Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Vào quân ngũ (3)


“Khóc anh mắt mẹ mờ mây
Gia đình xum họp đêm ngày mẹ mong”


Chiều Chủ Nhật ra bến xe đón ô tô lên đơn vị. Suốt đêm qua mẹ cặm cụi đi rang lạc, vừng để cho mình ngày mai có ít muối vừng, vài cân mì sợi mang theo về đơn vị để ăn thêm. Mẹ muốn làm cho ít bánh bítcốt (gọi bánh cho oai thực ra là bánh mì thái lát ngâm nước đường rồi xấy khô, mà mấy năm gần đây người ta vẫn dùng loại này để tiếp tế cho tù nhân) nhưng thời gian gấp quá nên không kịp. Ngày ấy lấy đâu ra thịt mà làm ruốc. Chắt chiu ít lạc, ít vừng đã là cố gắng lắm rồi. Thêm lọ mỡ con con. Vậy là ở nhà bố mẹ, chị và em lại phải bóp mồm bóp miệng, rau dưa, cà muối mất nửa tháng.

Lên đến đơn vị vẫn trước giờ điểm danh, để tránh bị kỉ luật vì tội trốn đơn vị về, mấy đứa chúng tôi đi sang nhà trung đội trưởng (B trưởng) ở để chào hỏi. Hai bao thuốc lá Dullhil để làm quà vẫn chưa lo thoát tội khi B trưởng mặt lạnh tanh hỏi: “Chiều qua các cậu bỏ cơm và biến đi đâu đến giờ này mới có mặt?”. “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà”, mấy thằng chúng tôi thú nhận đã bỏ đơn vị về nhà. Nét mặt của B trưởng chỉ dịu đi chút ít khi một thằng trong nhóm chúng tôi (nhà nó rất giầu) tháo ngay chiếc đồng hồ Selko của Nhật đang đeo đưa B trưởng và nói: “Nghe nói tuần này thủ trưởng đi công tác, Thủ trưởng đeo cái đồng hồ của em để biết giờ giấc. Sang tuần khi nào về thủ trưởng đưa lại em ạ. Tuần này em cũng không dùng đến”. Thật ra B trưởng có đi công tác đâu. Anh ấy chỉ đeo để “lấy le” với mấy cô gái làng thôi. Vậy là mọi chuyện ổn thỏa.

Những ngày trên thao trường sau đó luôn luôn là một nỗi nhớ da diết khi nằm trên cỏ ngửa mặt nhìn trời trong mấy phút giải lao trong giờ huấn luyện, hay lúc hái những bông hoa dại bé bé xinh xinh khi trên chặng đường hành quân dã ngoại. Nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, người thân cồn lên, khao khát một ngày về. Tại sao khi xa cách người ta thấy thời gian dài lê thê đến vậy?

Trong thời gian quân trường, do hoàn cảnh kinh tế khi ấy của đất nước nói chung và mỗi gia đình nói riêng, chúng tôi thiếu thốn đủ thứ: Đồ ăn, áo ấm, thuốc đánh răng, xà phòng...có những thứ có thể mua được nếu có tiền nhưng có những thứ có tiền mua cũng khó. Thiếu ăn, đói, rét...vẫn có thể chịu được nhưng thiếu với những người nghiện thuốc lá như tôi lúc nào không có thuốc thực sự thấy khó chịu. Đua đòi hút thuốc từ khi còn học cấp 3 như mọi đưa con trai mới lớn thời ấy. Vào học ngành xây dựng, thỉnh thoảng phải đi thực tập ngoài công trường xây dựng, đa số đám bạn đã "sài" thuốc lào, nhưng tôi vẫn không hút nổi thứ thuốc đó. Nghĩ lại một lần hút thử bị say hơn cả say rượu, suốt cả ngày hôm sau đầu óc vẫn còn choáng váng. Sau lần ấy thề cạch đến già.

