Thứ Ba, 25 tháng 12, 2007

Loi Tran The ... ru con

Bạn đã nghe thấy người đàn ông hát ru con chưa ? Những câu lục bát à ơi của ngàn năm dân tộc, của những trưa hè oi ả bên cánh võng trẻ thơ, của những hoàng hôn nhập nhoạng trong khói lam chiều khi chưa tan buổi chợ. Bàn tay thô ráp vụng về vỗ nhẹ đứa con thơ, ru cho con giấc ngủ chập chờn khi văng mẹ.

Tôi đã ru con tôi trong tuyết trắng xứ người, trong xót xa của những ngày xa xứ, những câu lục bát dở dang của một quãng đời…

Lục bát cho con ngày sinh ra

Thương yêu cho Hải Anh

Hãy là một cánh Hải âu,

Bay trên biển biếc, thẳm sâu xa vời.

Trên môi luôn đọng nụ cười,

Vững vàng con nhé dẫu đời gió sương.

Ngủ đi con, bé yêu thương,

Mai đây bay nhảy dặm đường xa xôi.

Vươn lên con khỏi nợ đời,

Áo cơm, cơm áo một thời xót xa.

Ngủ đi con, giữa bao la,

Tình cha, nghĩa mẹ, ấy là vành nôi.

Mai đời dẫu có nổi trôi,

Hải Anh con nhớ giữa đời nghẩng cao.

( 5/1987)

Nghe em ru con

Ầu ơ... Em hát ru con

Lòng anh một thoáng bồn chồn xôn xao.

Câu ca tự một thủa nào,

Ba chìm, bảy nổi đi vào tương lai.

Cái kiến mày kiện củ khoai,

Được thua chẳng biết leo hoài cành đa.

Bao đời một nỗi xót xa,

Vì sao kiến phải leo ra, leo vào?

Ngủ đi con, ngủ ngoan nào,

Lời ca này sẽ theo vào đời con.

Đói lòng ăn trái bòn lon,

Em ơi ! Lời hát ru con anh buồn.

Ai đi muôn dặm nẻo đường,

Quên lời ca ấy, yêu thương dặn dò.

Dòng sông, bến nước con đò,

Quê hương ta đó, bây giờ ra sao?

Những đời vất vả cần lao,

Câu hát ngày nào chua xót, đau thương.

Ai về nơi ấy : Quê hương?

Nhắn hộ con đường, góc phố, hàng cây.

Lời ru đất mẹ còn đây,

Mà ta xa vắng tuyết mây xứ người.

Ai đi muôn nẻo xa vời,

Có còn thương nhớ đất trời quê ta?

Ai đem hương vị quê nhà,

Mang đi đổi lấy tuyết hoa xứ người?

Ru con em hát... ạ ời

Lòng anh trở lại khoảng trời...yêu thương.

(Những ngày xa xứ 1987)

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2007

Lời Trần Thế …ru em

...Xin ru em lời ru ngàn xưa/ Ru qua trần thế, nhớ thương một thời dang dở...

Lời ru nào trong của mẹ ngày ấu thơ đã theo tôi suốt cả cuộc đời, để rồi theo tháng năm tôi đã lớn lên với nó, đã để nó trong tâm hồn mình và cho đến một ngày tôi lại hát ru con tôi ?

Lời ru nào trên trần gian này , cho con người quên đi những cay đắng nhọc nhằn, vất vả. Quên đi những suy tư, phiền muộn để thả mình vào giấc ngủ thanh thản, bình yên?

Lời ru nào cho em quên đi những xót xa, ngang trái trong tình yêu để em sống cuộc đời hạnh phúc?

Tôi muốn viết những lời ru cho em, cho tôi, cho những day dứt khôn nguôi, cho những khát khao kìm nén. Những lời ru để tạ lỗi với đời, với người...

Viết cho em.

Em trở về từ nơi ấy Phương Nam,

Xa nắng ấm và vòng tay âu yếm.

Trời quê mẹ mùa xuân này chưa đến,

Ngày Đại hàn tôi chợt nhớ bâng quơ.

Em xếp rồi sách vở lẫn bài thơ

Tôi viết tặng những ngày xưa thân ái.

Hà Nội lạnh những ngày đông tê tái,

Phút chạnh lòng gửi thương mến về đâu?

Em nghe chăng từ nơi rất thẳm sâu,

Lời yêu dấu chưa bao giờ dám nói?

Ly rượu cay cho lòng tôi chới với,

Đã bao giờ em hiểu được lòng tôi?

Bài thơ này, bài thơ nữa rồi thôi,

Sẽ xa mãi bởi mình không dám nhận.

Một mai đây trong cuộc đời hưu quạnh,

Sẽ ấm lòng… khi ta nghĩ về nhau.

Đêm qua không khí lạnh lại về, Hà Nội lạnh thêm để bước vào mùa giáng sinh. Mùa giáng sinh, mùa thanh bình nhân loại, mùa con người tìm thấy lại tình yêu...

Nhưng đã bao mùa đông rồi, con tầu cuộc đời đã đi qua cái ga nhỏ đầy ắp kỉ niệm? Có khi nào tôi gặp lại em, cái ga nhỏ mà tôi không thể dừng lại mãi ?

Người lữ khách nào trong hành trình cô đơn của mình đã cùng tôi đi một chặng đường? Để chúng tôi dành cho nhau những phút giây êm đềm, dẫu biết rằng sẽ có ngày tất cả chỉ là những kỉ niệm :

Em đã ngủ chưa?

Hà Nội đêm nay buốt lạnh.

Trong lòng đêm vắng,

Em mơ hơi ấm vòng tay.

Tôi bước quay quay,

Mưa bụi giăng đầy mái tóc.

Còn ai thao thức,

Sẻ chia niềm đắng trên môi.

Xót xa tình đời,

Thương yêu một niềm đau đáu,

Nhủ lòng che giấu,

Để em giờ mãi xa xôi.

Thương yêu bóng người,

Bây giờ đã thành kí ức,

Đêm dài thao thức,

Bài thơ viết tặng riêng em.

Mùa giáng sinh. Năm nào nơi hang đá Bêlem Chúa đã xuống trần...

Lạy Chúa ! Con là người ngoại đạo, nhưng vẫn tin rằng có chúa ở trên cao.

Cầu Chúa ban phước lành cho những người mà con yêu thương.

Mùa Giáng Sinh 2007

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2007

Quê Hương ngày xa xứ

Những ngày này tràn ngập các trang web, các blog trên mạng là những lá cờ đỏ sao vàng, là tiếng nói của hàng triệu trái tim người dân Việt Nam về chủ quyền lãnh thổ, về tình yêu quê hương đất nước, cũng như của hàng triệu con tim những người con Việt Nam xa xứ, không phân biệt tôn giáo, chính kiến đang hướng về mảnh đất chôn rau cắt rốn với tấm lòng da diết, với tình yêu quê hương trong khắc khoải âu lo.

Không lo sao được khi những mảnh đất địa đầu Tổ Quốc đang bị lẹm dần bởi những cột mốc biên cương bị xê dịch, khi hè vừa rồi tôi đứng trước thác Bản Giốc nhìn sang bên kia sông, nơi ngày nào những người dân Việt còn trồng ngô, trồng khoai vậy mà giờ đây đã là khu du lịch của Trung Quốc, với những khách sạn 3-4 tầng, và những đoàn ôtô điện chở du khách tham quan thác, khi quần đảo Hoàng Sa đã là lãnh thổ của TQ từ năm 1974, một số hòn đảo trong quần đảo Trường Sa đã trở thành của TQ từ 1988…Tất cả chúng chỉ còn trong trang sách.

Liệu có bao giờ tất cả những phần đất thiêng liêng của Tổ Quốc ấy cũng không còn cả trong trang sách?

Hơn 25 năm trước, trong những ngày tháng tha phương nơi trời Âu, cách xa quê hương hơn 15 nghìn km, tôi đã nhớ về quê hương mình với nỗi nhớ cồn cào, day dứt. Quê hương trong tôi là dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa với triền đê bạt ngàn cỏ may, những bờ tre cong mình theo gió, là những con phố nhỏ, những mái ngói rêu phong, những ngã tư đông nghịt xe đạp với hàng trăm, hàng ngàn người đứng chờ đèn tín hiệu với những gương mặt mệt mỏi của cuộc sống cần lao. Quê hương trong tôi là ngôi nhà mái lá gồi, là cây bàng thân quen trước cửa cùng cái cầu ao bên bè rau muống.

Tình yêu quê hương trong tôi là những lúc dầm chân trong tuyết lạnh, trong cái giá buốt 23 độ âm đi chặt một cành táo về dán lên đó những bông hoa giấy đỏ để trong hồn tôi có cành đào Nhật Tân mừng Tết cổ truyền dân tộc. Là trong khói nhang trầm thơm ngát tôi nghĩ về quê hương, nguồn cội, cúi đầu khấn vọng qua 15 ngàn km vong linh ông bà tổ tiên bao đời cần lao trên những cánh đồng, vong linh người anh trai đã ngã xuống khi cầm súng bảo vệ mảnh đất quê hương trước sự xâm lược của kẻ thù ở cái tuổi 18 khi còn chưa biết đến một nụ hôn đầu đời.

