Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Về Bên Mẹ




VỀ BÊN MẸ


Con lại trở về bên Mẹ đây
Mái đầu bạc cúi nghe lời trách mắng.
Một đời Mẹ tảo tần mưa nắng
Con lớn khôn rồi xa vắng triền miên.

Con tơi tả giữa cuộc đảo điên
Lúc mệt mỏi mới lết về bên Mẹ
Áo cánh nâu suốt đời chia xé
Bạc vải rồi vẫn ủ ấm lòng con.

Nhớ thuở nào chập chững lon ton
Con có vấp Mẹ giang tay mình đỡ.
Đến bây giờ cuộc đời nghiệt ngã
Mệt mỏi, hoang mang con lại tìm về.

Cho con xin vòng tay chở che
Tấm lòng mẹ lời hát ru ngày ấy.
Giữa đời này giờ con chỉ thấy
Lòng mẹ bao dung, nơi ấy bình yên.

Con chỉ xin ít ngày tháng dịu êm
Mẹ trái chín, buốt lòng khi nghĩ đến
Rồi mai đây xa bờ, xa bến
Cuộc đời con lại sóng gió trùng khơi.

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Bông Oải Hương


lavender


BÔNG OẢI HƯƠNG

Thật bất ngờ, có phải thế không anh
Nắng rực rỡ không làm tan băng tuyết,
Hơi nóng mùa hè giữa ngày giá rét,
Và mưa rơi giữa khô lạnh ngày đông.

Anh với em, ta còn có yêu không?
Mình không biết, ôi trò đùa tình ái.
Mất nhau rồi, tên anh em gọi mãi
Khóc ru lòng bởi số phận, anh ơi!

Bông oải hương tím ngắt những chơi vơi
Anh tặng em mỗi lần mình gặp gỡ
Chút hương trên tay anh ơi có nhớ
Bao năm rồi vẫn thơm ngát trong em.

Hạ đã cho ta nồng ấm say men
Dập dờn sóng cánh hải âu chao lượn
Đầy đặn trăng trải chiếu vàng cho mượn
Trên mặt đất này chỉ mỗi hai ta.

Đã mất hết rồi, đã mãi mãi xa
Lời giải đáp chẳng bao giờ có được.
Hai chúng ta, hai vì sao cách biệt
Lạc muôn trùng giữa vũ trụ xa xôi.

Bông oải hương tím ngắt nỗi chơi vơi
Anh tặng em mỗi lần mình gặp gỡ
Chút hương trên tay anh ơi còn nhớ
Xa lắm rồi vẫn thơm ngát trong em.

(Bản dịch từ tiếng Nga của Trần Thành Nhân)

Chuyện Củ Khoai

 (Trước tiên xin nói ngay với những ai đọc entry này. Đây chỉ là câu chuyện vui. Tiếu lâm một chút nên có phần hơi thô thiển. Xin lỗi các bạn nhé.)


Dạo này kinh tế cả nước đang kém đi. Ngân hàng xiết chặt các khoản cho vay. Nhà nước chủ trương tiết kiệm…Lương “ba cọc ba đồng”. Phở sáng 30ng chắc phải thôi vì dạo này lắm thứ phải chi tiêu. Tiết kiệm cũng đã hết mức rồi. Chưa hết tháng đã hết tiền. Hỏi vợ nhưng cái Ngân hàng này có lẽ “xiết chặt” nhất trong các loại ngân hàng. Đầu tiên còn đưa tiền để đến cơ quan đi ăn sáng, sau đó là đề nghị ăn sáng tại nhà. Lúc đầu còn mì tôm, bánh cuốn…sau rồi đến ngô luộc…


Hôm ấy vợ luộc khoai cho bữa sáng, đây là loại khoai Ta chứ không phải khoai Tây (cái loại khoai Tây luộc ai ăn nổi, chỉ nghiền rồi thêm chút mỡ ăn với thịt gà rán thì ngon). Do đêm trước thức khuya vì EURO nên dậy muộn, sáng lại có cuộc họp lúc đầu giờ nên vội vàng đi ngay không kịp ăn. Sợ chồng đói nên vợ bắt cầm đi tranh thủ ăn lúc nào tiện. Có mỗi hai củ khoai chẳng lẽ lại cho vào túi treo ở xe nên mình nhét đại vào túi quần rồi vội vã đi.


Vừa vào ghế ngồi với tập tài liệu trong tay, chưa kịp bắt đầu cuộc họp bỗng có hai người lạ xin phép vào hỏi chút việc. Không rõ có việc gì mà lại gấp gáp đến vậy, nhưng nhìn họ mình có cảm giác là chuyện nghiêm trọng nên đi cùng họ ra ngoài nói chuyện riêng. Biết họ là ai và thật bất ngờ khi nghe câu hỏi:


“Có người báo cho chúng tôi việc khẩn, để đỡ mất thời gian của anh và cả chúng tôi, xin hỏi anh luôn. Anh có mang đồ quốc cấm trong người không?”


“Không. Tôi chẳng mang cái gì nhà nước cấm cả. Sao các anh lại hỏi vậy?”


“Có người báo cho chúng tôi, có thể anh mang vũ khí quân dụng trong người. Họ nhìn thấy có dấu hiệu khả nghi”


“Các anh không tin tôi à? Tôi đã nói là không có gì hết”


“Thế trong túi quần anh có gì vậy? Anh bỏ ra cho chúng tôi xem”


Ôi trời đất ơi. Đến giờ này tôi mới hiểu ra mọi sự hiểu lầm dẫn tới việc hai nhà chức trách phải vội vã đến đây như thế này.


“Chẳng có gì đâu. Đây là Củ Khoai của vợ tôi thôi mà”


 

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

“Nỗi đau trong hồn”



Đọc kỹ mới thấy cái đề bài thứ ba này khó quá. Kiểu này mình dở hơi rồi. Cái đầu ngon ăn (như kiểu đánh bạc với mấy tay bạc già, 1 – 2 ván đầu bao giờ cũng thả cho mình thắng để “rắc thính”) đến lần này thì…Định mời một bạn cùng hỗ trợ, nhưng rồi lại thôi. Đành phải cố vì đã chót vỗ tay rồi. Mà mình cảm nhận theo cách riêng của mình. Các Cụ nói chẳng sai: “Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”. Ai thích thì chia xẻ, không thích thì…sang nhà khác chơi vậy.


NỖI ĐAU TRONG HỒN

Bạc đã xám, ánh Vàng thôi lấp lánh
Thơ với Đời rũ áo bỏ ra đi
Tuổi trẻ xưa dấu vết cũ còn gì
Bên phiến đá, lặng nhìn theo Thạch Thảo.

Cuộc bể dâu dòng đời sao tàn khốc
Thời gian trôi, như bóng người trượt dốc
Tâm Hồn ơi! Trong gông cùm bật khóc
Từ ngục lòng ta thấy xót thương thêm.

Hồn ta đau những giọt lệ yếu mềm
Đường trần gian bước chân hòa gió bụi.
Lặng lẽ khóc khi yêu và chờ đợi
Dẫu hồn đau chẳng nuối tiếc gì đâu.

Hè đã qua, Đông trắng tuyết đêm thâu
Dấu thời gian phủ mầu trên mái tóc

Thú Thời Gian, con vật quá tham lam
Tim bỏ lại, hoang tàn cùng trống vắng.

Bạc chẳng sáng, Vàng cũng thôi lấp lánh
Tình với Người lạnh lẽo bỏ ra đi
Tuổi trẻ ơi! Mi tiếc nuối điều gì
Ta tự hỏi: Tâm hồn ơi còn sống?

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Reply...

Hóa ra anh không nhầm khi biết chắc mình sẽ nhận được cái comment này. Hai bố con cùng cười vui vì câu chuyện hôm trước khi đọc cái comment của THO MOC đại ý: “Nếu tôi dịch bài thơ này thì khác gì chữa cái xe ôtô thành cái Xe Bò”. Chú cứ làm khó cho mọi người khi nhập khẩu toàn Roll Royce, Mec…Mấy cái xe hơi sang trọng ấy chỉ phù hợp với đẳng cấp cao thôi. Bố con anh đang ở VN và quen đi bộ, được ngồi Xe Bò đã tốt lắm rồi.


Anh lang thang nhiều nơi, học hỏi thiên hạ mỗi nơi một tý, cũng như chú trau dồi kiến thức bằng cách đi chơi chỗ này chỗ khác, thấy cái gì hay của mọi người thì xin phép họ mang về nhà mình để mỗi ngày xem lại mà học. Kiểu tự học không có thầy dạy. Đấy là học ở Trường Đời. Theo anh kiểu học này nhập tâm nhanh nhất.


Ở Việt Nam bây giờ khi nói biết ngoại ngữ (và minh chứng rõ nhất là khi thi công chức để tuyển người làm việc trong bộ máy quản lý nhà nước) người ta chỉ định ra 5 thứ ngoại ngữ là: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung, cứ biết 1 trong 5 thứ tiếng ấy là được. Anh thấy vậy là đúng rồi. Bây giờ đang là thời đại Toàn Cầu Hóa mà, phải biết ngoại ngữ để mà làm việc với thiên hạ chứ.


