Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Truyện nhiều người viết (Phần của Lợi Trần)


Click vào tên blogger để đọc phần viết của họ:

Đoạn 1: Rất_Huế71

Đoạn 2: Blue Blog

Đoạn 3: Lợi Trần

Đoạn 4: Thợ Mộc

Đoạn 5: Kim Phụng


Trước tiên xin có lời với 6 người tham gia cuộc chơi: Như đã nói tôi có nhiều hạn chế khi tham gia cuộc chơi này (năng lực, thời gian…) nên viết phần của mình “lượt đi” luôn một mạch vì sợ “lượt về” bận việc gì hoặc đuối sức không tham gia được. Do viết một mạch từ sau khi đọc cả hai phần của RH & BB nên chưa có nhiều thời gian để suy nghĩ. Thời gian ít, chưa kịp sửa vì như BB nói “chạy đua tiến độ” (trong xây dựng gọi là “ép tiến độ”) nên chất lượng chưa đảm bảo. Có lỗi gì mọi người bỏ qua nhé. Thank all.


Đêm đó Vân Thật khó ngủ. Cô cứ trằn trọc mãi dù đêm đã khuya. Những câu hỏi không lời giải đáp cứ thi nhau nhảy múa trong đầu cô. Anh là người như thế nào? Nghĩ gì về mình qua buổi gặp gỡ tình cờ vừa rồi? Tại sao lại cố tình đợi mình ra về để đón?...

Mưa đêm không còn ào ào dữ dội, nhưng vẫn còn nặng hạt, tiếng mưa trên vòm lá cây ngoài vườn làm Vân thấy buồn vô cớ. Những hình ảnh suốt từ buổi chiều ở nhà hàng cho đến lúc chia tay anh trước con hẻm nhỏ để về nhà trở lại trong Vân như một đoạn phim quay chậm. Hình ảnh người đàn ông với khuôn mặt phong trần và giọng nói trầm ấm, đôi mắt luôn ẩn giấu một nụ cười như thầm nói: “Tôi đọc được hết những ý nghĩ của cô rồi đấy nhé” cứ ám ảnh Vân mãi và khi trời gần sáng hình ảnh ấy đã theo cô vào giấc ngủ chập chờn…

Sáng hôm sau Vân đi làm sớm hơn thường lệ. Cô mang theo chiếc ô đã cầm của anh tối qua với mục đích sẽ qua nhà khách nơi anh ở để trả. Cô tự dối lòng về mục đích gặp anh để trả lại chiếc ô, khi tự sâu thẳm trong lòng cô một khát khao trỗi dậy, Cô rất muốn gặp lại anh, để nhìn gương mặt rám nắng đậm nét phong sương ấy. Cô muốn được nghe anh nói với những âm điệu trầm ấm, giọng nói của anh dù là giọng Nam nhưng vẫn có gì đó khang khác với giọng Nam đặc trưng mà Vân vẫn thường nghe.

Nhà khách nơi anh ở không quá xa lạ với Vân. Do làm ở nhà hàng thường xuyên đón khách từ các khách sạn tới nên Vân biết rất rõ. Khi vừa hỏi lễ tân về một người trong đoàn khách lưu trú ở đây để thi công một số hạng mục công trình trong Đại Nội thì cô lễ tân đã biết ngay. Trong khi chờ cô lễ tân gọi điện lên phòng báo, Vân ra ghế ngồi chờ.

Chỉ sau ít phút bất ngờ anh đã đứng trước mặt cô, tiếng hắng giọng nhẹ nhàng làm cô giật mình ngẩng lên. Vân đang cầm tờ báo trong tay nhưng cô không hề biết trong đó có gì. Cô cầm nó trên tay chỉ cho có cái để cầm khi đôi tay cứ như thừa ra trong tâm trạng bối rối.

- Chào cô! Sao nhất thiết phải mang trả tôi chiếc ô thế này?

Anh chủ động hỏi ngay khi vừa nhìn thẳng vào mắt cô. Sự tinh tường của một người đàn ông từng trải đã cho anh biết cô đang rất bối rối và khó mở lời. Thâm tâm anh rất mong muốn gặp lại cô sau buổi tối qua và khi về nhà khách anh đã có ý nghĩ cô sẽ tìm anh để trả chiếc ô, nhưng khi cô đến ngay buổi sáng anh cũng thấy bất ngờ.

