17h10 (05/11) đang trên đường về
nhà, con trai gọi điện: “Mẹ đi khám, người ta giữ luôn ở bệnh viện rồi. Bố đang
ở đâu thế?”. Trả lời con trai và vội vã về nhà.
Mấy hôm nay con gái sốt cao, chủ quan nghĩ do
thay đổi thời tiết nên chỉ cho uống thuốc và ở nhà. Hai hôm nay thấy bà xã cũng
kêu bị sốt…Bây giờ lại thế này. Chuyện gì đây?
Về nhà sắp vội mấy thứ cho con
trai mang vào bệnh viên cho mẹ xong, lên gác xem con gái như thế nào. Thôi chết!
Đầu con gái nóng như hòn than, cặp nhiệt độ 40*C…mình cuống quýt đưa ngay con
vào bệnh viện gần nhà.
Hơn 18h, trời bắt đầu tối, đường
xá thì đông, đi taxi giờ này lâu lắm, đành đèo con bằng xe máy. Tranh thủ điện thoại trước cho người bạn là
bác sĩ trong viện, bạn lại đang ở nhà: “Anh đưa cháu vào phòng cấp cứu đi. Em sẽ
gọi điện vào đó”.
Vào đến nơi đưa con vào phòng cấp cứu nằm
ngay, cặp nhiệt độ, đo huyết áp, lấy máu xét nghiệm…truyền nước, thuốc…Bác sĩ
đuổi mình ra ngoài. Nhìn con gái mặt đỏ bừng, mệt mỏi cố nén đau khi bác sĩ lấy
máu mà ứa nước mắt. Con bé vốn nhát…
Bệnh viện buổi tối vắng, vài người
đưa người thân vào cấp cứu ngồi chờ phía ngoài đều im lặng trong lo âu. Gọi điện
hỏi con trai xem tình hình bà xã thế nào, khi biết ở đấy người ta lấy máu, khám
nhưng bảo các bộ phận xét nghiệm đã nghỉ, ngày mai mới có kết quả. Mẹ kiếp! Cái
kiểu khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế nên vậy mà. Chẳng qua bà xã đi làm, ốm
lên phải vào ytế công ty khám và người ta chuyển luôn ra đó phải chịu thôi, chứ
cấp cứu gấp mà vào những chỗ như thế này thì…toi đời.
Quay vào trong phòng cấp cứu, cô ytá
hỏi con gái có bảo hiểm ytế không. Cháu là học sinh nên phải có chứ. Nhưng bảo
hiểm của cháu hết hạn từ 31/10. Hôm nay
là mùng 5/11 rồi. Vậy thì không được.
Mẹ kiếp (lại phải văng tục)! Cái
cơ chế khốn nạn này. Con gái khai trường từ 5/9. Đi học hơn 2 tháng rồi, họp phụ
huynh đã đóng đủ thứ tiền từ lâu, vậy mà cái BHYT đến giờ này chẳng thấy đâu.
Chán chẳng buồn nói gì mình chỉ buông thõng: “Tôi thanh toán mọi thứ tiền, chẳng
cần cái BHYT ấy làm gì”
Nhà có 4 người, bỗng nhiên hai
người phụ nữ vốn luôn lo lắng, chăm sóc cho hai người đàn ông trong nhà đủ mọi
thứ lại cùng lúc lăn ra ốm. Hai bệnh viện lại ở hai đầu thành phố. Biết xoay sở
ra sao bây giờ. Chợt thấy đói, mệt. Từ sáng đến giờ ngoài ½ bát phở trước cuộc
họp lúc 8h, đến trưa là 7-8 cốc bia và ít mồi nhậu, đã có hột cơm nào vào bụng
đâu. Kiểu này dễ đêm nay phải ngồi cả đêm ở cửa phòng cấp cứu rồi. Lúc đi vội
quá nên chẳng kịp mang cái gì ngoài…Tiền.
