Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Sống trong đời sống...

Tập tin:Trinhcongson.jpg


 Hôm trước vừa viết mấy dòng về người nhạc sỹ họ Trịnh khi nói về bia rượu. Tại sao tôi lại nhớ về người nhạc sỹ tài hoa ấy nhiều trong những lúc tôi buồn đến như thế nhỉ? Chẳng rõ nguyên cớ lắm. Có thể vì tôi thích nhạc của anh, những giai điệu da diết, mềm mại và sâu lắng. Những ca từ đầy tính nhân văn, và chịu ảnh hưởng rất nhiều của triết học Phương Đông. Nhưng tựu trung chúng được khởi nguồn từ một tâm hồn, một tấm lòng của một con người đã dành trọn cuộc đời mình để đánh thức tình yêu, lương tri con người khi dân tộc tôi, đất nước tôi đã và đang đi qua những đổ vỡ, chết chóc của chiến tranh, những chia ly trong trốn chạy và những loay hoay tìm kiếm, hàn gắn và dựng xây.

Tôi biết đến nhạc Trịnh khi vừa hết tuổi vị thành niên, từ những cái đĩa nhựa mầu dùng cho máy quay đĩa, hay những cuộn băng cối dành cho dàn TEAC mà người ta mang ra từ miền Nam sau năm 1975. Tôi đã được nghe những ca khúc da vàng trong Sơn Ca 7 qua giọng ca Khánh Ly. Ngày ấy nhạc Trịnh còn chưa được phổ biến như bây giờ và đôi lúc tìm được những cuốn băng, cái đĩa ấy rất khó, nhưng không hiểu tại sao với chừng ấy tuổi tôi đã mê mẩn với nhạc Trịnh. Người nhạc sỹ ấy đã nói đến những vấn đề mà cho đến bây giờ và chắc còn rất lâu về sau (tôi chưa dám nói là mãi mãi) con người ta vẫn còn phải day dứt, băn khoăn, chiêm nghiệm và hướng tới.
Sống gần năm mươi tuổi trời, đã trải qua quá nhiều thăng trầm, bước qua những đổ nát, mất mát của chiến tranh, những đổ vỡ lòng tin, những băng hoại của các giá trị trong thời buổi thực dụng, đôi lúc tôi thấy mệt mỏi và tuyệt vọng. Những lúc ấy trong tôi lại vang lên câu hát: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng. Lá mùa thu rơi rụng suốt mùa đông...”
Bố mẹ tôi năm nay đã ngoài tám, chín mươi, trong những năm tháng cuối cùng sống trên cõi đời này vẫn day dứt khôn nguôi “còn câu hỏi nào cho bố mẹ tôi khi bây giờ với chừng ấy tuổi bần thần nhìn lá vàng còn ở trên cây?”. Câu hỏi ấy càng xót xa thêm khi nhớ đến năm 1975 (3 năm sau khi anh tôi nằm lại trên cổ thành Quảng Trị) tôi đã nghe câu ca của Trịnh: “...Khi đất nước tôi không còn chiến tranh, mẹ già lên núi tìm xương con mình...” Mẹ tôi sẽ tìm ở đâu đây, khi trên cái giấy báo tử anh tôi người ta chỉ ghi “Mai táng tại nghĩa trang mặt trận phía Nam”?
“… Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm, tôi sẽ đi thăm những nghĩa địa buồn, đi xem mộ bia nhiều như nấm…”
Những ngày tháng 7/2007 khi mấy anh em tôi dắt nhau đi dọc triền sông Thạch Hãn (trong địa phận tại xã Quảng Trị) để thắp những nén nhang cho những người nằm xuống trong cuộc chiến 1972 ( lần thứ 3 tôi vào đây) cũng như khi leo lên tháp chuông (nghe đâu cái chuông ấy đánh không kêu) và khi đứng trước bức tường trường Bồ Đề đổ nát nham nhở, lỗ chỗ những vết đạn trong tôi là ý nghĩ : Những người lính Việt Nam nào người cầm súng AK47 của Liên Xô, Trung Quốc, người cầm súng AR15 của Mỹ đứng ở hai bờ chiến tuyến nhằm bắn nhau, để rồi tất cả nằm lại ở nơi này? Ôi Trịnh Công Sơn: “…Mẹ trông con mau bước về nhà, mẹ mong con lũ con đường xa, ôi lũ con cùng cha quên hận thù…”
Vong linh những người lính ấy giờ đây có còn mang trong lòng thù hận không khi chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm?
“ Lại gần, gần lại với nhau, ngồi kề bên nhau/ Đừng bỏ tôi đi hai mươi năm rồi…Mong những gì, mong một ngày giấc ngủ bình yên. Lại gần, gần lại với nhau, ngồi kề bên nhau từng hạt thương đau…Sao còn buồn, sao còn thù, tủi hờn đất đen/ Gọi thầm tên anh, gọi thầm tên em/ Thù hận xin quên, đây quê hương mình…’’
Trong quá trình đi tìm những thông tin về anh mình tôi có biết một người bạn trẻ sinh ra sau chiến tranh cũng mất người thân đã cùng bạn bè lập ra một trang web để giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh có thêm thông tin trong quá trình tìm kiếm, và trong các thông tin có sự sai sót chút ít về địa lý (cũng là khách quan khi lấy thông tin từ nguồn khác mà không kiểm tra lại) mà bị một người lớn tuổi phê phán bằng những từ ngữ có phần quá nặng nề, chợt thấy thật buồn. Họ là những người phụ nữ, cùng có chung một mục đích tốt đẹp là giúp những người đã mất người thân trong chiến tranh tìm kiếm những thông tin, những hài cốt, phần mộ của những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến ấy. Vậy mà vì chuyện rất nhỏ đó thôi họ lại xử sự với nhau thế sao? Vong linh những người lính dưới suối vàng chắc lòng cũng quặn đau. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”
Hơn bốn mươi tuổi trời đã qua đi, những lời ca của anh vẫn theo tôi trong đời, trong mối tình đầu đời và những mối tình sau đó, những day dứt, xót xa khi chia tay nhau, những ân tình mang nặng…Để rồi một chiều mưa buồn trong quán café lòng chợt chùng xuống buồn mênh mông khi nghe câu hát : “Có chút tình thoảng như gió vội/ Tôi chợt nhìn thoảng nhận ra tôi/ Muốn một lần tạ ơn với đời…”
Đúng ! Trong cuộc đời này chúng ta mang nợ nhiều quá. Nợ ơn nghĩa sinh thành, nợ tình nghĩa thuỷ chung, nợ tấm lòng yêu thương chân thành của một bóng người đã đi qua đời mình. Làm sao trả nợ được đây, dẫu “có một tấm lòng”?
“Hai mươi năm xin trả nợ người/ Hai mươi năm xin trả nợ dài…Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu/ Trả nợ một đời không hết tình đâu…”
Ngày nào hơn hai mươi năm trước đây khi cất bước tha phương tôi đã buồn nhớ đến day dứt quê hương mình và những lời ca của anh cũng theo tôi đến phương trời tuyết trắng, để trong lòng trống vắng hiu quạnh đã tìm quên trong hơi men.
“Rồi một lần kia khăn gói đi xa, tưởng rằng mình quên thương nhớ nơi quê nhà…Đường nào dìu tôi đi đến cơn say/ Một lần năm mơ tôi thấy tôi qua đời/ Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy/ Giật mình tỉnh ra ô nắng lên rồi…”
Trịnh Công Sơn, giờ đây anh đã trở về cát bụi, rong chơi trong cõi vô thường nhưng những gì anh đã để lại trên cõi đời này vẫn mãi mãi làm cho nhiều con tim day dứt, người ta sẽ vẫn hát những ca khúc của anh, vẫn phải suy tư trước những ca từ đầy tình người ấy và thấy rằng mình thật nhỏ bé trước tâm hồn anh, để rồi tự hỏi lòng mình rằng mình đã sống trong đời bằng một tấm lòng chưa?
“ ..Một đêm bước qua thành phố lạ, thành phố đã đi ngủ chưa, đời ta có khi tự lá cỏ…Nhiều khi thấy ta là đứa trẻ…”