- Dạ. Em mang trả anh vì nghĩ anh sẽ cần đến khi ra ngoài. Mùa này Huế hay mưa bất chợt.

- Cũng như bất chợt tôi biết cô phải không?

Anh cười và nói đùa với Vân để xua đi cái không khí ngượng ngùng mà Vân đang không biết làm thế nào để xóa đi. Đoạn anh nói tiếp:

- Chắc cô cũng đã đến giờ phải đi làm? Tôi cũng vậy. Tôi đã giới thiệu tên rồi. Đây là danh thiếp của tôi. Tôi biết về cô một chút rồi đấy nhé và đã lấy số điện thoại của cô ở nhà hàng tối qua. Trưa nay tôi sẽ gọi cho cô và chúng ta sẽ gặp lại.

Anh nói luôn như ấn định không cần biết xem Vân định nói gì rồi anh giơ tay bắt tay cô. Vân ngượng ngùng đưa tay ra bắt tay anh. Cái bắt tay của anh thật mạnh mẽ và ấm áp. Vân thấy một cảm giác xao xuyến lạ lùng khi bàn tay nhỏ bé của cô nằm gọn trong bàn tay anh…


……..

Tối đó như đã hẹn Vinh mời Vân đi ăn tối. Theo thói quen anh chọn địa điểm tại nhà hàng Quỳnh Hương dưới Vĩ Dạ. Mỗi lần từ Sài Gòn ra Huế anh thường cùng bạn bè đến đây ăn tối rồi sau đó qua Vĩ Dạ Xưa uống café nhưng hôm nay một sự ngẫu nhiên lạ lùng (do ông trời sắp đặt chăng?) khi nhà Vân cũng ở dưới Vĩ Dạ. Vui vui với ý nghĩ của mình nên Vinh tự cười một mình.

Chiều buông làm dòng Hương thêm mờ ảo. Chọn một bàn ngoài trời sát mép sông, nơi ánh sáng vừa đủ để hai người nhìn rõ nhau nhưng cũng không quá sáng để họ cảm thấy mình lộ diện trước con mắt của đám đông thực khách trong nhà hàng. Kéo ghế mời Vân ngồi xong Vinh ngồi xuống đối diện và vẫy nhẹ một nhân viên nhà hàng mang menu đến. Cầm menu trên tay anh không mở ra xem mà đưa cho Vân rồi nói nhẹ nhàng:

- Em chọn giúp anh một, hai món rất Huế của em để anh thưởng thức nhé.

Vinh đã thay đổi cách xưng hô từ trưa khi anh gọi điện cho cô và hai người nói chuyện với nhau khá lâu. Câu chuyện được kết thúc bằng lời mời cùng ăn tối của anh.

- Dạ! Thôi tùy anh. Hôm trước ở nhà hàng của em anh đã được thưởng thức nhiều món đặc sản của Huế rồi mà.

Vân ngượng ngùng từ chối, thâm tâm cô chỉ muốn ngồi nói chuyện với anh. Cô không đó
i và cũng chẳng có tâm trí để nghĩ về chuyện ăn tối. Cô chỉ muốn lắng nghe những điều anh nói để biết về cuộc sống của anh. Bằng sự trải nghiệm của mình cô tin rằng những người có phong cách cởi mở, thẳng thắn, có sự tự tin và cách nói ngắn gọn như vậy trước sau cuộc đời anh sẽ dần hé lộ trong câu chuyện của mình…


Vinh cầm lại menu khi Vân đưa, Chưa cần mở xem anh đã gọi ngay món Hến xào ăn cùng bánh tráng, món Gà nướng ống tre...Trong khi chờ nhân viên phục vụ mang đồ ăn tới Vinh rót cho cô cốc Lavie và tự rót chai bia Huda vào cốc của mình rồi nhẹ nhàng hỏi Vân:

- Chắc em nghĩ anh là người Sài Gòn gốc phải không?