Người ta hay nói: Tiếng Anh là ngôn ngữ của ngoại giao, lịch thiệp mà lạnh lùng. Tiếng Pháp là ngôn ngữ của tình yêu, trữ tình và say đắm. Tiếng Nga là ngôn ngữ của Tri Thức, nhận thức và tư duy. Tiếng Đức là ngôn ngữ của Chiến Tranh, lạnh lùng và tàn nhẫn. Tiếng Trung là ngôn ngữ của Chợ Búa, bán buôn và dối lừa.


Cái thùng hàng Ma de in USSR của chú nghe có vẻ khô cứng vậy nhưng thật ra khi mở ra nó rất giầu hình ảnh, buộc người ta phải tư duy để cảm nhận những điều trong đó, sắp xếp nó vào trong nhận thức của mình để làm giầu cho trí tuệ, cho con tim…Còn cái thùng hàng Ma de in UK (hay USA) gì đó nó là hàng thời thượng, cũng như cái xe hơi xịn anh đã nói ở trên, nó là điều chúng ta muốn có, rất đẹp, rất tốt nhưng chưa phù hợp lắm với người “Cổ Hủ” như anh. Thùy Anh sẽ nhanh chóng tiếp cận, làm quen và sử dụng rất tốt loại hàng đó. Anh hơi lạc hậu, nhưng cũng biết cách “tiếp nhận cái mới” và hướng Thùy Anh học hỏi cho phù hợp với thời đại.


Tình yêu của con người ở đâu trên trái đất này, dù khác mầu da tiếng nói cũng vẫn giống nhau. Ngôn ngữ nào cũng diễn đạt được lời của Trái Tim khi yêu. Có khác chăng chỉ ở trong đó nhiều hình ảnh gây cảm xúc cho người nghe hay không.


Cuối cùng anh chỉ muốn nói: Hãy cứ làm dù còn nhiều sai sót, vấn đề chúng ta có dám làm hay không. Cháu Thùy Anh tự hào được đi trên cái Xe Bò do bố cháu hoán cải từ cái Roll Royce chỉ vì cái xe xịn ấy khó đi trên những con đường Việt Nam với những người bình dân như cháu và bố cháu.


 

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

LADY



Buồn, để xóa đi những bộn bề suy nghĩ về công việc, cũng để lấp bớt những khoảng trống trong đầu, lò mò vào nhà chú em chơi xem có gì thú vị dù biết dạo này trong ngôi nhà ấy nhiều gam trầm quá. Mình mà buồn chán thì gào lên như thằng điên, hay ít ra cũng lảm nhảm đủ mọi chuyện, “dây cà ra dây muống” chứ không trầm tĩnh, kiểu nói mà như lặng lẽ của chú ấy.

Vừa bước chân vào cửa, đụng ngay một kiện hàng to tổ bố. Vuông vức, ngay ngắn và đẹp đẽ (chứ không như bên nhà mình lôi thôi mấy cái bao tải đựng đầy các thứ thập cẩm với mớ ngôn ngữ sặc mùi bia mực mà chỉ có đám “bợm nhậu” mới quen ngửi). Nhưng ôi trời, nhìn cái kiện hàng ấy đẹp nhưng thấy chữ Made in UK (hay USA) gì đó in hoành tráng trên đó, biết ngay lại nhìn vào bức vách rồi. Thế này quá thách đố nhau. Đúng là chú em học cao, hiểu rộng. Hôm trước chú đặt thùng hàng cũng to chẳng kém có in chữ Made in USSR (chế tạo tại Liên Xô) mình còn dám chõ cái mũi Buratino vào chứ thế này thì…

Vốn tiếng Anh của mình còn thua xa mấy đứa đánh giầy, bán báo ở Bờ Hồ. Nếu trình độ của chúng là C thì mình học A được một tuần. Đời thủa nhà ai đi thi lấy cái chứng chỉ B tiếng Anh mà khi thầy hỏi: “What’s your name?” lại trả lời: “What name Loi Tran”. Chắc cũng biết cái loại già như mình mà đi học tiếng Anh cũng chỉ vì phải trả nợ cái gì đó nên ông thầy bỏ qua và chỉ vào cái Ấm (pha chè) trên mặt bàn rồi hỏi tiếp:” What is this?” Cha Mẹ ơi! Học mãi mới nhớ được từ cái Chén (cup), bây giờ lại đi hỏi cái Ấm, bố thằng Tây nào mà trả lời được, vậy là trả lời đại cho xong: “This is Ấm”. Chán vì không trả lời được bằng tiếng Anh mình xổ ra một tràng tiếng Czech. Thế là OK ngon lành cầm trong tay cái bằng B tiếng Anh.

Quay lại chuyện cái thùng hàng ở nhà chú em, bực mình vì ai cũng khen hay mà mình chẳng hiểu. Cái vốn tiếng Anh chỉ quen nói ba lăng nhăng: “I love you, I need you…” của mình thì lõm bõm hiểu vài chữ chắc cái bài hát này lại chuyện yêu đương gì đó. Khó chịu vì không hiểu nên nhờ con gái dịch sang tiếng Việt. Con gái đọc từng câu đến hai ba lần mà mình chẳng nhập tâm được câu nào, sao cứ trúc trắc vậy nhỉ? Đành bảo con viết ra giấy và tự nhủ sao không viết lại thành bài thơ cho vần để dễ nhớ nhỉ? Ngỏ lời xem ý chú em như thế nào khi chuyển lời bài hát ấy thành bài thơ vì hôm trước chú ấy đã vỗ tay khi mình mở thùng hàng Made in USSR, hy vọng kiếm chút thù lao làm bát phở sáng. Không ngờ chú ấy dội ngay cho một gáo nước lạnh: “Bài này quá nổi tiếng và chắc có lời Việt rồi. Không ai thuê anh đâu.”

Ơ cái thằng này! Hôm trước vừa nói là mỗi người có cảm nhận khác nhau, cùng một ca khúc mà mỗi ca sỹ thể hiện cũng đã khác nhau rồi, thế mà bây giờ lại nói thế. Bực mình kể lại chuyện cho Con Gái nghe, nó bảo Bố dịch sang thơ cho con để mình con thuộc là đủ rồi. Có Con Gái động viên lại thêm cái comment của một cô bé nào đó “cũng dốt tiếng Anh” (nhưng chắc biết số từ gấp vạn lần mình) động viên cứ dịch dù không dám thuê hay trả thù lao. OK! Vậy thì chuyển bài hát ấy thành bài thơ xem như thế nào. Trước tiên là cho Con Gái…



EM YÊU


“Em yêu ơi! Anh là chàng hiệp sỹ
Dưới bộ giáp sáng ngời ẩn giấu mối tình si
Anh được chính là mình, bởi nhờ em nên thế
Cứ nghĩ rằng ta mãi thuộc về nhau.
Tình yêu của anh, vạn cách nói nhiệm mầu
Anh tưởng được ôm em trong vòng tay mãi mãi.

Em ra đi để hồn anh khờ dại
Lạc lối giữa đời, lạc lối với tình em
Buổi bên nhau những ngày tháng dịu êm
Giờ em tin khúc tình ca anh hát?

Em yêu ơi ! Mặc người đời đổi khác
Bao năm dài trông ngóng phút gặp em
Bước nhẹ nhàng em đến dịu êm
Anh hoàn thiện, là điều em để lại.
Hãy cho anh mỗi sớm mai thức dậy
Được thấy em cùng muôn ánh bình minh
Với lời yêu thì thầm trong dịu nhẹ.

Trong trái tim anh, em mãi là tất cả
Tình yêu mình say đắm những ngày xa
Em yêu ơi! Anh muốn kề bên má
Bóng hình xưa, mòn mỏi đợi chờ trông.

Người yêu ơi! Trái tim anh thầm mong
Hãy trở lại bên anh hoài em nhé
Bởi tình anh chưa bao giờ san xẻ
Có khi nào em biết được em ơi.

Tình yêu của đời anh. Một bóng dáng người…
Em vẫn còn trong lòng anh…mãi mãi.


Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Chuyện dịch thơ

Đi uống bia về, giành 2h đọc tin tức, xong mới mò vào ngôi nhà ảo xem chú em nói gì khi xem kết quả nhiệm vụ mà chú ấy giao cho mình. May quá chú ấy không chê, mà nói ngay là hay. Cũng rất tinh khi phát hiện ra mình đã không lặp lại điệp khúc (vì đã được chuyển từ thơ thành lời hát) nhưng cố gắng bám sát để vẫn giữ nguyên nghĩa. Trong thơ ít khi lặp lại nguyên cả khổ thơ 4 câu như trong điệp khúc của một bài hát,, nếu có lặp lại chỉ 2 câu là đủ.


