Lên
chín con đã biết ghi nhận những gì về đời sống xung quanh, để mai ngày khi chất
chồng tuổi trời, người đàn ông trong con lội ngược dòng kí ức vớt tìm những
chìm nổi tuổi thơ? Hạnh phúc nhìn con ngượng ngùng thổi tắt những ngọn nến sinh
nhật, bố tự hỏi như vậy. Phải, con còn quá nhỏ để hiểu hết những điều bố nói.
Nhưng bố vẫn sẽ kể, bởi đơn giản trong tâm trí bố những hình ảnh, những đoạn kí
ức bỗng vô thức hiện về qua lớp lớp sương mờ thời gian.
...Nếu miêu tả những ngày tháng
thơ ấu bằng cảm nhận của tất cả các giác quan non nớt thì tuổi thơ của tôi là vị
ngọt trái bàng chín rụng trong thùng nước gánh thuê mẹ quảy về, là mùi mồ hôi
thân thương trên áo mẹ vẫn rúc vào ngủ đêm đêm, là bóng chiều nhập nhoạng líu
ríu bám tay anh theo lên đoạn đê cửa ô đón mẹ tan ca, là cảm giác nhồn nhột,
thiu thiu ngủ mơ màng vòi mẹ xoa lưng, nhưng trùm lên tất cả, xé rách tất cả là
tiếng còi báo động thất thanh rú trên thành phố.
Bây giờ, dù đã phai nhạt, mơ hồ
theo thời gian nhưng chiến tranh vẫn hằn sâu lên kí ức tuổi thơ tôi. Còn đó những
đêm rời thành phố, lóc xóc, gập ghềnh ngủ trên chiếc xe đạp cha và anh thay
nhau chở qua những con đường đầy hố bom đến những làng quê sơ tán, nơi nước
sinh hoạt được lấy lên từ những giếng nước nhiễm phèn váng đỏ. Tôi mắc bệnh đau
mắt vì dùng nước bẩn. Với cặp mắt sưng húp tôi cũng lếch thếch theo các anh chị
tới trường. Chưa đến tuổi đi học, cũng được phép vào lớp, được xếp một chỗ ngồi
dưới gầm bàn, để rồi mải chơi, quên mình đang ở đâu, đứng dậy, đụng đầu vào gầm
bàn khóc ré lên.
Không chữa khỏi bệnh đau mắt
cho con, mẹ đành liều mang tôi về thành phố, nơi hợp tác xã thuỷ tinh của mẹ vẫn
trụ lại sản xuất những thứ rất cần trong thời chiến: ống tiêm và lọ đựng thuốc.
Gia đình chia hai nơi: cha, chị, hai anh sống ở nơi sơ tán; còn nơi đây, trong
thành phố vắng heo hút có mẹ, anh cả và tôi. Hàng ngày trước khi bắt chuyến tầu
điện sớm nhất ra ngoại ô học, anh cõng tôi ngủ gà ngủ gật trên lưng đem đến gửi
bà trông trẻ. Bao giờ tôi cũng là đứa trẻ được đưa đến sớm nhất, và đón về muộn
nhất. Lúc đến người ta còn ngủ, phải lê la dưới đất chờ họ dậy, chiều tối ra bám
song cửa chờ mẹ tan làm...
...Có một lần mẹ sợ hãi đến kinh hoàng khi hai anh em tôi
mất tích. Bóng tối đã phủ dầy xuống thành phố vừa bị dội bom, vậy mà vẫn không
thấy hai anh em tôi. Cuống cuồng mẹ chạy khắp mọi nơi: hết nhà họ hàng rồi các
đồn công an mà vẫn không tìm được các con. Lúc chết lạnh vì sợ hãi, mẹ thấy
trong quầng sáng đèn đường vàng vọt hiện ra bóng anh cõng tôi… Lần nào kể
chuyện này mẹ cũng khóc: Anh đi bới rác kiếm thêm tiền giúp gia đình.
