Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012
Vào quân ngũ (4)
Vài lời cùng các bạn của tôi trên yahoo blog:
Lẽ ra chuỗi những entry về "Những năm tháng tha phương" chưa dừng lại ở đây. Nhưng sự cố 17/01/2013 đang đến gần. Chúng ta đang lo chuyển nhà hay thất vọng buông xuôi nhìn ngôi nhà thân thương của mình tan tác trong cơn bão. Chúng ta chào tạm biệt nhau, nói những lời chia tay mà thấy lòng mình rưng rưng...
Tôi không muốn dừng lại đột ngột khi còn đang kể dở dang chuyện quân ngũ của mình.
Đây là entry cuối cùng của tôi ở yahoo blog. Thời gian tới chẳng còn tâm trí đâu mà viết nữa. Mai này có chuyển nhà mới chúng ta cũng khó có cơ hội gặp nhau đầy đủ như thời gian vừa qua, chưa muốn nói rằng có khi có nhà mới mà chưa chắc đã được đi về, sinh hoạt, giao lưu thuận tiện với nhau...
Lời cuối cùng tôi xin gửi đến các bạn : Chúc Vui Khỏe, May mắn, Hạnh phúc trong cuộc sống. Hãy vững tin về một ngày mai tươi sáng.
Thân!
LỢI TRẦN.
“Một đời mẹ mỏi mòn trông
Có con cùng cháu vui trong một ngày”
Trong thời gian huấn luyện có vài câu chuyện làm tôi nhớ mãi:
Chuyện thứ nhất:
Đêm đó tiểu đội bạn đến phiên gác. Vọng gác thường đặt tại các lối ra vào làng. Làng cũng có nhiều ao. Vong gác của thằng bạn lớp bên ngay cổng làng, bên cạnh một cái ao. Phiên gác của nó từ 01h00 sáng đến 3h00. Khoảng 02h00 sáng bỗng còi báo động rít lên từng hồi. Cả đại đội nhốn nháo chạy ra tập hợp ở sân kho hợp tác, kiểm tra súng ống mới biết thằng bạn gác đêm bị mất súng. Thôi chết , thế này thì toi rồi. Mất quân tư trang thì không sao, mất súng thì đi tù à.
Đại đội trưởng căn vặn về phiên gác. Người gác phiên trước khi hết giờ gác của mình đã vào gọi ông bạn dậy thay phiên. Do đang ngủ giở giấc ông bạn ôm súng ra chòi gác và chỉ chưa đến nửa giờ sau do quá buồn ngủ lên ngồi co ro trong chòi gác ông bạn lại lăn ra ngủ tiếp,. Nhưng thay vì ôm súng trong lòng ông bạn lại đặt sang một bên và ngồi co ro ngủ. Đến khi nghe còi báo động giật mình chồm dậy nhớ ra súng thì chẳng thấy đâu nữa.
Cả đại đội được hỏi xem có ai thấy hiện tượng gì lạ không. Vài người nhà ở gần chốt gác nói khoảng giờ ấy có nghe một tiếng ùm như ai đó ném cái gì hay ngã xuống ao. Phân tích một hồi thì giả thiết người nào ngã xuống ao bị loại bỏ. Vậy chỉ còn khả năng đứa ăn cắp thấy động đã ném súng xuống ao. Vậy là mệnh lệnh được ban ra, cả tiểu đội gồm 9 người trực trong đêm ấy cởi quần áo dài, mặc mỗi cái quần đùi lội xuống ao mò tìm khẩu AK47 bị mất. Cha mẹ ơi tiết trời giáp Tết âm lịch của mùa đông miền Bắc nửa đêm về sáng thế này mà lội bì bõm dưới ao thì chịu sao nổi. Chín thằng hì hục lội mò mãi cũng chỉ ném lên bờ toàn những cành cây gẫy trong sự chứng kiến của cả đại đội vừa đứng co ro vừa ngáp ngủ trên bờ. Sau nửa giờ hì hụi dưới nước vẫn không thấy tất cả được lệnh lên bờ sáng mai họp kiểm điểm.
