Thứ Năm, 29 tháng 5, 2008

Sinh Nhật Con 28/5



Bố không biết phải nói với con điều gì nhân sinh nhật của con. Bây giờ con đã lớn. Hai mốt tuổi, con đã là một chàng trai, đã rời khỏi vòng tay bố mẹ từ lâu. Có thể con tự nghĩ mình đã trưởng thành và làm bất cứ điều gì con muốn. Nhưng với bố mẹ, con vẫn chỉ là một cậu bé còn dại khờ và bố mẹ luôn dõi theo từng bước đi của con để uốn nắn và nhắc nhở kịp thời, bởi cuộc sống không hề giản đơn. 


Hai mốt năm đã trôi qua kể từ ngày con cất tiếng khóc chào đời trên một đất nước Trung Âu xa xôi, có khi nào con tự hỏi suốt trong quãng thời gian ấy có những kỉ niệm gì đáng nhớ? Hôm nay bố muốn kể vài kỉ niệm nho nhỏ từ khi con sinh ra cho đến lúc con đi học. Chỉ vài kỉ niệm nhỏ thôi trong số muôn vàn những kỉ niệm về con đang ùa về trong bố. Những kỉ niệm mà chắc rằng trong kí ức của con không thể lưu giữ được vì lúc ấy con còn nhỏ lắm.

Có thể mai này con sẽ hỏi vì sao/ Con sinh ra giữa trời Âu tuyết trắng/ Chứ không phải ở quê nhà đầy nắng?/ Cha biết trả lời sao...

Đấy là những câu thơ bố viết cho con khi con vài tháng tuổi. Ngày ấy bố nghĩ có thể sẽ có lúc con hỏi câu đó. Nhưng con đã không cần phải hỏi. Đôi khi trong những câu chuyện thường nhật ở gia đình giữa bố mẹ với ông bà, các bác, con đã biết được vì sao.

Có phải vì cuộc sống lắm gian lao/ Rời xứ sở cha đi tìm hạnh phúc?/ Lên phi cơ mà lòng cha đau tức/ Cha xa rời xứ sở tại vì sao?

Ngày bố ra đi quê hương mình còn đói nghèo, đến gạo còn chẳng đủ phải ăn độn đủ thứ như ngô, khoai, sắn và thậm chí cả hạt BoBo (một loại hạt chỉ dành cho gia súc) nói chi đến thịt, cá.

Bằng tuổi con bây giờ, sau khi học xong không xin được việc làm, bố chấp nhận ra đi, ra đi để tìm đường cứu mình, cứu gia đình chứ đâu phải là cứu nước thoát khỏi cảnh đói nghèo (dù đôi khi trong diễn thuyết người ta vẫn nói rằng sang đó học tập, làm việc nâng cao trình độ để mai kia về phục vụ đất nước). Bố như mọi người trong dòng người ra đi lúc ấy, chỉ khác là bố không tìm mọi cách “chạy chọt” để ra đi mà thôi vì lúc ấy bố thừa tiêu chuẩn để đi nước ngoài theo quy định. Hai bác trai con, người đã nằm xuống trong cuộc chiến tàn khốc tại Cổ thành Quảng Trị năm 1972, người lúc ấy đang cầm súng tiễu phỉ Fulrô ở đâu đó trong rừng sâu Tây Nguyên, vì thế người ta “không cần” bố vào lại quân đội dù đã được huấn luyện.

Sau gần 20giờ bay (nghỉ giữa chặng ở Karachi – Pakistan) bố đặt chân mình lên đất Berlin và từ đó chuyển tầu liên vận sang Praha.

Những ngày đầu ở đó khi vào siêu thị mua thực phẩm, đứng trước bạt ngàn những đồ ăn thức uống ngon lành, những con gà làm sạch đã chặt bỏ chân, đầu, những miếng thịt lơn, thịt bò đỏ hồng đóng gói trong hộp bọc nilon...bố đã đứng lặng và ứa nước mắt.