Tình yêu quê hương trong tôi là những bài thơ tôi viết cho người thân, bạn bè:

Nhớ chăng em khi trời Âu tuyết trắng

Một chút nắng hoe, cơn gió cuối hè?

Nhớ chăng em khi dầm chân trong tuyết

Cái nóng nung người tháng sáu quê ta ?

Nhớ chăng em êm ấm một mái nhà

Tranh, nứa lá xám đen mầu mái rạ?

Có nhớ không giữa trời Âu xa lạ

Nhạc đèn mầu trong cao vút hotel ?...

Những đêm 30 tết ngồi bên nhau uống rượu, nước mắt cứ ứa ra trên mi khi ngoài trời trắng xoá tuyết rơi nhắc nhớ về mưa xuân và hoa đào, khi đọc cho nhau nghe những câu thơ trên tờ báo hải ngoại: … Nhìn qua khung cửa mờ hơi nước/ chợt nhớ mưa phùn đất Bắc xưa

Sống tha phương với quá nhiều day dứt, tôi đã bế con trở về, trong khi trên quê hương tôi khi ấy vẫn còn lũ lượt người tìm đủ mọi cách ra đi để đến với miền đất ấy, nơi là thiên đường trong mắt họ. Tôi không phải là người quá mơ hồ tin vào những điều viển vông, tôi trở về dù biết quê hương tôi khi ấy còn quá đói khổ, đói khổ tới mức có người phải bán bớt con đi vì không đủ tiền mua gạo nuôi chúng. Tôi trở về để cho con tôi trèo hái những chùm khế ngọt (hay chua?) ở nơi tôi đã sinh ra, cho con tôi được làm con dân nước Việt, cho con tôi không phải dầm chân trong tuyết lạnh và chịu những ánh nhìn ghẻ lạnh, những câu nói xúc phạm cả dân tộc. Tôi đã viết cho con:

Rồi mai cha sẽ đưa con về nơi ấy,

Thành phố quê mình nơi cha đã sinh ra.

Góc phố thân thương với những ngôi nhà,

Mầu rêu phủ dấu thời gian mờ tỏ.

Rất có thể khi ấy còn gian khổ,

Bữa cơm thường còn thiếu thịt nhiều rau.

Con sẽ về và không thấy nơi đâu,

Con hạnh phúc trong tình người đến vậy.

Nơi con về mùa thu nắng vàng êm,

Rằm tháng Tám con rước đèn phá cỗ.

Trăng trung thu giữa trời cao sáng tỏ,

Tuổi thơ con là huyền thoại, thần tiên.

Nơi con về câu lục bát ru cha,

Bà đã hát tháng năm nào chìm nổi.

Thứ lỗi cho cha nơi đây cha đã đổi,

Lời ru con thành điệu nhạc romance.

Con sẽ về nơi ấy bỏ lại đây,

Hoa tuyết trắng bay giữa trời xám lạnh.

Con sẽ có một vầng trăng tròn vạnh,

Thay ánh đèn c
ao áp giữa trời đêm.

Con sẽ về với góc phố thân quen,

Tuổi thơ cha chơi đánh cù, đánh đáo.

Con sẽ thấy những giao thừa tiếng pháo,

Khói nhang trầm thơm ngát cúng tổ tiên.

Rồi buổi chiều con sẽ đòi cha mua kem,

Khi ngoài phố tiếng pim pim vọng tới.

Và mỗi khi xuân sang mừng năm mới,

Bánh chưng xinh cha sẽ gói cho con.

Bởi cuộc đời còn bao nỗi lo toan,

Con sẽ hiểu quê hương mình đất Việt.

Con sẽ hiểu bao năm trời cách biệt,

Cha thương hoài về nơi ấy : Quê Hương.

(Rồi mai con sẽ về - 1987)

Bây giờ con tôi đã 20 tuổi, cháu chưa phải nếm trải những nhọc nhằn cay đắng trong cuộc sống mưu sinh, cháu đang ngồi trong giảng đường trường đại học. Tôi viết những dòng này những mong con tôi hiểu những gì con người ta phải học, phải làm để luôn tự hào mình là MỘT NGƯỜI DÂN NƯỚC VIỆT.

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2007

Lịch sử và sự trung thực

Đã hơn 22h, cô con gái năm nay học lớp 7 đã lên giường một lúc lâu mà sao thấy nó cứ lục sục, trở mình mãi. Mải đọc báo lên tôi không để ý, chợt bỗng nhiên thấy tiếng nó mở cửa phòng và đi sang phòng tôi, quay ra nhìn thấy nó vừa khóc vừa đi đến bên cạnh tôi. Có chuyện gì rồi, tôi tự nhủ, con bé đến gần, vừa sụt sịt khóc vừa nói:

- Hôm nay con đã giở sách quay cóp bài trong giờ kiểm tra môn lịch sử, các bạn mách cô giáo.

- Tại sao con làm như thế?

Tôi hỏi mà vẫn chưa tin vào tai mình những điều vừa nghe được, vì từ trước tới giờ chưa bao giờ con bé làm như thế. Nó vẫn vừa khóc vừa nói:

- Vì lần kiểm tra trước con học rồi mà làm bài chỉ được 8 điểm, trong khi chúng nó không học mà giở sách ra chép lại được 10 điểm, con không muốn thua chúng nó…

Một cái gì đó chua chát dâng lên trong tôi. Ôi con gái ơi! cái giá phải trả cho sự dại dột đấy. Tôi định mắng con bé, nhưng nhìn đôi mắt nhoà lệ của nó lòng tôi bỗng chùng xuống, thôi đằng nào thì sự việc cũng đã rồi và nó cũng đã thú nhận lỗi với bố. Tôi nhẹ nhàng phân tích cho cháu cái dại dột của việc quay cóp, rồi bảo cháu viết hai bản kiểm điểm, một gửi cô giáo chủ nhiệm, một gửi cô giáo bộ môn Sử nhận lỗi và hứa không bao giờ tái phạm.

Nó trở về phòng và chắc sau một lát đã ngủ. Trẻ thơ khi đã trút bỏ được sự sợ hãi chúng dễ đi vào giấc ngủ. Tôi cũng cố quên đi câu chuyện vừa rồi để tiếp tục đọc báo mà không được. Thời học sinh tôi cũng đã nhiều lần dở sách quay cóp và thậm chí khi đi là sinh viên Luật cũng có lần tôi đã sử dụng “phao” trong những kì thi. Tôi muốn dạy con tôi sự trung thực trong khi bản thân tôi cũng chưa làm trọn vẹn được điều ấy…

Tôi cứ nghĩ sao tôi không để ý kiểm tra bài môn Sử của cháu hôm trước nhỉ? Tôi hỏi cháu về Văn, Toán và Tiếng Anh trong khi lại bỏ qua môn Sử, bản thân tôi cũng không để ý gì đến cái môn học bình thường đó chăng? Hay chính môn học ấy có gì đó không cuốn hút lũ trẻ như tôi ngày xưa và con tôi bây giờ. Lịch sử dân tộc tôi hào hùng và oanh liệt vô cùng, nhưng có gì đó trong cách truyền thụ của thầy cô, hay giữa trang sách và thực tế luôn là những khoảng cách xa vời.

Hôm trước các con tôi có hỏi về sự kiện HS-SV VN biểu tình về việc TQ xâm chiếm quần đảo Trường Sa và Hòang Sa, chúng hỏi TQ là bạn hay là kẻ thù. Tôi biết trả lời như thế nào cho những cái đầu non nớt của chúng hiểu đây…

Thập niên 60 đến gần giữa 70:

- Việt Nam – Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông. Chung một Biển Đông mối tình hữu nghị…

Giữa thập niên 70 đến giữa thập niên 80:

- Tiếng sung đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới... Quân xâm lược bành trướng dã man đã dày xéo mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ….

Từ thập niên 90:

- Láng giềng hữu nghị, đồng chí anh em

Trong những năm cuối cùng của những năm 2000 này và tiếp sau đó nữa sẽ là những gì đây?

Làm sao tôi có thể giải thích cho chúng hiểu sự trung thực và lịch sử…

Tôi cố ru mình vào giấc ngủ để quên đi những điều ấy, nhưng thật khó. Một đêm dài trôi qua với giấc ngủ chập chờn nông như giấc ngủ thôi miên.

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2007

Ngọc Của Nước Mắt

Đã khi nào nhìn những vòng ngọc trai tuyệt đẹp trên cổ những mỹ nữ, những mệnh phụ phu nhân...trong những dạ hội, trong những buổi tiệc tùng, bạn nghĩ gì khác về đằng sau vẻ đẹp của những viên ngọc ấy chưa? Nó được tạo ra bởi cái gì và như thế nào ? Trên cuộc đời này còn có thứ gì giá trị hơn ngọc ngà châu báu hay kim cương ?

Mẹ tôi năm nay đã già, cuộc đời Mẹ cũng có quá nhiều thăng trầm, sung sướng trong giầu sang, hay cực khổ trong bần hàn, những niềm vui hạnh phúc hay những đớn đau câm nín Mẹ đã từng nếm trải. Mẹ cũng có đồ trang sức, và bây giờ vào những ngày lễ tết hay có việc gì trọng đại Mẹ mới đeo, cái dây chuyền vàng, cái vòng hay chuỗi hạt bằng đá Cẩm thạch. Tôi chưa bao giờ thấy Mẹ có vòng ngọc trai. Mỗi khi nhìn Mẹ đeo đồ trang sức tôi lại nghĩ với Mẹ chẳng có chuỗi vòng ngọc nào đẹp hơn những điều tốt đẹp mà Mẹ đã làm và để lại cho chúng tôi, cho cuộc sống này.