Anh mở đầu câu chuyện sau khi hai người bắt đầu bữa tối. Ba anh người miền Nam, ông tập kết ra Bắc năm 1954 và lập gia đình ngoài đó. Mẹ anh người Hà Nội gốc, anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh. Có ba mẹ như vậy nên trong anh hội tụ cả tính cách, văn hóa của hai miền. Sau 1975 anh cùng gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Do công việc anh thường xuyên ra Hà Nội. Anh ít đến Huế và mỗi lần ghé qua chủ yếu với mục đích nghỉ ngơi, thăm quan. Lần này đến Huế vì công ty anh nhận thi công trùng tu một số hạng mục công trình trong Đại Nội, người kỹ sư trực tiếp phụ trách công việc do gia đình có việc đột xuất nên anh tạm thời thay thế trong thời gian người đồng nghiệp nghỉ phép.

Vinh có cách nói chuyện nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng rất thu hút người đối diện. Đôi lúc khi anh mải mê với câu chuyện của mình, Vân nhìn anh thật lâu, một mong muốn trỗi dậy trong Vân, cô muốn được thường xuyên ở bên anh, nghe anh nói chuyện như thế này, chăm chú quan sát xem anh đang định làm gì, cần thứ gì đó để ngay lập tức cô sẽ giúp anh…

Không gian mờ ảo, mặt nước sông Hương đen thẫm bởi khu vực này hai bên hầu như chỉ có vườn của nhà dân, nếu có nhà hàng nào đó họ cũng không lắp đèn ra phía mép sông nên không có ánh sáng hắt xuống mặt nước. Tiếng mõ lốc cốc xua cá trên con đò của ai đó buông lưới trong đêm vẫn không làm cho dòng Hương bớt đi vẻ tĩnh mịch. Phía ngoài và trong nhà ánh sáng rực rỡ với đám đông thực khách ồn ào chẳng hề ảnh hưởng đến câu chuyện của hai người.

Trong khi nói chuyện Vinh hay nhìn thẳng vào Vân, đôi mắt ánh nét cười, nhưng có lúc bất chợt Vân thấy trong đó có chút gì đó xa vắng, nuối tiếc khi anh kể về cuộc đời mình. Vân ngồi yên lặng lắng nghe từng lời anh nói. Có chỗ muốn hỏi thêm cho rõ nhưng cô không thể cất tiếng. Cô có cảm giác anh đang đi ngược thời gian hơn 30 năm để quay về với tuổi thơ của mình. Bây giờ bất chợt chỉ một tiếng động, một câu hỏi nào đó sẽ làm anh bừng tỉnh trở về với thực tại và anh sẽ lại giữ một thái độ lịch thiệp, khép mình trước người mới quen theo bản năng của những người có tâm hồn nhạy cảm. Vân chỉ muốn anh cứ kể chuyện tiếp như độc thoại. Bằng linh cảm của một người phụ nữ cô lờ mờ nhận thấy có lẽ đời tư của anh cũng có nhiều chuyện buồn.

Bất chợt Vinh dừng lại, có lẽ vừa nói chuyện anh vẫn quan sát Vân, anh hiểu cô đang muốn hỏi anh điều gì đó:

- Em đang thắc mắc hiện ba mẹ anh có còn sống, anh còn ở cùng với ba mẹ không hay đã lập gia đình ra ở riêng và hiện như thế nào phải không?

Với nụ cười nhẹ nhàng nhưng phảng phất chút u buồn Vinh nói tiếp:

- Em còn đang muốn biết tại sao một người tuổi như anh, trong những lần vào Huế trước đây, cũng như bây giờ mỗi ngày khi xong việc lại bỏ rất nhiều thời gian để một mình “lang thang” trong thành phố này nữa đấy.

Cái nhếch mép cười không mang dấu vết của ngạo mạn, chỉ nặng dấu chán chường khi anh nói từ “lang thang”

- Anh đến đây vì công việc khi nhận thay thế người bạn theo dõi thi công công trình chỉ là một phần nhỏ, cái chính là anh muốn đến đây để tìm cho mình chút bình yên, nhẹ nhàng trong cái trầm mặc của thành phố này. Ở đây anhtìm thấy sự yên tĩnh, thanh thản, không như nơi anh sống. Người ta gọi Sài Gòn là “thành phố không ngủ” hay “thành phố không có đêm.