Sau một lúc suy nghĩ đành phải
rút điện thoại ra gọi cho ông anh & cậu em trai nói rõ mọi chuyện. Hai vợ
chồng ông anh cùng hai vợ chồng chú em xấp ngửa lo nấu súp, cháo rồi chia nhau
chạy ra hai đầu thành phố. Bà chị dâu vào đến nơi ngồi xúc súp cho cháu ăn và bảo
mình tranh thủ về nhà tắm táp & ăn chút gì đó, chuẩn bị quần áo và mấy thứ
lặt vặt để mang vào cho con. Ông anh trai ngồi im lặng trên ghế ngoài cửa phòng
cấp cứu nhẫn nại chờ đợi.
(Chuẩn bị bữa ăn Nhạt để biết thương Mèo)
Về nhà làm vội
bát mỳ úp và đang đi lấy đồ thì chị dâu gọi điện bảo không cần vào nữa. Sau khi
tiếp xong thuốc và truyền nước có thể cho cháu về nhà vì qua xét nghiệm, chụp
phim cháu chỉ bị sốt virut. Ngày mai nếu uống thuốc mà còn sốt cao hay có hiện
tượng gì thì lại đưa cháu vào. Nhẹ bớt phần lo âu. Lát nữa sau khi truyền nước
xong anh chị sẽ đưa cháu về.
Gọi điện hỏi
con trai tình hình của bà xã, cũng chẳng có gì mới, bác sĩ và ytá đi đâu hết
sau khi dặn phải có người nhà trông bệnh nhân đêm nay. Chợt nhớ ngày bà xã sinh
con trai trên đất Czech, mới lâm râm đau bụng trở dạ vừa gọi điện xe bệnh
viện đã đến ngay sau vài phút và mọi việc được chăm sóc cực kì chu đáo.
Gần nửa đêm con trai đã về sau khi đèo bác (chị
gái mình) vào để bác trông mẹ. Cả đêm chập chờn không dám ngủ, chốc chốc lại trở
dậy sang phòng con gái sờ trán xem có sốt cao nữa không, phần cũng lo lắng
không rõ bệnh tình bà xã như thế nào. Rạng sáng khi vừa mơ màng thiếp đi thì
con gái sang phòng lay dậy: “Bố ơi! Con lại sốt 40* rồi”.
Chồm dậy đi lấy
thuốc cho con uống và sau khi con gái đã nằm yên trở lại mình cũng đi nằm. Mệt
nhưng không ngủ được, cứ chập chà chập chờn với những cơn mê…
06/11. Sáng sớm,
chị dâu gọi nói đã nấu cháo xong, bây giờ cho con gái mang xuống để em ăn, thế
là dậy mở cửa. Cho con ăn bát cháo xong đi nằm lại, nhưng cứ độ 10’ lại có một
cuộc điện thoại. Thôi chẳng nằm nữa. Dậy đi dọn dẹp nhà cửa, quét dọn sắp xếp lại
đồ đạc xong nhìn thấy chậu quần áo hai bố con ném ra hôm trước bừa bãi thế là
phải đi giặt, cái loại đồ này có ném vào máy giặt cũng chẳng sạch. Ngồi vò và
rũ hết đống quần áo đau cả lưng.
Vừa đem đống
quần áo lên phơi thì ôi chao, không biết cơ man nào là quần áo của cả nhà phơi
từ vài hôm trước chưa rút xuống. Muốn phơi được lại phải rút hết và thế là lại
mang gấp rồi xếp vào tủ.
Phơi xong quần áo nhìn vào phòng thờ thấy hai
lọ hoa hôm trước đã héo phảii đem đi vứt, bàn thờ tàn hương vương vãi mấy hôm
chưa được lau dọn. Lại lóc cóc lau dọn…
Sau khi ăn ké
bát cháo trong cái cặp lồng to tổ bố mà bà chị dâu chuẩn bị cho cháu. Nghĩ đến
bữa chiều, mở tủ lạnh chỉ thấy bia, phoma, xucxich…toàn đồ để nhậu, thấy thiếu
đồ ăn, gọi điện cho bạn dặn mua cho ít đồ ăn để bữa chiều hai bố con còn có cái
để mà nấu. Hơn 20 năm từ ngày về VN đến giờ đã bao giờ đi chợ đâu. Bạn bảo yên
tâm, sẽ mua luôn một vài thứ để ăn trong 2 ngày và sẽ có người mang đến.
