Thứ Tư, 20 tháng 2, 2008

SAPA thêm một lần đến.

Đầu năm, theo thông lệ cơ quan tổ chức đi chơi đâu đó, kết hợp đi lễ và du xuân. Năm ngoái mình không đi Yên Tử cùng mọi người và đã để “điều ra tiếng vào”. Năm nay mọi người dự định đi đền Mẫu Âu Cơ ở Phú Thọ và từ đó lên Lào Cai rồi đi SaPa. Việc nhà chưa ổn lên cứ phân vân mãi, cuối cùng sau một hai ngày cân nhắc và sắp xếp mọi việc mình cũng quyết định đi. Vẫn biết đi SaPa chẳng ai đi bằng ôtô và theo lịch trình như vậy, nhưng vì kết hợp đi lễ với du xuân nên mới đi kiểu đó.

Mọi người vô cùng thích thú nghe tin đi Sapa vì lúc này TV cũng như trên mạng đều đưa tin cảnh băng tuyết ở đó. Thực ra để tận mắt chiêm ngưỡng được băng tuyết SaPa chẳng dễ dàng gì, ở HN nghe thông tin như thế nhưng khi vội vàng lao lên thì chẳng thấy gì vì băng tuyết chỉ có về đêm và sáng sớm trên đỉnh Hàm Rồng hay Cổng Trời, Thác Bạc, đến gần trưa là tan hết và chúng cũng chỉ có trong điều kiện 1-2 độ âm. Thôi cứ quyết định đi vì biết đâu ngẫu nhiên mình lại được chứng kiến cảnh vật trong băng giá đã 20 năm nay mình không được nhìn thấy.

Còn một lý do khác mà mình quyết định đi khi nhớ đến bài thơ người bạn đã gửi mình khi trở về từ SaPa mùa đông năm ngoái.

Chiều mưa xuống bến bâng khuâng,

Chỉ thêm vài giọt mà dâng ngập bờ.

Em vừa từ giã cõi mây,

Bàn tay lạnh giá từ đây ấm rồi.

Đêm qua sương lạnh dặm dài,

Vòng tay ôm xuống bờ vai ngập ngừng.

Ta cùng ta có gì vui,

Người ta yêu đã ngọt bùi nơi đâu?

Trở về phố vắng đêm thâu,

Buồn thương khoảng khắc gục đầu người dưng...

Khởi hành sáng sớm thứ Sáu, đến đền Mẫu Âu Cơ đã gần trưa,. Vào thắp hương trước tượng Mẫu Âu Cơ lòng tự hỏi mình nằm trong số 50 người con theo cha xuống biển hay trong số 50 theo mẹ lên rừng. Chắc là theo cha xuống biển rồi vì mình là người dưới xuôi ngược lên đây thắp hương Quốc Mẫu mà. Ôi những đứa con dân tộc Việt vừa rời vành nôi đã nếm mùi chia ly, đứa theo mẹ nhớ cha, đứa theo theo cha thèm vòng tay mẹ, đứa nào cũng thiệt thòi thiếu thốn. Thảo nào chúng hay bị người ngoài lợi dụng và đôi khi còn đánh lẫn cả nhau.

Mẹ Âu Cơ ơi qua rồi thời ly loạn, nồi da nấu thịt. Hôm nay tụ họp về đây có đủ con của Mẹ khắp mọi miền, đứa Bắc, kẻ Trung, người Nam cùng thắp hương trước Mẹ. Chắc rằng từ đây những đứa con của Mẹ sẽ xum vầy trong mái ấm Việt Nam, nếu có biến cố nào xảy ra thì đành tự trách mình chứ ai dám trách Mẹ đâu.

Từ Yên Bái lên Lào Cai đường như thời chiến với đủ các loại ổ gà, ổ trâu thậm chí ổ voi, quả thật có đi bằng ôtô mới biết tại sao mọi người đi SaPa chỉ đi bằng tầu hoả. Anh lái xe kể có lần chở Tây từ SaPa về, khi đến Hà Nội chúng thở phào bảo máy bay đã hạ cánh an toàn. Mình quá quen rồi chẳng làm sao, chỉ tội cho chị em phụ nữ và hai đứa trẻ con. Được cái là đi lễ nên không ai phàn nàn.

