Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Quảng Trị sau 40 năm: Đau đớn & Xót xa

Theo chương trình đã thống nhất hôm trước với các anh, 05h25 ngày 25/7 chúng tôi lên đường vào Quảng Trị. Do tất cả các anh đã lớn tuổi mà lại tự lái xe nên chúng tôi không thể chạy thẳng một lèo vào Quảng Trị, mà phải nghỉ đêm tại Đồng Hới (Quảng Bình), dù lẽ ra phải nghỉ ở Nghệ An, các anh muốn tiết kiệm thời gian để mai vào Thành Cổ sớm.


10h10 trưa 26/7 Quảng Trị nắng chói chang, tất cả chúng tôi vào thắp hương trên đài tưởng niệm.

 


"Thẳng lối các anh ơi về Bắc. Nơi mẹ già còn mỏi mắt ngóng trông.."(Mẹ Muốn Một Lần Anh Về Bắc- MMMLAVB)



"Trời Quảng Trị cao xanh vời vợi. Nén nhang thơm đồng đội cũ cúi đầu..." (MMMLAVB)


Người cựu chiến binh E95, F325 (Nguyên là sinh viên trường ĐHBK xưa kia nay là giáo viên trường ĐHBK) đang đốt vàng mã , anh thầm nói: "Chúng tao vào đây thăm chúng mày, gửi ít tiền vàng để chúng mày làm lộ phí về quê hương..."



Năm ngoái: 09h00 ngày 08/7/2011 Cuốn Đại sách độc bản: "Huyền Thoại Thành Cổ Quảng Trị" được long trọng dâng lên Đài Tưởng Niệm các Anh Hùng Liệt Sỹ


(Ảnh chụp lúc 10h30 ngày 26/7/2012 tại Bảo Tàng Thành Cổ Quảng Trị)

Sau khi các anh trao tặng cho bảo tàng Thành Cổ bức ảnh, chụp ảnh cho các anh xong mình đưa điện thoại nhờ một anh bấm cho bức ảnh chụp cùng với Phó Giám Đốc (hay giám đốc?) bảo tàng Lê Trọng Thọ bên cuốn đại sách độc bản Huyền Thoại Thành Cổ Quảng Trị mà trong đó có bài thơ: "Mẹ Muốn Một Lần Anh Về Bắc" của mình. Cuốn sách này năm ngoái trong chương trình Đại Lễ Cầu Siêu & Tri Ân Các Anh Hùng Liệt Sỹ Thành Cổ QT mang tên: "Tên Anh đã Thành Tên Đất Nước" đã được đưa từ Đài Tưởng Niệm Các Anh Hùng Liệt Sỹ ở đường Bắc Sơn (trước cửa Lăng Chủ Tịch HCM) vào trong Thành Cổ QT 




Đứng trước bức tường trong Bảo Tàng Thành Cổ QT ghi tên đơn vị của anh: Trung đoàn 95 (E95) Sư đoàn 325 (F325).
 

Sau khi nghỉ ăn trưa. 14h00 (26/7) chúng tôi đến xóm Rào, thôn An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Đây là nơi anh trai tôi cùng đồng đội đã ngã xuống.



Chúng tôi hỏi thăm những người dân để biết thêm một vài thông tin về những gì sau 1975 khi họ trở lại vùng đất này.



Hai người cựu chiến binh sống sót trong trận bom đi ra phía bờ sông Thạch Hãn để định vị lại địa điểm trú quân bị đánh bom năm xưa. Anh Hòa (người giơ tay chỉ) là người đã đào cửa hầm để cứu sống anh Mừng (người đứng trước mặt) trong trân oanh tạc ngày 28/8/1972.



40 năm trước nơi đây là điểm chốt của C11, D6, E95, F325 gồm các căn hầm dã chiến. Khoảng 6h30 đến 6h45 sáng ngày 28/8/1972 sau khi chiếc OV10 (máy bay trinh sát của Quân đội Mỹ) phát hiện có điểm chốt của QĐNDVN chúng bắn xuống một quả đạn khói (để đánh dấu mục tiêu) và sau đó chưa đầy một phút chiếc máy bay tiêm kích F4 nhào xuống cắt một quả bom tấn.Một cụm 3 căn hầm bị trúng bom. Đây là hình ảnh hố bom còn lại sau 40 năm (tuy có biến dạng chút ít do những người dân đào lấy đất ở một góc), đồng thời do hàng năm khi nước sông Thạch Hãn dâng cao đã tràn vào đây đêm theo đất cát, phù sa bồi lấp nên hố bom đã bị nông đi...