Con có thể tự hỏi sao có thế mà phải khóc. Bố khóc vì tất cả những gì nơi quê hương bất chợt ào về trong bố, dữ dội và tàn nhẫn. Đó là hình ảnh bà nội của con với chiếc áo cánh nâu, cái nón cũ kĩ đi xếp hàng cả buổi trưa dưới trời nắng chang chang để mua một mớ rau, khi xe rau về đám người phía sau tràn lên chen lấn, xô đẩy vì nếu xếp hàng đợi đến lượt thì hết hay họ mua thêm để bán lại. Bà nội con sức yếu, người nhỏ bé bị chen rách cả áo và bẹp nát cái nón trở về với hai mớ rau mua được cũng tả tơi không kém.

Đó vẫn là hình ảnh bà đêm trước ngày Chủ Nhật đem mớ tem phiếu thực phẩm ra bảo các con xem lại còn ô nào mua thịt, ô nào mua đậu phụ...Bà chuẩn bị sẵn để 4h sáng mai trở dậy đi xếp hàng mua. Tai sao lại phải thế? Bà đi sớm xếp hàng để mong mình trong số những người đứng đầu như thế mới có cơ mua được ít thịt thủ, hay mua được chân giò...Những thứ mà bây giờ hình như các con chẳng muốn ăn, nhưng ngày ấy phải chầu chực để mua đơn giản chỉ bởi vì nửa kg trên tem phiếu sẽ được thành một kg nếu mua thứ đó.

Đó chính là hình ảnh bố khi nấu cơm lúc bà đi làm vắng chỉ dám nhúng ướt đầu đũa rồi chấm vào lọ mì chính cho dính ít cánh và nhúng vào nồi canh rau theo lời bà dặn mà không thể cho nhiều hơn vì cả tháng khẩu phần cả nhà chỉ có nửa lọ Pelecinin mì chính (chứ không phải như bây giờ ăn ít vì nó có hại)

Đó là cảnh những bữa cơm hàng ngày ông bà chỉ dám ăn lưng bát một cách chậm chạp, nhường phần cho mấy đứa con đang tuổi lớn ăn đến bát thứ ba, thứ tư...

Tại sao bố lại lan man nói chuyện này? Vì bố muốn con hiểu bố đã phải cân nhắc, phải day dứt bao nhiêu khi đưa con trở về nước lúc biết rất rõ quê hương mình vẫn còn đói nghèo như ngày bố ra đi.

Bố quen và yêu mẹ con trong cái buồn day dứt của những đứa con Việt Nam sống nơi xứ người như thế. Bố mẹ đã cưới nhau sau bốn năm trời quen biết, yêu nhau và một năm sau thì sinh con.

Ngày con ra đời là một ngày đầy nắng (con sinh ra lúc 18h30’ ngày 28/5 nhưng do ngày hè bên đó dài, khoảng hơn 21h mới hoàng hôn) và khi đó những quả anh đào đầu mùa cũng vừa chín. Đúng ngày sinh con thì bố không có mặt ở đó vì theo dự tính của bác sỹ mẹ sẽ sinh vào ngày 01/6. Hôm ấy bố được báo mẹ con đã vào viện. Hôm sau bố vẫn đi làm bình thường vì biết có xuống ngay chỗ mẹ con thì cũng không giải quyết được vấn đề gì vì người ta cách ly không cho vào. 10h sáng ngày 29 đang làm việc thì bố nhận được điện thoại là mẹ đã sinh con lúc chiều qua. Tất cả những người bạn cả Việt, Tiệp, BaLan cùng làm việc với bố xúm vào bắt tay chúc mừng. Bố bối rối ngượng ngùng vì lần đầu được làm cha. Phá luật cấm, xếp của bố cho phép bố chạy ra mua chai rượu vào để tất cả uống mừng. Đó là những giây phút hạnh phúc nhất trong đời bố. Được nghỉ ngay sau đó bố ra ôtô xuống với con.