Từ đám bạn bè anh biết một nơi, vào
các ngày cố định trong tuần có những chiếc xe chở rác từ nhà máy sản xuất văn
phòng phẩm tới đổ. Trong đống phế thải ấy có thể kiếm được tất cả các chi tiết
của một chiếc bút. Anh đã giấu mẹ, sau giờ tan học đến đón tôi rồi cõng ra bãi
rác ấy. Tìm một tấm bìa, hay một mảnh báo anh đặt tôi ngồi đó chơi và chờ anh.
Những thứ kiếm được như ngòi viết, lưỡi gà, ruột gà, thân bút... đều có thể bán
cho các bà hàng xén. Anh đem những đồng xu nhôm gom góp đựơc đổi thành sách,
giấy viết hay lặng lẽ giúp mẹ có thêm gói kẹo, cái bánh mì cuối tuần mang sang
cho các em nơi sơ tán.
Trước đó mẹ không biết chuyện, vì
khi tan làm về bao giờ mẹ cũng thấy hai anh em tôi đã có mặt ở nhà, nhưng hôm
ấy chuyến xe rác không những đổ muộn hơn thường lệ, mà lại có nhiều thứ quý quá
nên anh mê mải bới chẳng để ý đến tiếng bom đâu đó và bóng tối phủ xuống thành
phố từ lúc nào. Anh em tôi đã làm mẹ sợ đến phát điên. Anh bị mẹ mắng. Nhưng
khi biết lí do, mẹ thấy thương và hối hận vì mắng oan anh. (Tôi biết, đến bây
giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện này, mẹ vẫn còn hối hận)
Con ơi,
những dòng chữ đầu đời bố đã viết bằng chiếc bút bác con kiếm cho như thế đấy…
Đừng khóc, bố dặn mình đừng khóc để kể tiếp cho con.
1972. Tôi chín tuổi, anh chưa tròn
mười tám. Chiến tranh Việt nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Máy bay Mĩ
ném bom cả ngày lẫn đêm. Sợ các con không kịp chạy ra hầm trú ẩn công cộng ban
đêm, bố tôi kiếm vải bạt may thành những cái bao, đổ đầy cát, xếp chồng lên
nhau như người ta xây công sự, rồi kê tấm phản lên trên. Và chiếc gường ngủ của
chúng tôi trở thành một căn hầm thời chiến, khi có báo động đêm chúng tôi chỉ
việc lăn xuống đất, chui vào gầm gường và chờ cái chết đi qua.
Còi báo động rú thường xuyên hơn,
hoảng loạn hơn; hơi bom nổ rung chuyển căn hầm ẩm ướt, ngột ngạt, tanh nồng mùi
bùn đất; nỗi sợ hãi trước cái chết hiện hình trên vành khăn tang trắng, trên
hoang vu rờn rợn đổ nát, trong tiếng lũ mèo gào tha về những miếng thịt người
lượm xót.
...Bỏ lại thành phố sau lưng, gia
đình lại mỗi người một ngả. Anh nhập ngũ, chị mang theo tôi và anh giáp tôi ra
vùng ven đô sơ tán. Để đêm đêm có những đứa trẻ nhớ nhà theo chân dân địa
phương lên con đê đầu làng nhìn về thành phố quê hương. Trong cái quầng sáng mờ
mờ nơi xa thỉnh thoảng lại loé lên những ánh chớp bom, tiếng cái chết ầm ì mơ
hồ vọng lại...
Chín
tuổi, con hỏi bố phải tả thế nào những chuyến đi chơi mùa hạ trong bài tập làm
văn. Tự viết đi con, bởi bố không có biển Sầm Sơn, Hạ Long, Cát Bà trong tuổi
thơ để thay con cảm nhận. Hãy viết những gì con thấy, dù thơ dại, ngô nghê,
trúc trắc, có sao đâu vì đó là cảm nhận thật của con.
