng nhờ nhờ và bốc mùi không chịu nổi. Đó chính là nước cống thành phố. Xuống phía dưới khi phẳng lặng nó tạo lên những váng bọt còn dầy hơn bọt xà phòng.


IMG_2526

Vội vã rời khỏi thác, bỏ lại ở chân Camly quá nửa cảm tình với thành phố này lúc đầu, cũng may khi đi qua các con phố Quang Trung hay Hoàng Văn Thụ thấy những hàng thông, những ngôi biệt thự nằm trong yên ắng cảm giác khó chịu ấy cũng vơi đi phần nào.


IMG_2535

Vườn hoa thành phá»
‘., tá»± nhiên có cảm giác sẽ thất vọng khi nhìn cái cổng chào được lắp dá»±ng bằng cây cảnh và hoa xÆ¡ xác quá. Hình nhÆ° khá lâu chúng chÆ°a được chăm sóc. Vé vào cá»­a cÅ©ng 5000.


IMG_2537

Toàn cảnh vườn hoa với đài phun nước và đường dạo hai bên. Công viên chiều Đà Lạt trong một chiều mây xám đang đùn lên từ phía Tây.


IMG_2540

Cái giàn này chắc được để treo phong lan, nhưng chẳng thấy một giò phong lan nào mà toàn những chậu nhựa trồng một loại cây gì đó trông như những quả thông xanh. Thực tế là cũng có hoa ở những khu đất trong công viên, chúng được trồng thành bãi. Một ít Cẩm tú cầu, Mimoza hay Forget me not...


IMG_2548

Chụp một bông hồng trong dăm ba bông của khu vườn hồng xơ xác,. Bông hoa gợi nhớ những kỉ niệm gì?


Một đêm nào đó trong ngày xa xưa khi 18 tuổi đã nhảy vào vườn hồng trước cửa Lăng Bác hái trộm một bông hồng đỏ tặng người yêu mà bất kể hậu quả khi người ta bắt được ra sao.

Một ngày nào vài năm sau đó trên đất nước Trung Âu xa xôi lang thang trong công viên nhìn những bông hồng như thế này mà lòng đắng cay chua chát khi vừa đọc thư nhà mà biết rằng người yêu mình trong mối tình đầu đời (cũng mang tên loài hoa này) nơi quê nhà đã “lỡ bước sang ngang”.

IMG_2528

Qua Hồ Than Thở, muốn biết xem cái không gian của những người thất tình nó ra sao. Ngay cửa người ta đặt ngay một tảng đá được làm thành tấm biển: Di tích lịch sử văn hoá thắng cảnh Hồ Than Thở Công ty TNHH Thuỳ Dương. À hoá ra là cái công ty ấy nó đấu thầu quản lý kinh doanh cái di tích ấy rồi. Bán vé, thu tiền và để người ta không nhầm cái hồ Than Thở ấy với cái ao nào đó nên phải dựng biển để biết và xác lập chủ quyền. Trông mấy con nai giả đứng cạnh cổng mà buồn cười.

IMG_2529

Một ngôi nhà có vẻ cũ kĩ rêu phong trong thưa thớt một khỏang rừng thông

IMG_2534

Nhưng chỉ một khoảng rừng thông ít ỏi đó thôi, phía sau đó đã lộ ra cả một triền đồi được bao bọc bằng vô vàn những nhà nylon trắng xoá để trồng hoa hay trồng rau. Một khoảng nước con con còn xót lại để vẫn được gọi là hồ.

IMG_2559

Dinh Bảo Đại hay dưới thời Ngô Đình Diệm nó còn được gọi là “Biệt điện Lệ Xuân”. Vé vào cửa 8000VND. Ở Đà Lạt có vẻ sẵn ngựa, trong khuôn viên khu dinh này cũng có ngựa cho thuê cưỡi để chụp ảnh.

IMG_2557

Trên đường trở lại khi đi qua nhà thờ thành phố, một đồng nghiệp nữ của tôi (theo đạo Thiên Chúa) nhờ chụp cho hai mẹ con cô ấy bức ảnh trước cổng nhà thờ. Tôi dừng lại. Đây là toà giáo đường của câu hát: “…Quỳ bên em trong góc giáo đường, tiếng kinh cầu đẹp mộng yêu đương…”

IMG_2555_edited

Chiêù Đà Lạt bỗng trở gió, mây kéo về và trời sẫm dần. Bên hồ Xuân Hương hàng trăm con diều đủ mầu sắc bay cao trên bầu trời. Nhìn chúng tôi chợt nhớ đến một câu nói của Winston Churchil: “Chính vì ngược gió, chứ không phải theo chiều gió mà những con diều bay lên cao”.