Chắc chắn trong kí ức của con sẽ chẳng có gì về nơi sinh ra bởi con trở về VN khi còn rất nhỏ. Đó là thành phố Cesky Brod (ngoại ô thành phố KoLín - một thành phố lớn cách Praha khoảng 20km). Khi bố đến thăm hai mẹ con, người ta cũng chẳng cho vào và bố cũng chỉ đứng ở dưới nhìn lên nói chuyện với mẹ con qua cửa sổ tầng 2. Bố trở về đi mua xe đẩy, nôi và vài thứ lặt vặt còn thiếu...Mãi đến ngày 05/6 bệnh viện mới cho xe đưa hai mẹ con về.

Có thể mai này con sẽ hỏi vì sao/ Cha lại đổi lời ru thành điệu nhạc/ Hay cha đã quên rồi câu lục bát/ “ Ta về ta tắm ao ta...”?

Con được mấy tháng thì mẹ đi Hungari cùng cả đoàn, bố xuống trông con. Kí túc xá vắng tanh vì mọi người đi hết. Bố bật nhạc cho con nghe và tranh thủ đi giặt, con đã biết tự nằm chơi một mình không quấy khóc đòi bế. Buổi tối nhớ mẹ con khóc nhiều hơn dù bố đã cho con ăn, bế con trên tay hát ru mãi nhưng con chẳng chịu ngủ, chợt nhớ ra vì sao như thế nên bố đã đặt con vào nôi và lấy bộ quần áo ngủ của mẹ đang mặc dở vẫn để đầu giường đặt bên cạnh gối của con. Cảm nhận được hơi mẹ từ bộ quần áo, con đưa tay quờ kéo bộ quần áo và rúc mặt vào đó tìm hơi mẹ. Lát sau con đã ngủ...

Con được 10 tháng thì chỗ mẹ xảy ra những chuyện trục trặc, sau khi cân nhắc một tuần bố quyết định xin về nước để đưa hai mẹ con về. Đây là một quyết định rất khó khăn với bố, bởi khi ấy tình hình trong nước vẫn hết sức thảm hại, người trong nước tìm đủ mọi cách để ra đi mà bố lại xin về, trong khi bố có thể đưa hai mẹ con lên chỗ bố cùng sống. Nhưng như bố đã viết trong bài thơ “Rồi mai cha sẽ đưa con về”. Bố không muốn con phải tha hương nơi đất khách trong khi còn có quê hương, ông bà, nguồn cội...Bố không muốn mai kia con trở thành người công dân chẳng ra Tiệp, chẳng ra Việt Nam.

Chuyến bay đưa gia đình mình trở về hạ cánh xuống phi trường Nội Bài vào một ngày đầu Xuân vẫn còn se lạnh. Từ cửa sổ nhìn xuống khi máy bay đang hạ dần độ cao bố cứ ngỡ do trục trặc kĩ thuật gì đó nên máy bay phải hạ cánh xuống cánh đồng. Chỉ thấy toàn ruộng là ruộng, thi thoảng có những nếp nhà nâu xám mầu mái rạ như những chiếc nấm lẻ loi, có vài con bò nâu vàng nhỏ xíu đang gặm cỏ. Cảnh vật quê hương vẫn nghèo nàn như ngày bố ra đi...Bố thấy thay vì mừng vui nước mắt lại dâng lên vì chưa biết bao giờ con sẽ có được những tháng ngày sung sướng. Nhưng cảm giác đó qua nhanh, bố mừng vì ít phút nữa thôi con sẽ có được những tình yêu thương vô bờ từ ông bà, các bác, chú, cậu... 

Cửa máy bay mở ra, con được ưu tiên xuống trước. Người tiếp viên hàng không để con ngồi nguyên trong chiếc xe đẩy bê cả xe đi từng bậc cầu thang và đặt xuống đường băng. Con đã “đặt chân” lên mảnh đất quê hương mình như thế đó. Đằng xa kia là các bác đang vẫy tay chào đón. 

