Ra Đồ Sơn chẳng phải để tắm biển hay hóng gió, du lịch gì, chỉ là một việc không đi thì “kẹt”. Cái bãi biển này trong hai mươi năm nay cũng đã ra dăm bẩy lần chỉ khi có việc gì đó hoặc rỗi rãi bạn rủ thì đi chơi cho vui. Trong kí ức của mình thì biển Đồ Sơn có khá nhiều kỉ niệm. Đây là bãi biển mà lần đầu tiên trong đời mình đặt chân đến. Hơn 10 tuổi đầu được ra biển cùng với bạn, mình đã háo hức biết bao.
Cả tuổi thơ từ bé đến lúc ấy chỉ biết đến con sông Hồng đỏ nặng phù sa hay những ao hồ trước nhà hay ở quê nội. Cuộc sống của cả gia đình, cả đất nước (Miền Bắc) khi đó còn đói nghèo, người công nhân phải là lao động xuất sắc hay phải chờ vài năm mới được tiêu chuẩn ra đây nghỉ vài ngày thì một đứa trẻ như mình khi tự bỏ tiền gom góp được để ra đây cùng bạn đã là một cố gắng lớn
Lần đầu đến với biển cái đầu óc trẻ thơ như mở ra trước mênh mông trời nước. Vẫn là bãi biển ấy, vẫn là nước biển đỏ quạch mầu phù sa do các con sông của hệ thống sông Hồng Và sông Thái Bình đổ ra, những con sóng đôi khi đem theo cả những đám lục bình, cùng với vỏ những quả dừa mà người ta ném xuống biển bị sóng đẩy ngược vào bờ. Vậy mà ngày ấy tôi đã mê mải tắm suốt ngày bất kể trưa nắng gay gắt.
Cũng nơi này đây khi thời sinh viên mấy đứa cả trai và gái rủ nhau đi ra đây chơi, mình đã nhận được sự chăm sóc ân cần của cô bạn cùng lớp khi buổi sáng ngủ dậy đã thấy một chậu nước máy mát rượi cùng khăn mặt, bàn chải đánh răng để sẵn ngay trên hiên nhà trước cửa phòng. Thời ấy người ta xây những cái nhà nghỉ hay khách sạn đâu đã có toilet riêng biệt khép kín như bây giờ. Khu nhà nghỉ của chúng tôi là những dãy nhà một tầng mái ngói, cách đó khá xa là khu nhà tắm, wc với cái bể nước xây to đùng, muốn đánh răng rửa mặt thì ra đó. Sự ý tứ chăm sóc của người bạn gái đã làm mình thích thú bao nhiêu thì sau này nghĩ lại mình cũng vô tâm chừng ấy khi không hề biết rằng ẩn chứa trong sự chăm sóc ân cần và dịu dàng ấy là một tình yêu lặng lẽ.
Ngồi nghịch cậy những con hà bám trên các tảng đá mà chợt cười vu vơ khi nhớ về năm nào cô bạn học đi tắm bị hà cứa đứt chân, vết cứa thì nhỏ chỉ dớm máu thôi nhưng nước biển mặn làm cho thêm xót và cũng để làm nũng bạn cô ấy đã phụng phịu bỏ tắm ngồi một mình để ai bối rối. Cũng bãi biển này đây khi mới trở về từ trời Âu, suốt mấy tiếng đồng hồ mình ngồi cùng người yêu cũ trên hiên nhà khách 21 nhìn ra biển thi thoảng mới nói với nhau một câu. Hai đứa rủ nhau ra đây chưa trọn một ngày trời chỉ để cho trọn một điều ao ước của thủa yêu nhau là cùng nhau đi biển. Vậy mà khi ai cũng đã có gia đình, có con mới thực hiện được ước ao đơn giản đó nhưng lúc đó ở bên nhau mà lòng ngập đầy những xót xa vì đã mất nhau. Xa quê hương nhiều năm, khi trở về những người bạn gái xưa tất cả đã “yên bề gia thất”. Mình cũng chẳng ra đây để tắm biển nữa, những bãi biển Trà Cổ, Cát Bà, Sầm Sơn, Cửa Lò hay những bãi biển xanh ngắt của miền Trung đã làm cho mình không một lần nào tắm lại nơi bãi biển đầy kỉ niệm này. Nhiều lần ra chơi trong lúc những đứa bạn đang mải mê tìm vui trong vòng tay của các “tiếp viên” thì mình ra bãi biển ngồi chỉ để trầm ngâm nhìn biển hay thả bước bên những hàng dừa nhìn những con sóng từ đâu đó ngoài khơi xa lắc như những kỉ niệm thân thương của một thời bồng bột từ sâu thẳm trong kí ức thi nhau tràn về đập vào tâm trí như những con sóng vỗ vào bờ đá tung bọt trắng xoá. Đêm Đồ Sơn, gió thổi nhẹ và không khí mang theo vị mằn mặn của nước biển cũng như vị tanh của hải sản. Trời nhiều mây và lặng gió, vầng trăng cố gắng ngoi ra khỏi đám mây xám như để chứng minh sự hiện diện của mình cho ai đó biết rằng nơi chốn này luôn có Nguyệt, Hoa. Ngồi trên bờ đá ở Bến Thốc nhìn ra biển, bên phải trong màn đêm vẫn có thể nhận ra chữ số 21 màu đỏ trên nóc nhà khách 21 (Nhà khách TW Đảng). Màn đêm như che giấu hay đồng loã với một điều gì đó trong cả quá khứ và hiện tại. Bây giờ đêm của Đồ Sơn hầu như chỉ còn là đêm của vui thú với hàng nghìn khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng với đầy rẫy các em đủ loại (rất nhiều em tuổi teen) nhiệt