Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2008

Phía sau những bức ảnh

Điểm dừng đầu tiên: đền Mẫu Âu Cơ. Đứng trước sân nhìn cây đa cổ thụ trùm bóng trên mái đền nghĩ ai đã trồng nó. Còn trên khu đất trống trước mặt các quan chức thi nhau đến trồng cây gắn biển, vài mét lại một cây, phần nhiều là đa. Không hiểu sau này chúng lớn lên sẽ như thế nào đây, mọc thẳng à?

DSC_0874

Mốc biên giới Việtnam – Trung Quốc, cửa khẩu quốc tế Lào Cai bên dòng sông Hà Khẩu. Sau lưng là đất Trung Quốc. Chắc cái mốc giới này không thể bị xê dịch như ở thác Bản Giốc.

DSC_0879

DSC_0890

SaPa mờ trong sương chiều, sân nhà thờ đám trẻ người H’Mông đã nhanh nhạy với cơ chế thị trường: du khách muốn chụp ảnh với chúng phải trả tiền. Tốt thôi, nhìn chúng cũng tội, giá rét thế này...Mà chúng có xin tiền du khách đâu, mình chụp ảnh cùng chúng mới nhận tiền.

Sapa.1

Chợ vùng cao Bắc Hà (Lào Cai). Quầy hàng thổ cẩm này tuy mầu sắc rực rỡ nhưng chủ nhân của nó là người Kinh và những mặt hàng treo trên kia đã có sự can thiệp của máy may công nghiệp, không thuần tuý được người dân tộc làm bằng tay.

DSC_0955

Những phụ nữ này đang đứng chờ người thân ở cổng chợ, bình thường họ không thích để người khác chụp ảnh, nhất là chụp cùng nhưng họ vẫn đồng ý chụp cùng mình, có điều đứng giãn ra xa một chút

DSC_0972

Tại sao mấy cô sơn nữ này lại phải xuống tận chợ Bắc Hà để chụp tấm ảnh trước cái phông thác Bản Giốc do Trung Quốc in, cảnh vật quê hương cơ mà. Thấy có người Kinh đứng cùng phía trước phông, các cô bảo nhau bỏ chạy.

Sapa 2

Hình như các thiếu nữ ấy không thích chụp ảnh cùng người Kinh, nhưng khi biết ý định nghiêm túc của tôi là muốn chụp ảnh với một cô gái dân tộc trong trang phục của họ, một sơn nữ xinh xắn đã đồng ý. Tiếc rằng người bấm máy hộ tay nghề không có nên ảnh chưa được đẹp.

DSC_0993

Đợt rét khủng khiếp đang kéo dài làm rất nhiều trâu bò của người dân vùng cao này chết. Cỏ trên núi không còn, họ phải xuống tận chợ mua cỏ của người dưới xuôi đưa lên mang về cho trâu bò ăn. Bà vợ này đang nóng ruột vì mọi việc mua bán đã xong và trâu ở nhà đang đói nhưng ông chồng vẫn đang la đà bên chảo thắng cố trong chợ cùng những người đàn ông khác. Bà vẫn nhẫn nại đứng đợi. Nếu vớ phải mấy bà vợ người Kinh (nhất là ở HN) thì dám sẵn xe ôm và taxi đấy các bà phi về nhà và khoá trái cửa ngay.

DSC_0983

Gương mặt nhẫn nại chờ chồng trong giá rét làm tôi cảm phục những người phụ nữ dân tộc vì biết rằng chốc nữa khi ông chồng ra khỏi chợ sẽ chân nam đá chân chiêu và trên đường về bản sẽ lăn quay ra ngủ vệ đường vì ngấm rượu. Những bà vợ như thế này sẽ lại ngồi bên cạnh rút thổ cẩm ra thêu chờ chồng tỉnh rượu rồi tiếp tục đi về.

DSC_0986

Những du khách như tôi học được điều gì qua chuyến đi như thế này?

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2008

SAPA thêm một lần đến.

Đầu năm, theo thông lệ cơ quan tổ chức đi chơi đâu đó, kết hợp đi lễ và du xuân. Năm ngoái mình không đi Yên Tử cùng mọi người và đã để “điều ra tiếng vào”. Năm nay mọi người dự định đi đền Mẫu Âu Cơ ở Phú Thọ và từ đó lên Lào Cai rồi đi SaPa. Việc nhà chưa ổn lên cứ phân vân mãi, cuối cùng sau một hai ngày cân nhắc và sắp xếp mọi việc mình cũng quyết định đi. Vẫn biết đi SaPa chẳng ai đi bằng ôtô và theo lịch trình như vậy, nhưng vì kết hợp đi lễ với du xuân nên mới đi kiểu đó.

