Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Ra Côn Đảo

Nhớ lần ấy, đầu tháng Ba năm ngoái ngồi uống bia với mấy thằng cháu cùng làm. Mệt mỏi và đau đầu vì công việc muốn bỏ đi đâu đó chơi tìm một chút thanh thản liền rủ nó đi Sa Pa. Thằng cháu liền bảo: “Cháu đang định đi Sài Gòn rồi bay ra Phú Quốc hoặc Côn Đảo chơi. Chú đi với cháu không?”. Chẳng buồn suy nghĩ lấy 1 phút, mình OK liền và bảo nó đặt vé đi Sài Gòn rồi ra Côn Đảo và còn đùa vui thử đi đầy Côn Đảo ít ngày xem như thế nào.

Mùng 6/3 bay vào SG, đám bạn gái trêu sợ ở nhà bị đòi quà 8/3 quá phải chạy chốn ra tận Côn Đảo. Mình chỉ cười. Hai mươi kg hành lý mỗi người nhưng chẳng ai mang gì ngoài ít tư trang và hai thùng carton vàng mã.

Sau khi nghỉ lại ở Sài Gòn một đêm, hôm sau bay ra Côn Đảo bằng máy bay ATR 72. Đường băng sân bay Cỏ Ống chỉ dài 1000m nên không thể hạ cánh các loại máy bay lớn hơn. Xe 12 chỗ đón ở sân bay đưa về resort chạy men ven biển. Biển xanh thẳm và bọt trắng xóa. Khung cảnh thật tuyệt vời.


 


Resort đẹp và vắng. Du khách ra ngoài này còn quá ít do chi phí cao (tính ra cao hơn cả đi Thailan hay Sing)





Ngồi ăn trưa nhìn ra con đường chính của đảo chạy ven biển, hơn một giờ đồng hồ chi có 2 chiếc xe máy di qua.




Hôm sau xe đến đón đi thăm các trại tù cả thời Pháp lẫn thời Mỹ, những cái tên như Phú Sơn, Phú Hải, Phu Tuong...các kiểu chuồng cọp trước đây chỉ biết qua sách báo và tivi giờ ngay trước mặt, mình có thể vào trong đó để ngồi.








Đi viếng nghĩa trang Hàng Keo, đây là nghĩa trang đầu tiên của Côn Đảo dùng để chôn tù nhân, sau này mới xóa bỏ khi có nghĩa trang Hàng Dương. Lúc vừa đốt vàng mã cho những người nằm đây thì một cơn gió đột ngột thổi đến, đống lửa bất ngờ tung ra thành những đống lửa nhỏ quay cuồng nhảy múa. Phải chăng vong linh các bậc tiền bối đã về đây chứng lòng thành?






Ngày thứ 3. Đi thăm nhà Chúa Đảo. Ngôi nhà vẫn giữ gần như nguyên trạng ban đầu. Bây giờ nó được dùng làm bảo tàng




An Son Mieu











Cầu tầu 914. Cái tên quá đỗi nổi tiếng này là nơi bỏ mạng 914 người tù khi xây dựng nên nó bằng đá đưa từ trên núi xuống.





Am Sơn miếu. Đây là nơi thờ bà Phi Yến, thứ phi của vua Nguyễn Ánh. Tương truyền khi Nguyễn Ánh chạy trốn sự truy đuổi của Quang Trung đến Côn Đảo, vì nhìn ra sự tuyệt vọng trong việc trốn chạy, bà Phi Yến can ngăn Nguyễn Ánh. Do bị lũ gian thần xúc xiểm, cho rằng bà Phi Yến tư thông với Quang Trung nên Nguyễn Ánh đã ra lệnh ném Hoàng tử Cải (Con của bà Phi Yến xuống biển) và đầy bà vào trong hang đá hoang vắng. Dù sau này bà được cứu sống bởi con hổ trắng và con vượn đen mà Nguyễn Ánh đã nuôi cùng với những người dân đảo, nhưng do bị một viên quan triều đình sàm sỡ. Để gạt bỏ sự ô uế do bị viên quan cầm tay, bà Phi Yến đã tự chặt tay mình. Sau đó bà qua đời. Người dân lập miếu thờ bà với tất cả lòng kính trọng. Nghe nói nguồn gốc của câu ca: “Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay” là bắt nguồn từ câu chuyện này, bởi bà Phi Yến có tên cúng cơm là Răm, con trai bà là Hoàng Tử Cải. Một chút buồn dâng lên. Sự oan khuất của người xưa bao giờ được giải





Chiều buông xuống, ra nghĩa trang Hàng Dương thăm quan và để sẵn vàng mã rồi trở về khách sạn để đêm sẽ ra thắp hương mộ Cô Sáu (liệt sỹ anh hùng Võ Thị Sáu). Mọi người ở đây nói thắp hương về đêm mới linh, đó là lúc Cô Sáu bị dẫn ra trường bắn. Mộ Cô Sáu có mấy tấm bia với những câu chuyện gắn liền với lịch sử những tấm bia đó. Việc Cô Sáu rất linh thiêng là câu chuyện cửa miệng của những người dân ở đây. Đến ngay vợ chồng một vị Chúa Đảo khi hết nhiệm kì công tác tại Côn Đảo trở về Sài Gòn đã lập bàn thờ Cô tại tư gia (việc đó bây giờ vẫn còn).






Đi bộ dọc con đường ven biển dưới những gốc bàng cổ thụ. Côn Đảo ngoài đặc sản là Ốc Vú Nàng còn có nhân Bàng khô. Phải chăng do mấy chục năm nơi đây là chốn giam cầm những người tù cộng sản, thiếu thốn đủ thứ nên khi đi lao động khổ sai bên ngoài, những người tù đã lấy những quả Bàng để ăn và đập hạt lấy nhân tích lũy khi cần đến, để rồi giờ đây nó trở thành một thứ đặc sản của hòn đảo này?





Đêm trên nghĩa trang Hàng Dương, sao không thấy lạnh lẽo như khi vào các nghĩa trang khác ban đêm. Đốt vàng mã cho các liệt sỹ, lòng thầm khấn cầu vong linh các bậc tiền bối phù hộ cho đất nước, cho dân tộc sẽ không bao giờ phải trải qua những trang sử đau thương như trước đây.





Để giảm đi cái tâm trạng năng nề u uất khi hai ngày thăm quan nhà tù, chúng tôi ra bãi biển. Có lẽ cho đến giờ tôi chưa thấy ở đâu biển đẹp và thanh vắng, yên bình đến vậy. Bỗng thấy mình quá nhỏ nhoi trước thiên nhiên, trước cuộc sống. Cảm giác có lẽ khi tắm ở đây mình sẽ làm bẩn biển.














Một con Còng Gió nghe tiếng bước chân người chạy tọt vào hang, chắc vừa chạy nó vừa nghĩ: “Ở đâu ra mấy đứa này làm mình mất cả thảnh thơi?”






Chia tay cô bé hướng dẫn viên ở sân bay Cỏ Ống để trở về Sài Gòn với lời hẹn nếu có dịp sẽ quay lại, nhưng biết rằng khả năng ấy thật là hiếm hoi.



Bye Sai Gon



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Link : <a href="Link URL">TÊN LINK </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhạc của tui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]