tình chiều khách. Bến Thốc, cái địa danh quá quen thuộc. Đây là nơi trong những năm của thập kỉ 60 (thế kỉ 20) khi màn đêm buông xuống những con tầu không số đã nhận vũ khí, nguỵ trang thành những con tầu đánh cá không cờ, không số hiệu từ đây đi ra hải phận quốc tế và vào miền Nam theo một con đường trên biển mà sau này được gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Điểm đến của Buổi sáng trở dậy đi ăn sáng và sau đó ra bến thuyền đi ra đảo Hòn Dáu (hay Hòn Dấu vì ngay tại cầu tàu của đảo có hai tấm biển của hai cơ quan khác nhau, tấm bên phải đề Hòn Dáu, còn tấm bên trái đề Hòn Dấu. Thôi dùng đúng theo cách gọi của người dân ở đây) Nơi đó có ngọn hải đăng với cả một bề dầy lịch sử. Ngồi trên thuyền dù biển lặng nhưng con thuyền vẫn dập dềnh theo từng lớp sóng, trồi lên trụt xuống trong cái trạng thái như người say.Người chủ thuyền nói rằng hôm nay biển lặng, vậy mà chỉ gần nửa giờ thôi vẫn thấy mệt vì cảm giác tròng trành. Nhìn lại bờ trong sóng nước dập dềnh và chợt nghĩ những thuyền nhân dời bỏ quê hương ra đi khi nhìn lại dải đất quê hương qua mênh mông những con sóng họ đã nghĩ gì? Vào thời điểm ấy hầu hết họ ra đi về đêm, trong quá trình trốn chạy quê hương với nỗi sợ hãi mấy người dám quay đầu nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn. Bao nhiêu thuyền nhân trên cả đất nước này đã đến được những vùng đất mới, bao nhiêu người đã nằm lại trong lòng biển sâu làm mồi cho cá? Theo số liệu ước tính của Cao Uỷ LHQ cề người tị nạn (UNHCR) thì có khoảng gần một triệu người đã đến được các quốc gia khác và cũng khoảng vài trăm nghìn người đã nằm lại trong lòng đại dương mênh mông (số liệu người chết không thể thống kê chính xác). Nhiều năm sau những thuyền nhân đã ra đi ngày ấy khi đã ổn định cuộc sống trên xứ người họ đã nhớ lại những ngày tháng hãi hùng trong hành trình của mình và nhớ đến bao nhiêu đồng bào mình đã bỏ mạng trong hành trình ấy. Họ dựng lên các tượng đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam ở Đức, Mỹ. Úc, Canada… hay như những tượng đài trên chính các trại tị nạn tạm thời ở Galang (Indonexia) Bidon (Malaxia)… Có bao nhiêu người đã từng là thuyền nhân đã từng vượt qua sóng gió, bão biển, hải tặc…để rồi sau này họ lại là nhân vật chính của bộ phim Vượt Sóng (Journey from the Fall – Hành trình từ sự sụp đổ)? Họ là chứng nhân cho một trang sử đau thương của dân tộc này. Ngọn hải đăng này được xây dựng từ thời Pháp thuộc trên biển sau đó nó không được sử dụng nữa và người ta bỏ hoang khi xây mới một ngọn hải đăng trên đảo hòn Dáu. Khi sắt thép phế liệu có giá những người dân quanh đây đã ra đây cắt, phá, nhặt nhạnh tất cả những gì có thể bán được và kết quả chỉ còn trơ lại một cái chân tròn xoe của ngọn đèn biển. Đây là ngọn hải đăng Hòn Dáu. Những năm cuối thập kỉ 60 đầu 70 Mỹ ném bom miền Bắc và phong toả cảng Hải Phòng ngọn đèn biển này đã bị đánh sập hoàn toàn, nhưng để cho tầu thuyền vẫn có thể định hướng và cập cảng biết bao nhiêu người công nhân đã bám tru trong các hầm ngầm trên đảo đêm đêm vẫn bật sáng lên ngọn đèn soi đường cho các con tầu cập cảng Việt Nam. Buồn thay những năm cuối thập kỉ 70 đầu thập kỉ 80 nó không chỉ soi đường cho những con thuyền cập cảng mà còn là mốc để bao nhiêu con thuyền đêm đêm ra đi và người trên thuyền nhìn lại ngọn hải đăng này chỉ với sự xót xa vì bỏ quê hương, đất nước. Ra cầu tàu để trở về đất liền mà lòng ngập tràn các kỉ niệm của hơn ba mươi năm ùa về.
con đường này là nhiều vùng biển phía Nam mà trong đó Vũng Rô là nơi ghi dấu nhiều huyền thoại. Trong chuyến đi Nha Trang lần trước mình đã qua Vũng Rô, tiếc rằng khi đó đã là buổi tối lên không chụp được bức ảnh nào về nơi ấy. Những năm cuối 70 đầu thập kỉ 80 cũng từ vùng biển này đêm đêm bao nhiêu con người từ các tỉnh châu thổ sông Hồng lén lút về đây lên những con thuyền đánh cá mỏng manh, bỏ lại sau lưng quê hương, gia đình, bạn bè… để ra đi tìm đến một bờ bến mới như bao nhiêu người dân Việt khác trên suốt dải đất này. Những người ra đi đó được lịch sử gọi tên là thuyền nhân (boat people).