Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2008

Đưa con vào Miền Trung

Vậy là bố đã quyết định đưa các con đi Miền Trung. Việc này không chỉ đơn thuần là đi chơi mùa hè, không chỉ là ngắm biển xanh cát trắng và nghe tiếng rì rào, réo rắt của ngàn cây trên bãi biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh), những giai điệu của thiên nhiên tha thiết như tiếng đàn trời, hay những kì vĩ của di sản thiên nhiên thế giới với những nhũ đá hàng triệu năm hay con sông ngầm dài nhất thế giới trong hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) hoặc di sản Cố đô Huế với Hương Giang trầm tư và mơ mộng chứa trong lòng nó bao nhiêu biến động của những triều đại phong kiến cuối cùng trên đất nước này…

Hơn tất cả những điều ấy, bố muốn các con biết thêm về lịch sử, lịch sử đất nước gắn liền với lịch sử của chính gia đình mình.

Các con sẽ được chứng kiến cái nắng chói chang trên đến nhức cả mắt trên cát trắng Miền Trung, nơi 36 năm trước đây bác của các con lầm lũi hành quân trong cơn khát, nơi gió Lào thổi rát đến khô rang mọi thứ và bác con cùng đồng đội dốc bi đông đến giọt nước cuối cùng cũng chỉ đủ làm mềm bờ môi khô cháy.

Bố muốn các con đứng bên bờ sông Bến Hải nhìn cây cầu Hiền Lương cũ kĩ bắc qua con sông hiền hoà và thơ mộng ấy và tự tìm hiểu xem tại sao có mấy nhịp cầu sắt chỉ 198m chiều dài mà chúng ta phải mất 20 năm để bước qua nó, cũng như bản thân cái tên của cây cầu hiền lành như vậy đã phải chứng kiến những thù hận như thế nào.

Chúng ta sẽ đi qua Dốc Miếu, nơi để vươt qua được điểm cố thủ này trong cuộc chiến 1972 không biết bao nhiêu người lính Miền Bắc đã phải nằm lại và thị tứ Ái Tử nơi ngày xưa có căn cứ và sân bay lớn của quân đội Mỹ để đánh chiếm được nó rất nhiều đồng đội của bác con đã cống hiến tuổi thanh xuân và sinh mạng mình ở nơi này. Để suốt hơn ba mươi năm sau chiến tranh những bà mẹ mất con trong cuộc chiến tại đây chỉ biết thấm những giọt nước mắt già nua vào vạt áo nâu sồng khi không tìm nổi mộ phần con mình và nấc nghẹn vì Yêu con.

Nhưng phần quan trọng nhất trong hành trình này là chúng ta sẽ đến sông Thạch Hãn với cổ thành Quảng Trị, nơi bác con đã mãi mãi nằm lại đâu đó bên bờ Nam con sông này. Bố cùng các con sẽ thắp hương ở đài tưởng niệm ở đầu cầu phía Bắc, nơi cả trung đội Mai Quốc Ca anh hùng đã ngã xuống. Những giọt máu rơi vào chảo lửa trên đài tưởng niệm sẽ giúp các con hiểu hơn về sự khốc liệt của cuộc chiến ấy. Chúng ta sẽ ra bờ sông thả hoa xuống dòng nước viếng bác con cùng đồng đội của bác. Dòng sông trong xanh và hiền hoà lắm, sóng gợn rất nhẹ (chú Nhân nói sóng như những bàn tay người lính dập dờn cầm những bông hoa và những đồng tiền vàng bố và chú ấy thả xuống trong lần đi tháng Ba vừa rồi). Các con không thể nào nghĩ rằng cũng dòng sông này mùa hè 1972 nó đã là một dòng sông máu, máu của những người lính đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước.

Bố sẽ giải thích cho các con Thạch Hãn là nước mắt của đá. Chẳng hiểu vì nguyên cớ gì mà người xưa đã đặt tên cho con sông như vậy. Nó là nước mắt của đá núi Trường Sơn, hay nước mắt của những bà mẹ đã hoá đá vì khóc thương chồng con đã bỏ mình trong bao cuộc chiến tranh suốt chiều dài lịch sử dân tộc mình?

Con sẽ được chứng kiến Cổ thành Quảng Trị với sự đổ nát như thế nào trong cuộc chiến qua vết tích còn sót lại, hay là những mảng tường trường Bồ Đề nham nhở những vết đạn bom, hướng dẫn viên bảo tàng sẽ làm con bật khóc khi họ nói: Hãy nhẹ bước chân và vui lòng nói khẽ, dưới chân của các các bác, các anh các chị là hài cốt, là linh hồn của hơn mười nghìn chiến sỹ giải phóng mà không ai có nổi một mộ phần…Các con sẽ hiểu tại sao bố, các bác, chú…đều ứa nước mắt khi đọc đến câu thơ:

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ…” Tất cả sẽ cho các con hiểu lịch sử đã phải trả giá bằng máu đắt như thế nào.

Mỗi một cuộc đi xa chúng ta đều học được những điều bổ ích nào đó. Những điều các con học được trong chuyến đi này sẽ rất khác với những gì các con học qua những trang sách…

Bố tin các con đã lớn và đủ khả năng cảm nhận được những điều ấy nên không cần phải nói gì thêm nữa. Hãy xắp xếp thời gian và đồ dùng, mấy hôm nữa chúng ta lên đường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Link : <a href="Link URL">TÊN LINK </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhạc của tui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]