Mọi người vô cùng thích thú nghe tin đi Sapa vì lúc này TV cũng như trên mạng đều đưa tin cảnh băng tuyết ở đó. Thực ra để tận mắt chiêm ngưỡng được băng tuyết SaPa chẳng dễ dàng gì, ở HN nghe thông tin như thế nhưng khi vội vàng lao lên thì chẳng thấy gì vì băng tuyết chỉ có về đêm và sáng sớm trên đỉnh Hàm Rồng hay Cổng Trời, Thác Bạc, đến gần trưa là tan hết và chúng cũng chỉ có trong điều kiện 1-2 độ âm. Thôi cứ quyết định đi vì biết đâu ngẫu nhiên mình lại được chứng kiến cảnh vật trong băng giá đã 20 năm nay mình không được nhìn thấy.

Còn một lý do khác mà mình quyết định đi khi nhớ đến bài thơ người bạn đã gửi mình khi trở về từ SaPa mùa đông năm ngoái.

Chiều mưa xuống bến bâng khuâng,

Chỉ thêm vài giọt mà dâng ngập bờ.

Em vừa từ giã cõi mây,

Bàn tay lạnh giá từ đây ấm rồi.

Đêm qua sương lạnh dặm dài,

Vòng tay ôm xuống bờ vai ngập ngừng.

Ta cùng ta có gì vui,

Người ta yêu đã ngọt bùi nơi đâu?

Trở về phố vắng đêm thâu,

Buồn thương khoảng khắc gục đầu người dưng...

Khởi hành sáng sớm thứ Sáu, đến đền Mẫu Âu Cơ đã gần trưa,. Vào thắp hương trước tượng Mẫu Âu Cơ lòng tự hỏi mình nằm trong số 50 người con theo cha xuống biển hay trong số 50 theo mẹ lên rừng. Chắc là theo cha xuống biển rồi vì mình là người dưới xuôi ngược lên đây thắp hương Quốc Mẫu mà. Ôi những đứa con dân tộc Việt vừa rời vành nôi đã nếm mùi chia ly, đứa theo mẹ nhớ cha, đứa theo theo cha thèm vòng tay mẹ, đứa nào cũng thiệt thòi thiếu thốn. Thảo nào chúng hay bị người ngoài lợi dụng và đôi khi còn đánh lẫn cả nhau.

Mẹ Âu Cơ ơi qua rồi thời ly loạn, nồi da nấu thịt. Hôm nay tụ họp về đây có đủ con của Mẹ khắp mọi miền, đứa Bắc, kẻ Trung, người Nam cùng thắp hương trước Mẹ. Chắc rằng từ đây những đứa con của Mẹ sẽ xum vầy trong mái ấm Việt Nam, nếu có biến cố nào xảy ra thì đành tự trách mình chứ ai dám trách Mẹ đâu.

Từ Yên Bái lên Lào Cai đường như thời chiến với đủ các loại ổ gà, ổ trâu thậm chí ổ voi, quả thật có đi bằng ôtô mới biết tại sao mọi người đi SaPa chỉ đi bằng tầu hoả. Anh lái xe kể có lần chở Tây từ SaPa về, khi đến Hà Nội chúng thở phào bảo máy bay đã hạ cánh an toàn. Mình quá quen rồi chẳng làm sao, chỉ tội cho chị em phụ nữ và hai đứa trẻ con. Được cái là đi lễ nên không ai phàn nàn.

Sau khi lễ ở đền thờ ông Hoàng Bẩy (Lào Cai), vì đã muộn nên mọi người quyết định ngủ lại Lào Cai, giờ này lên SaPa rất nguy hiểm, đường dốc, vực sâu lại mờ mịt sương mù. Sáng hôm sau lên được đến SaPa đã gần trưa. Hình như mọi người hình dung chuyến đi SaPa này giống như những lần đi Sầm Sơn, Cửa Lò hay Huế, Đà Nẵng, hoặc như đi Tam Đảo, nên khi thấy SaPa mờ mịt trong sương thì than phiền chẳng biết xem gì. Trời ạ, nếu SaPa không mờ mịt sương mù, không mờ ảo ẩn hiện ngọn tháp nhà thờ, những rừng thông, những mái nhà, người đi đường mù lối, chân bước vô định hoặc theo thói quen, người người nép sát vào nhau tìm hơi ấm trong buốt giá thì SaPa đâu còn là SaPa.

DSC_0936

Người miền Nam gọi Đà Lạt là thành phố tình yêu chắc cũng vì cái lạnh, cái thơ mộng của thành phố cao nguyên làm con người xích lại gần nhau, và từ đó tình yêu nảy nở, người miền Bắc yêu kém hơn chăng mà chẳng ai gọi SaPa là thị trấn tình yêu, nhưng ít hay nhiều những ai đã đến đó và muốn quay lại chắc cũng đồng tình rằng khi đến thị trấn này người ta nên đến cùng với những người bạn (khác giới càng tốt) tâm đầu ý hợp, những người biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sương mù, những người biết quên đi thực tại bộn bề mệt mỏi để lạc mình trong sương, để có những giờ khắc trở thành kẻ lãng du.