Thời gian huấn luyện đúng mùa đông, trời mưa rét suốt, thỉnh thoảng phải đi gác đêm (mỗi ca 2h). Lúc ngủ gà ngủ gật có điếu thuốc tỉnh ngủ hẳn. Thời điểm đó thuốc lá ở vùng quê rất hiếm, chúng tôi chỉ mong có người nhà hay bạn bè lên thăm để có thuốc lá hút. Lúc có thì suốt ngày phì phèo, vài hôm hết quay ra xin nhau, vài thằng chung một điếu rít lõm cả má khi đến lượt mình.Một lần cơm chiều xong chẳng thằng nào còn thuốc, mò sang nhà bên cũng vậy. Cả lũ ước ao có điếu thuốc để mỗi thằng một hơi là quý lắm rồi. Ngồi chán chê một lúc thằng bạn cùng lớp chui vào gầm giường nhặt cái vỏ bao thuốc lá vứt từ hôm qua ra, sau khi nắn thẳng nó moi trong đó ra một điếu thuốc nhăn nhúm và tỉnh bơ châm thuốc hút trước con mắt thèm thuồng của cả bọn. Đúng là điếu thứ 21. Thằng này khôn thật hôm qua nó moi ra 2 điếu cuối cùng để bốn thằng chia nhau và vò vỏ bao vứt vào gầm giường. Ai cũng tưởng hết rồi. Hóa ra nó chỉ bóp bẹp cái vỏ bao theo chiều dọc để không nát điếu thuốc cuối cùng. Sau khi hút vài hơi đã cơn nghiền nó mới chịu đưa cho chúng tôi mỗi đứa làm một hơi. Mẹ ơi! Thật sướng...

Đêm ấy đến 23h tới phiên tôi đi gác, được thằng bạn gác ca trước vào gọi tôi lồm cồm bò dậy, trời rất lạnh, mắt cay xè cứ díp chặt lại, chẳng muốn mở ra. Giá lúc này có điếu thuốc thì sướng biết bao. Chợt nhớ lại việc làm của thằng bạn hồi chiều, tôi chui vào gầm giường tìm nhặt những đầu mẩu thuốc của mấy hôm trước chúng tôi vứt vào đó, gom nhặt được 4- 5 mẩu tôi chui ra. Xé tờ lịch mỏng tang trên tường đặt lên mặt bàn, tôi bóc từng cái đầu mẩu thuốc dốc ít sợi thuốc còn lại ra tờ lịch. Đa số các mẩu thuốc đã ẩm, hôi rình, nhưng không sao, tôi vun ít sợi thuốc ít ỏi ấy lại định quấn thành điếu thuốc nhưng thấy ít quá, nhìn gói chè bồm trên mặt bàn tôi liền dúm thêm một chút cho vào cùng chỗ sợi thuốc và quấn thành một điếu. Châm mãi mới cháy, rít lấy rít để, khói sặc lên mũi ho sặc sụa nhưng tỉnh ngủ hẳn, thêm hai lần rít mẩu thuốc đã hết, lửa bỏng cả tay. Tỉnh hẳn và khoan khoái với khẩu AK trên tường tôi lò rò ra trạm gác. Nhiều lúc nghĩ lại nghiện ngập cái gì khổ cái ấy. Thế mới biết vì sao người nghiện ma túy khó cai.

Một tháng huấn luyện qua đi, đã đến ngày cúng Ông Công, ông Táo. Anh em suốt ngày thắc mắc hỏi xem có được về ăn Tết hay không, đứa nào cũng mong được về ăn Tết Hà Nội với gia đình, được đi chơi giao thừa với người yêu. Cấp trên trả lời chưa có chủ trương, nhưng về cơ bản là không được về. Chúng tôi buồn và chán. Dịp Tết thì đừng mong trốn về. Quân cảnh canh gác nghiêm ngặt, tại bến xe có quân cảnh trực suốt.

Đêm tháng chạp, trời rét căm căm, chúng tôi ngồi sinh hoạt ở sân kho HTX, quần áo không đủ ấm nên đứa nào cũng co ro kêu rét um cả lên. Đại đội trưởng (C trưởng) hạ lệnh tất cả đứng dậy rồi cứ đội hình hàng một theo từng tiểu đội thằng sau đấm thằng đứng trước. Sau 10’ đằng sau quay và lại tiếp tục 10’ như trước. Sau hai lần C trưởng hỏi:

“Các đồng chí đã hết rét chưa?”