Chợt nhớ câu chuyện vui về dịch thơ. Một người ngoại quốc thích thơ Việt Nam, muốn để đồng bào mình được thưởng thức thơ ca Việt với sự phong phú của ngôn ngữ, vần điệu, hình ảnh…liền chọn một câu thơ ngắn để dịch. Đó là câu thơ chưa đúng nguyên bản, nhưng đôi khi có nhiều người Việt cũng tưởng nhầm là đúng:


“Gió đưa cành trúc la đà


Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương…”


Vốn không giành tiếng Việt, nên khi dịch ông ngoại quốc này phải mang cả đống từ điển các kiểu ra để tra cứu, suy ngẫm. Gió trong tiếng Hán Việt là Phong, La có nghĩa là lay động và hạ thấp xuống. Đà có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là vật mà người ta đặt cái gì đó lên để, chịu lực, cân bằng. Thiên có nghĩa là Trời, Mụ tiếng Việt dân gian dùng để chỉ người vợ…


Sau khi dịch xong, ông ta đem đến cho một người bạn Việt thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ của ông ta đọc và xin ý kiến góp ý để ông ta tiếp tục dịch bài thơ khác. Đọc xong bài thơ được dịch, ông bạn người Việt rụng rời chân tay, nghẹn thở vì chút xíu nữa thì bị tăng xông bởi nếu đem dịch ngược trở lại tiếng Việt thì bài thơ sẽ nguyên văn như sau;


“Cuồng phong lay ngọn trúc


Đổ xuống tà vẹt đường


Vợ Trời đánh một hồi chuông


Cháo gà húp vội hóc xương mấy lần.”  


 


 

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Đừng tuyệt vọng. Tôi ơi đừng tuyệt vọng


"Đừng tuyệt vọng. Tôi ơi đừng tuyệt vọng, lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông…”

Lời ca này của Trịnh bao người đã nghe, đã hát và đã tự động viên an ủi mình vượt qua những thời khắc chán trường và tuyệt vọng nhất để rồi sống tốt trên cõi đời này?

Một người quen, một phụ nữ trạc tuổi như mình đã mắc căn bệnh ung thư. Mình biết cô ấy qua công việc, khi biết cô ấy đang mắc căn bệnh quái ác ấy mà vẫn phải một thân một mình đứng ra giải quyết chuyện nhà cửa, kiện cáo (chỉ vì lòng tham của người hàng xóm), mình đã cố gắng khách quan tìm cách bênh vực cô ấy. Chuyện đã xong. Một lần ngồi nói chuyện nhắc tới bệnh tật, cô ấy kể đã quyết tâm để vượt lên cái chết đang cận kề. Chữa bệnh, tập yoga, ngồi Thiền, đi lễ chùa…

“Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em…”


Mình đã nhắc tới ca khúc này của Trịnh Công Sơn để động viên cô ấy. Không ngờ cô ấy bảo cũng rất thích và hay nghe ca khúc này để tự động viên mình.

“Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
 Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo…”


Trong cuộc đời, mỗi người đều có nỗi đau riêng. Thể Xác, Tâm Hồn. Từ đáy sâu tâm hồn những nỗi chán chường dâng lên trước bao điều phải chứng kiến trong đời sống thường ngày trên trần gian này.

Mấy năm đã qua, thỉnh thoảng tình cờ gặp nhau hoặc cô ấy vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe, công việc của mình. Câu đầu tiên thay vì chào nhau bao giờ cô ấy cũng nói: “Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng” rồi mới hỏi chuyện nhau. Biết cô ấy đã khỏe, bệnh tình đã thuyên giảm nhiều, mình chúc mừng và nói hãy tin mọi việc sẽ tốt đẹp.

“Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên và em sẽ bình minh”


Sáng nay thấy buồn, chán nản. Chợt nhớ tới bài hát này và chuyện của cô ấy. Cô ấy đã khỏe và yêu đời hơn nhiều so với mấy năm trước. Còn tôi?

“Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng
Nắng vàng phai như một chút đời riêng…”


Cuộc sống vẫn đang cuộn chảy. Mình không thể mắc cạn. “Tôi là ai, là ai, là ai mà yêu quá đời này”


Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Viết tiếp chuyện con Kiến

Hôm sau, với tấm lòng trắc ẩn, thương bạn, Ong Vàng đưa Kiến đến phòng mạch của bác sỹ kiêm dược sỹ QUAN  Củ Chuối khám và lấy thuốc. Chẳng phải vì trên cái tờ rơi quảng cáo bảo khám chữa bệnh miễn phí vì ở đời có ai cho không ai cái gì đâu. Đến khối người đi làm từ thiện cũng đòi hỏi phải trương thương hiệu của họ thật nhiều, nếu không cũng chẳng dại bỏ tiền. Hóa ra thay vì bỏ tiền chi cho quảng cáo, họ làm từ thiện với sự đồng hành của thương hiệu. Chương trình từ thiện thu hút nhiều người xem hơn chương trình quảng cáo. Suy cho cùng  cũng tốt thôi, đồng bào lũ lụt, người nghèo, các nạn nhân chất độc Da Cam… được hỗ trợ, thương hiệu được mọi người biết tới. Vẹn cả đôi đường.


Ong Vàng đưa Kiến đến phòng mạch ấy vì bác sỹ QCC cũng không đến nỗi nào, vẫn còn nhiều Y Đức, không như nhiều vị khác khi đi chữa răng ngoài việc thử máu (là đúng rồi) còn bắt cả thử nước tiểu, chụp phổi…Lắm khi cao hứng thể hiện tính Sỹ (nhất là trước mặt người khác giới trẻ trung, xinh đẹp) QCC sẵn sàng khám chữa bệnh miễn phí luôn, còn cho thêm ít thuốc bổ (các loại Vitamin “nội bộ” chứ không phải “ngoại nhập” mà nếu đem xét ngiệm thành phần có đến 99% là bột mì hoặc bột sắn). Thế cũng là tốt rồi, vì uống vào vô hại (bổ không đáng kể), còn hơn khối người sản xuất thuốc bằng bột đá, uống vào không đái ra được (vì bột đá nặng) sỏi thận thì bỏ mẹ đời. Mà thực chất Ong Vàng cũng đọc sách nên biết qua nghiên cứu (chỉ ở VN thôi) thực chất hiệu quả của thuốc không phải do thành phần hóa học của nó mà hiệu quả ở chính những lời ca tụng và tâm lý tin vào lời người ca tụng của đa số người bệnh.


Ngoài những lý do đó còn có một yếu tố nữa để Ong Vàng đưa Kiến đến đó. Phòng mạch rất đông khách đến khám chữa bệnh đã đành, lại thêm người nhà bệnh nhân, đám cò mồi, xe ôm, hàng nước chè ăn theo…nên ở đây có thể nghe được khối chuyện. Có thể coi cái phòng mạch ấy là trung tâm thông tin của làng. Ong Vàng vẫn đang muốn đi tìm nguồn cơn của sự việc đã xảy ra ngày hôm kia. Nếu biết được nó có thể bảo với anh em bạn bè để không mắc phải sai lầm như Kiến, như Gián.


Sau khi đưa Kiến vào phòng khám, Ong Vàng ra ngoài hàng nước chè chén trước cửa gọi một cốc trà đá và một điếu Thăng Long (dạo trước khi mới có thì đây là loại thuốc mà người giầu hay hút vì thấy bảo nó là sợi từ cây thuốc lá  thật chứ không phải giấy tẩm Nicotin như thuốc lá ngoại, nhưng bây giờ nghe nói cũng nhiều Ma de in China). Ngồi thảnh thơi uống nước hút thuốc và giả vờ chăm chú đọc báo nhưng thực chất mắt nhìn vào tờ báo mà nó có biết trong đó có gì đâu bởi tai Ong Vàng còn vểnh lên để nghe chuyện thiên hạ đang bàn tán.


Cái thời đại công nghệ thông tin này mọi chuyện đều được lan truyền nhanh chóng, nào là intenet, điện thoại di động…thì khi có chuyện gì xảy ra chỉ vài phút sau cả làng đều biết, nếu ai không được chứng kiến sự việc thì khối người sẵn sàng cho xem lại clip đã quay được trong điện thoại di động. Ngay tuần trước việc con gà trống choai, lông đuôi mới mọc và cái như đuôi con tôm hiếp dâm chị gà mái góa chồng ở cuối làng mà còn có đứa quay được và phát tán lên mạng dưới tiêu đề: “Phi công trẻ chưa ra trường đã học đòi lái máy bay bà già”. Ngay như cái hệ thống loa của làng trước đây phải dựng cột, chăng lằng nhằng dây dợ, bây giờ đã được thay thế bằng hệ thống loa không dây. Nhưng “lợi bất cập hại” oái oăm thế nào mà sáng sớm hôm nọ trong khi các loa khác quanh làng đều đang phát bản tin của làng thì hai cái loa ngay đình làng lại dở chứng nói thứ tiếng gì đó nghe cứ như: Hảo,hảo su củ, lăng lủng trẻo…để rồi cả làng một phen nhớn nhác cứ tưởng đêm qua làng mình đã được di rời lên ven sông Hà Khẩu.