Tôi còn nhớ chuyến đi thăm anh. Sáng
sớm hai chị em tôi đáp tầu điện vào Ngã Tư Sở, tìm đến nhà một người quen có
con cùng đơn vị với anh, mẹ đã nhờ bác ấy cho hai chị em tôi đi theo, tất cả
chúng tôi đón xe lên Hòa Bình... Mười ba năm sau, khi tốt nghiệp đại học, tôi
trở lại nơi này, làm việc tại công trường xây dựng thủy điện, mỗi lần đi qua
những cái tên Bãi Nai, Dốc Bụt, Tân Lạc… tôi cố tìm trong cảnh vật nét gì đó
thân quen, tìm lại trong kí ức dấu chân non nớt ngày chín tuổi.
Đó là một vùng rừng núi hoang vu với
tiếng chim bắt cô trói cột thảng thốt kêu, những con suối trơn rêu, những nếp
nhà sàn lấp ló. Có rất đông bộ đội, họ trẻ như anh, đang hành quân ngược về
phía chúng tôi, ai cũng cười đùa, trọc ghẹo cô gái tuổi mười sáu dắt theo thằng
em bẽn lẽn. Thỉnh thoảng có một người dân bản trong bộ quần áo lạ mắt, đeo trên
lưng một khẩu súng dài lạ không kém, và một con chó săn chạy đằng trước...
Doanh trại của các anh làm toàn bằng
tre, nứa. Tôi nhớ như in cái nhà khách của đơn vị (từa tựa cái chòi cá, rộng
hơn mà thôi), nhớ vị chua lè của trái vải đầu nhà lúc tôi háo hức nếm thử, nhớ
những bồn hoa được rào bằng những hàng gạch chôn nghiêng, quét vôi trắng lem
nhem, và lạ lùng hơn cả là cách bộ đội nấu cơm: hai anh mồ hôi nhễ nhại đứng
trên mặt bếp, đảo cơm trong cái chảo gang khổng lồ bằng hai cái xẻng.
Được nghỉ một ngày anh đưa tôi vào
rừng chơi, tôi không quen qua suối, anh phải dắt tôi leo qua những tảng đá trơn
rêu. Lần ấy anh tìm được một khóm lan rừng cho tôi mang về làm quà. Kỉ vật quân
ngũ duy nhất của anh gia đình tôi giữ đến tận bây giờ. Lạ lắm, sau nhiều năm,
lần đầu tiên nó trổ hoa ngày tôi nhận giấy báo thi đỗ đại học.
Mỗi
khi bố đi công tác, con và em thay nhau gọi điện hỏi bao giờ bố về. Chóng thôi,
bố sắp xong việc rồi, đêm ngủ, nếu nhớ, lấy cái gối của bố mà ôm nhé.
Một lần, hình như dạo ấy gần Tết
nguyên đán, cán bộ tiểu khu (đơn vị hành chính cấp phường bây giờ) đến nhà, sau
vài lời xã giao mượn cớ thăm gia đình quân nhân, họ đề nghị bố mẹ tôi cho gặp
anh. Vô cùng ngạc nhiên, bố mẹ trả lời anh đang ở trên đơn vị. Họ tưởng bố mẹ
nói dối, quanh co một hồi, cuối cùng họ thông báo anh bỏ ngũ, rồi vừa ngọt
nhạt, vừa dọa dẫm họ đề nghị bố mẹ khuyên anh quay lại đơn vị. Bố mẹ rất sợ.
Tại sao họ bảo anh đào ngũ? Thực sự anh ở đâu lúc này?
Câu chuyện chỉ vỡ lẽ một tuần sau,
khi cô bạn hàng xóm của anh đi nhận hộ và mang sang nhà một phong bì ảnh. Đúng,
anh đã trốn đơn vị về vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ các em, nhưng anh sợ làm gia
đình liên lụy nên chỉ đứng lấp bên bờ rào hàng xóm nhìn về nhà xem bố mẹ và các
em có khoẻ không. Anh đứng đó nhìn bố cặm cụi đạp máy khâu, mấy đứa em lúi húi
đan vỏ phích. Mọi người bình an. Rồi anh ra hiệu ảnh, mặc quân phục chỉnh tề,
chụp một bức chân dung và trở lại đơn vị. Thành phố quê hương, gia đình, bè bạn
gói gọn trong vài giờ đào ngũ của anh như thế...
