Đã khi nào nhìn những vòng ngọc trai tuyệt đẹp trên cổ những mỹ nữ, những mệnh phụ phu nhân...trong những dạ hội, trong những buổi tiệc tùng, bạn nghĩ gì khác về đằng sau vẻ đẹp của những viên ngọc ấy chưa? Nó được tạo ra bởi cái gì và như thế nào ? Trên cuộc đời này còn có thứ gì giá trị hơn ngọc ngà châu báu hay kim cương ?
Mẹ tôi năm nay đã già, cuộc đời Mẹ cũng có quá nhiều thăng trầm, sung sướng trong giầu sang, hay cực khổ trong bần hàn, những niềm vui hạnh phúc hay những đớn đau câm nín Mẹ đã từng nếm trải. Mẹ cũng có đồ trang sức, và bây giờ vào những ngày lễ tết hay có việc gì trọng đại Mẹ mới đeo, cái dây chuyền vàng, cái vòng hay chuỗi hạt bằng đá Cẩm thạch. Tôi chưa bao giờ thấy Mẹ có vòng ngọc trai. Mỗi khi nhìn Mẹ đeo đồ trang sức tôi lại nghĩ với Mẹ chẳng có chuỗi vòng ngọc nào đẹp hơn những điều tốt đẹp mà Mẹ đã làm và để lại cho chúng tôi, cho cuộc sống này.
Ngày bé tôi chỉ biết ngọc trai là người ta lấy từ trong lòng của những con trai (chủ yếu là trai biển). Chúng thường có mầu sắc trắng hồng, óng ánh, đôi khi có những viên ngọc mầu khác như mầu đen…Lúc đó tôi chưa quan tâm tìm hiểu xem tại sao lại có những viên ngọc đẹp như thế trong lòng cái con trai vỏ cứng xù xì rêu xám đen và thân mềm ấy. Lớn lên một chút tôi hiểu rằng sở dĩ có những viên ngọc ấy là do trong quá trình sống khi bị một vật thể lạ rơi vào trong cơ thể, vốn dĩ thân mềm nên khi gặp vật cứng bên trong cơ thể thường gây ra đau đớn, loài trai theo bản năng sinh tồn đã tiết ra chất xà cừ bao quanh cái vât lạ ấy và theo thời gian nó ngày càng lớn lên và tròn trịa. Thế là một viên ngọc đã hình thành.
Người ta gọi ngọc trai bằng những cái tên mỹ miều : Hạt ngọc của biển. Nước mắt của đại dương…Với tôi có lẽ đó là nước mắt của nỗi đau đớn tột cùng mà loài trai đã phải trá giá để tiếp tục sống, để tồn tại và trưởng thành.
Con người ta cũng vậy, trong hành trình sống của mình cũng gặp không ít những đớn đau như vậy, với người này có thể nỗi đớn đau ấy quật ngã họ, với người kia nó lại làm người ta cứng rắn hơn, đứng thẳng dậy tiếp tục sống và trong lòng họ một viên ngọc đã bắt đầu hình thành. Đó chính là những giá trị nhân văn cao quý mà họ dành cho cuộc đời.
Cuộc đời của Mẹ tôi cũng vậy, từ tay trắng nghèo khó đến giàu sang, rồi trở về nghèo khó và rồi lại đủ đầy…theo những thăng trầm biến đổi của thời cuộc, những khổ sở nói được thành lời, những mất mát đớn đau câm lặng đã làm cho lưng Mẹ hơi còng xuống, nhưng đầu Mẹ mãi ngẩng cao.
Mẹ có bốn con trai, ba lần tiễn các con đi vào cuộc chiến, nhưng vẫn còn là may mắn khi chỉ phải khóc thầm có một lần đầu khi đứa con lớn nhất không trở về. Mùa Xuân 1972 trong những này ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Mẹ tiễn con lớn lên đường, để chỉ cuối Hạ thôi đã nghe tin con mình ngã xuống. Rồi những năm 79-80 khi tiếng súng vẫn nổ trên biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, Mẹ lại tiễn hai con lên đường. Những cuộc truy quét tàn quân fulrô trong rừng sâu Đắklắc rồi cũng qua để anh trai thứ tôi được trở về, cũng như tôi được rời quân ngũ trở lại học hành. Có ai hiểu cho nỗi lòng Mẹ tần tảo chắt chiu từ hạt gạo, củ khoai nuôi con mình chỉ mới đến tuổi 18 là lại phải thương nhớ trông chờ con trong khắc khoải.
