Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Vào quân ngũ (2)


“Con đi biển rộng sông dài
Đêm ngày mẹ ngóng bờ vai thêm gầy…”

(Nửa Đời Nhìn Lại 2 – Tha Phương)


Copy of scan00012

Chúng tôi quen dần với những bữa cơm lính như vậy, nhưng tuổi trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn nên không khỏi bị đói khi suốt ngày tập luyện lăn lê, bò toài mà khẩu phần ăn thì ít và thiếu chất. Lắm khi buổi chiều chưa đến giờ ăn cơm đã cài cái bát sắt tráng men (bát B52 theo ngôn ngữ của lính) cùng đôi đũa vào túi quần sau rồi mò xuống nhà bếp đại đội. Chưa có kẻng báo cơm nên bị trung đội trưởng đuổi về.

Những lúc đói chỉ mong sao anh chị chủ nhà luộc ngô hoặc khoai và mời: “Các chú ăn một củ cho vui”. Chỉ đợi có vậy là ba thằng xúm vào rổ khoai (hoặc ngô) luộc chén nhiệt tình. Nghĩ lại sau này cũng thấy ngượng vì đôi khi 3 chú bộ đội ăn hết nửa rổ khoai của gia đình.

Cũng phải nói rõ khi ấy đơn vị huấn luyện của chúng tôi đóng quân ở nhờ nhà dân vì điều kiện doanh trại chưa nhiều và lực lượng tân binh đang huấn luyện quá đông nên chỉ có cán bộ khung của sư đoàn từ cấp tiểu đoàn bộ trở lên mới ở trong doanh trại còn các đại đội đóng quân nhờ trong nhà dân, cứ 3 chiến sỹ ở nhờ một nhà. Đây chính là thời gian chúng tôi nhận ra rõ nhất về tình nghĩa của người nông dân Việt Nam. Ai cũng biết rất rõ khi ấy đất nước cùng người dân (nhất là nông dân) còn quá nghèo khổ. Cuộc chiến tranh 1954 – 1975 đã vắt kiệt đất nước này về sức người, sức của. Vừa hòa bình được mấy năm (mà thực ra đâu có hòa bình khi sau 1975 thì cuộc chiến biên giới Tây Nam đã nổ ra) bây giờ lại cuộc chiến với “người đồng chí” phương Bắc.

Dù người dân vùng quê ấy rất nghèo nhưng họ dành những gì họ có để san sẻ cho chúng tôi, từ bắp ngô, củ khoai đến cái giường ngủ…Có sống trong lòng những người nông dân như vậy mới hiểu hết tấm lòng của họ.Họ cũng bữa đói bữa no, ngô khoai là chính (nhất là nơi chúng tôi đóng quân người dân chủ yếu sống ngờ vào việc trồng hoa mầu trên đất bãi sông Hồng) nhưng sẵn sàng chia xẻ cho chúng tôi những gì họ có mà không hề đắn đo suy nghĩ.

Do là đơn vị huấn luyện quân dự bị động viên trong khi chưa có quyết định sau 3 tháng sẽ trở về học tiếp hay chuyển thẳng vào lực lượng chính quy khi tình hình chiến sự lại căng thẳng nên về quân tư trang, nhu yếu phẩm chúng tôi không được cấp phát đầy đủ nên thiếu thốn đủ thứ. Những thứ cần thiết hàng ngày như thuốc đánh răng, xà phòng…mang theo ngày nhập ngũ chẳng mấy đã hết, mua rất khó vì khi ấy những thứ đó chỉ có HTX mua bán mới có mà hầu như ở vùng quê chẳng có các mặt hàng ấy vì ở thành phố còn phải phân phối. Chúng tôi chỉ có để dùng khi có bạn bè lên thăm và gia đình gửi lên “tiếp tế” như bây giờ đi thăm nuôi tù nhân.

Bây giờ mỗi khi nhớ lại không khỏi phì cười trước cái cảnh buổi chiều sau khi ở thao trường trở về dù thời tiết cuối Đông , đầu Xuân vẫn còn rất rét trên người chỉ độc một chiếc quần đùi (xà lỏn) cả lũ quây quanh bờ giếng múc nước dội ào ào và giằng nhau bánh xà phòng để tắm gội. Có lần kể chuyện với con khi nói về bánh xà phòng ngày ấy tả mãi mà con vẫn chưa biết nó như thế nào và vì sao sau này một thời gian người ta gọi đó là “xà phòng tắm chó”. Bây giờ tôi không còn thấy nơi nào bán cái loại xà phòng ngày đó nữa. Đó là loại xà phòng của Liên Xô viện trợ có kích thước bằng ¼ hòn gạch đỏ, mầu nâu nhạt như cục đất sét, trên mặt có in số 72% (lượng xút để tẩy rửa). Loại xà phòng này dùng để giặt, sau này một số người (và chính cả bản thân tôi) khi đã sống ở nước ngoài quen gọi đó là “xà phòng tắm chó” bởi người dân Liên Xô và các nước XHCN hay dùng để tắm cho những con chó của họ, cũng như giặt quần áo bảo hộ lao động lấm đầy dầu mỡ (nhưng cũng rất ít khi dùng). Ấy vậy mà cho mãi đến những năm cuối của thập kỉ 90 ở Việt Nam vẫn còn dùng loại xà phòng đó (bây giờ thì không kiếm được ở đâu). Có lần do giằng nhau bánh xà phòng để tắm gội do trơn, tuột tay bánh xà phòng duy nhất rơi tõm xuống giếng thế là mấy thằng quay ra chửi nhau loạn xạ vì ngày mai không có để mà dùng.