Một trong những người lính còn sống sót trong trận bom đó đang đứng dưới hố bom để xác định vị trí các căn hầm xưa kia, vị trí căn hầm có anh trai tôi đã biến mất sau quả bom tấn đó. Anh Hòa (ở Sài Gòn) ra vừa dự lễ và vừa giúp chúng tôi một số thông tin để tìm kiếm người thân của mình và là đồng đội của anh.



Trao đổi với những người dân đang sống quanh đó (họ trở về lại sau 1975) để tìm hiểu thông tin.




15h00 (26/7) Chúng tôi sắp đồ lễ ra bãi cỏ. Hơn 10 bộ quân trang (cho những người lính hy sinh tại vị trí này trong 2 ngày 22/8/1972 & 28/8/1972) cùng các đồ dùng cá nhân, vàng mã...


Tất cả chúng tôi sắp hàng mặc niệm các anh


Đốt vàng mã gửi cho các anh sau 40 năm trở lại nơi này trong nỗi đau đớn đến tận cùng của tâm hồn. Các anh ơi! 40 năm trời đồng đội và người thân của các anh vẫn đau xót khôn nguôi khi không tìm được hài cốt các anh...




16h50 (26/7) chúng tôi ra Nghĩa Trang xã Triệu Thành. Theo lời những người dân xóm Rào, khi họ đào đất làm vườn, làm nhà...gặp hài cốt các anh họ đã đưa ra mai táng tại nghĩa trang này.



Anh trai tôi cùng đồng đội đã nằm đây, trong những ngôi mộ với tấm bia: Liệt Sỹ Chưa Biết Tên. Anh ơi! Trong hàng dãy những ngôi mộ Liệt Sỹ Chưa Biết Tên này, anh nằm ở ngôi mộ nào? Hài cốt của anh còn lại bao nhiêu?... Anh có biết em đang xót xa đứng đây với nỗi đau gần 40 năm chưa nguôi ngoai vì không biết phần mộ của anh nằm nơi đâu.

Trời đã nhập nhoạng, chúng tôi trở về để sáng mai tiếp tục công việc.

Ngồ
i nghỉ uống nước cạnh Bến Thả Hoa bờ Nam sông Thạch Hãn nhìn sân khấu cho ngày lễ đang đi vào những phút cuối hoàn thiện.



Các cháu học sinh, sinh viên đang lên thuyền tập dượt lần cuối việc thả hoa trong ánh chiều.

 

9h00 Sáng 27/7. chúng tôi quay lại xóm Rào. Dù đã nhờ anh chủ nhà có khu đất đi tìm thuê người để giúp chúng tôi tìm kiếm nhưng do vào những ngày lễ họ đều có việc nên chúng tôi đành mượn cuốc xẻng để đào thám sát một khoảng bên cạnh hố bom, hy vọng tìm thấy dấu tích căn hầm mà anh trai tôi cùng 4 đồng đội đã trú ở đó khi chiếc F4 thả quả bom tấn.




Các anh chắp tay khấn đồng đội mong bạn mình về mách bảo điều gì đó, để từ đó hy vọng tìm thấy chút ít hài cốt các anh.



Sau mấy tiếng đồng hồ đào bới rất thận tọng, tìm kiếm những dấu hiệu nhỏ nhất, chúng tôi chỉ tìm thấy một đôi bít tất Trung Quốc màu cỏ úa, quân trang của những người lính Miền Bắc. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy nó vẫn còn lành, các anh giải thích cho tôi loại tất này rất bền vì có pha sợi nylon.



Từng nhát cuốc, nhát thuổng đều được soi kỹ...



Bới nhẹ để tìm kiếm...



Một chút vỏ bao tải của quân đội Mỹ mà các anh dùng để đựng cát làm hầm cũng làm chúng tôi lóe một tia hy vọng...



Bất ngờ khi lưỡi cuốc bổ xuống và bật lên một quả đạn cối, vài người trong số chúng tôi chưa qua chiến trận giật mình tá hỏa, xanh xám cả mặt mày. Tôi trấn tĩnh lại khi nghe các anh nói nó khó có thể nổ được vì chưa lắp đầu nổ. Nếu quả đạn này đã lắp đầu nổ thì chỉ khi va nhẹ vào đầu nó sẽ nổ tung. Tôi tự nhủ nếu quả đạn có nổ và chúng tôi ra đi theo các anh ở chính nơi này cũng chẳng có điều gì ân hận. Đúng như các anh đã nói mình may mắn hơn đồng đội là đến giờ này đã sống thêm được 40 năm...




