Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Chiến tranh và Hậu quả




 

 


B nói với mình cứ mỗi lần đọc những entry của anh hoặc anh Nhân viết về anh Ngọ, về những lần vào Quảng Trị, về sự mất mát trong chiến tranh là B lại khóc. Sau khi ở Quảng Trị về và viết entry “Nước mắt trong hành trình”, trong lúc nhắn tin chuyện qua lại về chuyến đi ấy, về entry “Cho Con Chín Tuổi” của Nhân, 11h15’ ngày 04/6 B gửi một tin nhắn có nội dung: “B không nhìn nhận được vấn đề xa hơn vì khi đó còn chưa sinh ra hoặc quá nhỏ để nhận thức những vấn đề xã hội, chỉ thấy rằng trong cuộc chiến tất cả đều phải như vậy, chứ chẳng có cha mẹ nào lại dặn con mình vào những nơi bom đạn như vậy để rồi một ngày nhận tờ giấy chứng nhận TB hay GĐLS được cầm những đồng tiền chính sách anh ạ. B đã chứng kiến một bà mẹ khóc, gào thét về nỗi xót xa, oan ức, về một chế độ…bên mộ con trai mình trong buổi lễ ngày 27/7 trước tất cả các lãnh đạo TƯ, các nghành, các cấp… về dự lễ (ngay cạnh mộ anh trai B tại nghĩa trang liệt sỹ ở Nhổn). Nên cuối cùng tất cả đều đổ tại cho…Chiến Tranh vậy”.


Chiến Tranh. Mình đã viết về nó những dòng sau trong “Thư gửi người đã khuất”: “Từ xưa đến nay mỗi khi nhắc đến chiến tranh người ta hay dùng những từ: Hào hùng, Oanh liệt, Khốc liệt, Vĩ đại, Thần thánh…Nhưng có lẽ với em và nhiều người khác nữa, nhất là những người đã đi qua cuộc chiến, hay mất đi những người thân yêu nhất của mình bởi một cuộc chiến tàn khốc, thì chiến tranh là khúc bi tráng nhất bởi vì nó gắn với số phận hàng triệu con người, bao nhiêu gia đình. Nó làm thay đổi một chế độ, một thể chế chính trị. Đôi khi nó đẩy những con người trong một gia đình sang hai bờ của một dòng sông thù hận, đẩy anh em ruột thịt cầm súng đứng về hai chiến tuyến…Nhưng trước hết nó làm cho mỗi dân tộc mất mát quá nhiều khi bước ra khỏi cuộc chiến”


Chiến Tranh.  Nó là cái gì và như thế nào, về cơ bản ai cũng hiểu, tất nhiên với các mức độ khác nhau do phụ thuộc vào việc có trải qua hay không trải qua chiến tranh mà thôi. Nhưng nguyên nhân của chiến tranh không phải ai cũng có thể hiểu đến tận cùng của nó: Xung đột Ý Thức Hệ, xung đột Sắc Tộc, xung đột Tôn Giáo, tranh giành quyền lực…Và cuối cùng là hậu quả của nó: Sự mất mát. Của cải vật chất, sinh mạng con người… Nhưng còn sâu xa hơn nữa là những gì? Mấy ai dám suy nghĩ đến tận cùng.


Có lẽ giờ đây xu thế của thế giới đã khác nhiều. Dù trên thế giới đây đó vẫn xảy ra những cuộc chiến tranh, nhưng mức độ và quy mô không như trước đây. Con người đang nhìn lại mình và nhận thức được thảm họa và sự ngu xuẩn của chiến tranh. Có thể khi cần thiết người ta vẫn phải tiến hành, nhưng xu thế là Đối Thoại chứ không phải Đối Đầu. Nhưng thế giới đâu đã hết những cái Đầu Nóng, muốn tranh giành quyền lực, đất đai, lãnh thổ... Thảm họa vẫn treo lơ lửng đâu đó trên đầu mỗi dân tộc, mỗi quốc gia…trong khi hậu quả của những cuộc chiến trước vẫn còn đó.


Người ta đã làm gì để hàn gắn vết thương chiến tranh? Cơ sở vật chất như: Đường xá, Cầu cống, Nhà máy…có thể xây dựng lại trong quá trình tái thiết hậu chiến. Cơ bản các công trình đó hiện đại hơn, quy mô hoành tráng hơn. Thời gian và thiên nhiên cũng xóa đi những vết tích của chiến tranh trên mặt đất…Nhưng còn những hậu quả khác mà chiến tranh để lại, những di chúng của chất độc hóa học còn kéo dài vài thế hệ, những thiệt thòi mất mát của những người đã cống hiến một phần xương máu, hay mất người thân…và điều quan trọng hơn nữa là hậu quả tinh thần của những người bị đẩy vào cuộc chiến, sự chia cắt trong nội bộ một dân tộc, trong một dòng họ, trong một gia đình…Kẻ thắng, người thua. Thù hận bao giờ mới xóa?


Cuộc chiến Việt Nam đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Chiến tranh chỉ còn trong sách báo, phim ảnh và trong kí ức những người đã trải qua nó. Nhưng hậu quả của nó vẫn hiện hữu đây đó trong đời sống thường nhật, trong tâm hồn mỗi con người bị ảnh hưởng bởi nó. Đau đớn hơn đôi khi nó lại hành hạ chính những con người sinh ra sau chiến tranh, những người không tham gia cuộc chiến…Chúng ta phải làm gì đây để hàn gắn vết thương này?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Link : <a href="Link URL">TÊN LINK </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhạc của tui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]