Sáng hôm sau tiểu đội đó họp kiểm điểm khi khẩu súng đã được tìm thấy. theo lời đại đội trưởng (C trưởng) một người dân đi làm đồng sớm đã nhặt được trong vườn cạnh vọng gác và đưa nộp cho chỉ huy đơn vị. Câu chuyện đến bữa cơm chiều mới vỡ lẽ. Hóa ra C trưởng đi kiểm tra việc gác đêm thấy anh lính nhà ta ngủ say như chết, khẩu súng vứt bên cạnh liền mang về cất đi, sau đó quay lại gần vọng gác nhặt một hòn đất rõ to ném cái ùm xuống ao rồi thổi còi báo động tập hợp toàn đơn vị…
Nhân câu chuyện này chúng tôi còn được nghe B trưởng trong lúc vui chuyện kể lại một câu chuyện khác. Đó là ở đơn vị huấn luyện bên cạnh, đợt huấn luyện trước có một lần trong 3 chú bộ đội ở cùng một nhà dân, ba nhà liền nhau đủ một tiểu đội 9 chú. Một đêm không biết chú nào mò đi đại tiện, do nhà vệ sinh ở cuối vườn, cây cối trong vườn xum xuê, trời tối đen. Sợ ma nên chú lính nào đó không ra nhà vệ sinh mà ngồi ngay sau nhà “Đặt Mìn”. Sáng ra chủ nhà phát hiện thấy kêu toáng lên. Vậy là cả tiểu đội được tập hợp. Trung tâm là 3 chú trong nhà đó, 6 chú kia “liên đới chịu trách nhiệm”. Căn vặn mãi vẫn không ai chịu nhận mình là thủ phạm. Chẳng có cách nào để giải quyết (thời ấy chưa có giám định ADN) và răn đe, giáo dục chống tái phạm, Trung đội trưởng ra lệnh 9 người xếp hàng ngắt quãng đều khoảng cách từ chỗ có “quả Mìn” đến nhà tiêu (WC) và dùng tay không bốc “quả Mìn” đó đi mấy mét rồi trao cho người sau, cứ như thế đến người cuối cùng để bỏ vào nhà Wc. Chẳng hiểu câu chuyện thật đến bao nhiêu % nhưng mọi người bảo có thật. Để rèn luyện người lính trong quân đội mọi điều đều có thể xảy ra.
Chuyện thứ hai:
Sau hai tháng rưỡi huấn luyện, sáng hôm đó chúng tôi nhận lệnh ngày mai chuyển quân. Mệnh lệnh được ban ra mang theo toàn bộ quân tư trang. Sẽ xuất phát lúc 6h sáng (bữa sáng được đẩy lên lúc 5h30) và chúng tôi được xác định sẽ hành quân bộ trọn vẹn một ngày với hành trình khoảng 50km. Vào thời điểm ấy dù xe ô tô không sẵn nhưng không phải không có để phục vụ cho việc chuyển quân, nhưng thủ trưởng đơn vị phổ biến đây là lần tập dượt quy mô nhất để rèn luyện khả năng hành quân bộ của tân binh để quen dần với việc hành quân tác chiến.
Sau khi ăn sáng chúng tôi trở về mang balô, súng ra chỗ tập trung và 6h10 bắt đầu xuất phát. Quân tư trang không nhiều, cả balô và súng chỉ khoảng hơn 15kg. Lúc đầu chúng tôi đi rất hăm hở và còn thấy thích thú. Khi đến bờ sông thấy phong cảnh sông nước mênh mông có thằng cao hứng cất tiếng hát:
“Mẹ ơi biển lớn sông dài là đây. Đỉnh núi non cao ngất trời không thể sánh bằng tình mẹ thương con lúc này…từ nhỏ con chưa xa vắng quê nhà mẹ ơi. Một buổi xa con nhớ thương chắc mẹ chẳng vui. Biết con đi rồi nhà cửa vắng thêm một người…”
Càng gần trưa balô trên vai và cây AK đeo trước ngực càng trở nên nặng nề, chúng tôi mệt nhoài và thở dốc, chỉ mong có hiệu lệnh nghỉ giải lao là lăn ngay ra chỗ nào đó có thể nằm bất kể bẩn hay sạch. Thời gian huấn luyện chúng tôi đã quen với việc nằm vạ vật trong giờ giải lao ở bất cứ chỗ nào đôi khi giữa bãi tha ma, gối đầu lên nấm mộ lúp xúp chỉ có 15’ mà vẫn ngủ ngon lành.