Ngày bé tôi chỉ biết ngọc trai là người ta lấy từ trong lòng của những con trai (chủ yếu là trai biển). Chúng thường có mầu sắc trắng hồng, óng ánh, đôi khi có những viên ngọc mầu khác như mầu đen…Lúc đó tôi chưa quan tâm tìm hiểu xem tại sao lại có những viên ngọc đẹp như thế trong lòng cái con trai vỏ cứng xù xì rêu xám đen và thân mềm ấy. Lớn lên một chút tôi hiểu rằng sở dĩ có những viên ngọc ấy là do trong quá trình sống khi bị một vật thể lạ rơi vào trong cơ thể, vốn dĩ thân mềm nên khi gặp vật cứng bên trong cơ thể thường gây ra đau đớn, loài trai theo bản năng sinh tồn đã tiết ra chất xà cừ bao quanh cái vât lạ ấy và theo thời gian nó ngày càng lớn lên và tròn trịa. Thế là một viên ngọc đã hình thành.

Người ta gọi ngọc trai bằng những cái tên mỹ miều : Hạt ngọc của biển. Nước mắt của đại dương…Với tôi có lẽ đó là nước mắt của nỗi đau đớn tột cùng mà loài trai đã phải trá giá để tiếp tục sống, để tồn tại và trưởng thành.

Con người ta cũng vậy, trong hành trình sống của mình cũng gặp không ít những đớn đau như vậy, với người này có thể nỗi đớn đau ấy quật ngã họ, với người kia nó lại làm người ta cứng rắn hơn, đứng thẳng dậy tiếp tục sống và trong lòng họ một viên ngọc đã bắt đầu hình thành. Đó chính là những giá trị nhân văn cao quý mà họ dành cho cuộc đời.

Cuộc đời của Mẹ tôi cũng vậy, từ tay trắng nghèo khó đến giàu sang, rồi trở về nghèo khó và rồi lại đủ đầy…theo những thăng trầm biến đổi của thời cuộc, những khổ sở nói được thành lời, những mất mát đớn đau câm lặng đã làm cho lưng Mẹ hơi còng xuống, nhưng đầu Mẹ mãi ngẩng cao.

Mẹ có bốn con trai, ba lần tiễn các con đi vào cuộc chiến, nhưng vẫn còn là may mắn khi chỉ phải khóc thầm có một lần đầu khi đứa con lớn nhất không trở về. Mùa Xuân 1972 trong những này ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Mẹ tiễn con lớn lên đường, để chỉ cuối Hạ thôi đã nghe tin con mình ngã xuống. Rồi những năm 79-80 khi tiếng súng vẫn nổ trên biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, Mẹ lại tiễn hai con lên đường. Những cuộc truy quét tàn quân fulrô trong rừng sâu Đắklắc rồi cũng qua để anh trai thứ tôi được trở về, cũng như tôi được rời quân ngũ trở lại học hành. Có ai hiểu cho nỗi lòng Mẹ tần tảo chắt chiu từ hạt gạo, củ khoai nuôi con mình chỉ mới đến tuổi 18 là lại phải thương nhớ trông chờ con trong khắc khoải.

Mẹ không biết chữ nhưng cũng rất biết đến câu nói của tiền nhân : Cổ lại chinh chiến kỉ nhân hồi (Xưa nay ra trận mấy ai về ). Vậy mà Mẹ vẫn gạt nước mắt tiễn chúng tôi đi để đêm ngày lặng lẽ chờ mong, để hàng ngày chắt chiu từ gói mì, hạt lạc bớt đi khẩu phần ăn của mình trong những tháng năm đói kém thiếu thốn của 2 thập kỉ 70 và 80, để dành khi chúng tôi về tranh thủ có thêm cân mì, gói muối vừng mang theo ăn thêm cùng ít đồng tiêu vặt.

Cám ơn nhà thơ Nguyễn Duy khi anh đã viết : Suy cho cùng trong các cuộc chiến tranh/ Bên nào thắng thì nhân dân cũng bại.

Bố Mẹ tôi sinh ra trong những năm cuối cùng trước khi nền Nho học tàn lụi, Bố thì biết chút ít chữ Nho và chữ Quốc ngữ, Mẹ không được đi học bởi quan điểm “nữ nhi tầm thường” của ông bà ngoại, nhưng trong suốt cả cuộc đời Mẹ luôn nhắc nhở con cháu học hành, những năm tháng đói kém ăn còn không đủ, những ngày chiến tranh bom đạn đầy trời Mẹ vẫn không cho chúng tôi nghỉ học, và có lẽ cho đến sau này khi tóc anh em chúng tôi đã ngả mầu thời gian chúng tôi vô cùng biết ơn Mẹ vì điều ấy, dù sự học không bao giờ muộn nhưng nếu đứt gánh giữa đường mấy người đủ bản lĩnh để làm lại?

Cha nghèo chẳng có gì đâu/ Cho con nắm chữ làm giầu nghĩa nhân.

( Trần thế Hồng )

Đầu thập niên 70 chị gái tôi ra nước ngoài học tập, đến cuối thập kỉ trở về, và đến đầu những năm 80 tôi và em trai lại lên đường sang phương trời ấy, phương trời Âu mơ ước của bao người, nhưng dù có cố gắng chắt chiu đến mấy chúng tôi cũng chẳng giúp gia đình được bao nhiêu trong hoàn cảnh đói nghèo đến gần như tuyệt vọng của cả đất nước. Mẹ vẫn lầm lũi đi làm đêm hôm trong những cái lò thuỷ tinh rực lửa, nơi mà sau mỗi ca làm việc lượng mồ hôi đổ ra nhiều hơn cả lượng nước uống vào, và mỗi nửa đêm khi trở về trên đầu mẹ lại đội một chiếc rổ xề với ít thanh củi cháy dở, vài hòn than pha đá mà HTX bỏ đi, ít rau rệu hay bèo để ngày mai có cái nấu cơm nuôi con lợn, khi mà ở cái thời chất đốt cũng phải mua bằng tem phiếu và không bao gìờ đủ. Mẹ cứ đội trên đầu như thế bởi vì ở vùng quê nghèo “chiêm khê, mùa thối” của Mẹ những đứa trẻ khi mở mắt chào đời đ
ã chứng kiến cảnh những người dân đã đội các thứ trên đầu như thế và điều đó như đã thành bản năng của họ trong công cuộc sinh tồn.

Bây giờ anh em chúng tôi đã trưởng thành, con cái đã lớn, chúng tôi cũng sắp lên ông, lên bà và tuy không giầu có bằng ai nhưng cuộc sống cũng tạm đầy đủ, Mẹ tôi cũng vẫn chắt chiu dành dụm từng đồng bạc lương hưu, hay tiền lương của mẹ liệt sỹ chưa tiêu đến để cho con cho cháu. Hình như dành dụm đã trở thành bản năng của Mẹ, của cả người dân đất nước tôi vốn nhiều niên niên kỉ nay luôn chìm trong “thiên tai, địch hoạ”.

Những khổ đau, mất mát khi đến với Mẹ nó như những mảnh vỡ sắc nhọn tàn nhẫn của cuộc sống cứa vào lòng Mẹ, vào trái tim yếu mềm như thân loài trai biển, tuy có cái vỏ ngoài cứng rắn chịu đựng va đập của sóng gió cuộc đời. Những hạt ngọc được hình thành nên qua những khổ đau ấy là chúng tôi, là những giá trị mà Mẹ có được trong cuộc đời này trước mọi người.

Những người Mẹ Việt Nam lam lũ, tảo tần suốt đời hy sinh vì gia đình, vì đất nước chắc chẳng cần đeo một loại ngọc hay một thứ trang sức nào cả, bởi bản thân họ đã là người sinh ra những thứ đẹp đẽ và quý giá hơn cả ngọc ngà châu báu trên đời này.

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2007

Hạnh phúc trong hành trình cuộc sống

 



Hạnh Phúc Trong Hành Trình Cuộc Sống
magnify


Thời sinh viên có lần tôi cùng đám bạn trong lúc cao hứng ngồi tranh luận với nhau về Hạnh phúc, câu hỏi được đặt ra là : Hạnh Phúc là gì ? Mỗi người một ý. Người thì cao siêu nào là ước mơ hoài bão, người thì đơn giản là gia đình đầy đủ, ấm êm thương yêu đùm bọc, kẻ thực dụng thì thẳng toẹt vật chất tiền tài…chẳng ai chịu ai. Thậm chí đến hồi gay gắt đã có người buông lời diễu cợt, nói kháy nhau bằng cách mượn thơ Chế Lan Viên:


Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp


Giấc mơ con đè nát cuộc đời con.


Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp


Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn…


Đúng lúc cuộc tranh luận lên đến đỉnh điểm và có nguy cơ biến thành cuộc cãi vã thì ông anh của một đứa bạn trong đám nãy giờ ngồi yên nghe chúng tôi tranh luận bỗng cất tiếng :


- Theo anh thì Hạnh phúc là những cái đã mất.