IMG_2565

Bá»—ng dÆ°ng thấy buồn, ngồi uống café trong khách sạn nhìn ra con dốc quanh co và chợt nhá»› đến câu hát: “Đường quanh co quyện gốc thông già, chiều Ä‘an tay nghe nắng chan hoà…”. Bây giờ Đà Lạt càng ngày càng mất dần sÆ°Æ¡ng mù, vẫn còn những con phố, những hàng thông nhÆ°ng hình nhÆ° nó Ä‘ang mất dần Ä‘i cái gì đó mà vì nó mà những nhạc sỹ trong hai thập ká»· 60, 70 đã nảy sinh biết bao cảm hứng để sáng tác cho đời những ca khúc sống mãi vá»›i thời gian. Từ dÆ°á»›i chân dốc Ä‘i lên có hai cô gái Đà Lạt xinh đẹp tay cầm bó hoa hồng vàng, cố đợi đến gần để có thể chụp được bức ảnh cả khuôn mặt. Khi thấy tôi giÆ¡ máy hai cô gái bất ngờ quay mặt và bÆ°á»›c nhanh qua đường. Vậy là trong bức ảnh cÅ©ng nhÆ° trong tôi chẳng có bóng hình má»™t cô gái xinh đẹp nào của thành phố Tình YÃ
ªu.

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2008

Lời gọi Bác

15h30 04/8/2008 đang tà tà chạy xe trên đường Nguyễn Thái Học thì thấy phía bên ngoài một đầu xe ba bánh (loại tự chế từ xe hai bánh) đang vượt lên, nhìn ngang biết ngay là xe của mấy anh thương binh bởi kiểu cách không lẫn vào đâu được và bao giờ nó cũng có một cái huy hiệu thương binh và con số 27-7. Hơi lán vào phía trong cho chiếc xe ấy vượt lên, lòng thầm nghĩ từ trước tới giờ có tương đối nhiều những chiếc xe như thế này chở hàng hoá và đôi khi chở cả người và chạy hơi ngang tàng lên tránh gọn vào là tốt.

Chủ nhân của những chiếc xe đa phần là những thương binh (tất nhiên cũng có trường hợp mạo nhận). Nhiều người lính bị thương trở về sau cuộc chiến, không có nghề nghiệp và không đủ thời gian đi học một cái nghề gì đó đã phải lao ngay vào công cuộc mưu sinh, khi có thể họ đã sắm chiếc xe như thế này để chở hàng thuê kiếm sống. Trên gương mặt các anh có nét gì đó na ná giống nhau, một chút phong sương, một chút lạnh lùng và đôi lúc bất cần… Đôi khi các anh có phạm luật CSGT cũng phải giả vờ làm ngơ vì đã nhiều vụ những người lính “nộ khí xung thiên” khi CSGT phạt họ hay giữ xe.

Tôi quen biết và chơi với các anh nhiều nên hiểu họ, hiểu tại sao họ bất cần đời, nhiều khi nghe chuyện vật lộn mưu sinh của các anh sau khi “giã từ vũ khí” mới thấy buồn và cảm thông với những người cựu binh ấy. Khi có chủ trương cấm xe ba bánh tự chế tôi đã nghĩ ngay tới họ. Các anh sẽ làm gì khi cơ hội kiếm sống bằng chiếc xe ấy đang dần khép lại?

Image006

Chiếc xe vượt lên và tôi nhìn theo. Phía sau lưng người lái có tấm biển đỏ với những dòng chữ gì đó mà xe chạy đã cách xa nên không còn đọc được. Tôi tăng ga đuổi theo và khi đã đọc được tấm biển ấy tôi chạy chậm lại và lòng bỗng trào lên một nỗi xót xa và day dứt.