(May quá, bạn đã mang đồ ăn đến)
Nghỉ được một
lát, con trai về, dặn mang thêm cho mẹ ít đồ. Con trai suốt từ chiều hôm qua đi
lại, trông mẹ nên cũng mệt. Mình lại sắp xếp các thứ và mang vào trong viện.
Cái bệnh viện
được xây dựng lên nhiều năm trước đây phục vụ cho ngành dệt may và những công
ty nhà nước quanh nó, nhưng chủ yếu là cho nhà máy dệt 8/3 với vài nghìn công
nhân. Bây giờ nhà máy dệt đã chết (cũng chết tức tưởi như Nhà máy Dệt Nam Định)
vì ngành may mặc toàn nhập nguyên liệu từ nước ngoài, mặt bằng nhà máy đã được bán cho
tập đoàn Vincom xây bệnh viện 5 sao. Những công nhân nhà máy dệt 8/3 ngày xưa
giờ đang bươn chải kiếm sống đâu đó trên những vỉa hè phố chợ, nếu chẳng may
bây giờ giờ ốm đau mà vào bệnh viện 5 sao đó điều trị chắc sẽ phải bán nhà để
trả tiền viện phí. Bệnh viện Dệt may vẫn đông người nhưng như chú em nói thì “Bác
sĩ & ytá nhiều hơn bệnh nhân”. Thảo nào mà có mỗi cái mẫu máu mà từ hôm qua
đến giờ vẫn chưa xét nghiệm xong. Chẳng qua Cty đã chuyển bà xã vào đó và thực
tế bệnh tình chưa đến mức phải chuyển viện nên cũng tạm chấp nhận xem như thế
nào.
Ngồi với bà xã
được một lúc lại phải tính việc về nhà để đón ytá đến truyền dịch cho con gái.
Về được một lúc thì chị dâu đưa ytá đến. Trong lúc chờ truyền cho con, mình
cùng con trai tranh thủ ăn bữa tối. Chỉ cần cắm nồi cơm, thức ăn bạn đã mua sẵn
rồi, cho vào lò vi sóng là ok.
(Ăn xong mới nhìn lại. Ôi quên nấu canh rồi. Rổ rau vẫn còn nguyên)
Bữa tối cũng
đã xong. Cô ytá chỉ chờ được hết chai thứ nhất, cắm xong chai thứ 2 cũng xin
phép ra về sau khi nghe mình cam đoan sẽ tự rút được kim truyền khi xong. Cuộc
sống vốn bộn bề những lo toan vất vả, chồng và con nhỏ đang còn chờ vợ, chờ mẹ ở
nhà để lo bữa tối, cô ấy cũng khó để đi suốt cả ngày…
Bây giờ trong
lúc chờ hết chai nước thứ 2 để rút kim truyền cho con, mình ngồi viết những
dòng này và ngẫm nghĩ mọi việc suốt từ chiều qua đến giờ.
Cổ nhân có câu: “Có
ăn nhạt mới biết thương đến Mèo”.
Hơn một ngày
đã trôi qua trong bộn bề những cuống quýt, lo toan mới thấm những việc nhỏ nhoi
hằng ngày của những người vợ, người mẹ…Hàng ngày sau công việc mình vẫn bao la
với bạn bè, đồng nghiệp ở quán, về nhà có sẵn cơm để ăn, quần áo thay ra cứ ném
vào nhà tắm có người giặt, nhà cửa có người lau chùi, quét dọn…
Mới một ngày
thôi đã thấy oải quá rồi. Nghĩ kĩ thấy những lúc như thế này cuộc đời mình hạnh
phúc biết bao khi xung quanh là người thân, bạn hữu…
Bây giờ là 23h10 ngày 6/11. Mới “ăn nhạt”
có một ngày…
<!--[if gte mso 10]>
table.MsoNormalTable
{
line-height:115%;
font-size:11.0pt;
font-family:"sans-serif";
}
-->
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment
Link : <a href="Link URL">TÊN LINK </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhạc của tui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]