Nét vui lại trở lại trên mặt Vinh khi nói về Huế. Anh thích sông Hương. Sông Hương trong mắt anh đẹp như sông Seine chảy qua Paris, như Vltava chảy qua Praha hay Danube chảy qua Budapet, Bratislava... Nhưng sông Hương trầm tư hơn, nhẹ nhàng hơn với đôi bờ cỏ xanh mát, với khung cảnh trầm lặng của kinh đô Huế, sự vắng bóng những ngôi nhà cao tầng đã giữ cho Huế một nét riêng. Vinh đã đi nhiều nơi trên thế giới, mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng, nhưng đến Huế bao giờ lòng anh cũng tĩnh lại và thư thái, Huế mang cho anh nhiều cảm xúc khi chiêm nghiệm về lẽ sống, về sự thăng trầm, tàn lụi của mỗi triều đại, của đời người. Cười thật nhẹ anh nói:

- Cũng như con gái vùng này, vùng kia rất đẹp nhưng con gái Huế vẫn có nét đẹp riêng mà nơi khác không thể có.

Vân thoáng chút đỏ mặt bối rối khi anh vừa nói câu đó anh vừa nhìn thẳng vào đôi mắt cô. Cái nhìn sâu thẳm mà ấm áp, ánh nét cười đã làm Vân trở nên mạnh dạn hơn. Cô cũng đùa:

- Dạ! Vậy anh nói con gái Huế cũng “cũ kĩ” và phong kiến như cảnh vật Huế phải không ạ?

Vân muốn tìm từ khác để diễn đạt nhưng bối rối quá không tìm được nên cô phải dùng từ “cũ kĩ” dù biết chưa phù hợp với ý định diễn tả. Vốn cả hai đều thông minh và nhạy cảm nên Vinh không trả lời mà đột ngột chủ động chuyển câu chuyện về hướng mà anh biết Vân đang muốn biết.

- Anh gặp chuyện không vui trong gia đình từ lâu. Đời sống vợ chồng cũng đã chấm dứt gần 1 năm nay. Chị ấy đã lập gia đình với người khác. Bây giờ anh chỉ day dứt về đứa con…

Vinh biết dù chuyển hướng câu chuyện một cách đột ngột nhưng Vân không hề thấy bất ngờ. Mới hai lần gặp nhau anh thấy rất mến cô gái Huế này. Ở Vân anh nhận thấy có sự dịu dàng, đằm thắm. Cô ân cần với anh trong những việc nhỏ nhất, ánh mắt cô nhìn anh thật
khó diễn tả. Vinh hiểu cô muốn biết nhiều hơn về anh, nhưng là người tế nhị, sâu sắc nên cô không hỏi. Cái mâu thuẫn rất thực ấy khiến người khác dễ bộc bạch tâm tư. Là người đã trải qua nhiều thăng trầm, mất mát hơn nữa vốn dĩ có tiếng đào hoa nên cũng ngay lập tức Vinh cảm nhận được tình cảm của Vân dành cho mình.


Trong Vinh một thứ tình cảm khác lạ đang xâm chiếm. Anh không biết rõ đó là thứ tình cảm của người anh dành cho đứa em gái chu đáo và ân cần hay tình cảm của người đàn ông đối với người con gái. Mọi việc xảy ra quá nhanh, ngoài dự kiến. Dù từng trải nhưng anh cũng thấy bất ngờ khi hôm chia tay Vân trở về, cả đêm anh trằn trọc, không thể ngủ được.

Bóng dáng cô gái với gương mặt đoan trang và nụ cười dịu dàng cứ hiển hiện trước mắt anh, hình ảnh cô gái đậm nét trong tấm bưu ảnh ấy sẽ theo suốt đời anh? Vinh cố gắng nghĩ sang việc khác mà không được. Mình yêu cô ấy rồi sao? Làm sao có thể nhanh thế khi vừa mới gặp cô ấy? Nếu không phải vậy thì vì cớ gì tâm trạng mình lại xáo trộn thế?...