Với cái đầu quen suy luận Ong Vàng biết rằng chủ đề câu chuyện ở đây vẫn chỉ là chuyện ầm ĩ giữa ông Trâu và lão Bò, bởi vì chẳng công nghệ thông tin nào nhanh và phong phú như “công nghệ truyền mồm” và cũng chính ở đây qua sàng lọc những câu chuyện được nghe nó sẽ tìm ra được nguyên nhân chính của vụ scandal này. Vì mới vào nên nó biết câu chuyện đã được mọi người bàn tán từ lâu, nhưng nhờ kinh nghiệm mà Ong Vàng biết thường những kẻ khơi mào và nói nhiều là những kẻ chẳng biết được gì nhiều, gần cuối khi người biết chuyện không chịu nổi thói ba hoa của mấy đưa phao tin vịt mới thong thả kể rõ đầu đuôi câu chuyện.


Con mẹ Vịt Trời đang thao thao bất tuyệt: “Mọi người không biết thì đừng có nói. Chị chồng tôi là nạn nhân của việc ấy lên tôi biết rõ nhất”. Mụ Vịt Trời này vốn dĩ là dân ngụ cư, vài năm trước khi di cư vào Nam tránh rét, đang bay thì bị đám thợ săn bắn bị thương, sống sót lê đến làng này được chồng chị Vịt Bầu cứu giúp cho ở nhờ trong nhà dưỡng thương. Vốn tính trăng hoa mụ ta dùng kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian nay đây mai đó tán tỉnh em trai chị Vịt Bầu. Chàng Vịt mới lớn nhanh chóng mắc bẫy yêu của con cave mòn răng vì ăn cơm thiên hạ hơn mình vài tuổi. Lần “yêu” đầu của chàng với mụ nhanh chóng được cả làng biết qua lời tường thuật của mụ. Cực chẳng đã, dù không muốn gia đình chị Vịt Bầu phải để làm đám cưới cho hai người, bởi ở cái làng bé con con này đã mang tai tiếng như vậy thì con cái nhà lành nào nghĩ đến chuyện tìm hiểu anh Vịt Choai nữa chứ.


“Chú  Kiến đúng là bị oan thật, vì nó có thù oán với ai đâu, chứ còn thằng Gián thì oan cái nỗi gì, nó chưa chết còn là may đấy. Ai bảo nó hôm trước có bát cơm nguội sắp thiu, bà chủ để đấy định cho anh Gà với chi Vịt Bầu nhà tôi, nó bò ngay vào ăn, đã thế còn ỉa vào đấy một bãi hôi rình”.


“Thế sao bảo thằng Gián nó ghét chú Kiến nên mới cố tình chạy vài bước rồi ngã đè vào chú Kiến để trả thù vì hôm mẹ thằng Gián chết, họ hàng nhà Kiến không cho chôn ở nghĩa trang của làng vì sợ dịch bệnh nên đã khênh ra rìa làng rồi ném xuống hố?” Con Chim Sẻ nãy giờ ngồi rỉa lông hóng chuyện cất tiếng hỏi trong khi đó hai con gà nhiếp sinh đôi (chắc được mẹ đưa đến đây để tiêm chủng) mỗi đứa một gói bim bim trên tay vừa ăn vừa hóng chuyện co rúm người khi nghe chuyện ném xác xuống hố, chúng nhìn nhau và kêu khẽ: “Khiếp! Khiếp”. Hai con Bồ Câu nãy giờ bỏ ngoài tai chuyện thiên hạ đang bàn luận vì mải thủ thỉ tâm sự một cách rất tình tứ, nghe thấy câu tai nạn, hành hung liên quay ra mắt tròn xoe  góp chuyện: "Gù. Gù . Bắt đi tù". Mặc dù có hỏi chúng cũng chẳng biết bắt ai và vì sao lại bắt đi tù


Con mụ Vịt Trời vẫn oang oang: “Chuyện ấy tôi không biết, nhưng chị tôi nói thằng Kiến bị oan. Chị ấy bảo lúc nó bị đè vào người đã tưởng nó chết rồi. Trào cả máu mồm cơ mà, chân tay thì gãy lủng liểng. May mà nó còn có nhiều chân đấy, chứ hai chân như tôi với mọi người ở đây thì chỉ có cả đời ngồi xe lăn”. Bác Ngỗng nãy giờ im lặng ngồi nghe, thỉnh thoảng lại “bắn” một điếu thuốc lào, nghe đến đấy giật mình hỏi vội: “Cứu, Cứu! Sao không gọi xe cấp cứu?”


“Chờ được mạ thì má đã xưng. Ông có dùng di động gọi 115 ngay thì cũng nửa ngày may ra nó mới đến”. Con mẹ Ngan già nãy giờ nằm nghe chuyện với bộ dạng uể oải cất tiếng. “Con mẹ này đúng là ngắn học, thấy người ta ví von cũng học đòi chơi chữ” Ong Vàng thầm nghĩ, nhưng nó nhanh chóng bỏ qua ý nghĩ ấy khi nghe mụ  Ngan nói tiếp: “Người ta bảo con chị chồng mày bị như thế cũng đúng thôi. Ai bảo các mồm nó cứ quang quác cơ. Mà nó cứ loanh quanh với lão Gà Trống già ấy làm gì?”


“Bà câm mẹ nó cái mồm gái già của bà đi. Chị chồng tôi với bác ấy là anh em họ xa, nhưng họ tốt và thân thiết với nhau chứ không như cái loại bà. Đồ vô ơn”


“Thôi mọi người đừng cãi nhau nữa”.  Bác Ngỗng sau khi nhắc nhở đám đông ồn ào giữ trật tự liền nói tiếp: “Sao tôi nghe nói là ông Trâu rủ chú Gà Trống ra rặng tre tán chuyện, lại còn nhờ chú Gà bắt hộ mấy con bọ ve trên lưng, đuổi hộ lũ Ruồi nên làm chú Gà “buông lỏng quản lý” con mẹ Nái Sề nó mới ăn hết chỗ rau. Khi bà chủ mắng ong Trâu lại bao che cho nó. Vì thế nên lão Bò mới có cớ gây chuyện?”


“Anh nhầm rồi anh  Ngỗng ơi. Chuyện không phải vậy đâu” Chó Con nãy giờ thờ ơ với cuộc bàn luận giờ mới cất tiếng:


“Em ở trong nhà cùng ông bà chủ em biết hết mọi chuyện. Nói để mọi người biết thôi, đừng ai đi kể cho ông Trâu và lão Bò nghe lại phiền cho em. Mấy hôm trước em nằm ở cửa nghe ông bà chủ ngồi trong nhà vừa uống nước vừa nói chuyện. Lúc ấy ông Trâu vừa đi cày về, đang nằm dưới rặng tre để nghỉ, mồm xùi bọt trắng  vì nắng nóng. Bà chủ nhìn thấy thế liền nói:


_Con Trâu nhà mình dạo này có vẻ yếu rồi, bây giờ ruộng đất cũng chẳng còn là bao, một vụ cày có 2 – 3 buổi. Để nuôi cũng phí, hay là bán quách nó đi ông ạ.


_Cái bà này nói đến lạ. dù ít thì vẫn còn ruộng. Bán Trâu đi thì cày bằng cái gì, tiền thì không có, ruộng ít mà nghĩ đến việc mua máy cầy à?


_Mình mua lại con Bò bên hàng xóm kia kìa, cần thì nó cầy cũng được. Nhà ấy không cầy, cũng chẳng ai chăm sóc. Con Bò ăn cũng thiếu, gầy giơ xương, cũng chẳng có cái chuồng mà ở. Nhà mình sẵn chuồng, lại có lũ trẻ dắt đi chăm bẵm, chỉ một tuần cứ cỏ non ăn đủ, ngủ ấm trong chuồng là béo tốt ngay”


_Chuyện đó đàn bà như bà tính sao được bằng tôi. Yếu Trâu còn hơn khỏe Bò. Thôi cứ biết vậy để tôi nghĩ đã.


_Ở cái nhà này không phải mình ông quyết định đâu nhé. Con Trâu này cứ bán cho cái đám chọi trâu ở Đồ Sơn là hơn. Tướng nó chỉ giỏi húc nhau.


_Bà đã thấy nó húc nhau bao giờ chưa? Nếu tôi thấy thì tôi đồng ý bán.   


Chú Cún đang nói bỗng dừng lại chăm chú nhìn ông hàng thịt bên kia đường chặt những khúc xương với vẻ thèm thuồng, nó liếm mép im lặng. Ngỗng bực mình gắt:


_Ơ cái thằng này sao không nói nốt đi. Sau đó như thế nào?