Chúng tôi ồ lên và cùng nhau phản đối dù trước đó cũng chẳng mấy đứa đồng quan điểm, anh ấy nhẹ nhàng nói đấy không phải là ý kiến sáng tạo gì của anh mà là lời của một triết gia, đồng thời nói ngắn gọn đại ý khi con người ta có những thứ quý giá trong tay nhưng lại coi thường và không biết giá trị của nó, đến lúc đánh mất rồi không thể tìm lại được nữa mới biết đấy là thứ quý giá mà mình không biết giữ gìn.


Chúng tôi ngồi im lặng suy ngẫm về điều anh vừa nói, có những cái đúng trong sự tư duy ấy nhưng không thể coi đó là định nghĩa cho hạnh phúc. Cuộc tranh luận được chấm dứt ở đó, cá nhân tôi thầm cám ơn anh đã cất tiếng, ít nhất thì cho lũ chúng tôi dừng cuộc tranh luận khi đã đến hồi bế tắc để không xảy ra cãi vã và biết đâu với những cái đầu nóng của tuổi ngựa non thì thay vì tranh luận mồm không được lại quay ra tranh luận bằng chân tay. Nhưng từ đó trở đi câu Hạnh phúc là những cái đã mất luôn ở trong trí nhớ của tôi, và tôi đã kiểm chứng nó bằng rất nhiều câu chuyện trong cuộc đời mình.


Với tôi trong suốt những năm tháng đã qua đã có nhiều lần suy ngẫm về điều ấy và có lẽ câu nhận định của riêng cá nhân tôi là ta hạnh phúc khi được sống đúng với những gì ta có, được làm cho những người khác những điều tốt đẹp và cũng như cậu em tôi viết “ Cố gắng làm giầu cho tâm hồn và cho cuộc sống ”.


Mỗi người ví von hành trình đời người theo một cách khác nhau, người ví như con tầu lênh đênh trên đại dương bao la, kẻ lại coi như người lữ hành cô đơn chân trời góc bể, ai đó ví von như một đoàn tầu đang lao về phía trước, bỏ lại phía sau những ga nhỏ dọc đường…


Trong hành trình cuộc sống của tôi có nhiều dấu ấn đậm nét, nhiều sự kiện quan trọng mang đến cho tôi hạnh phúc hay khổ đau, có những sự kiện đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi nhưng ở đây tôi muốn nói đến những bóng hình những người con gái đã đi qua đời tôi, những kỉ niệm về họ bây giờ chỉ còn mãi là những hoài niệm êm đềm. Họ là những ga nhỏ mà con tầu đời tôi đã đi qua, là bến cảng mà con thuyền đời tôi đã có thời gian cập bến, là những ốc đảo trong sa mạc đã cứu giúp, tiếp sức cho người lữ hành cô đơn là tôi vững bước trong cuộc đời này. Nếu không có họ con tầu đời tôi cũng chẳng đến được đâu, chẳng vượt qua được giông bão cuộc đời…


Có môt nhà thơ đã viết Đời anh sẽ nghèo đi biết mấy/ Nếu mẹ hiền ngày trước chẳng sinh em..,”

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2007

Có Những Nhịp Cầu

Tháng Bẩy đến. Trong sâu thẳm, lòng tôi nặng trĩu một nỗi day dứt khó nguôi ngoai thúc giục tôi trở lại miền đất ấy. Đã mấy năm nay, cứ vào dịp này tôi lại trở lại với Quảng Trị, vượt qua 600km đường bộ đến thắp nén nhang cho anh tôi cùng bao nhiêu đồng đội của anh, những người lính nằm lại trên mảnh đất này. Trở lại để tìm đến. Em tìm đến với anh, người sống tìm đến người đã chết, hiện tại tìm đến với quá khứ, phai nhạt lãng quên tìm đến kí ức cuộc chiến qua hai bờ âm dương cách biệt.
Chuẩn bị lên đường, nghe tin cơn bão số 2 đang từ ngoài khơi hướng thẳng vào miền Trung, ông anh trai hỏi tôi đã theo dõi kĩ tình hình bão thế nào chưa. Tôi cười bảo anh cứ yên tâm vì bão đã bắt đầu chuyển hướng đi dọc lên phía Bắc, và chợt nghĩ đến câu chuyện tháng Bẩy năm 2005, hàng triệu người dân Việt đã tin rằng linh hồn những người lính nằm lại ở Quảng Trị đã đẩy cơn bão đang đổ bộ vào bờ phải quay ngược ra biển, để lễ tưởng niệm các anh được diễn ra suôn sẻ. Hôm ấy trời tầm tã mưa như nước mắt hàng triệu con tim khóc các anh, những linh hồn trai trẻ đã nằm mãi với núi sông Quảng Trị không về.”
Đêm tháng Bẩy, trong làn mưa dữ dội, ngược chiều với cơn bão chúng tôi lên xe chạy vào Nam. Đến địa phận Ninh Bình xe bị hỏng máy lạnh, cửa kính hấp hơi dòng dòng nước chảy phải kéo hết xuống, trong xe cũng uớt chẳng kém bên ngoài. Con đường phía trước trở nên mù mịt, làm sao đi tiếp đây? Có cái gì đó không cho phép chúng tôi dừng lại. Trong im lặng chúng tôi thầm khấn cầu anh mình phù hộ. Hãy để cho chúng em đi theo dấu chân năm xưa của các anh. Nơi này đây, tháng Bẩy năm 1972 anh cùng đồng đội xuống tầu, chuyển sang ôtô hành quân vào Nam...
Tạm dừng lại uống nước, lặng lẽ nhìn khói thuốc bay, tâm trí tôi cố gắng bắc một nhịp cầu về những ngày tháng 7/1972, về những chặng đường mà anh đã đi… Trời ngớt mưa, chúng tôi lên xe đi tiếp. Dường như được hỗ trợ bởi thế giới tâm linh, kính xe khô hẳn không còn hấp hơi như trước, đủ sáng để nhìn rõ đường, chúng tôi tiếp tục hành trình một cách thuận lợi. Trời đã sáng khá lâu, xe chạy một lèo qua Đồng Hới rồi dừng lại bên bờ sông Bến Hải. Tôi xuống xe, châm điếu thuốc và thả bộ ra cây cầu sắt cũ. Nơi đây chứng kiến bao nhiêu năm đất nước bị chia cắt, cây cầu không đưa nổi con người đến với con người qua dòng sông thù hận. Chỉ đôi nhịp ngắn ngủi mà vời vợi cách xa… Cây cầu ấy giờ đây chỉ còn nhiệm vụ làm một chứng tích lịch sử, đã có một cây cầu hiện đại khác nối đôi bờ thay nó. Nghe đâu khi xây dựng cầu mới có ý kiến phá bỏ cây cầu cũ. Chao ôi những ý tưởng, làm thế khác gì xé đi một trang sách lịch sử, hay rút súng bắn vào quá khứ…

Nắng chói loá, nhưng do ảnh hưởng của bão nên không có gió Lào, chúng tôi cứ để gió thổi lồng lộng trong xe mà đi. Miền Trung nghèo khó, khô rang trong nắng gió, để ai đó phải thốt lên: “Gió Lào ơi thôi đừng thổi nữa/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người". Chắc mai đây sẽ có một con đường cao tốc, một nhịp cầu xuyên Á giúp xoá đi cái nghèo khó của miền đất này, để người dân đỡ phải phơi mình trên cát trắng, trong nắng cháy thiêu đốt mà vẫn nghèo vẫn khổ.
Thạch Hãn đây rồi, dòng sông mà những đồng đội của anh sao mỗi khi gọi tên lại buốt lòng xa xót”. Cây cầu sắt cũ năm nào vẫn còn đây. Nơi này đã chứng kiến đêm nào anh cùng đồng đội thả mình theo dòng nước sang bờ Nam, quyết tử giữ Cổ Thành. Dừng xe, chúng tôi vào thắp hương ở đài tưởng niệm trung đội Mai Quốc Ca, lòng tái tê trước những giọt máu rơi trên chảo lửa. Ôi, những người anh đã đem cả cuộc đời trai trẻ làm những viên gạch xây móng trụ một cây cầu qua dòng sông Chiến Tranh và Chia Cắt để đến bến bờ Hoà Bình Thống Nhất. Cạnh cầu sắt là một cây cầu bê tông mới, chỉ hơn chục giây xe đã sang bờ Nam nơi anh nằm lại, nhưng cây cầu nào có thể đưa em tìm được anh? Anh nằm nơi đâu trong 1,8km2 của cái thị xã nhỏ bé này? Bước xuống xe, buốt lòng bởi ý nghĩ chân em đang bước trên xương máu các anh. Mỗi mét vuông đất nơi đây có bao nhiêu người anh nằm lại? Những liệt sỹ không tên và không cả mộ phần. Nhịp cầu nào xoá đi gianh giới âm dương để con người vơi đi nỗi đau mất mát?
Mấy anh em chia nhau đi thắp hương suốt một đoạn triền sông và thả hoa xuống dòng nước. Nhưng tất cả không trôi đi, cứ dạt vào bờ. Thấy mấy cái thuyền buộc gần đó đã định tháo dây tự chèo nhưng không tìm được mái, đang thầm mong có người giúp thì từ trong xóm bỗng xuất hiện một người dân với mái chèo trong tay đi ra. Anh vui lòng giúp khi chúng tôi ngỏ lời nhờ đưa ra sông. Thả đồ lễ vào mênh mông dòng nước tôi chợt nhớ câu thơ của một người lính sư đoàn 325 đã chiến đấu ở đây: Dòng sông xanh hiền hoà trong mát/ Xương trắng nhiều hơn đá lát dòng sông (Về lại Quảng Trị- Tạ Quỳnh Phương). Cầu xin linh hồn các anh được thanh thản cõi vĩnh hằng. Với tất cả tấm lòng chúng em xin bắc một nhịp cầu, mong các anh về với những người thân của mình, dẫu chỉ là trong giấc mộng.
Thành cổ Quảng Trị, đài tưởng niệm các anh - một ngọn tháp vút thẳng lên trời, một lưỡi lê AK tinh thần quyết tử? Một cây bút viết lên trời xanh những trang sử bằng máu của một thời trai trẻ? Một ngọn đèn ý chí soi sáng cho các thế hệ mai sau? Để mãi mãi chúng ta nhớ đến một thế hệ buông bút, cầm súng chiến đấu
cho độc lập, tự do của đất nước. Đây là nơi giao hoà giữa âm dương, trời đất, giữa người sống và người đã khuất. Giữa mênh mông cỏ xanh, trong khói hương trầm mặc những dòng người trong hành trình tháng Bẩy về với các anh đều nặng trĩu những suy tư…

