Khởi hành lúc 2h30 chúng tôi chạy theo tuyến đường Láng – Hoà Lạc qua Xuân Mai, Miếu Môn rồi bắt đầu hành trình trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Sở dĩ chọn tuyến đường này để vào miền Nam vì đường 1 dạo này đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình đang sửa chữa, đường rất xấu và lại bị hạn chế tốc độ, hơn nữa tuyến đường ấy đã quá quen thuộc nên chẳng có gì đáng để nhìn ngắm. Nhiều người ở nhà băn khoăn vì đi tuyến đường vắng đó nhỡ có gì trục trặc thì biết làm sao, nhưng tin vào chiếc xe mới nên chúng tôi không lo ngại vấn đề hỏng hóc. Tự tin anh lái xe bơm đầy bình xăng dầu và xuất phát.
Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Miếu Môn đi vào miền Trung tôi chưa đi lần nào, các lần trước chủ yếu đi đoạn từ Nghệ An - Quảng Trị. Đường rất đẹp và vắng lặng, chẳng có chiếc xe nào trên đường ngoài chúng tôi, xe chạy đều đều và êm ru nên mọi người lơ mơ ngủ lại vì đi sớm. Trong xe tĩnh lặng tôi thả mình vào những suy nghĩ miên man.
Mấy chục năm trước đây con đường này chỉ là con đường rừng được mở ra rất nhỏ đủ để cho một chiếc xe tải Zin của Liên Xô đi vừa và nó đâu được phẳng phiu mà lởm chởm đá và ổ trâu, ổ voi (tôi biết vậy qua thư của người anh trai). Không biết những người còn thức trên xe nghĩ gì khi chạy trên chặng đường này, riêng tôi thấy một nỗi buồn mơ hồ khi nghĩ đến mấy chục năm trước đã biết bao nhiêu người lính hành quân qua đây. Những người lính được huấn luyện trên các vùng đồi núi phía Bắc như Sơn Tây, Bắc Giang, Hoà Bình… để rồi khi đi vào mặt trận phía Nam các anh để lại sau lưng quê hương, gia đình, bạn bè với bao nỗi nhớ thương cồn cào cháy bỏng. Các anh ra đi mà đa phần đều không dám nghĩ chắc chắn đến một ngày trở về bởi “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.
Phía trước trời đã ửng một chút hồng le lói, do đường hơi chếch hướng Tây về biên giới Lào nên bên trái con đường chỉ hồng lên một chút. Bình minh trên đường HCM. Ngày trước, những người lính hành quân trên con đường này hầu hết chỉ về đêm, sau một đêm dài hành quân mệt mỏi họ có ngắm bình minh với tâm trạng thanh thản và tin về một ngày mai tươi sáng? Có bao nhiêu người trong số những người lính hành quân qua đây đã mãi mãi nằm lai ở phương Nam xa xôi để cho mẹ già bao năm mỏi mắt ngóng trông mà không thấy con mình trở về?
Lòng ngổn ngang những suy nghĩ, tôi tự hỏi không biết ngày xưa những người lính trong các đoàn quân tiến về phương Nam đi trên chặng đường này nghĩ gì nhỉ? Các anh có háo hức được khám phá những vùng đất mới, được mang tuổi thanh xuân của mình cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước…Có chút day dứt nào vì phải để lại đằng sau tất cả những gì yêu thương nhất để dấn thân vào khổ ải, mất mát phía trước và tương lai mờ mịt một ngày về? Có ai đã ngã lòng trên chặng đường này mà quay trở lại?
Điểm dừng đầu tiên để ăn sáng là một ngã ba rất rộng, tôi không biết tên của nó là gì. Có lẽ ngày xưa đây là nơi hội tụ của các cánh quân hay khu vực tập kết xe pháo trước khi vào chặng đường ác liệt nhất vì đây là cuối của đất Thanh Hoá. Năm 1972 anh tôi đã đi đoạn đường này chăng khi từ đường 1 ở Thanh Hoá đi bằng ôtô vào đường HCM để rồi theo con đường rừng này vào Quảng Trị?
12h chúng tôi nghỉ ăn trưa ở Phong Nha - Kẻ Bàng, do vào đây quá nhiều lần nên tôi chẳng buồn bỏ máy ảnh ra khỏi túi, chỉ đến khi lên xe đi tiếp tôi mới chụp một bức ảnh khung cảnh phía tây hoang sơ và hùng vĩ với dãy Trường Sơn tiếp giáp lãnh thổ Lào.
Khi vào đến đất Quảng Trị trên địa phận Bến Tắt (Vĩnh Tường - Gio Linh) chúng tôi đi qua nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Một nghĩa trang quốc gia với hơn 10 nghìn ngôi mộ của những người lính đã hy sinh trên tuyến đường này. Nghĩa trang được xây dựng trên thượng nguồn sông Bến Hải, một con sông tượng trưng cho nỗi đau chia cắt đất nước suốt hai mươi năm.
Có thể nói mỗi một cột mốc bên đường HCM là một người lính đã ngã xuống. Một con đường được làm lên bằng xương máu của cả một thế hệ những người con ưu tú của dân tộc. Đến Cam Lộ (Quảng Trị) chúng tôi rời đường HCM để rẽ về Đông Hà theo đường 9. Những năm từ 1968 đến 1972 đây là chặng đường khốc liệt nhất. Quân đội Mỹ và quân lực VNCH thành lập một tuyến phòng thủ bờ Nam sông Bến Hải theo trục đường này từ biển (Cửa Việt) lên đến biên giới Lào (Khe Sanh, Lao Bảo) với các căn cứ như Chaly, làng Vây...để ngăn chặn bước tiến của quân giải phóng. Bao nhiêu người lính đã nằm lại nơi này khi quyết phá tuyến phòng thủ ấy?
Dừng xe xuống đài tưởng niệm đầu cầu Thạch Hãn thắp hương và thả hoa xuống sông cho anh mình cùng đồng đội như tất cả mọi lần tôi qua đây. Bạn bè, đồng nghiệp trên xe cũng xuống thắp hương cùng tôi, các cháu nhỏ cũng chắp tay thành kính khấn khứa. Mọi người cầu cho vong linh các anh được mãi yên nghỉ và mong các anh phù hộ cho chuyến đi của chúng tôi được thuận buồm xuôi gió. Tưởng mình là người cuối cùng lên xe không ngờ khi ngoái lại tôi thấy hai người đồng nghiệp lớn tuổi nhất đoàn đang chậm rãi bước từ đài tưởng niệm xuống. Một trong hai anh đã từng là một người lính hành quân theo đường mòn HCM vào Nam chiến đấu và đã may mắn trở về. Không rõ lúc đó các anh nghĩ gì?
Đoạn đường từ Quảng Trị vào Đà Nẵng đông nghịt xe cộ, chúng tôi chỉ chạy được với tốc độ 40 – 50km/h nên ai lấy đều sốt ruột vì trên đường HCM chúng tôi chạy trên 80km/h. Không rẽ vào Huế, chúng tôi chạy trên đường tránh và chỉ ngắm dòng Hương Giang từ trên cầu. Đến đèo Hải Vân trời đã tối nên chúng tôi chạy theo đường hầm. Vừa qua hầm thì ánh đèn thành phố Đà Nẵng đã sáng lấp lánh trước mặt.
Đến thành phố tìm vào nhà hàng đã đặt trước và nghỉ ăn tối sau đó mới về khách sạn. Một ngày đầu trong hành trình đã trôi qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Link : <a href="Link URL">TÊN LINK </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhạc của tui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]