Mẹ không biết chữ nhưng cũng rất biết đến câu nói của tiền nhân : Cổ lại chinh chiến kỉ nhân hồi (Xưa nay ra trận mấy ai về ). Vậy mà Mẹ vẫn gạt nước mắt tiễn chúng tôi đi để đêm ngày lặng lẽ chờ mong, để hàng ngày chắt chiu từ gói mì, hạt lạc bớt đi khẩu phần ăn của mình trong những tháng năm đói kém thiếu thốn của 2 thập kỉ 70 và 80, để dành khi chúng tôi về tranh thủ có thêm cân mì, gói muối vừng mang theo ăn thêm cùng ít đồng tiêu vặt.
Cám ơn nhà thơ Nguyễn Duy khi anh đã viết : Suy cho cùng trong các cuộc chiến tranh/ Bên nào thắng thì nhân dân cũng bại.
Bố Mẹ tôi sinh ra trong những năm cuối cùng trước khi nền Nho học tàn lụi, Bố thì biết chút ít chữ Nho và chữ Quốc ngữ, Mẹ không được đi học bởi quan điểm “nữ nhi tầm thường” của ông bà ngoại, nhưng trong suốt cả cuộc đời Mẹ luôn nhắc nhở con cháu học hành, những năm tháng đói kém ăn còn không đủ, những ngày chiến tranh bom đạn đầy trời Mẹ vẫn không cho chúng tôi nghỉ học, và có lẽ cho đến sau này khi tóc anh em chúng tôi đã ngả mầu thời gian chúng tôi vô cùng biết ơn Mẹ vì điều ấy, dù sự học không bao giờ muộn nhưng nếu đứt gánh giữa đường mấy người đủ bản lĩnh để làm lại?
Cha nghèo chẳng có gì đâu/ Cho con nắm chữ làm giầu nghĩa nhân.
( Trần thế Hồng )
Đầu thập niên 70 chị gái tôi ra nước ngoài học tập, đến cuối thập kỉ trở về, và đến đầu những năm 80 tôi và em trai lại lên đường sang phương trời ấy, phương trời Âu mơ ước của bao người, nhưng dù có cố gắng chắt chiu đến mấy chúng tôi cũng chẳng giúp gia đình được bao nhiêu trong hoàn cảnh đói nghèo đến gần như tuyệt vọng của cả đất nước. Mẹ vẫn lầm lũi đi làm đêm hôm trong những cái lò thuỷ tinh rực lửa, nơi mà sau mỗi ca làm việc lượng mồ hôi đổ ra nhiều hơn cả lượng nước uống vào, và mỗi nửa đêm khi trở về trên đầu mẹ lại đội một chiếc rổ xề với ít thanh củi cháy dở, vài hòn than pha đá mà HTX bỏ đi, ít rau rệu hay bèo để ngày mai có cái nấu cơm nuôi con lợn, khi mà ở cái thời chất đốt cũng phải mua bằng tem phiếu và không bao gìờ đủ. Mẹ cứ đội trên đầu như thế bởi vì ở vùng quê nghèo “chiêm khê, mùa thối” của Mẹ những đứa trẻ khi mở mắt chào đời đ
ã chứng kiến cảnh những người dân đã đội các thứ trên đầu như thế và điều đó như đã thành bản năng của họ trong công cuộc sinh tồn.
Bây giờ anh em chúng tôi đã trưởng thành, con cái đã lớn, chúng tôi cũng sắp lên ông, lên bà và tuy không giầu có bằng ai nhưng cuộc sống cũng tạm đầy đủ, Mẹ tôi cũng vẫn chắt chiu dành dụm từng đồng bạc lương hưu, hay tiền lương của mẹ liệt sỹ chưa tiêu đến để cho con cho cháu. Hình như dành dụm đã trở thành bản năng của Mẹ, của cả người dân đất nước tôi vốn nhiều niên niên kỉ nay luôn chìm trong “thiên tai, địch hoạ”.
Những khổ đau, mất mát khi đến với Mẹ nó như những mảnh vỡ sắc nhọn tàn nhẫn của cuộc sống cứa vào lòng Mẹ, vào trái tim yếu mềm như thân loài trai biển, tuy có cái vỏ ngoài cứng rắn chịu đựng va đập của sóng gió cuộc đời. Những hạt ngọc được hình thành nên qua những khổ đau ấy là chúng tôi, là những giá trị mà Mẹ có được trong cuộc đời này trước mọi người.
Những người Mẹ Việt Nam lam lũ, tảo tần suốt đời hy sinh vì gia đình, vì đất nước chắc chẳng cần đeo một loại ngọc hay một thứ trang sức nào cả, bởi bản thân họ đã là người sinh ra những thứ đẹp đẽ và quý giá hơn cả ngọc ngà châu báu trên đời này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Link : <a href="Link URL">TÊN LINK </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhạc của tui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]