Cả đại đội đồng thanh hét to: “Hết rồi ạ”. Dù vẫn còn run lập cập nhưng có thằng điên nào muốn đi đấm người khác và bị người khác đấm đâu mà nói vẫn rét chắc sẽ phải làm thêm “hiệp” nữa.

“Vậy bây giờ chúng ta sinh hoạt văn nghệ. Đồng chí nào xung phong hát một bài cho tất cả chúng ta cùng nghe nào?”

Đang chán nản vì đến giờ này vẫn chưa biết có được về nhà ăn Tết hay không và sẵn cái máu lãng tử của sinh viên Thủ Đô một thằng ở trung đội bạn giơ ta
y ngay: “Dạ! Thưa thủ trưởng em xin hát một bài”

“Xin mời đồng chí. Lên đây, lên đây”. Ông C trưởng không tinh ý khi mọi hôm có chỉ định cũng chẳng đứa nào muốn hát, sao hôm nay bỗng dưng lại nhiệt tình thế.

Thằng bạn cùng trường lên trước hàng quân và điềm nhiên cất tiếng hát luôn chẳng buồn giới thiệu tên bài hát:

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con. Khi thấy mai vàng nở đầy bên nương. Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa…”

“Thôi! Thôi thủ trưởng ơi. Thôi. Bài hát này là nhạc vàng…nhạc phản động”. Anh B trưởng hốt hoảng chạy từ cuối hàng quân chạy lên vừa nói to vừa xua tay. C trưởng đang há mồm nghe bài hát lạ thấy vậy cũng hét to: “Thôi! Thôi”. Nhưng như mũi tên đã bật khỏi dây cung, được sự vỗ tay cổ vũ và cả đại đội cùng hát theo nên thằng bạn càng có hứng hát to hơn:

“Ôi nhớ năm nào thủa trời yên vui. Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi. Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào…”

Thời ấy theo dòng người từ miền Nam ra Bắc mang theo những hàng hóa của "Chủ nghĩa Đế quốc" chúng tôi mới biết đến những cái đĩa hát mầu hồng, những dàn Akai, Teac với cái băng cối to đùng và trong nó là những bài hát được gọi là Nhạc Vàng. Chúng tôi biết đến những cái tên như: Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Võ Thành An, Khánh Ly, Duy Khánh...từ đó và rất thích những bài hát đó. Ít ra trong những lúc như thế này những bài hát ấy phù hợp với hoàn cảnh của chúng tôi...
"Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giầy, lửa thù no đôi mắt...Chân nghe lạ từng khu chiến thuật. Áo đường xa không ấm gió phương xa..."

Tôi vừa hát vừa ứa nước mắt. Nghĩ đến thành phố quê hương, gia đình, người yêu…Trong tất cả chúng tôi cũng có nhiều đứa nhà giầu trong phố, đi học như công tử nhưng cũng nhiều đứa như tôi mang tiếng dân Thủ Đô nhưng vẫn ở trong những ngôi nhà tranh tre, nứa lá…Cũng mẹ già tần tảo sớm hôm. Có đứa suốt thời gian 3 tháng quân trường mà gia đình cũng không có điều kiện gửi cho ít muối vừng, cân bítcốt…

Buổi sinh hoạt ổn thỏa vì sau khi B trưởng ghé tai C trưởng nói điều gì đó, C trưởng im lặng nghe chúng tôi hát nốt bài hát rồi tuyên bố kết thúc buổi sinh hoạt, điểm danh.

Chúng tôi vô cùng sung sướng khi sáng 29 Tết Canh Thân năm ấy nghe phổ biến sẽ được về nhà ăn Tết từ trưa ngày 30 cho đến chiều ngày mùng 3 phải có mặt tại đơn vị. Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong đời mấy thằng chúng tôi tươi vui trong bộ quân phục (hơi bị xấu một chút) đi hiên ngang giữa phố phường trong khi mọi người ai cũng quần áo đẹp (không phải chúng tôi không có). Lần đầu tiên chúng tôi ngẩng đầu tự hào trước dòng người trên phố, người thân, bạn bè bởi “chúng tôi là Người Lính”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Link : <a href="Link URL">TÊN LINK </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhạc của tui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]