Sau này nhiều khi nghĩ lại những ngày tháng trong quân ngũ đã rèn luyện cho tôi nhiều đức tính tốt đẹp, ý thức tổ chúc kỉ luật, tình yêu thương gia đình, quê hương đất nước, sự sẻ chia gian khổ, thiếu thốn với đồng đội, đồng loại…Cho đến tận bây giờ tôi vẫn giữ được thói quen khi ngủ dậy tháo màn cho vào chăn gấp thật gọn, thật vuông vức, điều mà bất cứ ai đã bước chân vào quân ngũ cũng đều phải học, phải làm…

Nói đến chuyện gập chăn màn, ngày ấy khi huấn luyện thỉnh thoảng có những lần báo động đêm, báo động để tập luyện đêm hay báo động chuyển quân…Mỗi khi có kẻng báo động dù đang ngủ say như chết cũng phải vùng dậy, thu gọn chăn gối, quân tư trang cho vào balô, xỏ giầy buộc chặt dây, đeo balô xách súng chạy ra địa điểm tập trung. Tất cả chỉ trong vòng 5’. Nếu không nhanh không kịp hay bỏ sót thứ gì khi trung đội trưởng kiểm tra không đủ thì bị kỉ luật đi lao động ngày nghỉ. Báo động lúc giả, lúc thật, chẳng may nếu chuyển quân đi nơi khác mà bỏ quên thứ gì thì…đừng dùng nữa.

Trời mùa đông rét mướt, khi ngủ chui sâu trong chăn, lúc vùng dậy cuống quýt vội vàng thu dọn tránh sao khỏi sơ xuất. Nhiều khi dây giầy buộc không chặt vừa chạy một tí đã tuột, dẫm cả vào dây giầy, vấp ngã dúi dụi. Lắm khi biết trước có khả năng báo động đêm chúng tôi mặc sẵn quần áo (mùa đông nên càng ấm) đi cả giầy ngủ, chui vào màn, đắp chăn nhưng hai chân thò ra ngoài, khi có báo động chỉ vùng dậy tháo màn, quấn chăn và cho vào balô rồi chạy.

Đơn vị chúng tôi đóng quân khi đó chỉ cách Hà Nội chừng hơn 30km nhưng ngày ấy đi lại khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. Từ bến xe Kim Mã lên đến Phùng cả ngày chỉ có mấy
chuyến ô tô khách, đến thị trấn Phùng phải đi bộ theo đường đê vào độ 7 – 8 km nữa. Dù khoảng cách không xa nhưng do điều kiện đi lại, thời gian, tài chính…nên người thân cũng ít có điều kiện lên thăm còn chúng tôi do kỉ luật quân đội nên không được về nhà. Mới 2 tuần xa nhà thôi mà sao nhớ nhà da diết, nhớ bố mẹ, anh chị em, người yêu, nhớ đến ngôi trường, con phố mỗi ngày đi qua…Tuổi 18 tâm hồn trong veo và đầy lãng mạn nhưng cũng còn rất trẻ con ấy dù cố gắng đến mấy nhưng cũng không thể chịu đựng lâu hơn được nữa. Mấy thằng cùng lớp chúng tôi quyết định trốn đơn vị về nhà.

Thời gian biểu trong quân đội khi ấy như sau: Từ thứ 2 đến thứ 6: 5h00 sáng kẻng báo thức, tất cả vùng dậy chạy ra sân kho HTX (do đóng quân ở nhà dân) tập thể dục. 6h00 quay về nhà, vệ sinh cá nhân, 6h45 tập trung ăn sáng, 7h30 ra thao trường tập luyện đến 11h00. Ăn trưa và nghỉ ngơi đến 13h30 tiếp tục tập luyên đến 16h30. Trở về tắm giặt, 17h30 ăn chiều, nghỉ ngơi. 19h30 sinh hoạt đơn vị, đọc báo, nghe thời sự, chính trị. 20h30 điểm danh toàn đơn vị. Riêng ngày thứ Bẩy sau khi ăn chiều được tự do đi chơi không phải điểm danh cho đến 20h00 ngày Chủ Nhật điểm danh toàn đại đội (trừ trường hợp có báo động khẩn cấp).