Bữa tối trôi qua, dù cả hai chỉ ăn chiếu lệ. Vinh định mời Vân ra Vĩ Dạ Xưa uống nước vì quán cách nhà hàng Quỳnh Hương một đoạn và khung cảnh ở đó mang những nét rất đặc trưng của Huế, nhưng chợt nhớ khi trưa lúc anh gọi điện mời Vân đi ăn tối cô đã nói 21h phải về nhà có việc nên anh quyết định để Vân về khi nhìn đồng hồ thấy đã 20h40. Vinh để ôtô ở sân nhà hàng cùng Vân đi ra đường. Hai người thả bộ một quãng đường ngắn trong im lặng, chẳng mấy đã đến con hẻm nhà Vân. Khi Vân đi sâu vào con hẻm cô còn ngoái lại nhìn anh và ra dấu khi về nhà xong việc sẽ gọi điện cho anh…

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Câu Thơ Tháng Tám

<!--[if gte mso 10]>

table.MsoNormalTable
{
line-height:115%;
font-size:11.0pt;
font-family:"sans-serif";
}

-->

 


“Cám ơn đời mỗi sớm mai
thức dậy


Ta có thêm ngày nữa để
yêu thương”


Câu thơ trên tờ lịch tháng 8 này đã được ghi dưới avater từ
hôm mùng 1, ngay từ hôm đó đã định viết ít dòng suy nghĩ về câu thơ này. Mình
thấy nó rất có ý nghĩa với mình và B, vì đây là tháng sinh của hai người. Ý
nghĩa của mỗi ngày chúng ta sống trong khi quỹ thời gian đang ít dần theo tuổi
tác. Cuộc sống bây giờ quá nhiều điều rủi ro để chúng ta không dám nói trước về
ngày mai.


Nhưng đã không thể viết được vì những cảm giác, những suy
nghĩ trong những ngày cuối tháng 7 ở Quảng Trị làm cho đầu óc mình mụ mị, về đến nhà mất gần một tuần vẫn
chưa hết cái cảm giác buồn và hụt hẫng, xót xa…


Mỗi một ngày được sống trên cõi đời này đáng quý biết bao. Điều
đó những người lâm trọng bệnh sẽ hiểu rõ nhất. Thế còn những người khác thì
sao? Ai trong số chúng ta dám khẳng định mình sẽ sống được bao nhiêu lâu? Nếu
có ai dám nói chắc cũng là nói bừa.


Quảng Trị những ngày tháng 7. Khi ở bên cạnh các anh, những
người lính đã qua cuộc chiến 81 ngày đêm Hè 1972, mình mới thấm thía sự quý giá
của “Mỗi ngày được sống”. Trong mỗi cuộc chiến tranh, bao giờ cũng có người chết,
người sống. Người này chết, người khác sẽ được sống. Chẳng có cuộc chiến nào tất
cả đều chết hay tất cả đều sống. Nghĩ về cuộc chiến 81 ngày đêm ấy, những người
lính khi đó mới 18 – 20 tuổi còn như thiếu niên ấy thoát chết bây giờ nhìn lại đã ví như trò chơi Ô Ăn Quan. Mỗi một
trận đánh, mỗi một quả bom, quả pháo dội lên đầu họ mang đi những sinh mạng người
lính như bàn tay bốc đi những viên sỏi trong một ô của trò chơi. Một viên sỏi lọt
qua kẽ tay rớt lại: Một người lính thoát chết để trở về với gia đình, quê hương…”Cái ô trống toạc trời bom nổ/ Hạnh phúc là
cuộc chiến bốc đi còn sót lại cuộc đời”
(Đoàn Xuân Hòa – Cựu binh F325 Quảng
Trị). Những người lính may mắn ấy luôn đau đớn khi nghĩ về đồng đội mình đã nằm
lại. Người này chết để người khác được sống. Sự sống và cái chết được phân chia
bởi một lằn ranh mong manh.  


Hôm nay chúng ta, tất cả vẫn đang sống, nhưng ngày mai? Ai
dám nói tất cả sẽ vẫn sống và cứ như vậy? Chính vì vậy khi đầu tháng lật giở tờ
lịch đọc câu thơ mình thấy nó có ý nghĩa biết bao. Hãy cám ơn cuộc đời này khi
chúng ta đang được sống. Khi chúng ta thức dậy mỗi bình minh hãy nhủ thầm ta
đang có  được may mắn từ cuộc đời. Hãy sống để yêu thương, sống cho có ích, hãy tìm cho mình niềm vui và hãy mang đến cho người khác niềm vui mỗi
ngày, đừng phí hoài những ngày tháng chúng ta đang sống…   


<!--[if gte mso 10]>

table.MsoNormalTable
{
line-height:115%;
font-size:11.0pt;
font-family:"sans-serif";
}