_Anh chẳng chịu suy nghĩ gì cả. Ông bà chủ nói chuyện ấy lúc Lão Bò đứng sau nhà bên cửa sổ nghe được. Em đoán chừng lão ấy muốn tống ông Trâu đi để sang nhà mình ở cho sướng lên mới nghĩ ra việc xui con Nái Sề ăn hết đám rau, để rồi sau đó bà chủ sẽ bảo anh Gà không làm tròn trách nhiệm, còn ông Trâu thì bao che vì cả hai rủ nhau ra rặng tre. Lại còn thêm cái tội cậy khỏe bắt nạt Bò. Nâng cao quan điểm thế thì ra Đồ Sơn là cái chắc”


Đang  ngẩn người vì những gì Chú Cún nói thì bác sỹ QCC bỗng gọi: “Ai là người nhà Nguyễn Văn Kiến vào đưa bệnh nhân về”


Ong Vàng vội vã chạy vào. Ông bác sỹ nói: “Gãy 2 chân, rạn xương tay. Có biểu hiện của chấn thương sọ não. Gan và Lá Lách bị dập…Tỷ lệ thương tật 70%. Chú có thể đưa bệnh nhân về nhà rồi làm đơn khởi kiện. Với tỷ lệ thương tật như thế này người ta sẽ truy tố kẻ hành hung theo luật hình sự với tội danh Giết Người”


“Mẹ kiếp! Nói như thánh tướng. Một mình ông đưa ra kết luận tỷ lệ thương tật thì ai công nhận”. Ong Vàng thầm nghĩ. “Muốn có giấy chứng thương phải qua hội đồng giám định y khoa. Mà cái hội đồng ấy lại do bạn bè lão Bò cầm chịch là chính thì tỷ lệ thương tạt của mày chỉ còn 10% thôi Kiến ơi. Mà tao nhìn mày như này chắc mày chết 90% rồi. Lão bác sỹ còn bảo là đi kiện, nhưng Kiến thì kiện ai? Kiện Củ Khoai à?”


Vừa lếch thếch cõng bạn về nhà Ong Vàng vừa nghĩ, chắc Cún Con nói đúng. Trẻ con không biết nói dối như người lớn. Kiến ơi! Nếu mày chết tao cùng anh em sẽ trả thù cho mày. Anh em mày sẽ chui vào tai lão Bò, còn tao sẽ đốt cho nó đau mà lồng lên. Rồi nó sẽ chết...  


 

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

chuyen con Kien

Hôm qua thấy phát ngượng vì cái comment của chú em khi thấy mình “Thùng rỗng kêu to”. Mở đầu thì to tổ bố, loanh quanh nói chuyện bé như con Kiến. Hôm nay đi làm được nghe một câu đùa vui nhưng quá chua chát về công việc, về những gì đang xảy ra với mình và nhiều người khác trong cơ quan, câu nói vui ấy vô tình lại có hình ảnh con Bò và con Kiến nên làm mình phì cười dù lẽ ra phải khóc mới đúng. Chính ra chú em phải nói mình mở đầu to như con Bò mới đúng.


Hơn một tháng nay, cú vài hôm no lại phang cho một phát, vẫn cái vụ ấy. Mặc dù gần như tất cả mọi người ai chú ý một chút thôi đều biết sự việc thực chất là như thế nào, vì sao lại có chuyện đó, nhưng sao giờ này cứ đổ hết lên đầu nhũng người như mình. Mẹ kiếp! Đúng là vớ vẩn.


Câu nói đùa vui của ông bạn chẳng biết diễn đạt như thế nào để người khác hiểu được đây, vì không ở trong cuộc nên mấy ai biết đã có chuyện gì. Nghe xong thấy chua chát vì đúng mà vẫn phải cười, hơn nữa cười vì chuyện trùng lặp bởi hình ảnh hai con vật.


Ăn trưa xong về cơ quan ngả người trên ghế nhắm mắt một chút cho đỡ mệt vì thiếu ngủ bởi Euro, mơ màng và thiếp đi…


Thấy mình đang trong khu vườn nghe con Ong Vàng đang hỏi thăm con Kiến đang lê lết với một cái chân bị gãy, vài cái chân khác cũng sứt sẹo dán đầy băng Ugo, mặt mày bầm tím, đôi chỗ còn vương vệt máu khô. “Sao vậy chú, lại đánh nhau à?”. “Đâu có anh ơi, em thân phận con Sâu, cái Kiến còn dám đánh nhau với ai nữa”. Cau mày con Ong Vàng hỏi tiếp: “Vậy sao đến nông nỗi này?”


Vừa đưa tay quyệt nước mắt vừa sụt sùi khóc con Kiến kể: “Hôm qua em đang bò chơi trong sân, bỗng  nhiên anh Gián ở đâu vừa chạy vừa bay cuống quýt ngã đè lên người em, vậy nên mới ra nông nỗi này”. Ong Vàng trợn mắt: “Cái thằng Gián láo thật, cậy to xác hơn mà bắt nạt chú à? Cái thân phận nó chỉ chui rúc xó xỉnh, người bẩn thỉu, hôi rình mà láo. Được chú để đấy anh đi hỏi tội nó. Dù cũng là phận con Ong cái Kiến bé nhỏ thật nhưng anh không thể để nó bắt nạt chú đâu”.


Con Ong bay vào trong nhà, nhưng chưa cần tìm đâu xa đã nhìn thấy con Gián nằm ngay góc cửa. Ong nhủ thầm: “Cái loại toàn chui xó xỉnh sao hôm nay ban ngày, ban mặt mà dám ngang nhiên nằm đây?”.


“Này Gián! Sao hôm qua mày dám đè thằng Kiến, để nó gãy hết cả chân tay, mình mẩy thâm tím hết. Nó làm gì mà mày hại nó như vậy?”


“Ôi cậu Ong ơi, cậu không biết chuyện rồi. Tôi với chú Kiến có thù oán gì nhau đâu, tôi tuy to lớn hơn chú ấy bao nhiêu lần, thậm chí còn ăn thịt được chú ấy nữa, nhưng việc hôm qua không phải do tôi cố ý đâu.”


Ong Vàng cau mặt: “Vậy vì sao? Mày mà nói láo tao châm cho một phát thì hết đời”


“Có gì đâu cậu Ong ơi. Cậu nhìn cái thân tôi đây này, cánh thì xã ra, ngực bầm tím, ho khù khụ vì bị gẫy hai cái xương sườn, hình như lại còn bị tràn dịch màng phổi nữa. Tôi cũng thảm thương khác gì chú Kiến đâu”


Ong Vàng nhìn kỹ lại thì đúng như Gián nói, thậm chí trong Gián còn thảm thương hơn cả Kiến. Chạnh lòng thương Ong mềm giọng:


“Thế có chuyện gì vậy? Sao tự dưng cả hai lại đến nông nỗi này?”


“Có gi đâu.” Gián vừa ho vừa nói: “Hôm qua em thấy trời nắng ấm, do cứ ở gầm chạn lâu ngày ẩm thấp, người ngợm hôi rình, thấy vắng người định ra phơi nắng một tí cho sạch sẽ. Nào ngờ vừa ra đến mép sân chưa kip nằm cho ngay ngắn thì thấy bác Gà, bác Vịt chạy từ ngoài đường vào. Em sợ quá, cứ tưởng hai bác ấy nhìn thấy em chạy vào định ăn thịt, nhìn kỹ hóa ra không phải vì trông hai bác ấy cung hớt hải lắm, không biết có chuyện gì nhưng không hề quan tâm đến em, mà chắc cũng chẳng nhìn thấy em nên mới dẫm cả lên em đấy. Một bác dẫm lên đã đành, đằng này cả hai mới khổ thân em chứ”


Dứt lời, Gián thở hổn hển rồi bật ho, nó khạc ra một bãi cả đờm lẫn máu, rồi vừa quẹt mép vừa thều thào: “Chắc cơ sự này em cũng chẳng sống được bao lâu nữa. Thôi cũng chẳng nuối tiếc điều gì. Nhờ Bác xin lỗi chú Kiến hộ em, cũng là “Tai bay vạ gió” cả thôi”


Ngậm ngùi nhìn thân xác tiều tụy của Gián, Ong nhủ thầm: “Mình phải đi hỏi cho ra nhẽ việc này. Sao lại để nhiều người vô tội bị oan uổng thế này”


Ong Vàng bay đi tìm Gà và Vịt. Chẳng phải tìm đâu xa chỉ một vòng bay nó đã nhìn thấy Gà và Vịt đang nằm thì thầm gì đó với nhau dưới gốc cây đầu ngõ. Biết mình yếu thế hơn nên vừa đậu xuống cành cây ngay trên đầu Gà và Vịt đang nằm, nó cất giọng từ tốn: “Em không muốn làm phiền hai bác, nhưng vì nghe chuyện hai đứa em vừa kể hôm qua chúng nó bị hai bác gây thương tích, em chẳng biết đầu đuôi câu chuyện thế nào nên tìm hai bác để hỏi nguồn cơn vì sao”