Chiều tối chúng tôi dừng chân ở một làng nhỏ, hỏi dân mới biết
đây là xã Sơn Đông (Sơn Tây). Làng có nhiều xóm nhỏ nằm ngay bên rìa đường Cu Ba (bây giờ là quốc lộ 21A) sở dĩ gọi là đường Cu Ba bởi con đường này được nước bạn Cu Ba giúp thi công xây dựng. Các xóm nhỏ ngèo nàn và vắng người, do là vùng đất đá ong nên ruộng đất chẳng có mấy, bên ngoài làng chỉ thấy cây cối lúp xúp và hầu hết chỉ là cây Xấu hổ (Trinh Nữ) đầy gai với những nụ hoa tím bé xíu. Chúng tôi sợ nhất bãi tập có loại cây này vì nó đầy gai.
Trong khi chờ còi báo cơm chiều chúng tôi lang thang ra ngoài bìa làng. Chợt thấy mấy đứa chụm đầu thì thầm chuyện gì đó quan trọng. Hóa ra có mấy đứa được theo bộ phận nhà bếp chuyển quân bằng xe tải, trên xe chở luôn cả những thùng đạn AK. Bấy giờ chúng tôi mới biết đợt chuyển quân lần này thực chất là đi bắn đạn thật tại trường bắn của Trường sỹ quan Lục Quân 1 Sơn Tây. Cũng cần nói thêm với các bạn là trong thời gian huấn luyện chúng tôi chỉ tập trên súng chỉ có đạn giả. Mấy đứa theo xe tải trong khi ngồi trên xe khi xe xóc có thùng đạn bật nắp đã lấy trộm một ít đạn AK và đang khoe nhau.
Tuổi trẻ “Ngựa non háu đá” nên mấy thằng đã rủ nhau lắp đạn vào súng để bắn thử. Chọn mãi mục tiêu chưa có chợt nhìn thấy mấy con gà của dân đang kiếm ăn bìa làng, một thằng nổi máu yêng hùng liền nâng súng ngắm và bóp cò.
Hai phát đạn AK vang lên chát chúa phá tan không gian tĩnh lặng của làng quê yên bình. Sau 5’ tiếng còi báo động rít lên từng hồi gấp gáp, tiếng chân người chạy rầm rập cùng tiếng chó sủa làm náo loạn cả ngôi làng. Theo quy định đã được phổ biến khi dừng chân nếu có báo động chúng tôi phải tập trung ngay tại sân đình đầu làng. Chúng tôi hốt hoảng chạy vội về ngôi nhà vừa được đưa đến trước đó hơn nửa giờ, vớ vội balô và khẩu AK rồi chạy ra chỗ tập trung. Do tất cả quân trang còn nguyên trong balô chưa bỏ cái gì ra ngoài ngoại trừ cái khăn mặt buộc trên quai balô đã được phơi trên dây sau khi rửa mặt nên chúng tôi tập hợp rất nhanh chóng.
Đứng trước hàng quân C trưởng mặt “đằng đằng sát khí” rằn giọng: "Ai vừa nổ súng?". Sau mấy giây C trưởng hét lên: "Đứa nào vừa bắn?"