Những anh bộ đội cụ Hồ cái tên thân yêu mà nhân dân Việt Nam đã đặt cho các anh, những người lính “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…” theo lời kêu gọi thiêng liêng của Bác: “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải dành cho được độc lập”. Các anh đã mang trong tim mình hình ảnh và lời kêu gọi của Bác vào trận chiến và luôn gọi Bác, hứa với Bác vượt qua những ngày tháng gian lao để giành chiến thắng. Hình ảnh Bác là điểm tựa tinh thần cho các anh trong gian nguy. Người chiến sỹ Lê Duy Ứng khi bị thương đã lấy máu mình vẽ chân dung Bác hay người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trước lúc bị quân thù hành hình đã hô vang tên Bác “Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần”.

Image003

Trên tấm biển treo trên xe cũng là lời gọi Bác. Không, có lẽ không phải, ở đây hình như nó không phải là lời gọi mà là lời tâm sự hay một lời than thở:

BÁC ƠI! CÒN GIAN KHỔ HƠN LEO TRƯỜNG SƠN ĐI ĐÁNH MỸ

TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG (BÀ RỊA 2h NGÀY 27 – 4 –1975)

D61-F3-QK5 TAM QUAN- BÌNH ĐỊNH 0918501911

(Chữ ƠI trong tấm biển này đã bị bong ra, nhưng khi nhìn kĩ vẫn đọc được vì nó để lại vết trên nền biển)

Tôi cứ băn khoăn: Trận chiến cuối cùng hay cái gì trong cuộc sống hiện tại đã làm người cựu binh này thấy gian khổ hơn những ngày leo Trường Sơn đi đánh Mỹ? Vì sao anh phải viết khẩu hiệu này trên chiếc xe của mình?

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2008

Vùng biển kỉ niệm

Ra Đồ Sơn chẳng phải để tắm biển hay hóng gió, du lịch gì, chỉ là một việc không đi thì “kẹt”. Cái bãi biển này trong hai mươi năm nay cũng đã ra dăm bẩy lần chỉ khi có việc gì đó hoặc rỗi rãi bạn rủ thì đi chơi cho vui. Trong kí ức của mình thì biển Đồ Sơn có khá nhiều kỉ niệm. Đây là bãi biển mà lần đầu tiên trong đời mình đặt chân đến. Hơn 10 tuổi đầu được ra biển cùng với bạn, mình đã háo hức biết bao.

Cả tuổi thơ từ bé đến lúc ấy chỉ biết đến con sông Hồng đỏ nặng phù sa hay những ao hồ trước nhà hay ở quê nội. Cuộc sống của cả gia đình, cả đất nước (Miền Bắc) khi đó còn đói nghèo, người công nhân phải là lao động xuất sắc hay phải chờ vài năm mới được tiêu chuẩn ra đây nghỉ vài ngày thì một đứa trẻ như mình khi tự bỏ tiền gom góp được để ra đây cùng bạn đã là một cố gắng lớn

P1020514

Lần đầu đến với biển cái đầu óc trẻ thơ như mở ra trước mênh mông trời nước. Vẫn là bãi biển ấy, vẫn là nước biển đỏ quạch mầu phù sa do các con sông của hệ thống sông Hồng Và sông Thái Bình đổ ra, những con sóng đôi khi đem theo cả những đám lục bình, cùng với vỏ những quả dừa mà người ta ném xuống biển bị sóng đẩy ngược vào bờ. Vậy mà ngày ấy tôi đã mê mải tắm suốt ngày bất kể trưa nắng gay gắt.

Cũng nơi này đây khi thời sinh viên mấy đứa cả trai và gái rủ nhau đi ra đây chơi, mình đã nhận được sự chăm sóc ân cần của cô bạn cùng lớp khi buổi sáng ngủ dậy đã thấy một chậu nước máy mát rượi cùng khăn mặt, bàn chải đánh răng để sẵn ngay trên hiên nhà trước cửa phòng. Thời ấy người ta xây những cái nhà nghỉ hay khách sạn đâu đã có toilet riêng biệt khép kín như bây giờ. Khu nhà nghỉ của chúng tôi là những dãy nhà một tầng mái ngói, cách đó khá xa là khu nhà tắm, wc với cái bể nước xây to đùng, muốn đánh răng rửa mặt thì ra đó. Sự ý tứ chăm sóc của người bạn gái đã làm mình thích thú bao nhiêu thì sau này nghĩ lại mình cũng vô tâm chừng ấy khi không hề biết rằng ẩn chứa trong sự chăm sóc ân cần và dịu dàng ấy là một tình yêu lặng lẽ.