Gà vừa nặng nề nhấc đôi cánh trụi lông vừa nhăn nhó: “Chị Vịt kể cho nó nghe đi, tôi mệt lắm rồi. Bà chủ vừa mắng tôi một trận, lại còn yêu cầu tôi phải viết tường trình, kiểm điểm chuyện hôm qua đấy”


Vịt Bầu vừa nghe nói đã nhăn nhó: “Anh chỉ được mỗi cái tài “né” là giỏi. Sao hôm qua anh không “né” đi để bây giờ trông thảm hại thế? Mà nguồn cơn cũng chỉ vì anh nên tôi vạ lây đấy”


Gà Trống vừa gắng sức vẩy cái đuôi trụi lông cho bay bớt ít bụi cát vừa càu nhàu: “Nói chuyện với chị chán bỏ mẹ, việc ấy đâu phải do tôi, nhưng nếu chị không dám nói thì để tôi kể cho chú ấy nghe”


Với cái giọng chán chường mệt mỏi Gà Trống ca thán: “Có gì đâu, chung quy cũng chỉ tại con Lợn Nái kia kìa” Vừa nói nó  vừa giơ cánh phải còn xơ xác mấy cái lông chỉ vào con lợn đang nằm ở góc chuồng. “Bà chủ chỉ cho nó ăn một ít rau lang, đã bỏ vào máng đủ rồi và dặn tôi phải trông chừng đừng để nó ra ăn hết chỗ rau ở ngoài. Tôi nhãng đi một chút vì thấy mấy con Mái tơ bên hàng xóm ngon quá lên sang bên đó “tà lưa” một lúc, khi quay về nó đã ra ngoài ăn gần hết chỗ rau. Mà thực ra nếu tôi có ở nhà cũng chẳng ngăn được vì nó có coi tôi là cái gì đâu. Nó bảo bà chủ làm thịt mày lúc nào chẳng được chứ làm thịt tao không dễ đâu nhé, tao còn đẻ ra cả đàn lợn cho bà chủ của mày cơ”


Ong Vàng sốt ruột ngắt lời: “Thế rồi sao? Bác cứ “Con Tằm nó nhả ra tơ mãi, em sốt ruột quá”


“Chú cứ bình tĩnh, chuyện ấy bà chủ chưa nói gì thì lão Bò ở bên hàng xóm ngứa mồm lại bảo cụ Trâu nhà mình bao che để con Lợn mới dám thế. Cụ Trâu vừa đi cầy về sẵn mệt mỏi, bực tức liền nổi khùng lên xừng xộ với lão Bò, rồi hai người húc nhau, thế là anh với chị Vịt đây bị vạ lây”


Ong Vàng nghe vậy liền nói: “Bác nói thế nào chứ, người ta bảo Trâu Bò húc nhau ruồi muỗi chết chứ có ai bảo Gà Vịt chết đâu. Mà  nếu thế sao hai bác không chạy đi?”


“Chú ngu bỏ mẹ, nói với chú thà nói với cái đầu gối còn hơn” Vừa nói Gà Trống vừa giơ cái đầu gối xưng vù bầm tím ra (Chắc hậu quả của việc hôm qua chạy vội để rồi dẫm cả vào thằng Gián đây. Ong vàng thầm nghĩ). “Cái đám Ruồi Muỗi chúng nó khôn như Chấy, thấy cơ sự hai lão ấy chuẩn bị húc nhau là chúng đã bay đi hết rồi”


“Nhưng sao hai bác cũng không chạy đi, kệ hai lão ấy húc nhau đã làm sao?”


“Chú lại dạy khôn anh chị rồi, cũng muốn chạy lắm chứ, nhưng chạy sao được. Nếu chạy Cụ Trâu nhà mình sẽ chửi anh chị là lũ khốn nạn, người nhà mà bỏ nhau, hơn nữa anh cũng liên đới trách nhiệm vì đã để con Lợn nó ăn hết rau, muốn trốn trách nhiệm cũng chẳng được”    


   “Nhưng anh chị có chạy thì mới dẫm phải thằng Gián chứ” Ong Vàng vặn lại.


“Chú nhầm rồi, lúc ấy chỉ né ra một chút thôi” Chị Vịt Bầu đỡ lời Gà Trống “Chẳng lẽ cứ lẩn quẩn quanh chân hai ông ấy, lạch bạch như chị không khéo hai ông ấy dẫm cho một cái chẳng phọt cả trứng ra ấy chứ. Nếu không chết cũng tịt mẹ nó một lứa đẻ”


Thấy chị Vịt Bầu đột nhiên cục cằn, Ong Vàng biết hai người đang bức xúc, nó liền chào rồi bay ra ngõ. Cũng không còn giữ ý định tìm Trâu hay Bò để hỏi nữa vì nó đã hiểu được câu chuyện, nhưng vừa bay qua hàng rào nó thấy lão Bò hàng xóm đang nhìn ra ngõ như chờ ai đó. Ngứa mồm và cũng vì tò mò nó hỏi: “Ông Bò ơi thế sao hôm qua ông lại húc cụ Trâu thế?”


“Mày bảo sao hả thằng oắt con? Ai bảo mày là chúng tao húc nhau? Tao là người có học,trong bụng một đống sách mà lại cư xử như thế sao? Mà thôi biến mẹ mày đi, lão Trâu về kia rồi, để tao chơi tiếp hiệp nữa cho lão ấy biết tay”


Lão Bò lồng lên đạp đổ cái cột hàng rào đánh rầm…


Giật mình vì phòng ngoài ai làm rơi cái gì đó. Hóa ra mình ngủ gật. Người toát mồ hôi. ÔI lại mất điện rồi.

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Có lẽ khi tắm ở đây mình sẽ làm bẩn biển





Cám ơn em trai, người đã đọc ra cái ý chính mà rất ít người để ý, bởi trong cả entry ấy nó chỉ là vài chữ và nếu có ai đọc đến câu đó cũng chưa chắc đã đặt câu hỏi tại sao mình lại viết như vậy. Dù entry này bắt đầu từ một câu rất ngắn thôi khi viết về chuyến đi Côn Đảo, nhưng sẽ nói về một vấn đề khác.

Đã bao giờ mỗi người trong chúng ta tự hỏi: Tại sao bây giờ xu hướng trên thế giới người ta đang hướng đến du lịch sinh thái chưa? Vì sao mà trái đất đang ấm lên để rồi gây ra sự biến đổi khí hậu toàn cầu? Con người đã làm những gì để từ một trái đất trong sạch, với sự cân bằng của tự nhiên như vốn có để rồi giờ đây nó trở nên tàn tạ như hôm nay? Người nay đã trân trọng những gì mà cha ông mình gắng công xây dựng. Những giá trị tinh thần sao càng ngày càng bị mai một?...Vô vàn là những câu hỏi.


Chắc chúng ta chẳng ai không một lần nhìn thấy có những người đi lễ ở Đền, Chùa với quần sooc  và áo hai dây hay những người đàn ông ăn mặc như đi chơi thể thao, rồi thi nhau nói tục, chửi bậy, khấn cầu những lợi lộc cho cá nhân, xin Trời Phật đồng tình với những mưu hèn kế bẩn để hại người ...Buồn thay khi đến những nghĩa trang thắp hương cho những người đã bỏ mình vì đất nước lại thi nhau kể về cái khôn của mình khi không phải ra trận để bảo vệ Tổ Quốc hay còn không biết họ đã chiến đấu bao giờ và như thế nào..

Ai dám đảm bảo rằng sau này trước mộ Cô Sáu trong nghĩa trang Hàng Dương vô số những con người thay vì thắp hương khấn cầu cho vong linh Cô và những Liệt Sỹ đã bỏ mình vì đất nước được an nghỉ cõi vĩnh hằng và luôn phù hộ cho Đất Nước cho Dân Tộc được Hòa Bình, lại cầu xin bổng lộc, phù trợ cho mình trong việc đạp lên đầu đồng loại để mưu cầu danh lợi hay ít nhất cũng nhỏ nhoi như việc nhẩm tính tuổi Cô, năm Cô bị xử bắn để về ghi một con Đề, con Lô...
Chi vi loi nhuận mà người ta tàn phá thiên nhiên, tàn phá môi trường sống của chính mình và của thế hệ mai sau. Mình đã đến Tam Đảo, Sa Pa, Bà Nà, Đà Lạt...rất nhiều lần và từ nhiều năm trước đây, khi những nơi này còn gần như vẹn nguyên buổi ban đầu người Pháp khám phá ra nó. Đâu rồi những biệt thự thấp thoáng điểm trong những bóng cây rừng với bóng sương mờ mờ ảo? Giờ đây Tam Đảo, Sa Pa khách sạn mini sát vai nhau như nhà trong phố chợ. Đỉnh Bà Nà người ta bạt đỉnh núi xây khách sạn cao tầng với điểm vui chơi như công viên Đầm Sen. Đà Lạt thơ mộng vậy mà giờ đây nham nhở những quả đồi bị chặt đi những rừng thông để làm nhà kính, nhà nilon trồng rau, trồng hoa. Thác Cam Ly thơ mộng trữ tình thủa nào giờ sặc mùi nước cống thành phố...Bãi biển Sầm Sơn, Cửa Lò giờ như bãi chợ với bạt ngàn hàng quán, muốn ra được biển phải đi vòng thật xa. Ngồi trên bãi cát mà dưới chân toàn vỏ Cua, Ghẹ, Sơ Mít, vỏ Dừa...mùi bốc tanh nồng khăm khẳm như mùi chợ chiều. Đẹp và có tiếng như bãi biển Lăng Cô, Đà Nẵng bị bao nhiêu resort băm nát...