                                                                                     (Entry viết 2007 chuyển từ yahoo blog sang)





9 nhận xét:

  1. Lúc anh HAI mang NHẠC SĨ sang , em nghe ông ấy nói:- Đi đâu loanh quanh cho đời ...mỏi mệt !
    và em nói: - không phãi đâu anh HAI tui sang đây để " nửa đời ...nhìn lại " thôi mà !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. và cũng để cho nhạc sĩ thấy ông luôn đồng hành với người dân Việt trong quá khứ cũng như tương lai. Có ông dù "Nửa đời nhìn lại" hay "Cả đời" đi nữa vẫn quý trọng và gần gũi với ông.

      Xóa
  2. Hôm trc sang đọc bài này, rồi lẳng lặng đi về. hôm nay sang đọc lại..rồi nói câu này rồi..về!...

    Trả lờiXóa
  3. Ngày mai cô ÚT lại sang và : đọc bài này ...rồi về ..rồi ngày mốt ...rồi về . he he hay thiệt !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. - To co Ut: Kho hieu qua Ut oi.
      - To chu Tu: Chu biet vi sao vay khong? Anh chang hieu gi ca.

      Xóa
    2. Hai anh ơi! k có gì khó hiểu đâu! chỉ là em k nói dc gì, nói thì sợ ...HÂM nên đành ra về thôi! hìhì! nhà có đứa em HÂM rắc rối nhỉ! thôi 2 anh "chịu khó" kèm theo "khó chịu" vậy nhé!..
      Mong "bão " sớm qua đi....

      Xóa
  4. @: anh HAI -em không hiểu tí nào !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đành phải tin theo sự giải thích của cô ấy.

      Xóa
    2. Em thề nói thật lòng!
      Anh HAI k hiểu em sao??

      Xóa

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Link : <a href="Link URL">TÊN LINK </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhạc của tui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]