Cả hàng quân im phăng phắc, mặt đứa nào đứa ấy tái xanh tái xám. Chắc chết rồi. Ông Thiên Lôi có bộ dạng và nét mặt thế kia thì to chuyện rồi. Biết chắc sẽ chẳng đứa nào dám nhân tội vào lúc này. C trưởng giằn giọng: "Khám súng!"
Tất cả các A trưởng theo sau B trưởng đi từng hàng quân và lấy súng của từng người đưa nòng súng lên mũi ngửi. Chỉ sau ba hàng quân một B trưởng đã cất tiếng: "Báo cáo đại đội trưởng! Đã phát hiện người nổ súng". Vừa nói B trưởng vừa đẩy người lính ra khỏi hàng đi lên phía trước hàng quân. Thằng bạn lớp bên, thủ phạm của vụ nổ súng dù nổi tiếng quậy phá, nghịch ngợm và lì lợm trong trường lúc này mặt cũng tái dại đi lên phía trước.
Hai cái tát như trời giáng vào mặt của thủ phạm mà chưa cần hỏi điều gì. Khi thủ phạm vừa kịp định thần C trưởng cất tiếng hỏi: “Cậu có biết cậu vừa bắn chết người không?”
Thủ phạm mặt xanh rờn lắp bắp: “Dạ không, em chỉ bắn con gà thôi chứ có bắn ai đâu ạ.”
“Thế có trúng gà không?” “Dạ! Không ạ” “Vậy viên đạn trúng vào đâu cậu có biết không?”
Đến nước này thủ phạm đành “im như thóc”. C trưởng dằn giọng ra lệnh cho B trưởng B có thủ phạm: “Lột quân phục, chỉ cho mặc quần đùi, trói vào gốc nhãn kia phạt qua đêm đến giờ điểm danh sáng mai. Không được ăn cơm chiều”. Ôi trời ơi! Đêm tháng giêng âm lịch thì dù có không rét buốt cũng còn rất lạnh. Đứng cả đêm thì toi à.
Chúng tôi xì xào hỏi nhau việc tại sao tìm ra thủ phạm, được giải thích mới biết súng vừa bắn xong còn khét nguyên mùi thuốc súng (sau này được biết một thủ thuật để xóa cái mùi đó chỉ có cách vừa bắn xong thì...đái luôn vào nòng súng là hết mùi).
Dân làng lúc trước rất bất bình vì các chú bộ đội vô kỉ luật, muốn chỉ huy đơn vị xử lý nghiêm để răn đe giờ nghe thấy vậy cũng bắt đầu thấy thương chú lính nghịch ngợm. Toàn con cháu mình, vốn từ xưa tới nay mình đùm bọc cưu mang các chú, khi chiến tranh các chú xả thân bảo vệ nhân dân, đất nước…Con cháu mình đi bộ đội cũng vất vả gian khổ…
Một cụ già cao tuổi thay mặt dân làng đến gặp C trưởng xin tha cho thủ phạm. Sau một lúc trao đổi thấy cụ già cười và bảo dân làng ra về, chúng tôi biết mọi việc đã ổn. Nhưng cũng phải 1h sau khi chúng tôi ăn chiều xong thủ phạm mới được cởi trói và đi ăn tạm xuất cơm được để phần đã nguội ngắt.
Sáng hôm sau chúng tôi hành quân độ 1km vào đến cổng Trường Sĩ quan Lục quân 1. Trên đường ra bãi bắn đạn thật chúng tôi đi qua thao trường ở đây mới thấy môi trường huấn luyên của chúng tôi quá bình dân, không quy mô và khắc nghiệt như ở đây. Nhìn những khu rào kẽm gai “Cũi Lợn” chúng tôi đã phát sợ. Chỉ cao hơn mặt đất độ 60cm và dài chừng 20m. Tân binh phải bò lê lết trong đó để tập, vượt qua được đoạn rào đó đã đủ chết rồi, khối anh bị dây kẽm gai cào rách mông, máu thấm ngoài quần khi vượt qua. Ngay trên bãi tập có một khẩu hiệu: “Thao trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu”. Có lẽ đây là khẩu hiệu đúng.