Côn Đảo còn nguyên sơ như vài chục năm trước đây bởi nó là hòn đảo nằm cách xa đất liền và người ta cũng bắt đầu đã có ý thức giữ gìn nó, nhưng ai dám đảm bảo rằng vì lý do lợi nhuận với sự giúp đỡ của đồng tiền và các mối quan hệ mà chỉ ít năm nữa thôi bãi biển thơ mộng, sạch sẽ đến tinh khôi này lại giống Sầm Sơn, Cửa Lò hay tử tế hơn một chút như Nha Trang, Vũng Tầu?


Cảm nghĩ của mình khi o Côn Đảo chính  trong suy nghĩ: “Có lẽ nếu tắm ở đây mình sẽ làm bẩn biển”. Hãy nhìn lại mình. Nếu Tâm ta chưa sáng, Lòng ta chưa trong, hãy soi xuống biển, hãy nhìn vào những nhà tù với xà lim, hãy cúi đầu trước những ngôi mộ của các bậc tiền bối trong nghĩa trang Hàng Dương để suy nghĩ xem mình đang sống vì mục đích gì.

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Ra Côn Đảo

Nhớ lần ấy, đầu tháng Ba năm ngoái ngồi uống bia với mấy thằng cháu cùng làm. Mệt mỏi và đau đầu vì công việc muốn bỏ đi đâu đó chơi tìm một chút thanh thản liền rủ nó đi Sa Pa. Thằng cháu liền bảo: “Cháu đang định đi Sài Gòn rồi bay ra Phú Quốc hoặc Côn Đảo chơi. Chú đi với cháu không?”. Chẳng buồn suy nghĩ lấy 1 phút, mình OK liền và bảo nó đặt vé đi Sài Gòn rồi ra Côn Đảo và còn đùa vui thử đi đầy Côn Đảo ít ngày xem như thế nào.

Mùng 6/3 bay vào SG, đám bạn gái trêu sợ ở nhà bị đòi quà 8/3 quá phải chạy chốn ra tận Côn Đảo. Mình chỉ cười. Hai mươi kg hành lý mỗi người nhưng chẳng ai mang gì ngoài ít tư trang và hai thùng carton vàng mã.

Sau khi nghỉ lại ở Sài Gòn một đêm, hôm sau bay ra Côn Đảo bằng máy bay ATR 72. Đường băng sân bay Cỏ Ống chỉ dài 1000m nên không thể hạ cánh các loại máy bay lớn hơn. Xe 12 chỗ đón ở sân bay đưa về resort chạy men ven biển. Biển xanh thẳm và bọt trắng xóa. Khung cảnh thật tuyệt vời.


 


Resort đẹp và vắng. Du khách ra ngoài này còn quá ít do chi phí cao (tính ra cao hơn cả đi Thailan hay Sing)





Ngồi ăn trưa nhìn ra con đường chính của đảo chạy ven biển, hơn một giờ đồng hồ chi có 2 chiếc xe máy di qua.




Hôm sau xe đến đón đi thăm các trại tù cả thời Pháp lẫn thời Mỹ, những cái tên như Phú Sơn, Phú Hải, Phu Tuong...các kiểu chuồng cọp trước đây chỉ biết qua sách báo và tivi giờ ngay trước mặt, mình có thể vào trong đó để ngồi.








Đi viếng nghĩa trang Hàng Keo, đây là nghĩa trang đầu tiên của Côn Đảo dùng để chôn tù nhân, sau này mới xóa bỏ khi có nghĩa trang Hàng Dương. Lúc vừa đốt vàng mã cho những người nằm đây thì một cơn gió đột ngột thổi đến, đống lửa bất ngờ tung ra thành những đống lửa nhỏ quay cuồng nhảy múa. Phải chăng vong linh các bậc tiền bối đã về đây chứng lòng thành?






Ngày thứ 3. Đi thăm nhà Chúa Đảo. Ngôi nhà vẫn giữ gần như nguyên trạng ban đầu. Bây giờ nó được dùng làm bảo tàng




An Son Mieu











Cầu tầu 914. Cái tên quá đỗi nổi tiếng này là nơi bỏ mạng 914 người tù khi xây dựng nên nó bằng đá đưa từ trên núi xuống.





Am Sơn miếu. Đây là nơi thờ bà Phi Yến, thứ phi của vua Nguyễn Ánh. Tương truyền khi Nguyễn Ánh chạy trốn sự truy đuổi của Quang Trung đến Côn Đảo, vì nhìn ra sự tuyệt vọng trong việc trốn chạy, bà Phi Yến can ngăn Nguyễn Ánh. Do bị lũ gian thần xúc xiểm, cho rằng bà Phi Yến tư thông với Quang Trung nên Nguyễn Ánh đã ra lệnh ném Hoàng tử Cải (Con của bà Phi Yến xuống biển) và đầy bà vào trong hang đá hoang vắng. Dù sau này bà được cứu sống bởi con hổ trắng và con vượn đen mà Nguyễn Ánh đã nuôi cùng với những người dân đảo, nhưng do bị một viên quan triều đình sàm sỡ. Để gạt bỏ sự ô uế do bị viên quan cầm tay, bà Phi Yến đã tự chặt tay mình. Sau đó bà qua đời. Người dân lập miếu thờ bà với tất cả lòng kính trọng. Nghe nói nguồn gốc của câu ca: “Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay” là bắt nguồn từ câu chuyện này, bởi bà Phi Yến có tên cúng cơm là Răm, con trai bà là Hoàng Tử Cải. Một chút buồn dâng lên. Sự oan khuất của người xưa bao giờ được giải





Chiều buông xuống, ra nghĩa trang Hàng Dương thăm quan và để sẵn vàng mã rồi trở về khách sạn để đêm sẽ ra thắp hương mộ Cô Sáu (liệt sỹ anh hùng Võ Thị Sáu). Mọi người ở đây nói thắp hương về đêm mới linh, đó là lúc Cô Sáu bị dẫn ra trường bắn. Mộ Cô Sáu có mấy tấm bia với những câu chuyện gắn liền với lịch sử những tấm bia đó. Việc Cô Sáu rất linh thiêng là câu chuyện cửa miệng của những người dân ở đây. Đến ngay vợ chồng một vị Chúa Đảo khi hết nhiệm kì công tác tại Côn Đảo trở về Sài Gòn đã lập bàn thờ Cô tại tư gia (việc đó bây giờ vẫn còn).






Đi bộ dọc con đường ven biển dưới những gốc bàng cổ thụ. Côn Đảo ngoài đặc sản là Ốc Vú Nàng còn có nhân Bàng khô. Phải chăng do mấy chục năm nơi đây là chốn giam cầm những người tù cộng sản, thiếu thốn đủ thứ nên khi đi lao động khổ sai bên ngoài, những người tù đã lấy những quả Bàng để ăn và đập hạt lấy nhân tích lũy khi cần đến, để rồi giờ đây nó trở thành một thứ đặc sản của hòn đảo này?





Đêm trên nghĩa trang Hàng Dương, sao không thấy lạnh lẽo như khi vào các nghĩa trang khác ban đêm. Đốt vàng mã cho các liệt sỹ, lòng thầm khấn cầu vong linh các bậc tiền bối phù hộ cho đất nước, cho dân tộc sẽ không bao giờ phải trải qua những trang sử đau thương như trước đây.





Để giảm đi cái tâm trạng năng nề u uất khi hai ngày thăm quan nhà tù, chúng tôi ra bãi biển. Có lẽ cho đến giờ tôi chưa thấy ở đâu biển đẹp và thanh vắng, yên bình đến vậy. Bỗng thấy mình quá nhỏ nhoi trước thiên nhiên, trước cuộc sống. Cảm giác có lẽ khi tắm ở đây mình sẽ làm bẩn biển.














Một con Còng Gió nghe tiếng bước chân người chạy tọt vào hang, chắc vừa chạy nó vừa nghĩ: “Ở đâu ra mấy đứa này làm mình mất cả thảnh thơi?”






Chia tay cô bé hướng dẫn viên ở sân bay Cỏ Ống để trở về Sài Gòn với lời hẹn nếu có dịp sẽ quay lại, nhưng biết rằng khả năng ấy thật là hiếm hoi.