Suốt ba ngày, chúng tôi chạy dọc theo đường 9, qua Làng Vây, Khe Sanh…rồi nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, ngã ba Đồng Lộc. Những bó huệ trắng, những túi đồ lễ trong cốp xe vơi đi nhưng nỗi buồn lại dâng lên xót xa theo câu hát: Đồng đội ơi, đồng đội. Tôi gọi mãi sao không ai trả lời…Mà cứ trắng những hàng ngang hàng dọc…Đất nước thống nhất rồi sao không dậy mà vui..”. Một cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống, như nước mắt chúng tôi khóc các anh trên đường quay ra Bắc...



Đêm 27/7/2007 thắp nén nhang cho anh xong tôi vào trang web http://nhantimdongdoi.org một trang web do một số người bạn trẻ sinh ra sau chiến tranh lập ra để sẻ chia nỗi đau và giúp nhau trong hành trình đi tìm người thân của mình… Tôi đã gửi lên đó những day dứt khôn nguôi qua những dòng thư cho người đã khuất với hy vọng nó là nhịp cầu giúp tôi tìm được đồng đội của anh mình.
Tối 28/8/2007 điện thoại di động chợt đổ chuông, một số máy lạ. Qua trò chuyện tôi biết anh cũng đã từng là một người lính, hiện là giảng viên Đại học Quốc gia, anh vừa đọc những dòng thư trên mạng và gọi ngay cho tôi với sự cảm thông, xẻ chia nỗi đau mất mát…Ngay lúc ấy tôi vào mạng và lạnh người đọc lại lá thư cuả mình, nó được cập nhật đúng vào ngày 28/8 (DL), ngày mà 35 năm trước đây anh tôi đã ngã xuống. Một nhịp cầu tâm linh?
Sáng 07/9/2007 lại một số máy lạ, một người đồng đội của anh (nay là một nhà báo), nhập ngũ cùng ngày, huấn luyện cùng nơi, cùng vào chiến đấu tại Quảng Trị. Anh vừa đọc song bài viết đêm qua và gọi cho tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau, anh đến cùng mấy người đồng đội, tất cả họ đều là bạn cùng đơn vị. Anh kể, đứa con trai anh năm nay 28 tuổi thấy bố khóc khi đọc những dòng thư ấy, cháu ngạc nhiên hỏi anh lí do, và anh đã rất khó trả lời cháu…Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, lòng dưng dưng nhớ về những người đã khuất. Vậy là trang web ấy đã trở thành một nhịp cầu nối kết nối chúng tôi, cho tôi tìm được đồng đội của anh mình, những người lính sau bao nhiêu năm chiến tranh vẫn chưa nguôi ngoai kỉ niệm về những người bạn một thời sinh tử. 



Họ, những người lính đã ngã xuống vẫn còn quanh đây, ngay bên cạnh chúng ta, cùng chúng ta bắc một nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại. Và cuộc đời này cũng còn rất nhiều tấm lòng đang bắc những nhịp cầu qua vùng thờ ơ và vô tình để các thế hệ sau gần với thế hệ cha anh, giúp con cháu chúng ta biết quý trọng hơn những giá trị cao quý mà cha anh đã đổ xương máu để giành lấy. Hãy chung tay bắc những nhịp cầu đến với tương lai tươi sáng của dân tộc. Mỗi một nhịp cầu luôn mang dòng chữ : KHÔNG CÓ GÌ BỊ LÃNG QUÊN!
Hà nội, những ngày thu tháng Chín 2007.

Những Lá Thư Thời Chiến Việt Nam 2

Kính gửi anh Đặng Vương Hưng!

Cách đây hơn một năm tôi có đọc lời đề nghị của anh đăng trên báo về việc muốn sưu tập những lá thư và nhật kí được viết trong chiến tranh, với mục đích làm một tuyển tập Những Lá Thư Thời Chiến. Ngày đó tôi cứ suy nghĩ mãi có nên viết thư và gửi cho anh những lá thư gia đình tôi đang giữ hay không, bởi lẽ đó là kỉ vật cuối cùng còn lại của anh tôi, một người lính đã ngã xuống trên chiến trường Quảng Trị mùa hè máu lửa 1972 khi mới vừa qua lần sinh nhật thứ 18. Lá thư ấy là những gì riêng tư nhất của anh tôi với gia đình. Phân vân mãi và tôi đã không gửi tới anh.

Tháng sáu 2005 tôi đã vào Quảng Trị, khi trở về tôi đã mua hai cuốn sách: Những Lá Thư Thời Chiến và cuốn Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi. Sau khi đọc xong hai cuốn sách đó, đồng thời xem truyền hình trực tiếp đêm nhạc: Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi, tôi thực sự xúc động và tôi đã khóc, nước mắt âm thầm tràn mi, những giọt nước mắt của một người đàn ông đã đi qua già nửa đời người, đôi khi đã chai sạn, đã có nhiều lúc trở nên vô cảm. Tôi cố dấu các con không cho chúng thấy mình khóc, bởi lẽ từ lúc sinh ra đến giờ, cháu lớn vừa thi đại học, cháu nhỏ lên lớp 5, đã bao giờ chúng thấy bố khóc đâu.

Sau khi suy nghĩ tôi quyết định viết thư này, đồng thời gửi kèm tới anh lá thư của anh trai tôi viết từ chiến trường Quảng Trị ít ngày trước khi vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất đầy máu lửa ấy.

Lời đầu thư tôi xin gửi tới anh những lời cảm ơn chân thành của bố mẹ tôi và của anh em chúng tôi. Có lẽ anh ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi nói cám ơn như vậy? Khi đọc tiếp chắc anh sẽ hiểu không chỉ gia đình tôi, mà còn rất nhiều những người cha người mẹ, những người vợ, những đứa con…nghĩ về anh với những ý nghĩ tốt đẹp, với sự cám ơn chân thành. Tại sao anh có biết không?

Anh Vương Hưng ạ, chắc đã có nhiều lần anh xem các chương trình truyền hình như: Vượt Qua Thử Thách, Ai Là Triệu Phú...và nghe được những câu trả lời hết sức ngớ ngẩn của người dự thi (dù họ đang là sinh viên, hay đã tốt nghiệp đại học trong và ngoài nước) về lịch sử đất nước, về truyền thống dân tộc…Nhiều người trong chúng ta giật mình trước những hiểu biết hời hợt của thế hệ trẻ về đất nước, về dân tộc mình. Cứ nghĩ có lẽ đấy chỉ là cá biệt, nhưng khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin kết quả thi môn Lịch sử trong kì thi đại học vừa qua và những thí dụ “cười ra nước mắt”của các thí sinh... thì có lẽ những người có tâm huyết với đất nước, với dân tộc không khỏi giật mình trước những gì mà thế hệ 8X và 9X đang hiểu về chính dân tộc và đất nước mình. Với những thí sinh thi khối C mà như vậy, thì ai dám chắc những thí sinh khối A, B…kể cả những người đã đỗ, thậm chí đỗ thủ khoa có kiến thức như thế nào về lịch sử ?

Khi cuộc sống như một dòng sông đang chảy cuồn cuộn trong nền kinh tế thị trường, khi mà các giá trị tinh thần, đạo đức đang có xu hướng bị mai một, bị xói mòn trước giá trị của vật chất và đồng tiền thì việc tìm tòi, sưu tập và công bố những lá thư, những tập nhật kí của một thế hệ đi trước, những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của đất nước, nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ để tiếp bước cha anh xây dựng đất nước độc lập, tự do, giầu mạnh là điều vô cùng cần thiết. Với các gia đình có người thân đã đổ xương máu trong hai cuộc chiến tranh để dành được ngày chiến thắng thì việc làm đó như một sự tri ân, một sự an ủi đối với những người còn sống và cả những người đã khuất.