Cửa kiểm tra hải quan, bao nhiêu thủ tục phiền hà, người ta hoạnh hoẹ bố mẹ đủ điều. Nào là sao mang lắm thuốc lá thế (có ba tút thuốc vừa để hút vừa để làm quà), nào là những bức ảnh quảng cáo của hãng thuỷ tinh trang sức nơi bố làm việc là ảnh kiêu dâm (vì có hình nửa người phụ nữ không mặc áo mà chỉ che bằng tấm khăn voan). Bố phát cáu vì những điều vớ vẩn ấy trong khi con vì sợ hãi, vì mệt đã khóc thét lên. Tức mình bố bế con ra khỏi xe và đặt luôn lên mặt bàn kiểm tra hành lí trong khi đám đồ còn tung toé, may mà con được đóng bỉm chứ cứ như trẻ con VN lúc đó chắc con đã tè ướt cái bàn ấy rồi, mà có khi lúc ấy con “tè” ra bàn lại hay.

Mọi việc rồi cũng qua khi bố chia cho người ta một vài thứ: Vài bánh xà phòng thơm, mấy bao thuốc lá...Riêng mấy bức ảnh quảng cáo mang về làm kỉ niệm bất chợt bố hiểu rằng nó không phải là văn hoá phẩm đồi trụy gì khi người nhân viên kiểm tra nói nhỏ vào tai bố: “Anh cho tôi xin một tờ, ảnh đẹp quá”

Ở nhà đã thuê một cái xe Uoát ra đón (khi ấy cũng là hoành tráng lắm rồi, dù bây giờ nghĩ lại nó cũng chỉ hơn cái xe công nông một tí) và con được đưa về bà ngoại trước (phải như thế con ạ vì sau đó bà nội xuống xin phép bà ngoại đón hai mẹ con về)

Có thể mai này con sẽ hỏi vì sao/ Bạn bè cha có người không trở lại/ Họ chạy trốn quê hương vì sợ hãi/ Hay là vì cô gái mái tóc nâu?/ Con yêu dấu, con muốn hiểu vì đâu/ Mai khôn lớn tự tìm lời giải đáp/ Con hãy tin rằng lòng người ai cũng nát/ Khi xa rời xứ sở sống tha hương.

Những ngày đầu trên quê hương trong nỗi vui mừng đoàn tụ rồi cũng qua nhanh, cuộc sống mưu sinh nhanh chóng kéo bố mẹ vào guồng quay của nó. Nhưng rồi vất vả cũng qua đi, chẳng mấy con đã vào lớp Một.

Kỉ niệm đáng nhớ nhất khi con đi học lớp Một là lần bố về muộn không đón con kịp. Trường xa nhà 6km (xin vào trường điểm mà), hàng ngày bố đưa con đi học bằng xe máy, qua bao nhiêu ngã ba, ngã tư đông nghịt và người lớn sang đường còn mệt nói gì đến đứa trẻ 6 tuổi. Thế mà khi đến đón muộn, không thấy con đứng ở cổng trường chờ bố như mọi ngày, vào trường hỏi bác bảo vệ không còn bất cứ đứa trẻ nào trong trường, mấy dãy phố quanh đó cũng chẳng có. Bố cuống lên đi tìm, vào cả đồn công an gần đó, gọi điện đi các nơi và về cả hai bà để hỏi mà chẳng nơi nào có con. Bố thấy tim mình thắt nghẹn một nỗi lo sợ. Tìm mãi và khi trở về nhà để cùng mọi người bàn cách chia nhau đi tìm tiếp mới biết con vừa về đến nhà. Hóa ra hôm đó con tan ra sớm, bố lại đến đón muộn hơn mọi ngày, chưa có khái niệm giờ giấc, chờ lâu và thấy trời tối con đã tự tìm đường về nhà. Cứ lầm lũi đi qua những dãy phố mà trong trí nhớ đã lưu lại khi hàng ngày bố đèo con đi qua, cái cặp trên vai, con đi theo bản năng của chú chim non chập chững chuyền về tổ khi bị lạc giữa đời. Bố không biết khi đó trong đầu con nghĩ gì, chỉ thấy ông bà kể lại khi con về đến cửa, chỉ đến lúc nhìn thấy ông bà con mới oà khóc, con khóc lặng đi không còn ra tiếng nữa và tụt cái cặp rơi xuống đất. Con không vào trong nhà mà cứ đứng ở cửa khóc đến tím cả người. Con khóc như chưa bao giờ được khóc. Bố nhìn con và thấy ân hận, xót xa vô cùng. Bố tự nhủ không bao giờ để con rơi vào hoàn cảnh như thế này một lần nữa. Nhưng cũng chính đêm đó khi đã bình tâm lại bố tin rằng mai này con sẽ trở thành một người đàn ông mạnh mẽ...