Bye Sai Gon



Chiến tranh và Hậu quả




 

 


B nói với mình cứ mỗi lần đọc những entry của anh hoặc anh Nhân viết về anh Ngọ, về những lần vào Quảng Trị, về sự mất mát trong chiến tranh là B lại khóc. Sau khi ở Quảng Trị về và viết entry “Nước mắt trong hành trình”, trong lúc nhắn tin chuyện qua lại về chuyến đi ấy, về entry “Cho Con Chín Tuổi” của Nhân, 11h15’ ngày 04/6 B gửi một tin nhắn có nội dung: “B không nhìn nhận được vấn đề xa hơn vì khi đó còn chưa sinh ra hoặc quá nhỏ để nhận thức những vấn đề xã hội, chỉ thấy rằng trong cuộc chiến tất cả đều phải như vậy, chứ chẳng có cha mẹ nào lại dặn con mình vào những nơi bom đạn như vậy để rồi một ngày nhận tờ giấy chứng nhận TB hay GĐLS được cầm những đồng tiền chính sách anh ạ. B đã chứng kiến một bà mẹ khóc, gào thét về nỗi xót xa, oan ức, về một chế độ…bên mộ con trai mình trong buổi lễ ngày 27/7 trước tất cả các lãnh đạo TƯ, các nghành, các cấp… về dự lễ (ngay cạnh mộ anh trai B tại nghĩa trang liệt sỹ ở Nhổn). Nên cuối cùng tất cả đều đổ tại cho…Chiến Tranh vậy”.


Chiến Tranh. Mình đã viết về nó những dòng sau trong “Thư gửi người đã khuất”: “Từ xưa đến nay mỗi khi nhắc đến chiến tranh người ta hay dùng những từ: Hào hùng, Oanh liệt, Khốc liệt, Vĩ đại, Thần thánh…Nhưng có lẽ với em và nhiều người khác nữa, nhất là những người đã đi qua cuộc chiến, hay mất đi những người thân yêu nhất của mình bởi một cuộc chiến tàn khốc, thì chiến tranh là khúc bi tráng nhất bởi vì nó gắn với số phận hàng triệu con người, bao nhiêu gia đình. Nó làm thay đổi một chế độ, một thể chế chính trị. Đôi khi nó đẩy những con người trong một gia đình sang hai bờ của một dòng sông thù hận, đẩy anh em ruột thịt cầm súng đứng về hai chiến tuyến…Nhưng trước hết nó làm cho mỗi dân tộc mất mát quá nhiều khi bước ra khỏi cuộc chiến”


Chiến Tranh.  Nó là cái gì và như thế nào, về cơ bản ai cũng hiểu, tất nhiên với các mức độ khác nhau do phụ thuộc vào việc có trải qua hay không trải qua chiến tranh mà thôi. Nhưng nguyên nhân của chiến tranh không phải ai cũng có thể hiểu đến tận cùng của nó: Xung đột Ý Thức Hệ, xung đột Sắc Tộc, xung đột Tôn Giáo, tranh giành quyền lực…Và cuối cùng là hậu quả của nó: Sự mất mát. Của cải vật chất, sinh mạng con người… Nhưng còn sâu xa hơn nữa là những gì? Mấy ai dám suy nghĩ đến tận cùng.


Có lẽ giờ đây xu thế của thế giới đã khác nhiều. Dù trên thế giới đây đó vẫn xảy ra những cuộc chiến tranh, nhưng mức độ và quy mô không như trước đây. Con người đang nhìn lại mình và nhận thức được thảm họa và sự ngu xuẩn của chiến tranh. Có thể khi cần thiết người ta vẫn phải tiến hành, nhưng xu thế là Đối Thoại chứ không phải Đối Đầu. Nhưng thế giới đâu đã hết những cái Đầu Nóng, muốn tranh giành quyền lực, đất đai, lãnh thổ... Thảm họa vẫn treo lơ lửng đâu đó trên đầu mỗi dân tộc, mỗi quốc gia…trong khi hậu quả của những cuộc chiến trước vẫn còn đó.


Người ta đã làm gì để hàn gắn vết thương chiến tranh? Cơ sở vật chất như: Đường xá, Cầu cống, Nhà máy…có thể xây dựng lại trong quá trình tái thiết hậu chiến. Cơ bản các công trình đó hiện đại hơn, quy mô hoành tráng hơn. Thời gian và thiên nhiên cũng xóa đi những vết tích của chiến tranh trên mặt đất…Nhưng còn những hậu quả khác mà chiến tranh để lại, những di chúng của chất độc hóa học còn kéo dài vài thế hệ, những thiệt thòi mất mát của những người đã cống hiến một phần xương máu, hay mất người thân…và điều quan trọng hơn nữa là hậu quả tinh thần của những người bị đẩy vào cuộc chiến, sự chia cắt trong nội bộ một dân tộc, trong một dòng họ, trong một gia đình…Kẻ thắng, người thua. Thù hận bao giờ mới xóa?


Cuộc chiến Việt Nam đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Chiến tranh chỉ còn trong sách báo, phim ảnh và trong kí ức những người đã trải qua nó. Nhưng hậu quả của nó vẫn hiện hữu đây đó trong đời sống thường nhật, trong tâm hồn mỗi con người bị ảnh hưởng bởi nó. Đau đớn hơn đôi khi nó lại hành hạ chính những con người sinh ra sau chiến tranh, những người không tham gia cuộc chiến…Chúng ta phải làm gì đây để hàn gắn vết thương này?

Câu thơ tháng Sáu

 

 


Chiều nay đọc tin nhắn, B có nhắc về những câu thơ trên quyển lịch mà mình đã tặng với lời dặn: Hãy để nó trên mặt bàn, mỗi khi xem ngày tháng hay lúc rảnh rỗi hãy đọc những câu thơ trên đó và suy nghẫm.  Mỗi một trang lịch đều có một câu thơ mang tính triết lý về thế sự, về lẽ sống ở đời.  Dù chúng ta đã đi qua quá nửa đời người, đã được bảo ban, dạy dỗ trong gia đình, ở nhà trường, ngoài xã hội cũng như trường đời đã giúp ta học được rất nhiều điều bổ ích. Nhưng mỗi ngày chúng ta hãy dành vài phút tĩnh tâm để suy nghẫm về mình, về những gì chúng ta làm, về ý nghĩa của cuộc sống…


Trên trang lịch tháng Sáu này là câu thơ: ”Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời”. Những ngày này mọi việc xảy ra quanh mình làm mình cứ trăn trở về lòng người và tình đời. Nhiều năm trước đây chính mình cũng đã từng chua chát viết những câu thơ:”Giậu chưa đổ mà Bìm leo tứ phía/ Chúng ở đâu mà nhanh thế mọc lên…”. Mới tháng trước thôi khi việc bê bối chưa xảy ra, người ta ca tụng, nịnh bợ nhau. Đột ngột có chuyện, vị trí lung lay, cái “Giậu” chưa đổ mà sao đã thấy bao nhiêu ngọn Bìm Bìm đã vươn cái ngọn dài của nó về phía ấy. Những câu diễu cợt, thái độ coi thường, những lời kể xấu…Ôi! Thói đời…


Ngày nào mình cay đắng, chán chường về tính nhỏ nhen, đố kị của người đời. Bon chen danh lợi ư? Chúng ta sinh ra đời với đôi tay không chẳng cầm thứ gì, mai đây về với ba tấc đất cũng chỉ bàn tay không đặt trên bụng. Mang theo được cái gì đây khi tiền tài, địa vị chỉ là cái phù du vay mượn của đời. Người chết chỉ để lại trong lòng người sống những ấn tượng tốt đẹp về điều mà họ đã làm, ý nghĩa của những tháng năm họ đã sống trong cuộc đời này.


Trên bia mộ mỗi con người lúc trở về với đất sau dòng tên là cái gạch ngang giữa năm sinh và năm mất, rồi địa chỉ, quê quán. Tấm bia dù có to đến mấy cũng chẳng mấy ai khắc vào đó đủ các chức danh mà lúc còn sống người đó đã nắm giữ (tất nhiên có những trường hợp đặc biệt) hay ghi vào đó người này có bao nhiêu tiền, bao nhiêu ngôi nhà, bao nhiêu mảnh đất…Cái gạch ngang giữa năm sinh, năm mất chỉ dài 2 – 3 cm nhưng đó là cả một đời người: 10 năm, 20, 50…80 hay 100 tuổi cũng chỉ 2 -3 cm đó thôi. Chúng ta mất đi để lại cái gì trong lòng gia đình, người thân, bạn hữu và xã hội?


Đầu năm tặng B quyển lịch với lời dặn vậy, dù không nói hết nhưng B đã hiểu mình muốn nói điều gì, những câu dăn dạy như vậy chúng ta thường xuyên gặp ở đâu đó,nhưng mấy khi chúng ta dành vài phút tĩnh tại để suy nghĩ về nó, tự nhìn lại mình để sống tốt hơn, khuyên nhủ bạn bè, dạy bảo các con…Thường khi đã trải nghiệm, đã vấp ngã…chúng ta mới hiểu về lẽ sống, về giá trị thực sự của cuộc sống, về mỗi khó khăn để biết làm Người.