Anh Hưng ạ, chắc anh cũng như tôi và nhiều người thuộc thế hệ đã đi qua chiến tranh, đã chứng kiến những đau thương mất mát, đã sống những năm tháng cực kì thiếu thốn, nghèo đói chẳng ai yêu cầu con cháu mình phải sống như chúng ta đã sống, phải suy nghĩ như chúng ta suy nghĩ…nhưng chúng ta không thể để mặc chúng sống mà không biết cha anh chúng đã sống như thế nào, đã làm những gì để chúng có được ngày hôm nay. Có lẽ không phải ai trong số các chủ nhân tương lai của đất nước chúng ta cũng đều biết đến câu danh ngôn: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.

Chính từ những suy nghĩ đó mà tôi đã viết lá thư này cho anh và gửi kèm lá thư của anh trai tôi là liệt sỹ Trần Thế Ngọ. Để anh hiểu rõ hơn, tôi xin sơ qua về gia đình chúng tôi: Bố mẹ tôi có 5 người con (4 trai, 1 gái), anh Ngọ là anh cả (sinh năm 1954). Bố mẹ tôi vốn là thợ thủ công. Cuộc sống những năm tháng trước đây vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nếu không muốn nói rằng rất nghèo (đến những năm 70 mà ngôi nhà chúng tôi ở trong thành phố Hà Nội vẫn còn là nhà tranh vách đất).

Tháng 1/1972 anh tôi lên đường nhập ngũ khi vừa học xong lớp 10 và chưa tròn 18 tuổi. Sau 6 tháng huấn luyện tại Hoà Bình (hòm thư 643 141 JC13), tháng 7/72 anh lên tàu vào Nam. Chặng đường anh đi, theo những lá thư gửi về, không hề khác so với những gì mà liệt sỹ Nguyễn văn Thạc đã ghi lại trong thư và trong những trang nhật kí “Mãi mãi tuổi hai mươi”của mình. Những trang thư anh viết đôi lúc cũng bằng hai thứ mực, cũng những dòng chữ đề ngoài bì thư: “Ai nhặt được xin bỏ giúp vào hòm thư” vì các anh ấy đã ném chúng xuống từ tầu hỏa, hay từ ôtô trong chặng đường hành quân vào Nam chiến đấu.

Lá thư anh tôi viết dài nhất là lá thư tôi gửi kèm đây cho anh. Thư viết trên đất Nghệ An trong ngày rảnh rỗi và thanh thản cuối cùng. Nó chính là lời di chúc của một người ngày mai sẵn sàng đón nhận cái chết. Đó là những day dứt khôn nguôi về những lỗi lầm trong cuộc sống, những yêu thương vô bờ với bố mẹ và các em. Anh gửi lời thăm hỏi đến cô bác hàng xóm và dặn dò cả những điều nhỏ nhất như nhớ trả chị hàng xóm 2 bìa đậu phụ, 1 quả chanh mà buổi tối ngày anh về phép gia đình không kịp mua thức ăn phải sang vay tạm.

Anh Hưng ơi, khi viết đến những dòng này tôi lại trào nước mắt, anh tôi muốn khi ra đi về cõi vĩnh hằng trong lòng thật nhẹ nhàng thanh thản, không còn điều gì phải ân hận ngoài việc chưa đền đáp được ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của bố mẹ và không được ở bên để chăm lo bảo ban các em khi chúng còn nhỏ dại.

Ngoài lá thư trên, gia đình tôi còn lưu giữ những dòng thư của anh tôi viết trên đất Quảng Trị, bên bờ sông Thạch Hãn. Đó là những dòng thư cuối cùng, để rồi vài ngày sau, ngày 28/8/1972 anh vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất Nhan Biều.

Anh Vương Hưng thân mến! Cho phép tôi gọi anh như vậy bởi lòng biết ơn của cá nhân tôi đối với anh, người đã bằng tấm lòng mình biên tập những cuốn sách để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì một ngày mai tươi sáng của dân tộc... Suốt 34 năm qua, lá thư của anh tôi như một ngọn đèn soi đường cho chúng tôi bước đi, vượt qua bóng đêm của đói nghèo và gian khó, luôn tự rèn mình để vượt qua những cám dỗ, những lầm lạc trong cuộc sống. Cho đến giờ phút này chúng tôi tự hào rằng mình đã ngẩng cao đầu mà sống tốt như anh tôi hằng mong muốn. Anh trai thứ của tôi năm 1980 tiếp tục vào quân đội theo nghĩa vụ của người thanh niên với Tổ Quốc. Còn tôi cũng năm đó được gọi vào quân đội huấn luyện quân dự bị động viên 3 tháng. Tôi lại gia nhập chính sư đoàn 325, sư đoàn anh tôi đã từng sống, chiến đấu và ngã xuống.

Danh tướng Napoleon đã từng nói trong một lần phong tặng danh hiệu anh hùng cho những người lính, đại ý: Hôm nay, chúng ta phong tặng huân chương cho những người anh hùng hạng hai, bởi tất cả những người anh hùng hạng nhất đã ngã xuống rồi.

Chắc rằng những người lính khi hy sinh chẳng ai đòi hỏi Tổ Quốc phải phong anh hùng cho mình. Nhưng việc thế hệ sau ghi nhận sự hy sinh của họ và hình ảnh họ sống mãi trong lòng đồng đội và gia đình đã đủ làm cho linh hồn họ mãi mãi thanh thản cõi vĩnh hằng.

Trân trọng gửi tới anh và gia đình lời chúc sức khỏe và sự biết ơn chân thành.

Hà Nội ngày 01 tháng 8 năm 2005

Trần Thế Lợi

Ngày 28/7/1972

Bố Mẹ kính mến

Các Em yêu quý!

Hôm nay là ngày thứ 8 trong 4 ngày hành quân và cũng là 8 ngày đêm con xa Hà nội, xa gia đình, xa bố mẹ, các em, xa cô bác họ hàng, xa bạn bè thân thiết, xa những gì mà con thường yêu mến quý trọng. Đêm nay đây con nằm lại ở một khu rừng phương Nam, sau một đêm hành quân mệt nhọc, trưa hôm nay con gặp những cháu nhỏ vào rừng kiếm cơm, con mới biết đây là đất Nghệ An chứ nếu không thì không biết. Vì đi chỉ có đi đêm mà đường ôtô thì cũng xuyên rừng.

Bố mẹ kính mến!

Kể từ khi bố mẹ nuôi con khi còn nhỏ cho tới nay, khi con đã chập chững bước vào cuộc đời thì con đã phải chịu mọi cảnh sống rừng, cơm vắt, ngủ màn trời chiếu đất.

Bố mẹ ạ! Nay con đã thấu hiểu công lao nuôi con và các em con, trong những ngày con còn thơ dại, bồng bột con có nhiều điều làm cho bố mẹ không vừa lòng từ lời nói cho tới công việc, làm cho bố mẹ phải suy nghĩ nhiều về con, nay đã biết công lao dạy dỗ của bố mẹ không gì sánh nổi. Giờ đây con rất ân hận nhưng không kịp nữa con đã phải xa bố mẹ, các em con rồi. Giờ đây con không biết lấy gì để đền đáp công lao dạy dỗ, nuôi nấng con và các em con, con xin hứa sẽ trở thành người chiến sỹ anh hùng để vừa lòng mong muốn của bố mẹ và nếu con có trở về hay không nữa thì gia đình ta hãy tự hào rằng gia đình ta đã cống hiến cho cách mạng một người con trung dũng và gia đình ta đã đóng góp một phần vào công cuộc chống Mỹ này.

Bố mẹ kính mến! Các em đáng yêu:

Hôm nay đây con đã trở thành người chiến sỹ quân giải phóng, cũng ngày hôm nay đây con đã chững chạc hẳn lên. Hôm nay đây trên đầu con là chiếc mũ tai bèo, ba lô con cũng đầy, nặng thêm. Hiện nay con cũng chưa biết đi B dài hay ngắn mà trang bị cho con thì tương đối nhiều: 2 lạng mỳ chính – 1kg5 đường sữa – 2 cân duốc – 1 cặp lồng, quần áo dài, áo lót 2 bộ, còn thuốc men, đồ ăn hàng ngày kể ra trên ba lô con khoảng 25kg – 28 kg chưa kể 8 kg gạo ăn đường và súng đạn. Con đi vào còn được đi ôtô, khoảng 5-6 ngày hành quân nữa là sẽ đi xe căng hải vượt Trường Sơn.

Hôm 20-7 con bắt đầu lên tầu lúc 19g30 vào Nam Định xuống đi bộ vào Gôi con ở Gôi 1 ngày cách quê mẹ có 5km mà không được về, con cũng gửi 1 lá thư ngay ở đó mà không hiểu gia đình bố mẹ nhận được chưa. Con ở chợ Gôi hôm đó thì chiều 21-7 lại hành quân vào Ninh Bình, ở Ninh Bình (cách thị xã 4km) 3 ngày lại tiếp tục đi vào Thanh Hoá, con ở Thanh Hoá 2 ngày, ngày 26 lại lên xe và vào tới Nghệ An.

Cuộc hành quân của con và anh em toàn hành quân bằng ôtô có những cung đường dài 150 km phải ngồi ôtô 6-7 tiếng liền mà đường rừng núi, hố bom gập ghềng nhiều lúc ngồi trên xe mà như bay trên không. Nói chung sức khoẻ của con thì vẫn bình thường, tuy sức khoẻ có đuối và mệt hơn ở huấn luyện nhưng không đáng kể.