Sau khi lễ ở đền thờ ông Hoàng Bẩy (Lào Cai), vì đã muộn nên mọi người quyết định ngủ lại Lào Cai, giờ này lên SaPa rất nguy hiểm, đường dốc, vực sâu lại mờ mịt sương mù. Sáng hôm sau lên được đến SaPa đã gần trưa. Hình như mọi người hình dung chuyến đi SaPa này giống như những lần đi Sầm Sơn, Cửa Lò hay Huế, Đà Nẵng, hoặc như đi Tam Đảo, nên khi thấy SaPa mờ mịt trong sương thì than phiền chẳng biết xem gì. Trời ạ, nếu SaPa không mờ mịt sương mù, không mờ ảo ẩn hiện ngọn tháp nhà thờ, những rừng thông, những mái nhà, người đi đường mù lối, chân bước vô định hoặc theo thói quen, người người nép sát vào nhau tìm hơi ấm trong buốt giá thì SaPa đâu còn là SaPa.

DSC_0936

Người miền Nam gọi Đà Lạt là thành phố tình yêu chắc cũng vì cái lạnh, cái thơ mộng của thành phố cao nguyên làm con người xích lại gần nhau, và từ đó tình yêu nảy nở, người miền Bắc yêu kém hơn chăng mà chẳng ai gọi SaPa là thị trấn tình yêu, nhưng ít hay nhiều những ai đã đến đó và muốn quay lại chắc cũng đồng tình rằng khi đến thị trấn này người ta nên đến cùng với những người bạn (khác giới càng tốt) tâm đầu ý hợp, những người biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sương mù, những người biết quên đi thực tại bộn bề mệt mỏi để lạc mình trong sương, để có những giờ khắc trở thành kẻ lãng du.

Đêm miền sơn cướ
c trời như bớt buốt giá hơn bởi những bếp than bán đồ nướng (khoai, hạt dẻ, trứng, cơm lam, thịt xâu) và những chén rượu Sán lung. Lần này tôi đi trong cả một đám đông ồn ào, những tiếng cười nói làm mất đi cái yên lặng của phố xá, làm chìm nghỉm tiếng kèn của những chàng trai HơMông gọi bạn (tất nhiên là thổi theo cơ chế thị trường, theo đề nghị của du khách, chứ mấy cô gái HơMông còn đâu thời gian mà múa theo điệu kèn khi đang bận líu lo tiếng Anh bán đồ thổ cẩm cho du khách nước ngoài).

Chợt buồn vì mới đây thôi mùa đông năm ngoái, cũng trong khung cảnh này nhưng thưa vắng người hơn, bên bếp than hồng chúng tôi ngồi hơ tay cho ấm, ngắm nhìn chị bán hàng má rực hồng vì lửa, nhỏ nhẹ hỏi chuyện nhau, không ai nói to vì sợ làm phiền người khác dù họ ngồi xa cả chục mét, sợ làm phiền cả cái thị trấn yên tĩnh này. Giờ đây những tiễng cười, tiếng nói cứ ồn ào như đêm nào đó trên bãi biển Sầm Sơn. Bao giờ SaPa mất nốt cái tĩnh lặng về đêm khi dòng du khách đổ lên đây mang theo cái ầm ĩ của thị thành. Bao giờ những cô gái, chàng trai HơMông kia vào nốt nhà hàng Karaoke người làm lễ tân, người làm tiếp viên để phục vụ cái nhu cầu oái oăm của một bộ phận du khách ngớ ngẩn lên SaPa lại muốn đi hát Karaoke. Hay lúc đó chỉ còn lại toàn người Kinh với nhau để rồi cái thị trấn SaPa này lại như thành phố Lào Cai?

Nghĩ và chợt thấy mình quá lẩn thẩn, thôi chẳng viết nữa. Mai kia có rảnh thì làm cái entry khác về SaPa bằng ảnh vậy. Bây giờ đi ngủ thôi, bù cho mấy đêm thiếu ngủ trong suốt hành trình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Link : <a href="Link URL">TÊN LINK </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhạc của tui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]