Đêm miền sơn cướ
c trời như bớt buốt giá hơn bởi những bếp than bán đồ nướng (khoai, hạt dẻ, trứng, cơm lam, thịt xâu) và những chén rượu Sán lung. Lần này tôi đi trong cả một đám đông ồn ào, những tiếng cười nói làm mất đi cái yên lặng của phố xá, làm chìm nghỉm tiếng kèn của những chàng trai HơMông gọi bạn (tất nhiên là thổi theo cơ chế thị trường, theo đề nghị của du khách, chứ mấy cô gái HơMông còn đâu thời gian mà múa theo điệu kèn khi đang bận líu lo tiếng Anh bán đồ thổ cẩm cho du khách nước ngoài).

Chợt buồn vì mới đây thôi mùa đông năm ngoái, cũng trong khung cảnh này nhưng thưa vắng người hơn, bên bếp than hồng chúng tôi ngồi hơ tay cho ấm, ngắm nhìn chị bán hàng má rực hồng vì lửa, nhỏ nhẹ hỏi chuyện nhau, không ai nói to vì sợ làm phiền người khác dù họ ngồi xa cả chục mét, sợ làm phiền cả cái thị trấn yên tĩnh này. Giờ đây những tiễng cười, tiếng nói cứ ồn ào như đêm nào đó trên bãi biển Sầm Sơn. Bao giờ SaPa mất nốt cái tĩnh lặng về đêm khi dòng du khách đổ lên đây mang theo cái ầm ĩ của thị thành. Bao giờ những cô gái, chàng trai HơMông kia vào nốt nhà hàng Karaoke người làm lễ tân, người làm tiếp viên để phục vụ cái nhu cầu oái oăm của một bộ phận du khách ngớ ngẩn lên SaPa lại muốn đi hát Karaoke. Hay lúc đó chỉ còn lại toàn người Kinh với nhau để rồi cái thị trấn SaPa này lại như thành phố Lào Cai?

Nghĩ và chợt thấy mình quá lẩn thẩn, thôi chẳng viết nữa. Mai kia có rảnh thì làm cái entry khác về SaPa bằng ảnh vậy. Bây giờ đi ngủ thôi, bù cho mấy đêm thiếu ngủ trong suốt hành trình

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2008

Sao mình lại khóc?

Thứ Hai. Trở về từ Sapa sau mấy ngày lang thang vùng Tây Bắc, lò dò mở cửa vào ngôi nhà của mình thấy buồn vì nó lạnh lẽo quá. Tự trách mình đã bỏ nhà trống vắng suốt từ trước Tết tới giờ để đi làm những việc khách sáo, xã giao vô bổ (nhưng không làm giống mọi người thì thấy mình thất lễ), suốt ngày chạy nhà họ hàng và người thân quen chúc Tết. Vẫn những câu chúc cửa miệng khi bước chân vào nhà, vẫn nhà này qua nhà khác mà đâu có xa xôi gì, vừa một hai hôm trước còn gặp nhau...

Nhà mình quạnh vắng, tạt sang nhà thằng em đọc entry Xin cho tôi, nhìn ảnh anh, mình lại khóc ròng, nước mắt lặng lẽ ứa ra, lăn xuống. Sao mình là đàn ông mà mau nước mắt thế nhỉ, có lẽ những gì về anh luôn làm mình trào nước mắt. Hôm trước entry Cho con chín tuổi đã làm mình thẫn thờ suốt mấy hôm. Đồng đội của anh bảo mình rất giống anh về tính cách, còn ông thầy cúng nói anh rất hợp mình và nên bốc bát hương thờ anh ở nhà mình (và mình đã làm), nên có lẽ mình khóc là dễ hiểu. Khóc thương anh, cho những người lính như anh, cho dân tộc, cho đất nước này đã mất mát quá nhiều khi đi qua cuộc chiến ấy. Cuộc chiến mà khi nhìn lại thấy không ít những sai lầm.

Đàn ông mà mau nước mắt, nhưng mấy ai biết tôi khóc và tôi cũng chẳng khóc với người đời dẫu họ có làm tôi đau đớn, buồn khổ...

Tôi chỉ khóc với mình, khóc lặng lẽ thương cho anh, cho những phận người. Khóc cho sự thờ ơ mau quên của người đời với những người đã ngã xuống, khóc cho những lời đầu môi chót lưỡi trong buổi lễ này nọ...