Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2008

Bài hát ru con

Ầu ơ! Bài hát ru con

Cho nhau một thoáng bồn chồn, xôn xao.

Câu ca tự một thuở nào

Ba chìm, bảy nổi đi vào tương lai.

Cái kiến mày kiện củ khoai...

Được thua chẳng biết leo hoài cành đa.

Bao đời một nỗi xót xa,

Vì sao kiến phải leo ra, leo vào?

Ngủ đi con, ngủ ngoan nào,

Lời ca này sẽ theo vào đời con.

Đói lòng ăn trái bòn lon...

Em ơi! Lời hát ru con đượm buồn.

Ai đi muôn vạn nẻo đường,

Quên lời ca ấy, yêu thương dặn dò?

Dòng sông, bến nước, con đò,

Quê hương ta đó, bây giờ ra sao?

Những đời vất vả cần lao

Câu hát ngày nào chua xót đau thương?

Ai về nơi ấy quê hương?

Nhắn hộ con đường, góc phố, hàng cây.

Lời ru đất mẹ còn đây

Mà ta xa vắng tuyết mây xứ người.

Ai đi muôn nẻo xa vời,

Có còn thương nhớ đất trời quê ta?

Ai mang hương vị quê nhà,

Đem đi đổi lấy tuyết hoa xứ người?

Ru con, câu hát ạ ời....

Đưa nhau trở lại khoảng trời yêu thương...

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2008

Hình như đang mất

Cả ngõ có mấy nhà, những căn hộ ba đến năm tầng. Liền kề bên phải là cặp vợ chồng ở đây đã hơn chục năm, chồng là công chức, vợ dạy văn ở một trường THCS. Họ mới sinh cháu gái thứ hai. Hai căn hộ đối diện vừa có người dọn đến, đều là những cặp vợ chồng trẻ. Tầng hai nhà bên trái vừa cho một cặp có con nhỏ thuê. Vậy là quanh nhà mình có bốn cặp vợ chồng với bốn đứa trẻ bú mẹ.

Cả ngày đi làm suốt, mấy khi ở nhà, nhưng khi về nhà thấy tiếng trẻ khóc cũng làm lòng mình dịu lại. Những tiếng khóc làm hồn mình chùng xuống và bỗng nhiên ao ước được bế baby trên tay, được vỗ về, được hát ru vài câu à ơi....

Nói đến hát ru chợt nhận ra cả bốn người mẹ trẻ ấy không hát ru bao giờ (kể cả của cô giáo dạy văn). Nhiều lúc đám trẻ khóc chỉ thấy bố mẹ chúng cất tiếng à ơi. Chỉ là tiếng à ơi thôi ngoài ra không có tiếng gì khác. Đôi lúc đứng trên balcon nhìn xuống thấy hoặc mẹ, hoặc bà bế đứa trẻ gắt ngủ vừa đi vừa nựng. Những cái vỗ đều đều và những tiếng à ôi. Đứa trẻ vẫn quấy khóc...

Đâu rồi những câu hát ru ngày xưa, những câu lục bát suốt chiều dài văn hoá dân tộc:

À ơi!

Cửa bể mười mấy lưới giăng

Cửa nào lắm cá anh quăng chài vào...

À ơi!

Cái Cò, cái Vạc, cái Nông

Ba con cùng béo vặt lông con nào...

Đâu rồi những câu hát ru ngày xưa? Chạnh buồn nhìn những đứa trẻ vẫn cứ khóc ngất khi đã được bà, được mẹ bế đi khắp ngõ phố. Chúng khóc, không chịu ngủ, không chịu ăn khi tiếng ồn của phố xá cứ ầm ĩ ngoài kia.

Một lần xa xưa nào thấy vợ không thể hát ru con ngoài mấy tiếng à ơi mình buột mồm hỏi: "Em không biết hát ru à?". Bà xã chợt quay lại bảo “Anh giỏi thì ru con đi". Cũng may mình còn biết vài câu ngày xưa mẹ hát nên còn dám nhận con từ tay vợ để ầu ơ ru thằng bé ngủ...

Lan man mãi cũng để nói: Hình như đang mất đi những câu hát ru của người dân Việt. Hình như học sinh bây giờ không muốn học văn vì khó xin việc? Hình như văn thơ bây giờ là thứ chẳng ra tiền mà còn bị người đời coi là: tay nhặt lá, chân đá ống bơ...? Có quá nhiều câu hỏi: Hình như...