Rất nhiều năm sau, khi không còn
anh, trong một buổi lễ kỉ niệm ngày thành lập quân đội do cơ quan tổ chức, tôi
được mời thay mặt thế hệ trẻ phát biểu đôi lời ngợi ca các anh, thay những lời
sáo rỗng tôi kể lại chuyện này và nói rằng, chỉ vậy thôi nhưng tôi hiểu các anh
phải hy sinh, phải chấp nhận nhiều lắm. Không biết do tôi run run cảm động bởi
cảm xúc riêng hay vì lí do gì mà những người dưới kia mắt cũng nhòa lệ.
Chín
tuổi, con mang giấy khen đọc bà nghe, ngạc nhiên hỏi sao ngày xưa bà không đi
học. Không chỉ mình con đâu, cô giáo người Nga cũng từng hỏi bố một câu như
thế. Chuyện đó dài lắm, nhưng con ạ: trường học đời không ai qua hết đâu con.
Anh ra trận, cả nhà dõi theo chặng
đường anh đi qua những lá thư ném vội xuống đường, kí thác vào những đôi tay
chắc cũng run rẩy ngóng chờ tin con. Không biết chữ nên mẹ tôi không tự đọc
được thư, vì thế tôi trở thành người phát ngôn của anh. Không có thư mới, mẹ
lấy thư cũ ra bảo tôi đọc lại, đọc nhiều đến mức thuộc lòng thư anh (giờ tôi vẫn
thuộc, như thuộc 5 điều Bác Hồ dạy).
… Giờ đây, sau bao nhiêu năm, với những thông tin dần hé lộ và qua lời kể của
đồng đội anh may mắn trở về, tôi hình dung phần nào cái khắc nghiệt của chiến
trường Quảng Trị ngày ấy. Nhưng có lẽ khắc nghiệt hơn tất cả là con người phải
lựa chọn giữa sự sống và cái chết. Dù biết qua sông là dấn thân vào cõi chết,
nhưng anh vẫn quyết định đi, bởi anh muốn các em anh được sống.
Nhân em: (trong lá thư - di chúc ấy anh đã viết) Em thì học giỏi rồi, nhưng còn hay
cãi nhau, đánh nhau với anh Thắng, anh Lợi thì thôi nhé, phải chịu khó nghe lời
các anh các chị vì em là út mà, đừng dỗi nữa nhá, hơi một tý là dỗi vào bộ đội
mà dỗi á họ ăn hết mặc kệ, chứ dỗi ở nhà bố mẹ anh chị còn dỗ, phần đấy...
Thuộc lòng thư anh đấy, nhưng liệu
tôi ngày đó và mãi mãi sau này có cảm nhận được hết những điều người trai mười
tám ấy viết không? Chắc là không, bởi mỗi lần đi qua một chặng đời, tôi lại
thấy trong những điều anh nói một cái gì đó khác hơn, đau đớn hơn, nhân bản
hơn.
Chín tuổi, tôi ngượng nghịu, lúng
búng, cố tình lấp liếm lúc đọc cho mẹ nghe. Đến khi bằng tuối anh, tôi lại
thoáng thấy một nụ cười dịu dàng, trọc ngẹo lúc anh viết những dòng này (liệu ý
nghĩ về đứa em út hay dỗi hờn có làm tâm trí anh thanh thản đôi chút khi xung
quanh là bom đạn bủa vây?). Ba lần chín tuổi, những câu hỏi không lời giải đáp
về ý nghĩa của sự sống và cái chết làm tôi hoang mang, choáng váng. Và sẽ còn
câu hỏi nào đến cho cái tuổi bây giờ của bố mẹ tôi, khi bần thần nhìn lá vàng
còn ở trên cây?
Con
hỏi bố thế nào là Tổ quốc. Đó là một khái niệm lớn, con ạ. Ví dụ, con là một
giọt sương, thì gia đình ta là một dòng nước nhỏ, và Tổ quốc là đại dương lớn
ngoài kia.