P1020717

Ngồi nghịch cậy những con hà bám trên các tảng đá mà chợt cười vu vơ khi nhớ về năm nào cô bạn học đi tắm bị hà cứa đứt chân, vết cứa thì nhỏ chỉ dớm máu thôi nhưng nước biển mặn làm cho thêm xót và cũng để làm nũng bạn cô ấy đã phụng phịu bỏ tắm ngồi một mình để ai bối rối.

Cũng bãi biển này đây khi mới trở về từ trời Âu, suốt mấy tiếng đồng hồ mình ngồi cùng người yêu cũ trên hiên nhà khách 21 nhìn ra biển thi thoảng mới nói với nhau một câu. Hai đứa rủ nhau ra đây chưa trọn một ngày trời chỉ để cho trọn một điều ao ước của thủa yêu nhau là cùng nhau đi biển. Vậy mà khi ai cũng đã có gia đình, có con mới thực hiện được ước ao đơn giản đó nhưng lúc đó ở bên nhau mà lòng ngập đầy những xót xa vì đã mất nhau.

Xa quê hương nhiều năm, khi trở về những người bạn gái xưa tất cả đã “yên bề gia thất”. Mình cũng chẳng ra đây để tắm biển nữa, những bãi biển Trà Cổ, Cát Bà, Sầm Sơn, Cửa Lò hay những bãi biển xanh ngắt của miền Trung đã làm cho mình không một lần nào tắm lại nơi bãi biển đầy kỉ niệm này. Nhiều lần ra chơi trong lúc những đứa bạn đang mải mê tìm vui trong vòng tay của các “tiếp viên” thì mình ra bãi biển ngồi chỉ để trầm ngâm nhìn biển hay thả bước bên những hàng dừa nhìn những con sóng từ đâu đó ngoài khơi xa lắc như những kỉ niệm thân thương của một thời bồng bột từ sâu thẳm trong kí ức thi nhau tràn về đập vào tâm trí như những con sóng vỗ vào bờ đá tung bọt trắng xoá.

P1020512

Đêm Đồ Sơn, gió thổi nhẹ và không khí mang theo vị mằn mặn của nước biển cũng như vị tanh của hải sản. Trời nhiều mây và lặng gió, vầng trăng cố gắng ngoi ra khỏi đám mây xám như để chứng minh sự hiện diện của mình cho ai đó biết rằng nơi chốn này luôn có Nguyệt, Hoa. Ngồi trên bờ đá ở Bến Thốc nhìn ra biển, bên phải trong màn đêm vẫn có thể nhận ra chữ số 21 màu đỏ trên nóc nhà khách 21 (Nhà khách TW Đảng). Màn đêm như che giấu hay đồng loã với một điều gì đó trong cả quá khứ và hiện tại. Bây giờ đêm của Đồ Sơn hầu như chỉ còn là đêm của vui thú với hàng nghìn khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng với đầy rẫy các em đủ loại (rất nhiều em tuổi teen) nhiệt tình chiều khách.

Bến Thốc, cái địa danh quá quen thuộc. Đây là nơi trong những năm của thập kỉ 60 (thế kỉ 20) khi màn đêm buông xuống những con tầu không số đã nhận vũ khí, nguỵ trang thành những con tầu đánh cá không cờ, không số hiệu từ đây đi ra hải phận quốc tế và vào miền Nam theo một con đường trên biển mà sau này được gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Điểm đến của
con đường này là nhiều vùng biển phía Nam mà trong đó Vũng Rô là nơi ghi dấu nhiều huyền thoại. Trong chuyến đi Nha Trang lần trước mình đã qua Vũng Rô, tiếc rằng khi đó đã là buổi tối lên không chụp được bức ảnh nào về nơi ấy. Những năm cuối 70 đầu thập kỉ 80 cũng từ vùng biển này đêm đêm bao nhiêu con người từ các tỉnh châu thổ sông Hồng lén lút về đây lên những con thuyền đánh cá mỏng manh, bỏ lại sau lưng quê hương, gia đình, bạn bè… để ra đi tìm đến một bờ bến mới như bao nhiêu người dân Việt khác trên suốt dải đất này. Những người ra đi đó được lịch sử gọi tên là thuyền nhân (boat people).