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2008

Chuyện sau hai nhăm năm mới kể

Thực lòng mình không muốn kể lại câu chuyện này. Đã hơn 25 năm trôi qua, vết thương trong hồn đã thành sẹo. Kí ức xưa đã bị thời gian phủ lên trên nó một lớp bụi dầy. Nhưng quyển nhật kí vẫn còn đây, nó sẽ còn cho đến khi mình nhắm mắt xuôi tay. Trước khi lập blog này mình đã viết lại những dòng hồi tưởng về những năm tháng đó trên cơ sở những dòng nhật kí, viết cho con đọc để chúng hiểu bố chúng đã học làm người như thế nào.

Cách đây vài năm chỉ đến khi đưa cho thằng em đọc thì nó mới là người đầu tiên được biết câu chuyện ấy. Tại sao mình không muốn kể với ai? Tại sao mình cố quên đi câu chuyện đó? Cũng vì mình không muốn những người thân trong gia đình, bạn bè biết rằng cái “thiên đường” trong mắt họ, nơi mình đã sống gần bẩy năm trời không hẳn tốt đẹp như họ nghĩ. Có lẽ chính vì thế mà những năm tháng sống ở đó mình viết nhiều những bài thơ buồn đến não lòng về thân phận người xa xứ và vì thế khi nhớ về tuyết trong mình chỉ là cảm giác buốt lạnh...

Thời gian gần đây đọc báo chí thấy người ta đưa thông tin nơi này, nơi kia công nhân đình công, chỗ này, chỗ khác tụ tập gây rối...(nói tránh đi của hành động biểu tình), mình nhớ về câu chuyện ấy và quyết định kể câu chuyện này. Kể cho con, cho người thân, cho bạn bè...

Để giữ nguyên tính khách quan của sự việc, cách nhìn nhận của chính mình lúc đó, trong entry này phần viết nghiêng có mầu xanh là những dòng viết nguyên văn trong nhật kí được sao lại không thêm bớt, những dòng viết nghiêng là viết cách đây gần 10 năm vì có thể làm mọi người không hiểu ngay được sự việc khi trình tự bị đảo lộn.

Chuyện xảy ra tháng 3/1983 tại một làng nhỏ có tên là Tusimice, ngoại ô thành phố Chomutov thuộc Liên bang cộng hoà XHCN Tiệp Khắc trước đây (Cesko-slovakia SR - CSSR) nay là Cộng hoà Séc. Số là đoàn công nhân người Việt (có cả người Bắc, Trung, Nam) của hãng Sempra Kazan ở ngay cạnh khu satna (khu thay quần áo) của chúng tôi, do phải làm việc ngoài trời mà lương quá thấp (lương họ được từ 900 đến 1000 kcs - tương đương 30 đến 35 USD thời điểm đó) nên họ tổ chức bãi công (lúc đó tôi nghĩ đấy là đình công). Số người bãi công chỉ khoảng 100 người và chủ yếu là con trai. Họ không biểu tình, không gây rối và chỉ ở nhà không đi làm và sau vài tuần thì họ bị đàn áp.

- Ngày 22/03/1983:

Sáng đi làm đến Sempra thì đã thấy cảnh sát bao vây kín cả hai ngôi nhà. Gần 300 cảnh sát với xe vòi rồng, chó bécgiê bao vây bắt những người đình công. Cảnh tượng đó làm cho tôi nhói đau, nhục nhã…

- Ngày 23/03/1983:

Cảnh sát vẫn tiếp tục gác quanh ngôi nhà. Để làm gì nhỉ? Càng nhìn tôi càng thấy chán chường và tủi cho thân phận mình. Một lực lượng cảnh sát quá đông, vũ trang đến tận răng. Mỗi thằng đeo bên hông một cái còng số 8, tay dắt chó, tay vung dùi cui cùng với hàng chục chiếc xe tải bịt kín hôm qua. Những người con trai, con gái Việt Nam bị bắt hôm qua khi hãy còn đang ngủ, trên mình những chàng trai chỉ có độc một chiếc quần lót, chân đất lội trong tuyết lạnh, tay bị còng, phía sau là một thằng cảnh sát túm cổ đẩy đi. Phải chăng đấy là cảnh thu nhỏ của…Không! Không có gì nhục nhã hơn. Không có gì tàn nhẫn và vô nhân đạo hơn ở một đất nước như thế này.

Còn đám người đồng loại đứng giương mắt ếch kia (người từ ĐSQ VN từ Praha về chứng kiến cuộc bắt bớ này), khi nhìn những đứa con của dân tộc đi giữa đám dùi cui và chó becgiê, trước ống kính máy quay phim chụp ảnh (của cảnh sát) họ nghĩ gì lúc đó?