Viết cho con những kỉ niệm ấy trong sinh nhật này, bởi nếu bố không kể con chẳng thể nhớ. Tuổi thơ con còn nhiều kỉ niệm đáng nhớ nữa, nó được ghi dấu lại bằng nhận thức và trí nhớ của con. Những kỉ niệm của ngày xa xôi mà hôm nay bố kể sẽ theo con vào đời, mỗi khi nhớ lại có thể con sẽ rút ra được từ đó điều gì có ích cho cuộc đời mình...

12 nhận xét:

  1. Anh tìm hiểu dần ngôi nhà này nhé.

    Trả lờiXóa
  2. anh mới mang 1 bài này sang thôi à? lại vừa đọc lại! anh và anh NHÂN đúng là....2 anh em! hìhì! (lẽ ra ở yahoo thì anh đã..nhìn thấy mặt em cười!..)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh nhờ Nhân thử tạm 1 bài đã. Hôm nay post entry mới rồi. Em nói vậy (đúng là...2 anh em) có ý như thế nào đấy? Và cười vì sao?

      Xóa
    2. sao giờ em mới thấy trả lời của anh nhỉ!vì thấy 2 anh emthương con,tc,giỏi giang như nhau mà!

      Xóa
  3. Cái thời bao cấp xa lắc ấy khổ quá anh nhỉ ? Cả nhà em ngày đó sống nhờ gánh bún mà xếp hàng mua thịt không có, tranh nhau cũng không lại... Lúc đó em cũng còn nhỏ, nên chỉ nhớ mang máng ... cơm độn khoai, ăn bobo... giờ mà kể không biết thế hệ 8X - 9X có tin không hay nói mình nói quá lên nữa.
    Đọc bài anh, cảm nhận một người cha thương con biết là bao. Nhờ được việc gì, anh viết lại cho con cháu ngày sau đọc mà hiểu, mà trân trọng cuộc sống đang có. Nếu em là con trai anh, đọc những lời này của bố, chắc hạnh phúc lắm....

    Trả lờiXóa
  4. Rất vui khi đọc những dòng com của bạn. Chúng ta đã sống cùng thời nên đã biết cái cay đắng, khổ nhục ngày ấy. Bây giờ kể lại các con tôi cứ nghĩ bố nói đùa.Chưa chắc chúng đã tin đó là sự thật của một thời. Bây giờ vẫn còn nhiều người không biết nhìn lại mà trân trọng CS, chẳng riêng thế hệ 8X - 9X đâu. Chúc bạn & gia đình Vui - Khỏe.

    Trả lờiXóa
  5. anh Lợi hả, mộc đây, nhà anh ổn rồi phải không, chúc mừng anh nha!

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn bác BĐM đã ghé thăm. Vậy là chúng ta lại có cơ hội thường xuyên ghé thăm nhau rồi. Bác vẫn ổn chứ?

    Trả lờiXóa
  7. Qua thăm bạn, chúc bạn tối vui nhiều nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn chị đã ghé thăm. cũng xin chúc chị vui.

      Xóa
  8. Bạn đã dũng cảm trở về,còn mình thì không đủ dũng khí ấy để bây giờ ở cũng dở mà về cũng dở.chúc bạn một năm mới an lành nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy ra anh vẫn đang...tha phương? Chúc anh một năm mói mạnh khỏe, bình an.

      Xóa

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Link : <a href="Link URL">TÊN LINK </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhạc của tui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]