Các em yêu quý của anh:

Thôi thế là anh xa các em rồi nhỉ, anh mới xa các em có 8 ngày mà anh cảm thấy vô cùng lâu lắm rồi ấy. Hôm 20-7 anh đi anh vẫn còn tin tưởng là nó còn cho đóng gần Hà Nội thì anh sẽ còn gặp các em, nhưng anh không ngờ “uỵch” một cái nó tống anh và các bạn anh vào ngay một nơi xa xôi hẻo lánh này, thế là anh không tâm sự được với các em bằng lời rồi. Thôi anh tâm sự với các em trên trang giấy này nhé:

Chắc các em cũng phải tự hào chứ nhỉ, nếu có ai hỏi anh cháu làm gì thì chắc các em cũng tự hào trả lời Anh cháu đi bộ đội, anh hứa và thi đua với các em rằng anh sẽ không làm cho gia đình ta mang tai mang tiếng vì anh, bố mẹ cũng không xấu hổ với thiên hạ vì là bố mẹ một “thằng con cóc quay” còn các em cũng không phải nhận một thằng anh ham sống sợ chết, thoái thác nhiệm vụ. Mà các em sẽ tự hào anh đang làm nhiệm vụ cho Tổ Quốc. Nhiều khi ở đời cũng cần ăn nhau ở cái lý lịch đấy các em ạ!

Còn anh trước khi xa các em anh sẽ có mấy điều dặn lại các em:

Hà em: Em nay là lớn rồi thì phải nghe lời bố mẹ, chịu khó giúp đỡ bố mẹ đừng cãi lại, càu nhàu với bố mẹ. Gương mẫu cho các em nó học, bây giờ thì ăn chơi không thích hợp với thời cuộc rồi. Mà em là đứa con gái đấy đừng đua bạn đua bè mà đi tới chỗ hư hỏng, mấy ngày về phép anh thấy mày hay cãi với bố mẹ khi sai bảo em, nhưng anh thấy không tiện nói.

Thắng- Lợi: Hai em hãy còn nhỏ chưa biết nghĩ đâu nhưng rồi lúc các em sẽ biết như anh bây giờ biết thì muộn rồi. Vậy còn 2 em bây giờ phải nghe lời bố mẹ chăm làm, chăm học chứ, anh xem quyển học bạ của 2 đứa anh chán lắm. Bây giờ 2 em chăm chỉ học, bố mẹ nuôi cho ăn học thời buổi bây giờ là khổ lắm đấy, vất vả lắm. Nhà bây giờ còn có hàng thì chịu khó mà làm, thỉnh thoảng có tiền muốn tiêu thì tiêu, và đừng đánh cãi nhau nhé.

Nhân em: Em thì học giỏi rồi, nhưng còn hay cãi nhau, đánh nhau với anh Thắng anh Lợi thì thôi nhé, phải chịu khó nghe lời các anh các chị vì em là út mà, đừng dỗi nữa nhá, hơi một tý là dỗi vào bộ đội mà dỗi á họ ăn hết mặc kệ, chứ dỗi ở nhà bố mẹ anh chị còn dỗ, phần đấy.

Thôi anh có mấy điều căn dặn Thắng – Lợi - Nhân đấy cố gắng phát huy cái tốt và sửa chữa khuyết điểm nhé. Còn Hà em thì tuỳ em đấy, do em nghĩ thế nào thì nghĩ.

Hiện nay đi với con có Hồi, Hưởng, Thái. Con bây giờ không có hòm thư nên nhà đừng gửi thư đi, mà thư của Hùng – Long gửi về thì là con vẫn ở đấy, vì sợ nhà không nhận được thư của con nếu không có gì thay đổi.

Bố mẹ cho con gửi lời thăm anh Chính, chị Vĩnh và bác Xuyền. Hà trả anh Chính 2 bìa đậu, 1 quả chanh nhé.

Thôi con dừng bút ở đây chờ thư sau.

Con của Bố mẹ – Anh của các em.

Trần Thế Ngọ

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2007

Thư Gửi Người Đã Khuất

Anh kính yêu!

Tháng trước em vừa đi Quảng Trị về, và đêm nay em ngồi viết những dòng này gửi cho anh, cho dĩ vãng, cho kí ức, hay cho hiện tại của em, cho tương lai của các con em (là các cháu anh đấy). Viết cho cái gì em cũng không biết nữa, chỉ biết bao nhiêu năm rồi bố mẹ và chúng em vẫn day dứt khôn nguôi vì chưa tìm được anh dù cuộc chiến đã lùi xa ba mươi năm rồi. Anh ạ, từ xưa đến nay mỗi khi nhắc tới chiến tranh người ta thường dùng những từ: hào hùng, oanh liệt, vĩ đại…Nhưng có lẽ với em và nhiều người khác, nhất là những ai đã đi qua cuộc chiến, hay đã mất những người thân yêu nhất của mình thì chiến tranh là khúc bi tráng bởi nó gắn liền với số phận bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình.

Hơn ba mươi năm đã qua đi từ khi chiến tranh chấm dứt trên mảnh đất này, vết thương đã thành dấu sẹo mờ, dấu tích chiến tranh trên mặt đất đã bị mưa gió thiên nhiên và bàn tay con người gần như xoá sạch, nhưng kí ức khốc liệt về cuộc chiến đôi khi vẫn hiện về trong tâm trí người lính, trong những cơn mơ ú ớ, quằn quại vã mồ hôi khi vết thương xưa những đêm trở trời lại hành hạ người thương binh…Còn đó nỗi đau đớn khôn cùng mà cuộc chiến đã để lại, âm thầm lặng lẽ trong lòng những người cha, người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những bậc sinh thành nhìn những đứa con tật nguyền bởi di chứng của chất da cam…

Anh ơi, Bố mẹ mình năm nay đã ngoài tám mươi, mắt đã mờ đục, lưng đã còng theo gánh nặng thời gian, tai đã nặng lắm rồi. Vậy mà hơn ba mươi ba năm nay có bao nhiêu buổi chiều, trong không gian tĩnh lặng, thơ thẩn trong căn nhà trống vắng bố mẹ vẫn cứ ngước nhìn mãi vào tấm ảnh anh, rồi quay sang tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công treo bên cạnh, giây lát lại đưa tay chấm mắt và ngóng vào khoảng không vô định với đôi mắt vô hồn. Hình như lúc đó một tiếng động rất nhỏ giữa thinh không cũng làm bố mẹ giật mình tưởng bước chân con trở về.

Mùa hè năm 1972, một mùa hè máu lửa, 81 ngày đêm trên thành cổ Quảng Trị. Trong cái mùa hè ấy anh đã đến nơi đó và mãi mãi nằm xuống trong mịt mù bom đạn. Cái khốc liệt của mảnh đất Quảng Trị ngày ấy, em chỉ biết qua sách báo và lời đồng đội anh kể lại. Và quả thật, em không biết nói gì hơn khi đọc những dòng ghi chép của Hoàng Nguyên Vũ:

Sông Thạch Hãn ôm lấy thị xã Quảng Trị, thị xã nhỏ bé chưa đầy 2km2, trong 81 ngày đêm Mỹ ngụy đã ném xuống đây gần 330.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Riêng ngày 25/7/1972 chúng xả vào Thành cổ hơn 5000 quả đại bác. Một mùa hè đỏ lửa đã biến Thành Cổ Quảng Trị thành một đài tưởng niệm bất tử và vĩnh hằng về khát vọng hoà bình, độc lập thống nhất, bằng tim và ý chí của những người lính trẻ. Có người ví Thành Cổ Quảng Trị là Cov-entry của nước Anh, là Bologne của Italia, đã viết nên những dòng sử bằng máu của một thời trai trẻ suốt 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa1972. Phải nói rằng, trên mảnh đất hinh chữ S này chưa một nơi nào đất được giữ bằng một giá đắt như nơi đây, và chưa một dòng sông nào nước lại chứa nhiều máu như dòng Thạch Hãn…” (Có tuổi hai mươi thành sóng nước. HNV)

Anh biết không, trong giàn phong lan treo trước cửa nhà em, giữa muôn loài lan nhập ngoại rực rỡ sắc mầu có bình dị một giò phong lan Kiếm, với những nhánh lá hình lưỡi kiếm vút thẳng lên trời, mãnh liệt và bất khuất. Giống hoa này thật dễ trồng, chẳng cần chăm bón, tưới tắm mà nó vẫn xanh tốt. Chắc anh không biết rằng kỉ vật cuối cùng của anh còn lại trên cuộc đời này là di ảnh trên ban thờ với đôi mắt lúc nào cũng như cười, mấy lá thư viết từ Dốc Miếu, Đông Hà, Thạch Hãn và giò lan Kiếm này đây.