Sau một ngày trong trường bắn, chiều ấy chúng tôi trở lại ngôi làng hôm qua và sáng hôm sau hành quân trở lại nơi đóng quân lúc đầu, nhưng lần này được đi theo đường cái ngắn hơn để trở về. Ngược chiều với chúng tôi lại một đoàn quân khác, tình cờ gặp thằng bạn trường Kinh Tế, nó cười và bảo: “Nhìn bọn mày đi ngược tao tưởng lính trận trên biên giới về. Trông phong trần quá”. Nó nói cũng có lý vì qua 3 ngày hành quân ngần ấy km, mệt mỏi rã rời, mặt mũi hốc hác, hàng quân lếch thếch thì ai bảo tân binh sinh viên…
Sau đúng 3 tháng huấn luyện, thực hiện đúng chủ trương người ta cho chúng tôi trở về học tiếp nửa cuối trương trình.
***
Tháng 9/1981 tôi bảo vệ đồ án và tốt nghiệp đợt đầu tiên của khóa. Bốn tháng sau tôi bay ra nước ngoài trong dòng người tha hương kiếm sống.
Sau này từ khi về nước rất nhiều lần tôi đi chơi qua vùng đó, có lần cùng với em, mối tình đầu đời của tôi ngày ấy, tôi chỉ cho em chặng đường mà tôi đã hành quân từ Phùng ngược về phía Sơn Tây rồi theo đường CuBa trực chỉ hướng Xuân Mai để đến Trường sỹ quan lục quân 1.
Có lần buồn xách xe máy đi chơi tôi r
ủ mấy thằng bạn tìm vào nơi đóng quân ngày xưa. Làng xóm nghèo khổ hơn ngày tôi ở đấy. Anh chị chủ nhà đã mất khi vừa qua tuổi 50. Trong sân ngôi nhà xưa một đứa trẻ đang lê la bốc cát, mũi dãi xanh lè trên môi, quần áo tả tơi. Hỏi ra mới biết đó là con của cậu bé con anh chị chủ nhà ngày xưa đã băng đồng dẫn đường cho chúng tôi trốn đơn vị về nhà. Hỏi bố cháu đâu, đứa bé bảo bố nó đang đi kéo xe ba gác chở gạch, cát thuê ngoài thị trấn Phùng.
Lặng người đứng ở sân nhà, nhìn ngôi nhà tuềnh toàng chẳng cửa giả, tài sản, khung cảnh buồn bã đến tang thương. Nhớ ngày nào chú bé con anh chị chủ nhà biết chúng tôi đói sau buổi tập đã lấy những củ khoai cuối cùng trong nhà mang luộc cho chúng tôi ăn rồi bị bố mẹ mắng mà không dám nói đã cho ai. Tôi thấy nghẹn thắt trong tim trước cảnh cũ với phận đời những người đã một thời cưu mang chúng tôi. Chẳng biết làm gì hơn ngoài việc móc ví lấy ra số tiền đang có sau khi bớt lại một chút đủ dùng cho ngày đi hôm ấy, tôi đưa cho cháu bé sau khi đã dặn những người hàng xóm về việc tôi đến thăm. Tôi biết sẽ chẳng ai nhớ ra tôi cả vì ngày đó có biết bao những đơn vị tân binh đã huấn luyện ở đây, ở nhờ trong nhà những người nông dân này mấy tháng rồi trở về hay ra đi… Nhưng tôi cố làm một điều gì đó cho lòng mình nhẹ bớt…
Bây giờ thỉnh thoảng đi chơi qua miền đất ấy, mỗi lần đi qua kỉ niệm xưa lại ùa về. Một quãng thời gian ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa, quãng thời gian đã cho tôi hiểu sâu sắc những giá trị của cuộc sống, cho tôi học những bài học ý nghĩa nhất trong hành trình làm Người.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Link : <a href="Link URL">TÊN LINK </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhạc của tui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]