Thực lòng mình không muốn kể lại câu chuyện này. Đã hơn 25 năm trôi qua, vết thương trong hồn đã thành sẹo. Kí ức xưa đã bị thời gian phủ lên trên nó một lớp bụi dầy. Nhưng quyển nhật kí vẫn còn đây, nó sẽ còn cho đến khi mình nhắm mắt xuôi tay. Trước khi lập blog này mình đã viết lại những dòng hồi tưởng về những năm tháng đó trên cơ sở những dòng nhật kí, viết cho con đọc để chúng hiểu bố chúng đã học làm người như thế nào.
Cách đây vài năm chỉ đến khi đưa cho thằng em đọc thì nó mới là người đầu tiên được biết câu chuyện ấy. Tại sao mình không muốn kể với ai? Tại sao mình cố quên đi câu chuyện đó? Cũng vì mình không muốn những người thân trong gia đình, bạn bè biết rằng cái “thiên đường” trong mắt họ, nơi mình đã sống gần bẩy năm trời không hẳn tốt đẹp như họ nghĩ. Có lẽ chính vì thế mà những năm tháng sống ở đó mình viết nhiều những bài thơ buồn đến não lòng về thân phận người xa xứ và vì thế khi nhớ về tuyết trong mình chỉ là cảm giác buốt lạnh...
Thời gian gần đây đọc báo chí thấy người ta đưa thông tin nơi này, nơi kia công nhân đình công, chỗ này, chỗ khác tụ tập gây rối...(nói tránh đi của hành động biểu tình), mình nhớ về câu chuyện ấy và quyết định kể câu chuyện này. Kể cho con, cho người thân, cho bạn bè...
Để giữ nguyên tính khách quan của sự việc, cách nhìn nhận của chính mình lúc đó, trong entry này phần viết nghiêng có mầu xanh là những dòng viết nguyên văn trong nhật kí được sao lại không thêm bớt, những dòng viết nghiêng là viết cách đây gần 10 năm vì có thể làm mọi người không hiểu ngay được sự việc khi trình tự bị đảo lộn.
Chuyện xảy ra tháng 3/1983 tại một làng nhỏ có tên là Tusimice, ngoại ô thành phố Chomutov thuộc Liên bang cộng hoà XHCN Tiệp Khắc trước đây (Cesko-slovakia SR - CSSR) nay là Cộng hoà Séc. Số là đoàn công nhân người Việt (có cả người Bắc, Trung, Nam) của hãng Sempra Kazan ở ngay cạnh khu satna (khu thay quần áo) của chúng tôi, do phải làm việc ngoài trời mà lương quá thấp (lương họ được từ 900 đến 1000 kcs - tương đương 30 đến 35 USD thời điểm đó) nên họ tổ chức bãi công (lúc đó tôi nghĩ đấy là đình công). Số người bãi công chỉ khoảng 100 người và chủ yếu là con trai. Họ không biểu tình, không gây rối và chỉ ở nhà không đi làm và sau vài tuần thì họ bị đàn áp.
- Ngày 22/03/1983:
Sáng đi làm đến Sempra thì đã thấy cảnh sát bao vây kín cả hai ngôi nhà. Gần 300 cảnh sát với xe vòi rồng, chó bécgiê bao vây bắt những người đình công. Cảnh tượng đó làm cho tôi nhói đau, nhục nhã…
- Ngày 23/03/1983:
Cảnh sát vẫn tiếp tục gác quanh ngôi nhà. Để làm gì nhỉ? Càng nhìn tôi càng thấy chán chường và tủi cho thân phận mình. Một lực lượng cảnh sát quá đông, vũ trang đến tận răng. Mỗi thằng đeo bên hông một cái còng số 8, tay dắt chó, tay vung dùi cui cùng với hàng chục chiếc xe tải bịt kín hôm qua. Những người con trai, con gái Việt Nam bị bắt hôm qua khi hãy còn đang ngủ, trên mình những chàng trai chỉ có độc một chiếc quần lót, chân đất lội trong tuyết lạnh, tay bị còng, phía sau là một thằng cảnh sát túm cổ đẩy đi. Phải chăng đấy là cảnh thu nhỏ của…Không! Không có gì nhục nhã hơn. Không có gì tàn nhẫn và vô nhân đạo hơn ở một đất nước như thế này.