Cầm quả đạn cối 60 trên tay trong đầu tôi thoáng một ý nghĩ: "Giá mình có thể mang nó về làm kỉ niệm..."


Tôi mang quả đạn đặt vào giữa hai thân của một cây Xoan để tránh rủi ro sau đó gọi điện báo cho một cán bộ xã để họ cho người có trách nhiệm đến lấy.


Sau một hồi trao đổi, các anh đã thống nhất ý kiến, căn hầm anh trai tôi cùng đồng đội đã hy sinh nằm dịch vào trong hố bom gần 2m. Khi quả bom nổ đã hất tung căn hầm này cùng các anh và quân tư trang, đạn dược...vì lẽ đó chúng tôi đã đào được những thứ đó dưới độ sâu 40cm. Như vậy hy vọng tìm căn hầm và hài cốt các anh là rất nhỏ...Chúng tôi thắp một nắm nhang trên phần đất vừa đào và tất cả ứa nước mắt...


Trời đã về chiều, chúng tôi quyết định nghỉ để về nhà tắm rửa, ăn uống để tối còn kịp ra sông Thạch Hãn dự buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên VTV1: Quảng Trị Sáng Mãi Niềm Tin Chiến Thắng.


Bến Thả hoa (bờ Nam sông Thạch Hãn)



Sân khấu được làm nổi trên sông. Nhìn thẳng sang bờ Bắc là Bến Vượt. Một dãy những bông hoa rất lớn được làm để nối hai bờ.



Lung linh ánh đèn và rộn rã tiếng nhạc...


Đây là quang cảnh buổi chiều hôm trước khi tôi cùng các anh ngồi uống nước nhìn sang bờ Bắc, các anh nói 40 năm trước đây hàng đêm các anh đã trần truồng ôm ba lô, súng đạn bơi qua sông. Ngày đó hai điểm chéo nhau (chỗ cây cột điện cao thế trong ảnh là nơi xuất phát) chứ không phải thẳng bên kia bờ như hôm nay, bởi người ta đã tính đến dòng chảy của sông Thạch Hãn mùa lũ (để làm sao ai không biết bơi cứ ôm phao, bám theo đồng đội là trôi sang bên kia sông). Bây giờ người ta làm thẳng để dễ hình dung (chỉ mang tính tượng trưng).


Cũng là vị trí này trong đêm khi buổi lễ đang diễn ra, dòng sông ngập tràn hoa đăng, những ánh đèn mầu lấp lánh, bao nhiêu người đang dự lễ nơi đây biết được 40 năm trước đây trong đêm đen kịt, hàng chục ngìn những người lính đã bơi qua con sông này trông nhấp nhoáng lửa đạn. Bao nhiêu người đã nằm lại dưới lòng sông? Không biết hàng chục nghìn ngọn hoa đăng trên sông đêm nay có đủ cho vong linh mỗi người lính một bông hoa đăng?



Những ai đang ngồi nhìn sân khấu rực rỡ ánh đèn và tiếng nhạc kia mà đầu óc đang quay về 40 năm trước khi kiệt sức bơi qua sông khi Thành Cổ thất thủ (16/9/1972) phải rút về bờ Bắc để lại sau lưng 81 ngày đêm chiến đấu quả cảm và cũng để lại sau lưng bao nhiêu đồng đội đã hy sinh mà không thể đưa về bờ Bắc mai táng?


Những ai ngồi trong ánh đèn rực rỡ đêm nay mà đầu óc còn đang bận nghĩ về cơ hội tranh thủ đánh bóng tên tuổi mình nhân dịp buổi lễ này khi sánh vai cùng ai đó bước ra khán đài trước ống kính truyền hình...?


Máu ở đây, trên mảnh đất và dòng sông này. Nỗi xót đau vẫn còn đây, bên trong hàng ngàn ngư
ời lính đêm nay đang ngồi bên dòng sông này, không phải trên khán đài rực rỡ ánh đèn mà trong bóng tối trên bãi cỏ. vừa nhìn ra sông vừa ứa nước mắt xót thương đồng đội không trở về...40 năm, Thành Cổ Quảng Trị: Đau đớn và xót xa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Link : <a href="Link URL">TÊN LINK </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhạc của tui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]