-->

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Chuyện Tâm Linh

Từ nhỏ cho đến khi khoảng 40 tuổi, tôi không tin lắm chuyện tâm linh. Lúc nhỏ thích nghe chuyên Ma, dù vừa nghe vừa sợ, nhất là chúng toàn được người lớn kể vào buổi tối. Mẹ cũng đôi khi kể chuyện Ma cho chúng tôi nghe, những lúc đó cứ sán dần vào bên mẹ vì sợ.Rồi lớn lên, đii đây đi đó, đọc sách nghe chuyện...thấy nhiều vấn đề mà khoa học khó lý giải, đần dần tin có thế giới bên kia, có linh hồn những người đã khuất vẫn đâu đó quanh chúng ta. Nhiều năm gần đây trong hành trình tìm kiếm hài cốt của anh, có nhiều chuyện khó lý giải. Từ những giấc mơ của mình, của bạn, đến việc gia đình đi áp vong ở Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm năng Con Người ở số 1 Đông Tác...càng thấy nhiều chuyện khó lý giải.



Trong blog này đã có mấy entry viết về việc đó như: "Một nén nhang viếng Anh" "Khóc em, Khánh ơi"...Việc linh hồn anh có khi nào báo mộng cho mọi người về nơi anh ngã xuống, về hài cốt của anh đã tan nát trong bom đạn...chỉ mù mờ qua lần đầu tiên gia đình nhận được lời nhắn gửi của anh thông qua lời của nhà Ngoại Cảm Phan Thị Bích Hằng và qua những giấc mơ của mình, của Khánh.

Lần vừa rồi vào Quảng Trị, khi cùng đồng đội của anh đến nơi anh hy sinh, không hiểu vì lẽ gì đồng đội của anh lại thắc mắc sao xung quanh hố bom đã tàn phá căn hầm của anh có 3 cây dừa lại bị chặt đi 2 cây. Các anh cũng xác định vị trí căn hầm nằm giữa 2 cây Dừa bị chặt.
Hỏi chủ nhà ở đó mới biết lý do. Sau 1975 người chủ khu đất này đã tận dụng hố bom để làm một cái ao nhỏ, quanh bờ ao ông trồng 3 cây Dừa. Nhiều năm sau ba cây Dừa đã cao và cho trái. Khi ông mất, bỗng có lần ông về báo mộng cho cậu con trai (đang sinh sống ở thành phố Đà Nẵng) ông nói: "Có mấy chú bộ đội như con nít toàn trèo lên 2 cây Dừa nhà mình. Con về nhà chặt đi, đừng để các chú ấy trèo, người ta té ngã có làm sao thì nhà mình mang tội".
Cậu con trai thấy bố về báo mộng như vậy liền từ Đà Nẵng về ngay Quảng Trị và chặt đi 2 cây Dừa, chỉ để lại một cây phía bờ bên kia của hố bom.



Một thoáng tất cả mấy anh em chúng tôi lạnh người. Trước khi quyết định đào thám sát tìm dấu tích căn hầm, tôi đã dùng ngay phần gốc Dừa còn lại để làm nơi cắm bó nhang khấn các anh. Không ngờ được một lúc khi nhang mới cháy được một phần, chân nhang vẫn còn nguyên thì gốc Dừa nơi cắm nhang đã bốc khói, lửa âm ỉ trong phần lõi cây Dừa và cháy suốt cả hai ngày khi chúng tôi ở đó.
Đồng đội của anh nói" Chúng nó linh lắm, bát nhang hóa rồi đây này"



Buốt lòng khi nghĩ đến ngày xưa anh trèo cây rất giỏi. Sư Cụ trong ngôi chùa gần nhà hay nhờ anh trèo cây thu hái hoa quả. Ngày đó mình còn bé, anh dặn ở nhà trông nhà, không được theo anh vào chùa, khi về anh sẽ mang hoa quả về cho. Tuổi thơ háo hức theo anh. Anh vừa đi một lát khi trên cây nhìn xuống đã thấy mấy thằng em ở dưới ngửa mặt nhìn lên và còn chỉ chỏ; "Quả kia chín kìa anh ơi..."



Có phải linh hồn anh vẫn trèo lên cây như ngày xưa hay leo trèo hái quả không anh? Nếu có linh thiêng xin anh về báo mộng để lần tới vào đó em hy vọng tìm được chút ít hài cốt của anh và đồng đội anh nhé...