Còn tôi, tôi khâm phục những con người đó. Họ có thất bại trong cuộc đấu tranh ấy, nhưng dẫu sao tất cả những người Tiệp ở đây phải khâm phục họ, kể cả những người vung dùi cui đánh họ cũng phải thú nhận rằng: “Chúng tôi không muốn làm như vậy”. Và nhiều, nhiều nữa những người Tiệp đã nói chuyện với tôi khi chúng tôi đứng trên độ cao 20m nhìn xuống chứng kiến toàn bộ sự việc.

Tôi chơi với hai cô bé người Hải Phòng làm việc ở đấy. Trước đây những buổi chiều nghỉ sớm tôi thường vào trong đó chơi, đôi khi xin những bông hoa karafiat (cẩm chướng) tuyệt đẹp mang về cắm trong phòng hay cho bạn mang đi chơi làm quà. K.A và L ở cùng phòng. L có người yêu tên H, không biết H có bị bắt đi hôm đó hay không. Chiều ngày 24 sau khi cảnh sát rút đi chúng tôi tranh thủ vào thăm họ.

- Ngày 24/03/1983:

Chiều đi làm về vào thăm K.A. Bước vào phòng đã thấy một đống vali, túi xách chuẩn bị gọn gàng đề địa chỉ tại Việt Nam. K.A nói: “Bọn em chuẩn bị về Việt Nam”. Ngồi nói chuyện một lúc, được biết cảnh sát đã vây kín hai ngôi nhà đó từ sáng sớm ngày 22. Một vài người tỉnh giấc vì khi thấy ánh đèn nháy của xe cảnh sát và nghe thấy tiếng chó sủa nhưng không bao giờ nghĩ lại có sự việc như vậy nên không để ý. Bắt đầu từ hơn 4h sáng chúng triển khai đứng trước từng cửa phòng và đến 5h30 phút chúng đồng loạt đạp cửa phòng ập vào, khám xét tủ, quay phim chụp ảnh. Chúng dùng dùi cui đánh đập tàn nhẫn những người không chiụ
để chúng còng tay. Cả những người con gái
cũng bị đối xử như vậy. Tên chỉ huy police hôm đó đã không dám đứng nhìn cảnh tượng đó.

Vào thăm nhưng không gặp được L. được tin H. đã bị bắt đi hôm đó. Nghe kể mà thương thay cho hai đứa, cảnh sát đã hất tung cốc nước mà L. đưa cho H. xúc miệng. Chúng không cho cả đánh răng rửa mặt.

Giờ những đứa con VN ấy đang ở đâu?

Cho đến nhiều năm sau này khi nhớ lại chuyện ấy mình vẫn thường tự hỏi: Vì sao có sự việc đó? Ai đã ra lệnh làm chuyện ấy? Tại sao lại có nhóm người từ Praha xuống chứng kiến? Phải chăng kế hoạch này đã có rất lâu trước đó và có sự thống nhất từ trước? Nếu nơi ở của những người công nhân VN ấy ở trong thành phố như chúng tôi, nơi đông dân và nhiều du khách nước ngoài qua lại thì liệu có xảy ra sự viêc như vậy không? Phải chăng trong chế độ tốt đẹp thì không bao giờ chấp nhận chuyện công nhân đình công, điều đó chỉ xảy ra ở các nước tư bản mà thôi?

Vẫn biết rằng trong mỗi chế độ có pháp luật, có cách thực hiện pháp luật để bảo đảm sự ổn định cho nhà nước, cho sự vững chắc của thể chế chính trị, có sự trừng phạt để răn đe, làm gương cho người khác, nhưng sự việc đó xảy ra là do ý chí của những cái đầu có vấn đề.

Năm tháng qua đi, vết thương nào rồi cũng lành kể cả vết thương lòng. Nhưng khi lành bao giờ nó cũng để lại sẹo, những vết sẹo cháy bỏng hằn mãi trên da thịt hay trong kí ức con người, để rồi sau này trong đời khi nhìn lại vết sẹo ấy lòng ta vẫn nhói đau.

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2008

Người mua đồng nát

Chủ Nhật, vợ dọn nhà cửa và đưa ra sân một đống những báo, tạp chí, tài liệu cũ, vỏ lon bia, chai nhựa...Chẳng quan tâm trong những thứ bỏ đi ấy có lẫn thứ gì mình đang dùng không. Chẳng may mai kia tìm không thấy thứ gì cũng chẳng thể trách vợ, vì vứt lung tung còn kêu ca gì.