Còn đám người đồng loại đứng giương mắt ếch kia (người từ ĐSQ VN từ Praha về chứng kiến cuộc bắt bớ này), khi nhìn những đứa con của dân tộc đi giữa đám dùi cui và chó becgiê, trước ống kính máy quay phim chụp ảnh (của cảnh sát) họ nghĩ gì lúc đó?
Còn tôi, tôi khâm phục những con người đó. Họ có thất bại trong cuộc đấu tranh ấy, nhưng dẫu sao tất cả những người Tiệp ở đây phải khâm phục họ, kể cả những người vung dùi cui đánh họ cũng phải thú nhận rằng: “Chúng tôi không muốn làm như vậy”. Và nhiều, nhiều nữa những người Tiệp đã nói chuyện với tôi khi chúng tôi đứng trên độ cao 20m nhìn xuống chứng kiến toàn bộ sự việc.
Tôi chơi với hai cô bé người Hải Phòng làm việc ở đấy. Trước đây những buổi chiều nghỉ sớm tôi thường vào trong đó chơi, đôi khi xin những bông hoa karafiat (cẩm chướng) tuyệt đẹp mang về cắm trong phòng hay cho bạn mang đi chơi làm quà. K.A và L ở cùng phòng. L có người yêu tên H, không biết H có bị bắt đi hôm đó hay không. Chiều ngày 24 sau khi cảnh sát rút đi chúng tôi tranh thủ vào thăm họ.
- Ngày 24/03/1983:
Chiều đi làm về vào thăm K.A. Bước vào phòng đã thấy một đống vali, túi xách chuẩn bị gọn gàng đề địa chỉ tại Việt Nam. K.A nói: “Bọn em chuẩn bị về Việt Nam”. Ngồi nói chuyện một lúc, được biết cảnh sát đã vây kín hai ngôi nhà đó từ sáng sớm ngày 22. Một vài người tỉnh giấc vì khi thấy ánh đèn nháy của xe cảnh sát và nghe thấy tiếng chó sủa nhưng không bao giờ nghĩ lại có sự việc như vậy nên không để ý. Bắt đầu từ hơn 4h sáng chúng triển khai đứng trước từng cửa phòng và đến 5h30 phút chúng đồng loạt đạp cửa phòng ập vào, khám xét tủ, quay phim chụp ảnh. Chúng dùng dùi cui đánh đập tàn nhẫn những người không chiụ
để chúng còng tay. Cả những người con gái cũng bị đối xử như vậy. Tên chỉ huy police hôm đó đã không dám đứng nhìn cảnh tượng đó.
Vào thăm nhưng không gặp được L. được tin H. đã bị bắt đi hôm đó. Nghe kể mà thương thay cho hai đứa, cảnh sát đã hất tung cốc nước mà L. đưa cho H. xúc miệng. Chúng không cho cả đánh răng rửa mặt.
Giờ những đứa con VN ấy đang ở đâu?
Cho đến nhiều năm sau này khi nhớ lại chuyện ấy mình vẫn thường tự hỏi: Vì sao có sự việc đó? Ai đã ra lệnh làm chuyện ấy? Tại sao lại có nhóm người từ Praha xuống chứng kiến? Phải chăng kế hoạch này đã có rất lâu trước đó và có sự thống nhất từ trước? Nếu nơi ở của những người công nhân VN ấy ở trong thành phố như chúng tôi, nơi đông dân và nhiều du khách nước ngoài qua lại thì liệu có xảy ra sự viêc như vậy không? Phải chăng trong chế độ tốt đẹp thì không bao giờ chấp nhận chuyện công nhân đình công, điều đó chỉ xảy ra ở các nước tư bản mà thôi?
Vẫn biết rằng trong mỗi chế độ có pháp luật, có cách thực hiện pháp luật để bảo đảm sự ổn định cho nhà nước, cho sự vững chắc của thể chế chính trị, có sự trừng phạt để răn đe, làm gương cho người khác, nhưng sự việc đó xảy ra là do ý chí của những cái đầu có vấn đề.
Năm tháng qua đi, vết thương nào rồi cũng lành kể cả vết thương lòng. Nhưng khi lành bao giờ nó cũng để lại sẹo, những vết sẹo cháy bỏng hằn mãi trên da thịt hay trong kí ức con người, để rồi sau này trong đời khi nhìn lại vết sẹo ấy lòng ta vẫn nhói đau.