Đã sang năm 73. Hiệp định Paris được
kí kết. Chúng tôi trở về thành phố. Bẵng đi một dạo, cán bộ tiểu khu lại tới
thăm nhà. Lần này họ ân cần lắm, nhưng tại sao sự xuất hiện của họ lại làm bố mẹ
lo âu?
Hàng ngày bố vẫn cặm cụi đạp máy
khâu vá quần áo thuê, mẹ vẫn đi làm, nhưng có một cái gì đó khang khác, phấp
phỏng, đau đớn, khắc khoải trong không khí chúng tôi đang thở, trong câu chuyện
rời rạc của bố mẹ. Linh cảm mách bảo tôi một chuyện gì đó chẳng lành. Mẹ hay
đội nón đi đâu đó, tìm kiếm ai đó, để lúc trở về mẹ nằm vật ra gường như người
sắp chết. Chúng tôi đâu biết mẹ đi tìm sự thật, nhưng liệu lúc đó có ai dám cho
mẹ biết sự thật không?
Đến một ngày, tôi đi học về và mẹ
bảo: “ Anh con chết rồi!”. Tôi khóc toáng lên. Mẹ khóc, ôm lấy tôi. “Đừng khóc!
Đừng khóc, con ạ. Chưa chắc như vậy đâu!”
Chưa chắc như vậy đâu. Cứ hy vọng
đi. Bám vào đấy để mà sống, và chờ đợi.
...Hôm đó, cả nhà tôi xếp hàng đứng
trước cái tủ thấp duy nhất kê giữa nhà. Người ta đặt lên đó lọ hoa huệ trắng,
bức ảnh anh chụp ngày trốn đơn vị và tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công. Mẹ đặt lên đầu
chúng tôi vành tang trắng. Không khí trang nghiêm, chúng tôi không dám khóc.
Lời truy điệu cất lên...”Gia đình mất... Tổ Quốc mất...”. Chú cán bộ khu đội
đọc điếu văn diễn cảm quá, hay hơn nhiều cô giáo đọc mẫu trong giờ tập đọc. Im
lặng, im lặng bao trùm… Mẹ bỗng khóc thét lên, mẹ giẫy giụa, gào gọi trong vòng
tay mấy cán bộ phụ nữ. Im lặng vỡ tan. ..Chỉ còn tiếng khóc, tiếng nức nở không
kìm nén của những đứa trẻ...
Chín tuổi con mang những bài thơ ngợi ca đất nước ra tập
đọc, còn bố...
Dường như không có cách nào khác, dù
rất đau đớn, nhung mẹ vẫn lấy tờ giấy báo tử ấy ra bảo tôi đọc. Tôi rất sợ, tìm
mọi cách lảng tránh… “Đọc chính xác xem người ta viết như thế nào” – mẹ bảo…
Ôi, mẹ tìm gì trong đó? Mẹ không tin hay không muốn tin? Mẹ mong manh chắp nối
thông tin trên tờ giấy mong tìm được anh, hay còn điều gì khác nữa? Ở đâu, ở
đâu trên đất nước này cái nghĩa trang mặt trận phía Nam?
Con
ạ, một giọt sương muốn ra tới biển, trước hết nó phải hòa mình vào suối, vào
sông. Để yêu được Tổ quốc, trước hết con phải biết yêu những người thân của
mình: yêu em, yêu cha mẹ, ông bà, phải biết đau những nỗi đau quanh mình như
con từng xót xa khi em đứt tay, chảy máu ...Bố nghĩ đấy là khởi đầu của hành
trình đi về phía những điều lớn lao, và hành trình ấy luôn cần một trái tim dẫn
đường chỉ lối.
Viết
cho con tuổi thơ của mình, bố đâu muốn nét ngây thơ con vương buồn, chỉ đơn
giản, bố nghĩ mai ngày lớn khôn, tâm hồn con chắc sẽ giầu có hơn nếu nhận thêm
chín tuổi thơ của bố.