Buổi sáng trở dậy đi ăn sáng và sau đó ra bến thuyền đi ra đảo Hòn Dáu (hay Hòn Dấu vì ngay tại cầu tàu của đảo có hai tấm biển của hai cơ quan khác nhau, tấm bên phải đề Hòn Dáu, còn tấm bên trái đề Hòn Dấu. Thôi dùng đúng theo cách gọi của người dân ở đây) Nơi đó có ngọn hải đăng với cả một bề dầy lịch sử. Ngồi trên thuyền dù biển lặng nhưng con thuyền vẫn dập dềnh theo từng lớp sóng, trồi lên trụt xuống trong cái trạng thái như người say.Người chủ thuyền nói rằng hôm nay biển lặng, vậy mà chỉ gần nửa giờ thôi vẫn thấy mệt vì cảm giác tròng trành. Nhìn lại bờ trong sóng nước dập dềnh và chợt nghĩ những thuyền nhân dời bỏ quê hương ra đi khi nhìn lại dải đất quê hương qua mênh mông những con sóng họ đã nghĩ gì? Vào thời điểm ấy hầu hết họ ra đi về đêm, trong quá trình trốn chạy quê hương với nỗi sợ hãi mấy người dám quay đầu nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn. Bao nhiêu thuyền nhân trên cả đất nước này đã đến được những vùng đất mới, bao nhiêu người đã nằm lại trong lòng biển sâu làm mồi cho cá? Theo số liệu ước tính của Cao Uỷ LHQ cề người tị nạn (UNHCR) thì có khoảng gần một triệu người đã đến được các quốc gia khác và cũng khoảng vài trăm nghìn người đã nằm lại trong lòng đại dương mênh mông (số liệu người chết không thể thống kê chính xác).

P1020710

Nhiều năm sau những thuyền nhân đã ra đi ngày ấy khi đã ổn định cuộc sống trên xứ người họ đã nhớ lại những ngày tháng hãi hùng trong hành trình của mình và nhớ đến bao nhiêu đồng bào mình đã bỏ mạng trong hành trình ấy. Họ dựng lên các tượng đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam ở Đức, Mỹ. Úc, Canada… hay như những tượng đài trên chính các trại tị nạn tạm thời ở Galang (Indonexia) Bidon (Malaxia)… Có bao nhiêu người đã từng là thuyền nhân đã từng vượt qua sóng gió, bão biển, hải tặc…để rồi sau này họ lại là nhân vật chính của bộ phim Vượt Sóng (Journey from the Fall – Hành trình từ sự sụp đổ)? Họ là chứng nhân cho một trang sử đau thương của dân tộc này.

P1020711 <

Ngọn hải đăng này được xây dựng từ thời Pháp thuộc trên biển sau đó nó không được sử dụng nữa và người ta bỏ hoang khi xây mới một ngọn hải đăng trên đảo hòn Dáu. Khi sắt thép phế liệu có giá những người dân quanh đây đã ra đây cắt, phá, nhặt nhạnh tất cả những gì có thể bán được và kết quả chỉ còn trơ lại một cái chân tròn xoe của ngọn đèn biển.

P1020729

Đây là ngọn hải đăng Hòn Dáu. Những năm cuối thập kỉ 60 đầu 70 Mỹ ném bom miền Bắc và phong toả cảng Hải Phòng ngọn đèn biển này đã bị đánh sập hoàn toàn, nhưng để cho tầu thuyền vẫn có thể định hướng và cập cảng biết bao nhiêu người công nhân đã bám tru trong các hầm ngầm trên đảo đêm đêm vẫn bật sáng lên ngọn đèn soi đường cho các con tầu cập cảng Việt Nam. Buồn thay những năm cuối thập kỉ 70 đầu thập kỉ 80 nó không chỉ soi đường cho những con thuyền cập cảng mà còn là mốc để bao nhiêu con thuyền đêm đêm ra đi và người trên thuyền nhìn lại ngọn hải đăng này chỉ với sự xót xa vì bỏ quê hương, đất nước.

P1020734

Ra cầu tàu để trở về đất liền mà lòng ngập tràn các kỉ niệm của hơn ba mươi năm ùa về.