Sáng ngày 04/7/2005, vừa tới sông Thạch Hãn, qua điện thoại di động em nhắn tin về để ở nhà mọi người thắp hương cho anh, báo với anh rằng thằng em bé bỏng của anh ngày nào đã đến nơi anh nằm xuống. Em vô cùng bất ngờ khi mọi người báo tin giò lan của anh trổ rất nhiều hoa. Anh ơi, những nhành hoa ấy chảy dài, xuôi xuống phía dưới, ngược với chiều vươn lên mãnh liệt và bất khuất của lá, với những bông hoa nhỏ xíu mầu trắng hồng như nước mắt pha những đốm nâu nhạt của vết máu khô chảy thành dòng về với đất. Nó như khúc bi ai của thân phận con người, ngược với những gì hào hùng của cuộc chiến tranh giải phóng.

Bây giờ, ở nơi nào trong lòng đất lạnh, hay tít trên trời cao giữa các giải Ngân Hà, linh hồn anh có còn ngược về quá khứ, nhớ lại những ngày tháng ấy không?

Tháng 1/1972 anh lên đường nhập ngũ. Một ngày cuối xuân gia đình lên Dốc Bụt- Hoà Bình thăm anh trước ngày anh đi B. Được nghỉ một ngày với gia đình, anh vào rừng tìm giò lan mang về làm quà. Kỉ vật đơn sơ ấy là kỉ vật cuối cùng, để rồi mãi mãi với chúng em, anh chỉ hiện hữu hàng ngày qua bức ảnh với nụ cười hiền trong khói nhang trầm u uất, trong giò lan xanh mướt mà mỗi khi trổ hoa đều đem lại tin vui cho mọi người trong gia đình. Nhiều năm đã trôi qua, các em anh đã trưởng thành, mỗi khi xây dựng gia đình và chuyển nhà ra ở riêng mẹ lại tách giò lan ra vài nhánh cho bọn em mang theo trồng nơi nhà mới, và cũng thật lạ giò lan không phải năm nào cũng ra hoa, nhưng mỗi khi nó trổ bông thì bao giờ gia đình cũng có sự kiện vui anh ạ. Mẹ vẫn dặn chăm sóc hoa cẩn thận anh con sẽ phù hộ, và chúng em vẫn coi như có anh hiện hữu đâu đó quanh mình.

Tháng 7/72 anh lên tầu vào Nam, mấy bức thư viết vội lúc nghỉ chân anh dặn dò chúng em nhiều điều, về chuyện chăm chỉ học hành và giúp đỡ bố mẹ. Anh bảo có thể anh không trở về nữa nhưng không bao giờ làm các em phải xấu hổ vì có một thằng anh B quay (cóc quay). Nếu anh không về thì các em hãy tự hào rằng đã có một người anh hy sinh vì đất nước,vì dân tộc.

Anh ơi! Khi đi vào cuộc chiến có người lính nào muốn mình chết phải không anh? Chắc đại đa số ai cũng
hiểu rằng ở đời Chết Vinh còn hơn Sống Nhục. Thật buồn khi bây giờ giữa cuộc đời này em vẫn thấy những kẻ khoác áo thành đạt, ngồi xe hơi xịn, vênh mặt với đời, nói những điều cao đạo lại chính là những kẻ trước đây trốn tránh NVQS hoặc đào ngũ, mà hồi những năm đầu 70 không dám ra đường ban ngày, đi đâu cũng cúi gằm mặt... Sự mất mát người thân nào cũng đau lòng, nhưng chắc rằng bố mẹ cũng ngẩng cao đầu tự hào mà sống đến ngày nay chính là do sự hy sinh của anh. Điều đau lòng nhất là đến tận hôm nay bố mẹ và chúng em vẫn không biết anh nằm nơi đâu trong lòng đất lạnh?

Anh! Trong chuyến đi vừa rồi em không có tham vọng tìm được chỗ anh nằm, bởi trong giấy báo tử người ta chỉ ghi nơi hy sinh và mai táng là Mặt trận phía Nam Quân khu 4. Năm 1991 gia đình đã đăng tin tìm mộ anh trong chuyên mục Nhắn Tìm Đồng đội, ngay sau đó đồng đội anh đã tìm đến nhà rất đông. Trong rưng rưng nước mắt các anh ấy nói không thể tìm được mộ anh đâu, bởi bom pháo đã làm cho anh không còn nguyên vẹn hình hài và sau khi lượm nhặt từng phần thi thể, các anh ấy đã bọc gói anh và nhiều đồng đội khác vào tăng và mai táng, nhưng bom cày đạn xới hàng giờ thì chỉ hôm sau không ai còn nhận ra nơi ấy là chỗ nào.

Anh biết không, đau lòng hơn cả là mẹ cứ đi khắp nơi hỏi han thông tin mong tìm được phần mộ anh. Mẹ vẫn gầy và nhỏ bé như xưa, chỉ ba mấy kg với áo nâu sồng, cái nón thẫm mầu thời gian cứ đội nắng mưa đi với hi vọng mơ hồ như thế. Nghe tin có nhà ngoại cảm nhìn ảnh có thể biết mộ ở đâu mẹ cũng tìm đến. Thật buồn, sau khi nhận ảnh vài ngày, chị ấy chỉ gửi lại ít dòng viết trên trang giấy thay cho lời anh, đại ý: bố mẹ đừng mất công tìm con làm gì, thân xác con đã hoà trong đất và nằm lại Thành Cổ cùng rất nhiều đồng đội, con không cô độc đâu…

Anh! Khi xe chạy vào Quảng Trị, bắt đầu đến Dốc Miếu em đã thấy run hết cả người. Nước mắt ứa trên mi, nhưng không thể trào ra mà âm thầm chảy ngược vào lòng em mặn đắng. Đường Một bây giờ mở rộng, trên vách phải quả đồi là dòng chữ: Di tích lịch sử Dốc Miếu, còn đỉnh đồi bên trái là tượng đài các chiến sỹ đang hướng về phương Nam. Các đoàn xe vùn vụt lao qua, trong số những người trên xe có mấy ai để ý từ đây vào Đông Hà, Thạch Hãn bánh xe của họ đang lăn trên lớp lớp máu xương những người lính miền Bắc…

Sau chuyến đi, khi trở về Hà Nội em tình cờ đọc bài báo Có tuổi hai mươi thành sóng nước của tác giả HNV. Một cái gì đó rất lạ dâng lên trong em. Hôm đó trên chuyến xe mọi người thắc mắc về màu đỏ kì lạ của hoa phượng trên vùng đất này, khi ấy em chỉ nói về điều kiện địa chất và khí hậu, tuyệt nhiên không dám nói ra điều em nghĩ: Phải chăng máu của anh và đồng đội đã làm nên cái mầu đỏ ấy? Cũng như cái trong vắt của dòng Thạch Hãn phải chăng nước sông được hoà với máu của những người lính tuổi đôi mươi trong trắng, những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc?

Thị xã Quảng Trị bây giờ đã phai mờ nhiều dấu tích chiến tranh. Cạnh cây cầu sắt cũ năm nào giờ là một cây cầu bê tông mới. Đồng đội anh nói anh hy sinh cách chân cây cầu sắt khoảng hơn 1000m xuôi về phía hạ lưu và từ mép sông trở lên 200m nữa (có lẽ đằng sau lưng khu vực nhà thờ và trường Bồ Đề). Thôi không biết nơi nào anh nằm xuống thì những bông hoa thả trôi trên dòng Thạch Hãn cũng coi như đã được đặt trên phần mộ các anh.

Anh! Xin anh hãy cùng đồng đội vui lòng yên nghỉ, có thể người này người khác, lúc này lúc khác đã lãng quên các anh bởi cuộc sống đang cuồn cuộn chảy với tốc độ chóng mặt, không phải ai cũng nhớ về các anh, nhớ đến những năm tháng hào hùng của cuộc chiến tranh như một khúc ca bi tráng. Xin các anh hãy ngủ yên với cỏ non thành cổ, mặc cho ai nỡ vô tình.

Anh kính yêu! Em xin chép lại ở đây đoạn thơ của một người lính cũng từng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, viết về các anh với một lời ngợi ca bất tận, với lời nguyện cầu các anh được yên bình với giấc ngủ ngàn năm:

Đò xuôi Thạch Hãn xin… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Anh ạ! Nếu được gặp anh Lê Bá Dương tác giả bài thơ, em sẽ xin phép cho riêng em khi đọc bài thơ này được đổi hai chữ: “hai mươi’’ thành “đôi mươi”. Như thế hợp với anh hơn phải không? Vì anh mới vừa 18 tuổi mà, và còn biết bao đồng đội của anh đã ngã xuống khi mới 18 tuổi. Từ xưa đến nay cha ông ta vẫn nói: mười tám đôi mươi phải không anh?

Anh ạ! Những ngày đầu tháng Bẩy này các phương tiện thông tin đại chúng thường nói nhiều về chuyến đi thăm Mỹ của thủ tướng Phan Văn Khải với phương châm: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Điều đó âu cũng đúng phải không anh? Con người ta không thể sống mãi với quá khứ, cũng như ôm mãi mối hận thù. Cuộc sống và lịch sử đã sang một trang mới. Có thể, các thế hệ sau này sẽ phán xét cuộc chiến ấy dưới các cách nhìn khác nhau, nhưng hiện tại tất cả đã khép lại. Chỉ có điều những day dứt trong lòng bố mẹ và chúng em về phần mộ và xương cốt của anh chưa biết đến khi nào mới khép lại?

Trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn nơi Tình Yêu Thương và Sự Thù Hận ngự trị có lẽ sẽ còn mãi một nỗi đau.

Hà nội 12.7.05