Nắm được lịch rồi, chúng tôi đợi xong buổi tập chiều thứ Bẩy, từ thao trường trở về nhà cất súng ống, rửa sơ mặt mũi chúng tôi theo chú bé con anh chị chủ nhà (do đã hẹn từ trước) chạy luồn trong xóm ra cánh đồng và cứ theo cháu luồn qua các bờ ruộng ngô, khoai chạy thục mạng để hy vọng ra kịp bến ô tô bắt chuyến xe cuối cùng về Hà Nội.Sở dĩ chúng tôi không dám đi đường đàng hoàng vì trên các ngả đường vào làng, đường liên thôn, xã thường có các trạm vệ binh canh gác nhằm ngăn chặn quân nhân bỏ ngũ trốn về nhà (ai được phép về hay đi lấy lương thực, thực phẩm phải có giấy của chỉ huy đơn vị). Sau một tiếng đồng hồ chạy thục mạng chúng tôi cũng vượt qua được hơn 7km đường đồng để ra kịp bến xe khi trời đã tối (mùa Đông trời tối sớm) và lấp sau bờ tường một quán nước bỏ hoang chờ khi xe ô tô khách tới. Sở dĩ phải nấp vì nếu quân cảnh đi tuần bắt được đang trên đường bỏ ngũ thì…rồi đời.

Hà Nội thân yêu đã ở trước mặt sau gần một giờ xe chạy (ô tô khách ngày ấy chạy như công nông bây giờ). Mới 2 tuần mà sao như đã hàng năm xa cách. Xuống xe cuốc bộ 5km nữa mới về đến nhà. Ngày ấy chưa có xe ôm và taxi như bây giờ, ô tô bus cũng còn khá hiếm. Dù đói và mệt (vì bỏ bữa cơm chiều) nhưng sao lòng hân hoan đến thế, chỉ lát nữa thôi sẽ được gặp bố mẹ, anh chị em…

Về đến đầu ngõ gặp đúng lúc mẹ đi ra, trong ánh sáng nhập nhoạng của ánh đèn đường từ ngoài phố hắt vào, mình bước vội đến bên ôm chầm lấy vai mẹ, phải đến lúc mình nói mẹ mới nhận ra con trai. Cũng phải thôi, bộ quân phục rộng thùng thình, cái đầu gần như trọc lốc khác xa với hình ảnh đứa con trai mà mẹ vẫn quen nhìn thấy. Cuống quýt mẹ lập cập quay về, khi biết đưa con trai chưa kịp ăn gì từ trưa, mẹ vội vã đi châm bếp dầu (loại bếp này bây giờ hiếm người dùng) nấu cho con bát mì sợi “không người lái” với duy nhất một quả cà chua.

Mẹ yên lặng ngồi nhìn mình ăn bát mì, gương mặt như giãn ra. Đời mẹ nặng những lo toan và đau khổ. Bốn đứa con trai, đứa lớn nhất năm 1972 cầm súng lên đường chưa trọn một năm đã mãi mãi không về, con trai cả đã vĩnh viễn nằm lại với đất ở đâu đó bên kia vĩ tuyến 17 mà người ta báo là: “mai táng ở nghĩa trang mặt trận phía Nam”. Gần bẩy năm sau ngày nhận giấy báo tử con trai đầu, đứa thứ hai lại lên đường, giờ đang cầm súng tiễu phỉ Fulro đâu đó trong rừng sâu Tây Nguyên chưa biết khi nào trở về. Đứa con trai thứ 3 vừa từ đơn vị trở về, lấm lem và nhếch nhác, mặt phờ phạc vì đói mệt đang ngồi trước mặt mẹ ăn ngấu ngiến bát mì sợi như một con ma đói. Nhà chẳng còn miếng thịt nào, quả cà chua, nửa thìa café mỡ, tí tẹo mì chính cho bát mì. Ăn đi con, nhà chỉ còn có vậy…

Mẹ ơi! Cuộc đời mẹ đã trải qua bao nhiêu nhọc nhằn gian khổ, từ một bà chủ cửa hiệu may mặc lớn trên đất Hải Phòng trở thành "dân nghèo thành thị" ở Thủ Đô, mưu sinh bằng đủ mọi thứ nghề từ gánh nước thuê, đập đá, làm xã viên HTX thủy tinh...gom nhặt từng mẩu củi, hòn than, bớt từng nắm gạo mỗi bữa để dành nuôi chúng con. Ba đứa con trai vừa 18 tuổi, rời ghế nhà trường lần lượt thay nhau lên đường cầm súng. Một lần khóc con đã quặn thắt lòng. Nếu cuộc chiến lại nổ ra lần nữa liệu hai con trai mẹ đứa đang ở Buôn Mê Thuột, đứa đang ngồi đây có đứa nào...lại không về?

(còn nữa)

P/s: Trong hình ở entry trước là ảnh Lợi Trần chụp cuối tháng 2/1980. Tết Canh Thân (khi được đơn vị cho về ăn Tết cùng gia đình). Ảnh chụp trước cửa nhà. Chẳng ai có thể hình dung nổi đây là ngôi nhà gia đình Lợi Trần ở trong thập kỉ 80 giữa lòng HN. Xin mọi người đừng cười khi thấy nó giống cái...lều vịt.

Cám ơn chú Nhân đã giữ gìn bức ảnh này để sau hơn 32 năm mình lại được nhìn lại hình ảnh mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Link : <a href="Link URL">TÊN LINK </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhạc của tui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]