Buổi chiều có người mua đồng nát (ve chai) đi ngang, vợ gọi vào bán cái đống hổ lốn ấy. Ngồi trong nhà hút thuốc thấy hai người phụ nữ mặc cả với nhau giá từng kg giấy, báo cũ, và đống vỏ lon... mà thấy buồn cười. Đúng là phụ nữ chắt chiu từng đồng, có khi vứt đi hay cho người khác nhiều thứ giá trị hơn nhiều mà chẳng suy tính, vậy mà chỉ ba thứ bỏ đi cũng phải thêm bớt...

Nhìn người phụ nữ vất vả ấy, hiểu đa số họ ở quê ra thành phố kiếm thêm trong lúc nông nhàn. Phần lớn họ làm thuê cho các sạp hàng, bán hoa quả rong, hay làm nghề mua đồng nát...Cuộc mưu sinh nơi thị thành rất cơ cực với họ, nhưng vì gánh nặng con cái nên họ ráng trụ lại chốn đô hội này. Nhiều người trong số họ có con cái đang theo học đại học ở Hà Nội và họ gắng trụ lại kiếm thêm chút tiền học phí cho con.

Chợt nhớ câu chuyện con trai kể về đám bạn cùng lớp đại học của nó, toàn con nhà nọ, nhà kia, bố mẹ quyền cao chức trọng, ở các tỉnh ra học mà tiêu tiền như rác bỗng thấy chạnh lòng trước cảnh người đồng nát đang mặc cả từng đồng.

Người mua đồng nát ấy biết rõ thứ người ta bán cho mình là đồ đã bỏ đi, nhưng chị chẳng xin, cái gì cũng có giá của nó dù nhỏ nhoi. Chị sắp xếp lại chỗ đồ đã mua, cám ơn cẩn thận và trước khi nhấc quang gánh lên vai còn dặn lại bà vợ mình: Lúc nào có thứ gì không dùng nhớ để đấy bán cho em nhé.

Bỗng liên tưởng tới vài người làm tiểu luận hay luận văn tốt nghiệp với đề tài liên quan tới lĩnh vực công việc của mình, họ hỏi xin báo cáo, tham luận ...mà mình soạn thảo cho sếp (nay không dùng nữa), rồi copy đa phần các nội dung ấy cho môn thi tốt nghiệp. Nhưng hình như họ quên rằng đấy không phải là thứ bỏ đi và cũng quên luôn một lời cám ơn tử tế.

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2008

Những bức tượng

Trong hành trình của mình, tôi đã gặp những bức tượng. Chúng nói với mọi người điều gì?

DSC_1763

Trong lăng Tự Đức.

Hàng chục nghìn người nông dân, người thợ đã ngày đêm bỏ công sức để xây dựng lên khu lăng tẩm này. Đói khát bệnh tật đã đẩy họ vùng lên. Ai trong số này biết day dứt và mở lời tâu? Sự ân hận muộn màng của Tự Đức chẳng xoá được những trang đau thương.

DSC_1714

Trong Lăng Khải Định

Những bức tượng đắp bằng ciment mang về từ Pháp quốc, kinh phí để xây dựng khu lăng mộ này bằng tổng thu nhập quốc dân của toàn Việt Nam năm 1932. Bao nhiêu thuế má của người dân đổ vào đây! Tất cả còn với thời gian. Nhưng là những lời ngợi khen bàn tay tài hoa của những người dân Việt chứ không phải lời ngợi khen một triều đại. Những bức tượng im lặng nhìn thực dân Pháp đô hộ và biến vua quan thành những con rối.

Trong nhà trưng bày bên bờ sông Bến Hải

Những bức tượng thạch cao làm vội. Ngồi xuống, và lây cái nóng nảy?. Khi nóng nảy con người sẽ mất tỉnh táo.

DSC_1668

Trong bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Một khoảng khắc yên lặng của chiến tranh, để rồi các anh mãi mãi nằm lại nơi này. Cũng thấy đỡ xót xa phần nào khi nhìn những đứa trẻ đến bên các anh với nụ cười vô tư. Nếu không vì những quy định của bảo tàng biết đâu chúng còn đến ôm vai bá cổ, ngó vào trang báo hay tò mò.mân mê những khẩu súng.

DSC_2045

Tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn

Tổ quốc luôn ghi công các anh, những người lính đã bỏ mình sự nghiệp thống nhất đất nước. Dù xa xôi, heo hút những người dân Việt vẫn luôn đến với các anh, thắp hương tưởng nhớ với một tâm niệm: Không một ai, không một điều gì bị lãng quên.